Phóng sự - ký sự

Phiêu du giữa mây trời

07:58, 14/07/2018 (GMT+7)

Khi đôi chân rời mặt đất, cả thân người được nhấc bổng về phía bầu trời trong xanh vời vợi cũng là lúc mọi bộn bề lo toan của cuộc sống bị bỏ lại dưới chân, chỉ còn cảm giác phiêu linh, bay lượn tự do như chim, thư thái bồng bềnh trong gió, giữa mây trời biển rộng bao la.

Dù lượn bay trên khu vực bán đảo Sơn Trà.  Ảnh: Danang Paragliding
Dù lượn bay trên khu vực bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Danang Paragliding

Những cơn gió đỏng đảnh

Giữa trưa hè nắng gắt tháng 6, anh Dương Hiển Hoàng, Chủ nhiệm CLB Dù lượn Đà Nẵng (Danang Paragliding) cứ đi quanh bãi đất bằng trên đỉnh Sơn Trà, nơi được sử dụng làm bãi cất cánh cho những ai tham gia môn dù lượn, hai bàn tay anh giơ ra phía trước để cảm nhận hướng gió, tốc độ gió, cân nhắc việc có đủ điều kiện để bay hay không. Kiểm tra được một lúc, anh lắc đầu bảo: “Gió đổi hướng rồi, chưa bay được”.

Lúc ở dưới phố, thiết bị đo gió do CLB Dù lượn Đà Nẵng đặt trên đỉnh Sơn Trà báo gió rất thuận, cùng thời điểm đó trời lại đẹp, vì thế, anh Hoàng và những người bạn cấp tập phóng xe lên bãi cất cánh, vậy mà khi đến nơi thì gió lại đổi hướng, không những vậy còn xuất hiện 2 luồng gió khác nhau quần thảo trên bầu trời khiến khó có thể xác định được thời điểm nào cơn gió hợp lý nhất mới xuất hiện.

Một bạn trong CLB Dù lượn sốt ruột chờ đợi nên cứ sửa soạn sẵn vòm dù, nai nịt cẩn thận, chỉ cần gió thuận là tung nhảy ngay. Thế nhưng, sau gần 2 giờ đồng hồ chờ đợi, mọi người đành thất thểu ra về, chẳng có “phi công” nào có thể cất cánh trong điều kiện gió không đạt yêu cầu.

Theo anh Hoàng, điều khó nhất cho mỗi lần bay là thời tiết, mà cụ thể là gió. Thời tiết thuận lợi hay không ảnh hưởng rất lớn đến việc cất cánh, tuy nhiên, một khi đã được huấn luyện, người điều khiển dù lượn tự biết gió mạnh thì không được bay.

“Ở công đoạn cất cánh, gió hợp lý thì kiểu gì cũng tung bay được, còn không thì sẽ rơi xuống... bụi cây. Cũng có khi gió mạnh thổi dạt dù đến những hướng mà người bay không thể kiểm soát được. Do vậy, xác định được thời tiết để tính toán việc bay hay không là rất quan trọng”, anh Hoàng nói.

Mỗi năm, ngoài việc bay một mình, anh Hoàng và những thành viên CLB còn tổ chức bay đôi với thời gian bay chủ yếu được sắp xếp vào buổi sáng vì đây là thời điểm gió đẹp, thích hợp nhất cho việc cất cánh. Dù vậy, tùy theo mùa và trên cơ sở theo dõi thông tin từ đài khí tượng trong và ngoài nước cùng với việc kiểm tra thực địa, các anh mới xác định chính xác thời điểm, hướng gió hợp lý cho việc cất cánh.

Từ trên dù lượn, có thể thu trọn vào trong tầm mắt phong cảnh núi rừng, mây trời, biển nước, những bãi cát trắng trải dài, phố xá thênh thang. Ảnh: H.A
Từ trên dù lượn, có thể thu trọn vào trong tầm mắt phong cảnh núi rừng, mây trời, biển nước, những bãi cát trắng trải dài, phố xá thênh thang. Ảnh: H.A

Bồng bềnh giữa không trung

Sau lần “tóm” hụt cơn gió đẹp, chúng tôi lại tiếp tục đến bãi cất cánh trên đỉnh Sơn Trà để trải nghiệm cảm giác mà theo như lời anh Hoàng là “choáng ngợp” khi bay lượn, “treo mình” lơ lửng trong không trung. Hôm ấy, phải đến giữa trưa, những cơn gió đẹp mới xuất hiện, bầu trời lúc ấy xanh trong, bãi cất cánh ngập trong cái nắng chói chang của ngày hè miền biển.

Sau khi sửa soạn trải dù ra vị trí cất cánh, cẩn thận, tỉ mỉ kiểm tra vòm dù, hệ thống dây đai, thiết bị bảo hộ, nai nịt gọn gàng, an toàn, anh Hoàng hướng dẫn những bước cơ bản để người bay đôi cùng anh cảm thấy tự tin và không lo lắng khi phía trước là một thử thách mạo hiểm chưa từng thử qua.

Đến phút cuối, tưởng chừng như có thể bay ngay được thì gió có dấu hiệu đổi hướng, dù vậy, anh Hoàng vẫn kiên nhẫn tính toán, nhích vài bước chân sang hướng phù hợp để đón gió; “khi nào cảm thấy gió thổi mát mặt là bay được”, anh nói.

Chờ đợi vài phút rồi cũng đến lúc gió phả hơi mát lạnh và ngay lập tức, những bước chạy cấp tập được thực hiện. Vì đã được dặn dò kỹ nên tôi cứ thế chạy về phía trước, không cần biết chân lúc nào rời khỏi mặt đất, vì nếu chỉ một chút e dè, ngập ngừng dừng lại là mọi nỗ lực cất cánh tiêu tan, cả đôi có thể ngã bất cứ lúc nào.

Và rồi, chỉ sau vài bước chạy, đôi chân tôi được nhấc bổng lên khỏi mặt đất, cả thân người lơ lửng giữa không trung, cảm giác “choáng ngợp” ngay lập tức ùa đến khi trước mắt tôi là khoảng không bao la, ngước lên trên là bầu trời rộng mở với những áng mây trắng hờ hững trôi, nhìn xuống dưới chỉ thấy một màu xanh ngút ngàn của những tán rừng Sơn Trà, phóng tầm mắt ra xa là cả một vùng biển rộng với những bãi cát trắng như dải lụa mềm mại bao quanh thành phố biển xinh đẹp.

Thật khó để diễn tả cảm giác “kỳ diệu” khi chao lượn trên bầu trời, tự do bay giữa không trung, cảm nhận từng làn gió thổi dịu nhẹ, thả mình giữa mênh mông để bao muộn phiền được xua tan, chỉ còn lại sự thư thái, nhẹ nhõm trong tâm hồn.

Đặc biệt, chưa bao giờ tôi thấy phong cảnh Đà Nẵng đẹp ngoạn mục đến vậy khi núi rừng, mây trời, biển nước, những bãi cát trắng trải dài như vô tận, phố thị thênh thang cùng hòa vào nhau trong một bức tranh non nước hữu tình.

Từ trên cao, có thể thu trọn vào trong tầm mắt cả quần thể chùa Linh Ứng - Bãi Bụt oai nghiêm được bao bọc xung quanh bởi những tán cây xanh, bên dưới chân núi là những hồ nước xanh trong cùng những con đường uốn lượn quanh co; xa mãi ngoài khơi thấp thoáng dáng hình của đảo Cù Lao Chàm, gần hơn là hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân neo đậu trên biển Thọ Quang, chẳng khác nào những chấm nhỏ điểm tô trên một nền vải xanh xanh màu ngọc bích.

Vài phút sau khi cất cánh, lúc dù lượn lơ lửng trên khu vực rừng Sơn Trà, anh Hoàng nhẹ nhàng kéo hệ thống dây đai nối với vòm dù, ngay lập tức chúng tôi lượn tròn một vòng trên những mảng cây xanh ngút ngàn, rồi lại tiếp tục bay ra biển, hướng về phía thành phố.

Trong suốt thời gian thưởng ngoạn phong cảnh từ trên cao, việc bay sang trái hay phải, lên cao hay xuống thấp, nhanh hay chậm… đều được anh Hoàng điều khiển một cách thuần thục, chuyên nghiệp, không hề tạo chút cảm giác hẫng hụt cho người bay cùng.

Theo anh Hoàng, điều anh muốn mang lại cho người đồng hành cùng mình không đơn thuần chỉ là cảm giác bay giữa không trung mà mục đích chính là để họ có thời gian, không gian thưởng thức chuyến bay qua việc thỏa thích ngắm biển, núi, mây trời hòa quyện trong bức tranh phong cảnh đẹp ngất ngây.

Dù lượn bay trên khu vực bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Danang Paragliding
Dù lượn bay trên khu vực bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Danang Paragliding

Theo đuổi đam mê

Mãi cho đến khi tiếp đất ở bãi biển Thọ Quang được một lúc lâu, trong tôi vẫn còn cảm giác choáng ngợp với những gì vừa trải nghiệm. Lúc này, tôi mới hiểu vì sao những người yêu thích dù lượn đam mê môn thể thao mạo hiểm này đến thế, thậm chí theo lời tâm sự của anh Nguyễn Văn Tiến Toàn, thành viên CLB Dù lượn Đà Nẵng, là “dù gặp tai nạn khi bay nhưng chỉ một tháng sau khi hồi phục là lại vác dù lên Sơn Trà bay tiếp, mê lắm, không bỏ được”.

Anh Toàn còn cười đùa bảo rằng anh “nghiện bay”, nhất là những chuyến bay đêm. Với anh, khi màn đêm buông xuống, phố xá lên đèn, Đà Nẵng càng đẹp hơn trong mắt các “phi công” dù lượn.

Còn với anh Hoàng, dù tự nhận mình là người nhát gan, không thích mạo hiểm, nhưng khi đến với bộ môn dù lượn từ cách đây 6 năm, anh đã không từ bỏ được niềm đam mê với những chuyến bay lượn tự do trên bầu trời, đặc biệt là khi thả mình giữa không gian bao la được bao phủ bởi những tán rừng Sơn Trà xanh ngút ngàn và biển nước mênh mông.

Đã từng bay ở nhiều địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng anh Hoàng cho rằng, Sơn Trà là điểm bay lý tưởng nhất vì từ trên cao có thể nhìn thấy núi rừng, biển cả, phố xá. Tuy vậy, đây cũng là điểm bay khó vì từ điểm cất cánh và hạ cánh không thể thấy nhau, người mới tham gia môn thể thao này hoặc từ nơi khác đến nếu không khảo sát trước địa hình, không có kinh nghiệm sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ về việc tập luyện môn dù lượn, anh Hoàng nói: “Những ai muốn theo học môn thể thao này có thể mất 1-2 tháng chăm chỉ luyện tập mới có thể cất cánh ở những vị trí có độ cao vừa phải. Thời gian huấn luyện còn tùy thuộc vào người học, có người 7 ngày đã có thể bay nhưng cũng có người 1, 2 tháng chưa bay thành thục được”.

Ngoài kinh phí tầm 7-8 triệu đồng/người một đợt huấn luyện, anh Hoàng còn đặt ra một số điều kiện bắt buộc để ai thực sự đam mê mới có thể theo đuổi môn thể thao mạo hiểm này.

Để đến với môn dù lượn, người chơi phải tốn tầm 50-100 triệu đồng đầu tư cho một bộ dù bay cùng các thiết bị bảo hộ đi kèm. Nhưng có tiền vẫn chưa đủ, quan trọng hơn chính là sức khỏe, nếu không khỏe mạnh, dẻo dai thì cũng khó theo bộ môn này lâu dài; thêm vào đó, phải luôn luôn cẩn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc bay an toàn, lường trước mọi tình huống có thể xảy đến để phòng rủi ro, nguy hiểm.

Ngoài ra, theo anh Hoàng, dù lượn là môn thể thao bay không cần động cơ, nó giống như một loại nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải hết sức khéo léo lựa theo gió để điều khiển dù chao lượn trong không trung. Với những ai muốn thử thách bản thân, muốn vượt qua chính mình và ưa thích khám phá bầu trời, chinh phục độ cao thì sau khi đã quen với dù lượn, sẽ khó có thể dứt ra được.

“Khi bay trên trời thì mọi thứ bỏ hết dưới chân, bạn là chim, tự do tung cánh, không phải suy nghĩ gì ngoài việc thưởng ngoạn vẻ đẹp của phong cảnh xung quanh. Chính vì cảm giác ấy mà chúng tôi đam mê môn thể thao đầy lý thú này”, anh Hoàng tâm sự.

Hà An

.