Phóng sự - ký sự

BÀI THAM GIA CUỘC THI PHÒNG chống BẠO LỰC ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI"

Gieo những niềm tin

12:57, 25/08/2018 (GMT+7)

Cuộc gặp của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh với các ông chồng có hành vi bạo lực với vợ vào năm 2009 đã gieo niềm tin cho nhiều phụ nữ bị bạo hành; đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội, kéo theo đó là hàng loạt các chương trình hành động về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Đà Nẵng đang thực hiện nhiều giải pháp hướng đến xây dựng “Thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái”. Trong ảnh: Đại diện UN Women và lãnh đạo thành phố cam kết thực hiện tốt dự án “Huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020”.
Đà Nẵng đang thực hiện nhiều giải pháp hướng đến xây dựng “Thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái”. Trong ảnh: Đại diện UN Women và lãnh đạo thành phố cam kết thực hiện tốt dự án “Huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020”.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008. Thời điểm ấy, trung bình mỗi năm, tại Đà Nẵng có đến 600 vụ liên quan đến BLGĐ. Trong đó, 45% trường hợp bị chồng đánh đập, gần 80% phụ nữ bị sỉ nhục, đe dọa, hơn 70% bị bỏ mặc không quan tâm, gần 10% bị chồng cấm đoán tham gia các hoạt động xã hội và gần 20% bị chồng ép mang thai hoặc phá thai...

Ngày 5-8-2009, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Thanh đã tổ chức buổi đối thoại với 130 ông chồng có hành vi bạo lực với vợ. Sự kiện này như hồi chuông cảnh tỉnh về BLGĐ. Sau đó, Thành ủy Đà Nẵng đã có Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-10-2009 về phòng, chống BLGĐ, từ đó sự vào cuộc của các cấp, ngành mạnh mẽ hơn.

Bắt đầu từ năm 2010, các mô hình phòng, chống BLGĐ, hòa giải mâu thuẫn… lần lượt ra đời ở các xã/phường. Đến nay, toàn thành phố có 237 CLB Gia đình phát triển bền vững, 277 nhóm phòng, chống BLGĐ, tổ phản ứng nhanh phòng, chống BLGĐ, 569 địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về BLGĐ. Sự “phủ sóng” của các mô hình đã giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi BLGĐ hiệu quả.

Nhiều năm tham gia công tác phụ nữ, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (thành viên Tổ phản ứng nhanh, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) chia sẻ, nếu như trước đây không dễ gì nạn nhân bị bạo hành tự tìm đến mình thì hiện nay, nhiều phụ nữ đã rũ bỏ sự cam chịu, mạnh dạn lên tiếng.

Đó là cả quá trình tạo dựng niềm tin của các cấp Hội Phụ nữ cơ sở, từ khoanh vùng những gia đình có nguy cơ bạo lực, theo dõi sát sao đến nhỏ to tâm sự khi với chồng, khi với vợ; hỗ trợ vay vốn, phương tiện sinh kế tạo công ăn việc làm… Từ đó, nhiều trường hợp được can thiệp, hòa giải và tiến dần đến việc chấm dứt hành vi bạo lực.

Nhìn nụ cười của chị H.T.Q (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), ít ai biết cách đây nhiều năm, gương mặt chị luôn u buồn vì kinh tế gia đình bí bách, vợ chồng cãi nhau thường xuyên, chồng quan hệ ngoài luồng về còn đánh vợ.

Chị ngại nói ra sự thật vì sợ “xấu chàng, hổ thiếp”, nhưng rồi nhờ sự kiên trì thăm hỏi của các cấp Hội Phụ nữ, chị tin tưởng giao sự hàn gắn cho Tổ hòa giải. Bằng nhiều cách, đặc biệt, nhờ được hỗ trợ vay vốn, chị H.T.Q ở nhà buôn bán, có đồng ra đồng vào, có thời gian nuôi dạy con cái, chồng chị cũng từ đó thay đổi, chuyên tâm lo cho gia đình.

Nhớ lại những ngày say xỉn và đuổi đánh vợ con, anh N.V.M. (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) thoáng vẻ ngại ngùng. Ngày đó, CLB Gia đình hạnh phúc trên địa bàn đến khuyên răn, hòa giải, anh còn lớn tiếng dọa nạt.

Nhưng chính các cán bộ này đã không những kiên trì giúp anh nhận thấy cái sai của bản thân mà còn kêu gọi hỗ trợ vốn cho vợ chồng anh. Từ ngày anh M. chuyên tâm làm ăn, bớt rượu chè, gia đình đã trở nên yên ấm…

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố cho biết, công tác phòng, chống BLGĐ được các cấp Hội đưa vào nhiệm vụ trọng tâm từ nhiều năm trước khi Luật Phòng, chống BLGĐ ra đời.

Tuy nhiên, hoạt động thời điểm ấy còn manh mún, chưa đạt hiệu quả. 10 năm qua, với nhiều giải pháp đồng bộ, Đà Nẵng về cơ bản đã giảm thiểu tình trạng bạo lực thân thể và có những can thiệp, trợ giúp kịp thời những nạn nhân bị BLGĐ.

Hiện tại, Đà Nẵng có các trung tâm tư vấn và hỗ trợ về BLGĐ như: Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn (thuộc Hội LHPN thành phố), Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH), Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp), mới đây nhất là Nhà tạm lánh đặt tại Trung tâm Y tế phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), được Bộ LĐ-TB&XH đầu tư. Nhà tạm lánh hoạt động từ đầu năm 2018, có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh khẩn cấp nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân khỏi đối tượng gây bạo lực, chăm sóc y tế ban đầu.

Đoàn xe diễu hành trên đường phố Đà Nẵng kêu gọi cộng đồng chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Đoàn xe diễu hành trên đường phố Đà Nẵng kêu gọi cộng đồng chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Có khá nhiều nạn nhân bị bạo lực được trợ giúp tâm lý và vượt qua nỗi đau, bắt đầu cuộc sống mới. Điển hình như trường hợp cháu N.T.Q.N (từng trú tại phường Bình Hiên, quận Hải Châu) bị chính bố đẻ xâm hại khi mới 10 tuổi.

Sự việc khiến cháu N. rơi vào tình trạng hỗn loạn, sốc tâm lý nặng nề, học hành sa sút và liên tục gào khóc trách móc mẹ đã để em đến ở với bố. “Con sốc một, chứ tôi sốc mười. Có ai ngờ sự việc như thế. Được sự tư vấn của các ngành, đoàn thể, tôi đưa con đến Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng nhờ hỗ trợ tâm lý. Phải mất một thời gian khá dài dưới sự điều trị, chăm sóc của các chuyên gia tâm lý, hai mẹ con mới trở lại cuộc sống bình thường”, chị N.T.P.D, mẹ cháu bé chia sẻ.

“Tất cả những giải pháp hiện thời chỉ mới giải quyết được một phần vấn đề khó khăn này. BLGĐ cần ngăn chặn từ gốc, trong đó phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng xây dựng “gia đình hạnh phúc” chứ không chỉ đơn thuần là “gia đình đầy đủ”, bởi có yêu thương thì mới có sự trân quý lẫn nhau”, bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố nêu quan điểm.

Về điều này, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho biết, 10 năm qua, Đà Nẵng đầu tư nguồn lực khoảng hơn 10 tỷ đồng cho công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn. Từ nguồn kinh phí này, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, triển khai các giải pháp can thiệp phòng, chống BLGĐ nhằm cụ thể hóa các chỉ thị, kế hoạch của Thành ủy, UBND thành phố như: Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-10-2009 về phòng, chống BLGĐ; Kế hoạch số 2310/KH-UBND ngày 25-3-2013 triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ ban hành “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Quyết định số 5210/QĐ-UBND ngày 3-8-2016 về ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống BLGĐ; Kế hoạch số 7259/KH-UBND ngày 29-8-2016 về triển khai Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 trên địa bàn thành phố, Đề án tuyên truyền về gia đình và phòng, chống BLGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020…

“Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đã chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ theo ngành dọc và trên địa bàn toàn thành phố.

Riêng với ngành văn hóa, đặc biệt chú trọng việc xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống, phong cách sống cho mọi thành viên trong gia đình và cộng đồng, với mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các hoạt động đi vào chiều sâu, chất lượng, góp phần nâng cao nhận thức của đại bộ phận nhân dân về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ”, bà Hội An nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.