Phóng sự - ký sự

Góp nhặt những tấm lòng

15:19, 29/09/2018 (GMT+7)

Hơn 20 năm khoác áo blouse trắng cũng là chừng ấy thời gian chị Huỳnh Thị Thủy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Mân Thái (quận Sơn Trà) ngược xuôi khắp nơi để kết nối, góp nhặt những tấm lòng.

Chương trình thiện nguyện kết hợp khám, chữa bệnh do chị khởi xướng và duy trì hơn 10 năm nay là điểm tựa vững chắc cho nhiều bệnh nhân tâm thần trên địa bàn, giúp họ không bị “bỏ lại” phía sau trong hành trình dài chữa trị, cũng như vơi đi những thiếu hụt trong cuộc sống hằng ngày.

Chị Thủy
Chị Thủy (thứ 3 từ phải sang) trong một lần đi từ thiện ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Những bệnh nhân không ra viện

Gần 1 năm nay, căn nhà chị Võ Thị Thu H. (tổ 43, phường Mân Thái) trở nên sạch sẽ, tươm tất hơn. Đây là căn nhà vừa được xây mới, trong đó hơn 20 triệu đồng kinh phí do các mạnh thường quân tài trợ. Bị bệnh tâm thần nên dù ở tuổi 46, chị H. vẫn ngây ngô như con trẻ.

Người con trai lớn của chị là Nguyễn Hồng H., năm nay bước sang tuổi 29 cũng bị động kinh. Nhà chị H. có 4 người, nhưng 2 người mắc bệnh nên cuộc sống chật vật đủ đường. Người chồng vốn lao động phổ thông, việc làm nay đây mai đó khiến cuộc sống càng trở nên bế tắc.

“Mấy năm trước, trong một lần khám, cấp thuốc cho người dân trên địa bàn phường, tôi phát hiện trường hợp mẹ con chị H. Biết rõ hoàn cảnh gia đình chị ấy nên tôi “bám” luôn tới bây giờ, vừa điều trị, chăm sóc tại nhà và hỗ trợ kinh tế mỗi khi có quà của các mạnh thường quân gửi đến.

Cuối năm rồi, thấy căn nhà xuống cấp quá nên mấy anh chị em trong nhóm đứng ra kêu gọi, vận động và may mắn sao lời kêu gọi đó đã được hưởng ứng”, chị Thủy cho biết.

Đều đặn hằng tháng, mẹ con chị H. lại được chị Thủy cùng đội ngũ cộng tác viên đến tận nhà khám, theo dõi bệnh tình và trò chuyện. Đây là 2 trong số 65 bệnh nhân tâm thần tại phường Mân Thái được theo dõi điều trị hỗ trợ bằng chương trình riêng biệt của chị Thủy và đội ngũ cộng tác viên. Lộ trình điều trị cho người bệnh tâm thần không hề ngắn và càng không dễ dàng chút nào.

“Mỗi lộ trình kéo dài 2-3 năm với điều kiện người bệnh không bỏ thuốc, cắt liều. Nếu cắt dù chỉ 1-2 liều thì mọi nỗ lực coi như bằng 0, phải bắt đầu lại. Sau 2-3 năm thành công, người bệnh sẽ được khám, giảm 1/4 liều lượng, rồi giảm 1/2, đến 2/3 liều lượng”, chị Thủy cho biết.

Y sĩ Huỳnh Thị Thủy khám cho một bệnh nhân tâm thần.
Y sĩ Huỳnh Thị Thủy khám cho một bệnh nhân tâm thần.

Năm 1996, chị Thủy được điều động về công tác tại Trạm Y tế phường Mân Thái, phụ trách bệnh nhân tâm thần theo chương trình mục tiêu quốc gia. Tâm thần là bệnh lý phổ biến, quá trình điều trị lại kéo dài, hơn ai hết, chị Thủy hiểu rõ những khó khăn mà bệnh nhân phải đối mặt.

Đó là những biểu hiện ngờ nghệch, không làm chủ, không thể tự chăm sóc bản thân, thậm chí vô cớ gây gổ với người khác.

Đi cùng quá trình điều trị kéo dài hàng chục năm ấy là những tác dụng phụ của thuốc như chảy nước dãi, ngứa, nổi mẩn, lở loét… khiến khoảng cách vô hình giữa người bệnh với mọi người xung quanh càng lớn hơn. Phần lớn bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, người thân cũng phải lo làm ăn, trang trải cuộc sống nên không thể sát cánh chăm sóc, hỗ trợ hằng ngày.

“Ở góc độ nào đó, người bệnh tâm thần thường bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, chúng tôi luôn quan niệm, người bị tâm thần là những bệnh nhân không bao giờ ra viện. Nếu không có sự đồng hành, sát cánh của người thân và xã hội trong cuộc sống hằng ngày, không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế trong quá trình điều trị thì làm sao họ có thể bước tiếp trên con đường vốn đã mang cho họ quá nhiều thiệt thòi ấy”, chị Thủy tâm sự.

Kết nối yêu thương

Một ngày cuối tháng 9, trong quán bún vỉa hè trên đường Trương Định, cụ bà bán vé số cầm tờ 20.000 đồng đã cũ, tiến đến bàn ăn nơi chị Thủy đang ngồi và dúi tờ tiền vào tay chị. “Góp thêm cho chị để giúp người ta”, cụ bà nói rồi lẳng lặng bước đi.

Đó là cụ Mẫn, người thỉnh thoảng vẫn được nhận quà từ chị Thủy… Hơn 10 năm qua, không thể kể hết đã có bao nhiêu tấm lòng chị Thủy được đón nhận một cách bất chợt và ấm áp như thế.

Năm 2007, chị Thủy đứng ra tổ chức chương trình “Vòng tay yêu thương” để làm cầu nối giúp người bệnh có thêm điểm tựa. “Nhìn người bệnh quá khổ, đến cái ăn còn thiếu trước hụt sau, nói gì chuyện điều trị.

Chương trình thực ra chỉ là lời kêu gọi để mọi người cùng hiểu và chia sẻ khó khăn với bệnh nhân cũng như thân nhân của họ. Của ít lòng nhiều, nhưng dù bao nhiêu cũng thật quý giá đối với người được nhận”, chị Thủy nói. Tấm lòng thiện nguyện ấy nhanh chóng được lắng nghe và đáp trả. Những suất quà nghĩa tình được gửi về ngày càng nhiều.

Cứ vào các dịp lễ, Tết, khuôn viên Trạm Y tế phường Mân Thái lại tấp nập người lui tới. Họ là những người nghèo, người thân của bệnh nhân tâm thần được mời đến để đón nhận tấm lòng của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Tính đến nay, sau 11 năm hoạt động, “Vòng tay yêu thương” đã vận động, kết nối hàng trăm mạnh thường quân với số tiền, quà trị giá hơn hơn 1,1 tỷ đồng. Hằng năm, chương trình còn tổ chức các hoạt động đến các tỉnh bạn như: Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị và sắp tới là Mường Lát (Thanh Hóa), nơi vừa tan hoang sau đợt lũ, để chia sẻ với những khó khăn, bất hạnh người dân nơi đây đang đối mặt.

Tham gia “góp lửa” cùng chương trình từ những ngày đầu, anh Q. (xin giấu tên), trú tại Hội An (Quảng Nam) chia sẻ ngắn gọn: “Trong ai cũng có tấm lòng hướng thiện, tôi cùng nhóm bạn tham gia nhìn thấy sự đồng cảm từ chương trình này và đặc biệt luôn tin tưởng tấm lòng của chị Thủy”.

Việc chăm sóc bệnh nhân nghèo cũng chính là động lực để y sĩ Huỳnh Thị Thủy vượt qua khó khăn của bản thân.                                       				Ảnh: MINH MINH
Việc chăm sóc bệnh nhân nghèo cũng chính là động lực để y sĩ Huỳnh Thị Thủy vượt qua khó khăn của bản thân. Ảnh: MINH MINH

Năm 2010, khi đang ngược xuôi tham gia các hoạt động thiện nguyện, chị Thủy phát hiện mình bị bệnh glôcôm, thị lực giảm sút nghiêm trọng. Mọi cánh cửa tưởng như khép lại cùng những tâm huyết còn dang dở.

Trong những lúc tưởng như tuyệt vọng, đối diện với bóng tối ấy, hình ảnh những người bệnh tâm thần hiện rõ mồn một trong chị. Đó là em H. bị động kinh, thỉnh thoảng lên cơn vẫn đập phá đồ đạc; là cụ C. bị tâm thần và mù lòa; bà K. tuổi đã ngoài 80 ngày ngày vẫn nuôi đứa con tâm thần…

“Một chút khó khăn này không là gì so với bất hạnh của những người mình từng sát cánh. Họ có cả cuộc đời đầy khó khăn, bi kịch, túng thiếu nhưng vẫn vượt qua được”, nghĩ vậy nên chị lại vực dậy tinh thần để đương đầu với bệnh tật.

Giờ đây, ở tuổi 47, chị vẫn độc thân và phải uống thuốc điều trị căn bệnh glôcôm mỗi ngày. Nhưng trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy luôn hiện rõ sự thanh thản, hạnh phúc đến lạ thường. “Người ta thường hỏi đùa tôi rằng, sống một mình vậy có buồn, cô đơn không.

Tôi thì luôn thấy ngược lại, khi người thân, người quen xung quanh mình quá nhiều. Họ không máu mủ ruột rà nhưng với tôi, tình cảm thân thuộc luôn nằm ở đó”. Nói rồi, chị bước nhanh ra cửa, tay không quên xách theo túi quà cho ông Phan Văn C. (60 tuổi, trú tổ 16). Ông C. là bệnh nhân tâm thần lâu nay, những năm về già, ông bị tiểu đường tuýp 2 gây biến chứng mù mắt đang nằm một chỗ…

Hành trình của chị Thủy là vậy, với việc gom nhặt tấm lòng thiện nguyện để sẻ chia đến những hoàn cảnh khó khăn trên đời…

PHAN CHUNG

.