Phóng sự - ký sự
Chốn yên bình của lính đảo
Những người lính ở đảo xa đối diện với bao khó khăn, thiếu thốn nhưng lòng luôn vững vàng bởi bên các anh là hậu phương vững chãi, bình yên.
Cùng cảnh ngộ nên những người vợ của lính đảo thường xuyên gặp gỡ chuyện trò, chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. TRONG ẢNH: Chị Phương Bắc (trái) và chị Quỳnh Anh (ngoài cùng, phải) cùng các con. |
Thương chồng mà vượt khó
Chúng tôi đến nhà chị Dương Thị Phương Bắc (vợ chiến sĩ Phan Quốc Thông công tác tại lữ đoàn công binh 83 Hải quân) khi chị đang tất bật vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa chăm đứa con 7 tháng tuổi, vừa lo cho đứa lớn đang học lớp 3. Nghe có người nhắc đến chồng, chị tủi thân kể:
“Mình sinh cháu thứ hai lúc anh đang công tác tại đảo Tiên Nữ (thuộc quần đảo Trường Sa). Ngày chuyển dạ, mình tự sắp xếp đồ đạc rồi bắt xe vào viện. Nằm trên giường mổ đến ngày thứ tư thì anh về. Anh về được đúng 1 ngày, ở với vợ con 1 đêm, trưa hôm sau lại lên đường. Nội, ngoại ở xa, không có điều kiện thuê người giúp việc nên chỉ mới sinh được hơn tuần là mình phải ra nấu nướng, giặt giũ, chẳng kiêng cữ được gì”.
Ngắm đứa bé đang ngủ ngon trên tay, chị cười nhẹ: “Mà mình thấy hay lắm nhé. Mỗi lúc con quấy khóc, mình cứ dỗ dành: Ư mẹ thương, để mẹ gọi bố về nhé… là nó nín ngay. Không chỉ vợ của lính mạnh mẽ mà con của lính cũng vậy, nhỉ”.
Từ ngày sinh con, chị Bắc phải nghỉ việc. Việc chợ búa nay nhờ người này, mai nhờ người khác. Có hôm, không gửi được hàng xóm, khi hai đứa con đang say ngủ, chị lấy dây buộc chân đứa nhỏ vào tay đứa lớn rồi ù té chạy ra chợ.
Lúc về, thấy hai con vẫn an toàn trên giường, chị thầm lạy trời khấn Phật. Thi thoảng, chị thèm cảm giác mỗi ngày tất bật đi làm rồi về ghé chợ, lo bữa cơm chiều cho chồng con như bao phụ nữ khác. Chị cũng thích mỗi cuối tuần cùng anh đưa con đến các khu vui chơi. Hay mỗi độ xuân về cùng anh trang hoàng nhà cửa, đi mua sắm thức quà biếu nội, biếu ngoại. Những điều đơn giản như vậy nhưng với anh chị thật xa xôi.
Đợt này anh đi đã hơn 1 năm. Tết này anh sẽ không về. Đêm nằm nhớ anh, nước mắt chị chảy ướt gối. Nhiều khi cơm nước đã nấu xong nhưng xuống bếp thấy lạnh tanh, chị lại bỏ lỡ bữa cơm. Biết bao điều va chạm ở nơi làm việc muốn san sẻ cùng anh cũng không được.
Bao lần anh gọi về, dù đang cảm sốt, nước mắt nước mũi thi nhau chảy thì chị vẫn nói, mấy mẹ con ở nhà rất khỏe, anh yên tâm. Nói rồi, chị lục tìm trong ngăn bàn lá thư đứa lớn viết cho bố ra đọc: “Bố, sao lâu lắm rồi bố không về? Bố không thương mẹ, thương con, thương em à? Con biết là bố chả nhớ con đâu vì lâu lắm rồi con đâu có hắt hơi. Mẹ cũng chả hắt hơi. Chỉ có cái út là thi thoảng hắt hơi thôi. Bố chỉ nhớ cái út thôi chứ gì?”…
Trong ngăn bàn của con, hai mẹ con chị lưu giữ hàng chục lá thư, tấm thiệp tự làm để gửi tặng anh. Con bé mới 9 tuổi đầu nhưng rất ra dáng chị hai. Trong tuần chị nằm cữ, bé đi học về là bê thau quần áo ra giặt, rồi phơi. Nhìn cái dáng bé nhỏ liêu xiêu bắc ghế phơi quần áo mà chị thắt ruột vì thương con.
Nhớ có lần anh về, hai vợ chồng chị tranh luận to tiếng, con bé chạy vào “mắng”: “Bố với mẹ có thôi đi không? Xa nhau thì đêm nằm cứ thút thít khóc ướt cả gối, gần nhau được mấy bữa mà cãi lộn là sao? Vợ chồng phải yêu thương nhau chứ sao mà cãi lộn?”.
Nghe “bà già” mắng, anh chị lại ôm nhau cười. Mà chị nào dám giận anh lâu. Vợ chồng cưới nhau 10 năm, số ngày ở gần chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giận nhau chưa đến 15 phút, anh chị đã lo làm lành.
“Nói thật, đến giờ, cảm giác tủi thân khi nhìn vợ chồng người ta sum vầy đầm ấm càng ngày càng lùi xa trong mình. 10 năm lấy chồng là lính đảo, giờ mình chỉ có một mong ước duy nhất là anh khỏe, đừng đau ốm, bệnh tật chi là được”, chị Bắc trải lòng.
Hầu như người phụ nữ nào làm vợ lính đảo cũng có ước mơ giản dị như vậy. Chị Lê Thị Quỳnh Anh (vợ của chiến sĩ Tăng Bá Tuyền, công tác tại tàu 628, Hải đội 311) kể, mỗi năm, chồng chị làm nhiệm vụ trên biển từ 3-4 chuyến.
Mỗi chuyến kéo dài 35 ngày. Trong khoảng thời gian anh lênh đênh ngoài khơi, chị hoàn toàn mất liên lạc với chồng vì không có sóng điện thoại. Chỉ khi nào gia đình có việc gấp, chị vào đơn vị của anh xin gọi điện thoại qua sóng vệ tinh. Nói vậy nhưng đến khi gọi được cho chồng, nghe giọng nói của anh thì “chuyện nhà” bay biến hết. Chị lại hỏi những câu quen thuộc như: Anh có khỏe không? Anh ăn cơm chưa?…
Cưới nhau được 6 năm, chị sinh hai đứa con nhưng chưa một lần được anh đưa đi khám thai. Những ngày không đi biển, anh trực ở đơn vị theo lịch 2 đêm trực, 1 đêm nghỉ. Chị hiểu công việc của chồng nên không bao giờ trách giận.
Chỉ tủi thân một chút mỗi lần con cái ốm đau mà phải lủi thủi một mình. Anh cũng không có điều kiện đưa đón con đi học hay dẫn con đi chơi. Thằng bé ngày càng lớn. Nó rất quấn bố. Có lần, con mượn điện thoại của mẹ chơi trò chơi nhưng lén gọi cho bố.
Nghe cuộc nói chuyện của hai cha con mà nước mắt chị lăn dài. Cu cậu gọi hỏi tối nay bố có về ăn cơm không, bố bảo bận trực không về được. Nó bảo: Thế bố không về chở con đi chơi à? Lâu lắm rồi con không được đi chơi, bố hứa rồi mà. Anh dỗ dành bảo nhờ ông ngoại dẫn đi giúp bố. Thế là cu cậu “lẫy” nói: Con không nhớ bố nữa, con cúp máy đây! Dẫu vậy, gặp ai cu cậu cũng tự hào khoe: Bố tớ là thuyền trưởng đang canh giữ ngoài quần đảo Trường Sa đấy nhé.
Trên hết là niềm tự hào
Bao nhiêu người lính hải quân đang công tác tại đảo xa thì cũng bấy nhiêu người vợ trở thành điểm tựa trong gia đình. Qua điện thoại, anh Nguyễn Văn Thủy, hiện công tác tại Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho biết, đợt ra đảo lần này anh cùng đồng đội đi 2 năm liền. Bà xã cũng công tác trong quân đội nên anh rất thương chị vì một mình cáng đáng nuôi dạy hai đứa con đang tuổi ăn học, trong khi nội, ngoại đều ở xa. Mới đây, con gái lớn của anh điện thoại báo đã thi đỗ vào Trường THPT Phan Châu Trinh.
Tin vui từ gia đình khiến anh ấm áp, vững dạ một lòng làm nhiệm vụ. “Ngoài đảo đã có sóng điện thoại nên những lúc có thời gian, tôi đều gọi về nhà. Lần nào cũng nghe vợ nói cả nhà đều ổn nhưng tôi hiểu cô ấy đã rất vất vả. Tôi chỉ biết bù đắp cho vợ bằng cách dành thời gian ít ỏi những lúc ở nhà để chia sẻ việc nhà, trách nhiệm với con cái. Những ngày lễ của phụ nữ, tôi cũng chỉ có thể nhắn tin cho cô ấy chứ không thể tặng hoa hay quà như những ông chồng khác. Dù vậy, vợ tôi rất mạnh mẽ. Cô ấy rất tự hào về chồng và dạy các con tự hào về bố”, anh Thủy chia sẻ.
Dẫu gặp nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống nhưng chị Bắc bảo, nếu nói làm vợ lính đảo không thiệt thòi là không đúng nhưng chị luôn tự hào và kiêu hãnh về công tác của chồng. Ở đất liền, khó khăn, thiếu thốn chẳng thấm gì so với các anh ở đảo.
Những ngày không có anh ở nhà, những lúc cô đơn, chị lại nhớ về kỷ niệm của hai vợ chồng để vững lòng cùng anh bước tiếp. Quê chị Bắc ở miền đất trung du nghèo Nghệ An. Chị theo bạn vào làm công nhân tại KCN An Đồn (Đà Nẵng), rồi tình cờ gặp anh Thông trong một lần hai đơn vị giao lưu. Sau lần gặp đầu tiên ấy, anh chị có đi cà-phê riêng với nhau độ 3-4 lần, rồi một thời gian sau, anh về hỏi cưới.
Khi ấy, chị chỉ là cô gái quê mới lớn, chưa định hình rõ tình yêu là gì nhưng chị thấy tin tưởng người đàn ông này. Có khi, đơn giản vì anh là người lính. Lúc mới lấy nhau, do khoảng thời gian tìm hiểu nhau không nhiều, anh chị gặp khá nhiều bất đồng trong sinh hoạt hằng ngày.
Ngày anh ra đảo, chị mới nghe ruột gan cào xé. Hàng trăm điều muốn nhắn nhủ với anh nhưng cuối cùng chị chỉ nói ngắn gọn: “Nhiệm vụ của Nhà nước giao là quan trọng, anh cứ đi đi, mẹ con em ở nhà sẽ ổn. Bên cạnh mình còn có hàng xóm, bạn bè”. Đứa con 3 tuổi chỉ biết nhìn bố và mẹ bịn rịn chia tay. Buổi chia tay ấy tuyệt nhiên không có nước mắt.
Chia tay chị Bắc, tôi mới nhớ, dường như trong nhà không thấy tấm ảnh nào chụp chung của hai vợ chồng. Khi tôi thắc mắc thì chị bẽn lẽn nói:
“Hồi hai vợ chồng cưới nhau phải tự lập hết. Đám cưới xong còn nợ nhà hàng 400.000 đồng, họ thấy tội quá nên cho luôn. Hai vợ chồng chỉ chụp 1 tấm ảnh cưới làm kỷ niệm thôi. Sau này thì không có điều kiện chụp vì cả hai đều dùng điện thoại “cục gạch”. Nhiều lúc nhớ anh lắm mà chẳng có tấm hình nào để nhìn. Năm sau anh về là tròn 10 năm vợ chồng mình nên duyên. Có lẽ, tụi mình sẽ đi chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm”.
Bài và ảnh: QUỲNH TRANG