Phóng sự - ký sự

Chuyện ông Thắng "đeo ách giữa đàng"

08:57, 10/11/2018 (GMT+7)

Ông Nguyễn Xuân Thắng, 57 tuổi, dáng người khắc khổ, sống trong căn nhà đại đoàn kết lợp tôn chắp vá ở tổ 15 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Phía trước nhà ông được dành một khoảng rộng để đặt 4 - 5 chiếc quan tài. Ông là chủ trại hòm Xuân Thắng, cái nghề chẳng bao giờ được cười với khách.

Thỉnh thoảng, ông Thắng lại ra chăm sóc những ngôi mộ thân nhân ít lui tới.                                                 Ảnh: Q.TRANG
Thỉnh thoảng, ông Thắng lại ra chăm sóc những ngôi mộ thân nhân ít lui tới. Ảnh: Q.TRANG

Chuyện về ông Thắng chẳng có gì đáng nói nếu ông làm ăn kinh doanh bình thường. Bất thường ở chỗ, hễ ai đến hỏi dịch vụ mai táng, mua hòm mà kể gia cảnh nghèo khó là ông… cho luôn. Hỏi ông không sợ lỗ hả, ông cười xòa: “Lỗ chi lỗ, lấy đám bình thường bù đám khó. Tui lời ít lắm. Hai vợ chồng già tới bữa ăn lưng chén cơm, quần áo mặc vài ba bộ đổi qua đổi lại được rồi, xe cũng đi một chiếc là đủ, nhà chừng nớ rúc ra rúc vô không dột là ngủ đêm tới sáng…”.

Ông Thắng bắt đầu cái nghiệp “đeo ách giữa đàng” khoảng chừng năm 2005 - 2006. Hồi đó, đang ăn dở bữa cơm, ông nhận điện thoại của một anh công nhân trong đội mai táng kể bâng quơ có người trôi dạt ngoài biển Nguyễn Tất Thành. Ông buông đũa, chẳng nói chẳng rằng với vợ một câu, lập tức gọi anh em trong đội đến nhà khiêng cái quan tài băng băng về phía biển.

Lo tươm tất hậu sự cho nạn nhân xấu số xong, mọi người ai về nhà nấy, một mình ông ngồi lại trên bờ. Ông nghĩ về cuộc đời, về thế sự. Con người ta chỉ có một cuộc đời để sống. Nhà đẹp, xe sang, địa vị…, đến khi chết cũng nằm bằng nhau trong cái quan tài, rồi cũng thành đất đai, cây cỏ như nhau cả. Từ đó, ông nguyện sẽ lo chuyện hậu sự cho người khó, để khi nhắm mắt xuôi tay, người ta được bình đẳng với nhau một lần.

1. Ông Thắng sinh ra ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Những năm 90 của thế kỷ 20, thời kỳ cả nước khó khăn, nhà ông cũng không ngoại lệ. Cả gia đình 8 miệng ăn không sống được ở quê nhà đành bồng bế nhau lên Đắk Lắk làm kinh tế mới. Tha hương hơn chục năm, cái nghèo, cái khó vẫn bu bám mãi, cả nhà lại dắt díu nhau về quê hương.

Ông có nghề thuốc nam gia truyền nhưng “thời điểm đó cơm không có ăn, ai đi uống thuốc nam, thuốc bổ làm gì”. Đến năm 2005, ông được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng sửa lại mái nhà. Từ hồi có căn nhà ấm cúng làm nơi sinh sống, ông chuyển sang làm dịch vụ mai táng, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà mà phòng khách làm nơi chứa quan tài, ông thản nhiên như không: “Vừa rồi tôi cũng mới lo đám cho cậu thanh niên chết vì lao phổi.

Cậu ấy nằm ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng mà không có thân nhân. Tội nghiệp, cũng có cha, mẹ sinh ra, chăm bẵm, nuôi nấng nhưng đến lúc mất thì không một người thân bên cạnh bón cho chút nước, miếng cơm. Khi chúng tôi làm đám cho cậu ấy xong thì mẹ và chị của cậu ấy tới. Bà mẹ già lọm khọm khóc thương con mà nghe đau lòng. Người chị gái lấy chồng ở Gia Lai, gia cảnh cũng nghèo khó, nghe tin em mất về thăm mà không có tiền đi xe đò, phải vay mượn hàng xóm. Đám tang cậu ấy được làm ngay tại Bệnh viện Phổi, tôi đặt đằng trước thùng phước sương. Ai có lòng thương thì bỏ vào đó ít nhiều. Xong đám, tôi đem ra biếu lại cho mẹ và chị cậu ấy”.

Ngồi bên cạnh, tiếp lời chồng, bà Huỳnh Thị Sanh nói: “Sau đám cậu nớ, có đám Quảng Ngãi cũng thương quá ông hỉ. Cô nớ trước khi chết chẳng nhìn được mặt hai đứa con gái. Ông làm đám nớ xong không đủ tiền trả cho thợ, tui phải lấy tiền túi ra đó”. “Ừ, đám cô nớ sau cậu nớ đúng 9 ngày”, ông Thắng nhớ như in.

Hơn 10 năm qua, ông Thắng đã lo hậu sự cho cả trăm người khó. Không thể nhớ hết bao nhiêu lần và đó là những ai, đến từ phương nào, chỉ cần là người nằm xuống mà chưa có sẵn chiếc quan tài, chưa có bộ quần áo mới là ông chạy đến. Ông lo cho họ từ khâu trang điểm đến mở bài kinh Phật, sắp đặt người khiêng, xe tang, xe kiệu, ông tổng… Để giúp đỡ được nhiều người hơn, ông Thắng tham gia làm hội viên Hội Từ thiện phường Hòa Minh và Hội Từ thiện phường Hòa Khánh Nam. Ông Nguyễn Văn Thị, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Minh cho biết, anh Thắng là người rất nghĩa hiệp. Không chỉ lo tang ma tươm tất và chôn cất như người thân, anh còn lo cả đất đai chôn cất cho người quá cố.

2. Tấc đất giờ là tấc vàng, mà có người lại đi cho những người chưa từng quen biết. Hỏi người dân sống dọc con đường dẫn vào bãi rác Khánh Sơn cũ mới hay, đây không phải là chuyện không có thật. Cách đây 5 năm, ông Thắng mua tại đây một lô đất 140m2 trị giá 33 triệu đồng để dưỡng già. Đùng một cái, ông nhận tin đám của một cậu thanh niên treo cổ tự tử, nhà nghèo ơi là nghèo. Đám tang lo xong hết rồi mà không có đất để chôn, ông nhớ tới khu đất nhà mình.

“Biết mình có sống được tới già hay không mà giữ đất. Người ta nằm đó không có chỗ chôn, mình để đất không làm chi”, ông quyết định an táng cậu thanh niên đó ngay trên phần đất nhà mình. Dẫn chúng tôi lên khu đất giờ thành nơi an nghỉ của nhiều người xấu số, ông Thắng bảo: “Mới có 5 năm mà đã kín những ngôi mộ. Chừng 50 mộ đó, đủ mọi thành phần. Người tự tử, người tứ cố vô thân, người nghèo khó, người mất gốc ở nơi khác đến. Ngôi mộ nào cũng được lát gạch đá khang trang”.

Ông Thắng còn lập quỹ từ thiện riêng trong cơ sở của mình. Hơn 60 nhân công góp quỹ 200.000 đồng/người/tháng. Ông cho hay, khi nghĩ tới chuyện lập quỹ cũng đắn đo đủ bề, vì anh em trong cơ sở ai cũng khó khăn, người lo mẹ già, người nuôi con thơ. Sau cùng, ông quyết định nói ra nguyện vọng của mình, còn lại tùy anh em hưởng ứng. Không ngờ khi ông nói ra, cả 60 con người đều nhất trí: “Chú nói rứa tụi con ủng hộ hai tay, hai chân. Tụi con nghèo thì nghèo chớ mỗi tháng trích 200.000 đồng tiền cà-phê, thuốc lá có là chi, mà lại giúp đỡ được cho bao người. Tụi con đồng lòng cùng chú làm việc nghĩa”.

Vậy là nguồn quỹ ấy mỗi tháng được trích ra để phát gạo, nấu cháo, và một phần dùng làm đám tang cho người nghèo. Anh Dương Văn Anh, một nhân công trong đội, chia sẻ: “Đây là nguồn quỹ tự nguyện của anh em chúng tôi chứ không ai bắt buộc. Chúng tôi làm việc cho chú Thắng, học ở chú tính thương người. Bao năm nay cùng chú đi làm đám cho người chết không có thân nhân bên cạnh hay vì quá nghèo, tôi rất cảm động với việc làm của chú. Tùy theo thu nhập của tháng đó mà tôi đóng vào quỹ. Tháng nào làm ít thì đóng 200.000 đồng, tháng nào làm nhiều đóng 500.000 đồng”.

Đi khỏi khu đất mộ, nghe khói hương vương vất, nỗi sợ hãi ban đầu đi đâu vắng, chỉ còn chút niềm thương dậy lên, thầm cảm ơn cuộc đời vẫn còn những người an nhiên “đeo ách giữa đàng” như ông Thắng…

Trúng số hay không cũng làm từ thiện

Năm 2012, ông Thắng trúng số 400 triệu đồng. Lần đầu tiên cầm số tiền quá lớn trong tay, ông trằn trọc suốt đêm không ngủ. Ông nghĩ đến chuyện đầu tư vào đất đai, sửa nhà, mở rộng cơ sở làm ăn, nhưng rồi sáng ra ông quyết định chỉ dùng một phần số tiền đó để mua chiếc xe máy và thay tôn cho ngôi nhà. Xong tất cả hết khoảng 97 triệu đồng.

Phần tiền còn lại, ông mua gạo phát cho bà con khó khăn ở khu vực phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Mỗi nhà 10kg gạo cùng mấy gói gia vị, chai dầu ăn. Một phần còn lại được góp vào quỹ của cơ sở để lo tang ma cho người khó. Số tiền tưởng lớn mà chỉ trong vài ngày ông đã phân phát hết. Hỏi sao không giữ lại ít nhiều phòng thân, ông bảo: “Trúng số là lộc trời, lộc thì nên chia sẻ”. Ổng nói có trúng số hay không thì cũng làm từ thiện. Trúng nhiều thì có tiền cho nhiều, giúp được nhiều người hơn thôi.

Ông Võ Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam:
Anh Thắng là tấm gương để lớp trẻ noi theo

Nhiều năm qua, anh Thắng đã giúp đỡ hàng trăm người khó khăn trên địa bàn. Với người xấu số vô danh, anh hỗ trợ khâm liệm, quan tài và chôn cất như người thân. Nhiều trường hợp sau khi anh lo khâm liệm chu tất, gia đình người bị nạn mới đến nhận. Không chỉ lo tang ma miễn phí cho người nghèo, anh còn ủng hộ nhiệt tình hoạt động từ thiện tại địa phương. Anh Thắng rất xứng đáng là tấm gương để người trẻ học tập.

Bà Huỳnh Thị Hoa, Chủ tịch Hội Từ thiện phường Hòa Khánh Nam:
Không dễ có người như anh Thắng

Mỗi khi có trường hợp khó khăn mà kinh phí của Hội không đủ, tôi đều gọi anh Thắng. Bất kỳ lúc nào anh cũng sẵn sàng giúp đỡ. Nếu là hộ nghèo thì anh giảm chi phí tang ma, người tứ cố vô thân thì anh lo miễn phí hoàn toàn. Các hoạt động của Hội như: khuyến học, mua xe lăn cho người khuyết tật, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo… anh đều xung phong đi đầu. Hầu như chưa có lần nào chúng tôi cần sự giúp đỡ mà anh Thắng từ chối. Thật sự không dễ có người quảng đại như anh.

QUỲNH TRANG

.