Phóng sự - ký sự

Đi dọc đường ngang

08:14, 02/06/2018 (GMT+7)

Băng qua những đoàn tàu nối đuôi nhau lần lượt vào, ra thành phố Đà Nẵng là những lát cắt ngang của nhiều tuyến đường bộ dân sinh. Ngày qua ngày, nhân viên gác chắn vẫn làm công việc của người cảnh báo, bảo đảm cho hành trình đến và đi của mỗi đoàn tàu được thông suốt. Nhìn đơn giản vậy nhưng lại không “dễ thở” chút nào, bởi chỉ trong giây lát mất tập trung, tính mạng nhiều người sẽ bị đe dọa.

Ô-tô, xe máy vẫn cố tình băng qua đường sắt khi nhân viên đường sắt tiến hành đóng gác chắn. Ảnh: Hoàng Nhung
Ô-tô, xe máy vẫn cố tình băng qua đường sắt khi nhân viên đường sắt tiến hành đóng gác chắn. Ảnh: Hoàng Nhung

Người trong cuộc vẫn đùa với nhau rằng, đây là cái nghề “ăn cám trả vàng”. Nhưng một khi cái nghiệp đã gắn vào thân, họ xem mỗi chuyến tàu băng qua đoạn đường gác chắn một cách an toàn là niềm vui, dù phảng phất đâu đó nhưng cũng đủ để “nuôi” chút tâm huyết với nghề.

Bữa cơm bỏ dở

Chuyến tàu hàng 2414 từ ga Đà Nẵng vừa chuyển bánh. Nhận thông tin, anh Trần Văn Cường, nhân viên gác chắn tại đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê) bỏ dở đôi giày vải đang được đục lỗ để may, vớ vội chiếc mũ, đôi găng tay bước về phía thanh chắn. Từ trong phòng trực, nữ nhân viên Huỳnh Thị Thu Hiền sau khi ghi chép lịch trình giờ tàu vào sổ nhật ký, tay cầm cờ hiệu, vội qua thanh gác chắn phía còn lại.

Đây là chuyến tàu thứ 19 trong ngày hôm nay, anh Cường nhẩm tính. Còn khoảng 4 phút nữa tàu mới chạy qua, nhưng cả 2 nhân viên đã sẵn sàng, mắt dõi về đoạn đường sắt hướng nhà ga Đà Nẵng. Khi tiếng còi tàu vang lên ở phía xa, bỗng một bà cụ đẩy chiếc xe đựng ve chai bị mắc kẹt ngay giữa đường tàu.

Hoảng hốt, anh Cường, chị Hiền cùng chạy lại, hợp lực đẩy nhanh chiếc xe giúp bà cụ. “Không ăn thua gì, chiếc xe này còn nhẹ hơn thanh chắn của anh Cường đẩy mỗi ngày”, chị Hiền cười đùa. Hỏi mới biết, thanh chắn hai bên có trọng lượng khác nhau, anh Cường đã nhận bên phía nặng hơn để chia sẻ với nữ đồng nghiệp chân yếu tay mềm.

Tuy nhiên, đó không phải là những khó khăn, trở ngại lớn nhất trong công việc của họ. “Lo nhất vẫn là mấy chiếc xe, dù đã có hiệu lệnh dừng lại nhưng vẫn ráng để vượt qua. Một người qua được thì người kia cũng muốn qua. Chưa kể, mấy chiếc xe tải hạng nặng cũng bất chấp, lỡ chết máy giữa chừng là rất nguy hiểm”, anh Cường cho biết.

Đã thành thông lệ, sau khi nhận tin báo từ trung tâm, các nhân viên gác chắn vội bật đèn tín hiệu, tiếng chuông lắp đặt hai bên trạm để cảnh báo người đi đường.

Trong trạm gác nhỏ chỉ vẻn vẹn chừng 5m2 là chiếc tủ gỗ nhỏ đựng đủ thứ gia vị và nhu yếu phẩm. “Làm cái nghề này ăn cơm đường nhiều hơn cơm nhà nên mấy anh em sắm một ít đồ, thỉnh thoảng chán cơm bụi thì nấu ăn. Cũng gọi là qua loa cho xong bữa”, chị Hiền chia sẻ.

Hai vợ chồng cùng nghề nên rất ít khi bữa ăn gia đình chị đầy đủ thành viên. Đứa con 2 tuổi cũng được bố mẹ thay phiên nhau chăm sóc. Hôm nào vợ hoặc chồng tăng ca, trùng giờ làm với nhau thì gửi con về ngoại.

“Cũng có lúc đang ăn thì bỏ dở giữa chừng vì tàu đến. Hì hục đẩy thanh chắn, cờ hiệu, rồi vệ sinh đường ray ngay sau đó, xong vào đến nơi thì cơn đau dạ dày kéo đến nên bỏ luôn bữa”, anh Cường cho biết thêm.

21 năm ròng làm nhân viên đường sắt. 6 năm trước, khi sức khỏe yếu dần do chứng bệnh đau dạ dày, anh Cường xin chuyển từ bộ phận bảo trì sang bộ phận gác chắn để có chút thời gian nghỉ ngơi.

Cũng chừng ấy thời gian, những bữa cơm nuốt vội cạnh đường tàu dường như làm cho căn bệnh của anh càng diễn biến nặng hơn. Với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng mỗi tháng, anh Cường cho biết, chừng ấy chỉ để đủ trang trải cuộc sống một cách tằn tiện.

Những lúc rảnh rỗi chờ tàu tới, anh nhận gia công thêm việc làm giày vải. “Mình đàn ông tay mạnh nên đục lỗ, tan ca thì mang về cho vợ may gia công, kiếm thêm thu nhập”, anh kể. Vợ anh, cũng là nhân viên gác chắn tại ga Hòa Mỹ (Liên Chiểu), đã gần 20 năm nay.

Sau giờ tan ca, hai vợ chồng lại thay phiên nhau hì hụi với mớ giày nhận gia công làm thêm. Với tiền công 2.000 đồng/đôi giày, mỗi ngày cũng ráng được 20-25 đôi giày. Chút niềm vui ấy được anh chị đổ dồn hết cho cậu con trai đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học.

Bất chấp hiểm nguy từ phương tiện qua đường, anh Cường làm vệ sinh đường ray để đoàn tàu đi qua được thông suốt. Ảnh: PHAN CHUNG
Bất chấp hiểm nguy từ phương tiện qua đường, anh Cường làm vệ sinh đường ray để đoàn tàu đi qua được thông suốt. Ảnh: PHAN CHUNG

Mạng người mới quan trọng

Trên địa bàn thành phố hiện có 58 đường ngang dân sinh cắt qua đường tàu. Trong nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông qua đường sắt, ngành đường sắt đóng 6/25 lối đi dân sinh (đường ngang bất hợp pháp), và vẫn còn 6 đường ngang hợp pháp không có người gác trên tổng số 33 đường ngang hợp pháp.

Nhưng trên thực tế, đường ngang hợp pháp hay không hợp pháp, có người gác hay không có người khác đều thể hiện sự bất an, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khi ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.

Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn đường sắt xảy ra, trong đó nguyên nhân chính xuất phát từ người tham gia giao thông. Thắp vội nén hương tại am thờ cạnh đường tàu, ông Phạm Văn Ba, tổ trưởng tổ gác chắn đường sắt tại km781+545, đoạn qua địa phận phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, lắc đầu nói:

“Mạng người mới thực sự quan trọng, tiếc là nhiều người lại quá thờ ơ với chính nó, gây ra những hậu quả đau lòng, vừa thiệt thòi cho bản thân, vừa liên lụy đến người khác”. Năm 2013, khi chứng kiến 4 nạn nhân lần lượt tử vong khi băng qua đoạn đường này, ông đã tự nguyện đứng ra làm nhân viên gác chắn, cảnh báo cho người đi đường.

Nhận thấy việc làm này là cần thiết, UBND quận Liên Chiểu sau đó đã thành lập trạm gác chắn dân sinh ngay tại cung đường này. Ông Ba vốn là bộ đội phục viên, đã đứng ra kêu gọi, vận động một số cựu chiến binh cùng nhau tham gia. Đến nay, 5 thành viên của trạm đều là các cán bộ hưu trí, người cao tuổi sinh sống tại địa phương.

Chiếc am thờ nhỏ cạnh đường tàu vẫn được các ông chăm sóc, hương khói mỗi ngày, như lời nhắc nhớ về quá khứ buồn đau một thời tại con đường này. “Nhiều người giờ chạy xe ẩu quá, nhất là những thanh niên.

Đêm hôm đi chơi về chạy băng qua đường ào ào mà chả quan tâm gì đến xung quanh hết. Thậm chí, thanh chắn hạ rồi vẫn nằng nặc qua đường cho bằng được. Không cho thì cự cãi, sinh chuyện”, ông Ba kể.

Mấy hôm nay, những nhân viên gác chắn tàu tại cung đường sắt Kim Liên, đoạn qua địa phận quận Liên Chiểu vẫn thay phiên nhau thăm hỏi, động viên chị Nguyễn Thị Út, nhân viên gác chắn tại đường Nguyễn Tất Thành, mong chị cùng anh em tiếp tục công việc.

Hơn 10 ngày trước, trong một ca trực ban đêm, chị bị hai thanh niên đánh tới tấp vào mặt vì không chịu mở chắn cho họ qua. Đêm khuya, cánh phụ nữ yếu đuối, lại bị đánh bất ngờ, chị chỉ biết ôm mặt khóc nức nở. Kể lại câu chuyện này, anh Nguyễn Tiến Trí, Cung phó an toàn, Cung đường sắt Kim Liên không giấu được nỗi buồn.

“Có những thiệt thòi mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu, cảm nhận hết được. Sự căng thẳng luôn hiện rõ trên mỗi người trong ca trực, bởi chỉ cần một chút sơ suất, dù nhỏ thôi, cũng sẽ gây hậu quả rất lớn. Khi đó, không ai khác ngoài chúng tôi, những nhân viên gác chắn phải chịu trách nhiệm”, anh Trí nói.

Có những đêm mưa, gió rít liên hồi, đường phố không một bóng người nhưng nhân viên gác chắn vẫn đứng một mình giữa mưa lạnh, tay cầm đèn hiệu cho đoàn tàu chạy qua. Mưa ướt, bánh xe dưới mỗi thanh chắn đôi lúc bị kẹt, hì hục mãi mới thông đường. Vừa xong, đoàn tàu khác lại tới. Họ lại tiếp tục kéo ra, rồi đẩy vào…

Gần 30 năm gắn bó với từng cung đường sắt, trạm gác chắn đoạn qua địa phận Đà Nẵng, điều khiến anh Trí băn khoăn nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Họ đôi co, gây sự, cố tình không chấp hành hiệu lệnh đã trở thành chuyện cơm bữa.

“Khó khăn, áp lực công việc chúng tôi có thể chịu được, lương thấp chúng tôi vẫn sống qua ngày nhưng một khi không nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ xã hội, những người tham gia giao thông đã khiến cho anh em đôi lúc nản chí, cảm thấy tủi thân, chút nhiệt huyết với nghề đôi lúc cũng vì thế mà ảnh hưởng theo”, anh Trí tâm sự.

Cảnh sát giao thông đường sắt lập biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm Luật An toàn giao thông ở điểm giao đường sắt Trường Chinh - Lê Trọng Tấn.Ảnh: HOÀNG NHUNG
Cảnh sát giao thông đường sắt lập biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm Luật An toàn giao thông ở điểm giao đường sắt Trường Chinh - Lê Trọng Tấn.Ảnh: HOÀNG NHUNG

Vẫn đầy bất trắc

Tháng 2-2018, tuyến đường gom dọc đường sắt từ ngã ba Huế đến Hòa Cầm dài hơn 5km hoàn thành, phần lớn người dân chịu khó đi dọc đường gom rồi vượt qua đường sắt ra đường Trường Chinh. Đoạn giao cắt đường sắt qua ngã ba Huế và một số điểm dọc đường Trường Chinh đóng lại, người dân phải di chuyển lên ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn để qua đường nên ngã tư này trở nên đông đúc hơn trước kia, ước tăng lên khoảng 20%, và thường xuyên có những đoàn xe tải đi qua để vào các mỏ đá ở chân núi Phước Tường.

Người, xe tăng lên, đồng nghĩa với sự vất vả của nhân viên gác chắn cũng tăng theo. Chị Nguyễn Thị Phương, nhân viên gác chắn đường sắt nói như phân trần với anh Cảnh sát giao thông đường sắt khi anh bảo chị song song với việc đóng chắn đường ngang là phải mở chắn tín hiệu cho tàu qua: “Tàu hàng còn kịp chứ tàu khách đôi khi không kịp!”, do tàu hàng thường chạy chậm hơn tàu khách.

Sự không kịp thời của nhân viên gác chắn khi mở chắn tín hiệu có thể khiến nhân viên lái tàu tưởng là có sự cố, phải dừng tàu khẩn cấp. Nên các chị phải thao tác rất nhanh, vừa đóng xong đường ngang là phải mở chắn đường sắt ngay lập tức.

Ở ngã tư này mặt cắt đường khá rộng, từ khi nhận tín hiệu tàu đến khi đóng chắn ngang hoàn thành, nhân viên có 2 phút, nhưng đôi khi chỉ còn đủ 1 phút để làm các thao tác. Nguyên nhân là người và xe khi thấy nhân viên chuẩn bị đóng chắn là ào ào đi qua cho kịp, không ai chịu dừng lại 2-3 phút trước gác chắn chờ đoàn tàu đi qua.

Trước đây chốt điểm gác chắn đường sắt điểm giao này có 3 người, gần đây ngành đường sắt tinh giảm biên chế, chỉ còn chị Phương và chị Võ Thị Kim Liên chốt trực cùng ca 12 giờ liên tục với nhau, đón chừng một nửa trong số hơn 30 chuyến tàu đi qua mỗi ngày.

Khi có tàu sắp qua, các chị hối hả, bận rộn trong chừng 5-7 phút, rồi quay vào căn phòng nhỏ chốt trực ghi sổ giờ tàu chạy và các sự việc liên quan. Công việc tưởng đơn giản là đóng và mở chắn, bảo đảm cho đường thông suốt, nhưng đâu có dễ khi mỗi lần đóng - mở chắn, dù đã bật đèn, thổi còi, kéo chắn lại, dân vẫn cố tình lách qua, hãm không kịp dàn chắn thì họ quay lại chửi bới.

“Số tự mở rào chắn ít hơn, còn từng đoàn xe tải nối đuôi nhau qua chắn kể cả khi có tín hiệu tàu xin đường, làm mình không đóng chắn được xảy ra thường xuyên. Từ khi bấm chuông đến khi đóng chắn không quá 2 phút, vậy mà toàn phải đóng chắn trong tình huống khẩn cấp là chỉ còn 1 phút nữa tàu đến”, chị Kim Liên chia sẻ.

Dọc tuyến đường sắt Bắc Nam tồn tại hơn 1.500 đường ngang có phép và 4.211 đường ngang trái phép. Khi nào các đoàn tàu vận hành trên tuyến đường độc đạo của mình nhưng vẫn có những người, những xe chen ngang, thì lúc đó sự an toàn của những đoàn tàu, của người lái tàu vẫn còn bị đe dọa.

Trong khi áp lực đến ga đúng giờ, không để xảy ra va chạm trên hành trình của người lái tàu gần như phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ những nhân viên vận hành bên dưới… Đi dọc những đường ngang ấy, mới thấu hiểu nỗi vất vả của những người gác chắn…

PHAN CHUNG – HOÀNG NHUNG

.