Nơi yêu thương nảy mầm

.

Tình cờ biết đến chương trình “Gia đình nuôi tạm” để rồi cái tên chương trình ngay lập tức gây sự chú ý đặc biệt với ông Phạm Duy Trực, lúc đó là Chủ tịch HĐND phường Tam Thuận (quận Thanh Khê).

Tò mò tìm hiểu, ông mới biết đây là chương trình do Tổ chức HOLT (Hoa Kỳ) tài trợ kinh phí nhằm tìm kiếm những gia đình đủ điều kiện, nhất là có tấm lòng yêu thương con trẻ để nhận nuôi những đứa trẻ đặc biệt khó khăn mà nhiều gia đình không thể nuôi dưỡng trong khoảng thời gian nhất định. Suy nghĩ mãi, cuối cùng ông bàn bạc với vợ con là mình đăng ký nhận nuôi những đứa trẻ này…

Đại diện Tổ chức HOLT và Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố đến nhà ông Trực đón bé O. để giao lại cho mẹ ruột nuôi dạy.
Đại diện Tổ chức HOLT và Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố đến nhà ông Trực đón bé O. để giao lại cho mẹ ruột nuôi dạy.

Nhớ lại những ngày đầu gian nan, ông Phạm Duy Trực tâm sự: “Nhà tôi lúc đó ở số 151/6 Trần Cao Vân, chỉ 75m2 lại có 2 con nhỏ, đứa 10 tuổi và đứa 12 tuổi, nên tôi rất đắn đo khi nói suy nghĩ của mình với vợ con. Nhưng thật bất ngờ, chỉ sau vài câu hỏi tìm hiểu thì cả hai đứa con và vợ đều nhất trí.

Thật là mừng, tôi vội chạy qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đăng ký nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Trải qua khá nhiều lần tìm hiểu và phỏng vấn trực tiếp của đại diện Tổ chức HOLT tại Việt Nam, cuối cùng gia đình tôi cũng nhận được cái gật đầu từ tổ chức này”.

Đến giờ, ông Trực vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến nhận “con” về. Đó là buổi chiều tháng 3 năm 1994, ông đến số 64 Đống Đa - nơi đang tiếp nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi, hoặc cha mẹ có hoàn cảnh quá éo le gửi nuôi, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng ông không thể không giật mình khi ẵm bé Đoàn Thị Minh P. trên tay.

Đã 2 tuổi nhưng bé P. chỉ bé xíu như con mèo con, mình đầy ghẻ chốc, tai chảy mủ xanh. Vợ chồng ông ẵm bé rời Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi mà lòng đầy lo lắng khi các cô bảo mẫu ở đây cứ chặc lưỡi: “Không biết con có qua khỏi được không”.

Ngày đón bé P. về cũng là lúc mọi thứ trong gia đình ông bắt đầu đảo lộn khi cả hai vợ chồng và hai đứa con phải vật vã chăm một em bé lạ lẫm, yếu ớt. Cũng không biết bao lần vợ chồng ông ẵm bé vào bệnh viện để chạy chữa.

Cuối cùng bé P. đã vượt qua cơn nguy hiểm, dần dần khỏe mạnh. Tròn đúng một năm, đến ngày bé P. trở về với mẹ ruột (cha chết), cả nhà rơi vào hụt hẫng suốt mấy đêm liền chẳng ai ngủ được. Thế nhưng chẳng phải chờ lâu, chỉ vài tháng sau, Tổ chức HOLT lại tiếp tục giới thiệu bé thứ hai để vợ chồng ông Trực nuôi dưỡng.

Đó là bé Nguyễn Công T., được Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi đón về từ Duy Xuyên (Quảng Nam) khi bé vừa được 1 ngày tuổi. Đến nhận con mà cả vợ chồng ông ứa nước mắt khi nghe các cô bảo mẫu nói “vừa lọt lòng đã bị mẹ bỏ ngay, nên cũng chưa biết được mùi sữa mẹ thế nào”.

Lại bắt đầu những ngày vất vả nuôi dạy bé T. với bao đêm thức trắng vì bé hay đau vặt, rồi khi bé tròn 1 tuổi cũng là lúc cả nhà bịn rịn chia tay để em theo ba mẹ nuôi về Mỹ…

Cứ vậy, mỗi lần nhận được điện thoại từ Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi là ông Phạm Duy Trực và vợ Trần Thị Thanh lại vội vàng chạy xe qua đón con về. Những ngày vất vả với những đứa trẻ èo uột cứ kéo dài thêm với vợ chồng ông Trực.

Cuốn sổ nhật ký ghi chép cẩn thận từng trường hợp, từng mốc thời gian của các con cũng dày theo qua năm tháng. Thậm chí có thời điểm hai vợ chồng nhận nuôi đến 2 anh chị em cùng lúc, cực nhọc cũng vì thế tăng gấp đôi.

Những lúc nhớ các con, ông Trực lại mang cuốn nhật ký ra đọc.
Những lúc nhớ các con, ông Trực lại mang cuốn nhật ký ra đọc.

Tròn 15 năm qua, gia đình ông Nguyễn Duy Trực đã nhận nuôi tổng cộng 23 đứa trẻ. Tất cả các trường hợp sau khi được gia đình nhận về nuôi và chăm sóc đều phát triển tốt. Đã có 5 bé được ba, mẹ nuôi người Mỹ nhận làm con; trong đó có 1 trường hợp đã có gia đình và sinh con.

Ông Trực chia sẻ: “22 đứa trong số này đều gọi tôi bằng ba và vợ tôi bằng mẹ, riêng bé gần đây nhất là Bảo O. gọi bằng ông nội và bà nội, vì chúng tôi cảm thấy mình cũng già rồi. Cực khổ là đương nhiên, vì hầu hết các con về với chúng tôi đều trong thể trạng rất kém, lại mang nhiều bệnh tật.

Nhưng đó lại là động lực để gia đình tôi cố gắng hơn. Mặc dù kinh tế vẫn túng thiếu với đồng lương hưu của hai vợ chồng, thậm chí vợ phải đi phụ làm bếp còn tôi nhận thêm chân bảo vệ ban đêm, nhưng mọi cực nhọc đều tan biến khi nghe các con gọi ba ơi! mẹ ơi! Vậy là đủ với gia đình chúng tôi rồi!”.

Chị Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố, đơn vị phối hợp với Tổ chức HOLT triển khai chương trình “Gia đình nuôi tạm” tại Đà Nẵng tỏ ra hết sức thán phục tấm lòng của vợ chồng ông Trực:

“Tất cả ai từng làm mẹ đều cảm nhận được sự nhọc nhằn nuôi con nhỏ dại, nhưng với vợ chồng ông Trực thì không chỉ 1, 2 đứa trẻ mà đến 23 đứa. Không những thế, hầu hết các cháu khi về với gia đình ông đều trong tình trạng sức khỏe kém. Đây là một gia đình rất đáng ngưỡng mộ bởi với phần hỗ trợ 1,8 triệu đồng/cháu/tháng quả là không thấm vào đâu so với công sức gia đình bỏ ra. Vậy mà mỗi khi chúng tôi nhấc máy gọi thì luôn nhận được cái gật đầu rất nhanh của gia đình…”.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.