Họ là những người đàn ông sức dài vai rộng, là trụ cột kinh tế, sẵn sàng đổi lấy vất vả, lo toan để gia đình con cái được yên vui. Sáng chợ Đầu mối, chiều chợ Cồn, tối chợ đêm, một năm 365 ngày, không một ngày ngơi nghỉ. Họ, những người đàn ông chạy chợ…
Ban đầu còn ngượng, chừ thì Tùng chợ Hòa An bán hàng còn “chạy” hơn cả vợ. |
1.001 lý do để... chạy chợ
“Mấy chị, mấy cô ơi, trời nóng mua hến về nấu canh dưa hồng, rau tập tàng ăn cho mát nè. Hến Hội An mới ra lò đây…!”. Câu mời chào mát rượi như cơn gió nồm thổi xao xác bờ tre ấy lại cất lên từ một đấng mày râu khiến nhiều phụ nữ đi chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) cầm lòng không đặng mà ghé hàng mua một vài lon.
Chàng trai Nguyễn Văn Bình quê ở thành phố Hội An, xuất thân từ gia đình có thâm niên buôn bán hến nên việc ngồi chợ là một điều nghiễm nhiên như con nước sông Hoài đong đầy tôm cá. Với cái giọng tếu táo của dân miền sông nước, anh bảo: “Quê tui cả làng đi bán hến chứ không riêng chi nhà tui. Nếu ba năm nay tui hùng cứ một góc chợ Miếu Bông, vợ tui chiếm lĩnh chợ Hòa Xuân thì người chị gái tui lại thao túng thị trường chợ Đầu mối”.
Có thể người ta đã dần quen với cảnh đàn ông buôn bán lớn kiểu như hàng ăn, áo quần, mỹ phẩm… còn đàn ông ngồi chợ buôn thúng, bán bưng những mặt hàng cá, tôm, chả cá, gia vị vẫn cứ là của hiếm. Họ có đến 1.001 lý do để đến với nghề. Có người vì cuộc sống bí bách, làm đủ nghề nhưng thất bại cuối cùng ra chợ buôn bán qua ngày. Một số khác ngẫu nhiên… vài lần chạy chợ rồi bén duyên lúc nào không biết.
Ở chợ Hòa An, quận Cẩm Lệ, mấy ai không biết anh chàng “hotboy” bán hàng gia vị xay. Có người tò mò hỏi: “Đẹp trai mà đứng xay tiêu hành ớt tỏi cho nó mòn đời ra à?”, anh chàng vẫn không ngơi tay bán hàng và trả lời khá hóm hỉnh: “Mòn cũng phải xay, chớ lấy chi mua sữa cho con”. Chẳng là mấy tháng trước, vợ Tùng (tên anh chàng) sinh đứa thứ hai. Đang làm nghề lái xe, Tùng đành bỏ về thay vợ đứng bán ở chợ để giữ chân bạn hàng. Ban đầu còn ngượng ngập nhưng đến giờ thì bán mua cứ là nhanh thoăn thoắt…
Một số người khác, ban đầu chỉ đi phụ vợ chở hàng, sau thấy vợ buôn bán bận bịu phụ giúp những việc lặt vặt như gói hàng, làm cá, xay chả…, riết rồi rành nghề không thua gì vợ. Lúc vợ bận con nhỏ, việc nhà hoặc ốm đau là thay vợ ngồi chợ vài bữa, dăm hôm. Cứ thế, vợ chồng “song kiếm hợp bích” và các đấng mày râu gia nhập đội quân chạy chợ cứ nhiều lên.
Chạy chợ từ quê ra phố
“Chạy chợ” theo cách nói của các bà các chị ngày xưa thì một vai quang gánh vừa đi vừa chạy cho kịp buổi chợ, buổi sớm chợ mai, buổi chiều chợ hôm vất vả trăm chiều. Giờ đây, phương tiện xe máy, ô-tô đã phần nào làm vơi bớt nỗi cực nhọc nhưng cái cảnh tất tả đầu ghềnh cuối bãi vẫn không mấy đổi thay. Riêng các mặt hàng thủy hải sản như tôm cá, ốc hến… thì người bán phải đến tận bến cá, lò hến để lấy về bán. Thường tầm 3 - 4 giờ sáng họ phải có mặt để mua được hàng tươi ngon.
Chàng trai Văn Bình bán hến ở chợ Miếu Bông tâm sự: “Ngó rứa chớ có dễ ăn mô. 3 giờ sáng bọn tui phải có mặt tại lò. Mua xong phải làm lại hàng bằng cách nấu lại cho “tới” hến. Nước phải lắng bùn, lọc cho trong. Lạng quạng ra tới chợ là thiu liền. Người ta ăn xong mà đau bụng thì có nước bỏ chợ mà đi…”.
Tít tắp trên xã Hòa Bắc, thôn Phò Nam có anh Nguyễn Hai (bà con quen gọi là Mười Hai, bởi anh là con út thứ mười trong nhà), 48 tuổi, hơn 10 năm nay “chạy chợ” bằng xe máy từ trụ sở UBND xã ngược lên thôn Nam Mỹ và hai thôn Giàn Bí, Tà Lang - nơi có bà con Cơ tu sinh sống. Trên “chợ di động” của mình, anh mang nào thịt, cá, rau củ, mắm muối. Qua từng ấy năm, “cái chợ” của anh trở thành một “gam màu” không thể thiếu trong bức tranh chân quê của vùng núi xa xôi này.
Bắt đầu từ sáng sớm, sau khi phụ dọn hàng cho vợ bán ở khu chợ tạm gần cầu dây văng Phò Nam, anh chất hàng lên xe rồi bon bon trên đường như một điệp khúc của bản hòa ca giữa dòng Cu Đê xanh ngăn ngắt và dãy núi xa xanh. Đôi khi đang chạy giữa chừng, xe hụt xăng phải dắt bộ giữa trời nắng nóng ngày hè hay mưa dầm dề lạnh thấu xương của mùa đông miền núi. Dù trên đó cũng có vài nơi bán xăng lẻ, nhưng cách nhau đến hơn 2 cây số, dắt xe tới nơi đổ xăng là muốn sụm cả cặp giò. Hàng hóa cồng kềnh nên anh chọn “giải pháp tối ưu” là gọi điện về nhà nhờ mang xăng lên “cho nó lành”!
Từ Phò Nam ghé qua Nam Mỹ bán dạo một vòng xong lại chạy thẳng một mạch lên Giàn Bí, qua cầu mới là đến điểm cuối Tà Lang. Như một lời hẹn ước, bà con cứ tầm 8-9 giờ là ra “chợ di động” mua hàng. Mà cũng chẳng mua gì nhiều ngoài một vài con cá, miếng thịt cho bữa ăn đạm bạc của vùng quê nghèo. Đôi khi bà con còn dặn anh mua một vài thứ nhu yếu phẩm cần dùng cho cuộc sống, anh “OK” tất tần tật mà không một chút nề hà…
Nếu như anh Hai, anh Tùng và nhiều anh khác thức khuya dậy sớm để mua hàng, chạy cho kịp chợ thì những người đàn ông chuyên bán mặt hàng áo quần “si-đa”(đồ bành) tại các chợ trên địa bàn thành phố lại có “hành tẩu” đúng chất chạy chợ, nghĩa là chạy từ chợ này sang chợ khác một cách chớp nhoáng. Buổi sáng, có khi là đổ hàng bán ở chợ Mới, chợ Hòa Khánh, chợ Nại Hiên…; chiều tập trung về chợ Cồn rao hàng như hát; thoắt một cái tối có mặt ở chợ đêm, chợ sinh viên để mời chào.
Anh Nguyễn Văn Định, người đàn ông chạy chợ kỳ cựu mặt hàng này “bật mí” rằng, mặt hàng áo quần cũ tùy chợ mà bán. Chợ nhỏ vùng ven và nông thôn thì bán hàng “đuôi”, giá rẻ như bèo cho người lao động. Hàng “đầu”, hàng “tuyển” giá cao hơn thì bán các chợ lớn ở nội thành. Chính lý do đó mà dân bán “đồ si-đa” thoắt ẩn thoắt hiện xứng đáng là cao thủ “chạy chợ”.
Nỗi niềm buôn gánh bán bưng
Nếu phụ nữ ngồi chợ buôn bán như một bản năng tất yếu thì việc ngày càng nhiều cánh mày râu tham gia làm “kẻ chợ” vẫn cứ là cảnh “gươm lạc giữa rừng hoa”. Có lắm nỗi niềm phát sinh từ đó. Ví như phụ nữ có thể nói thách trên trời nhưng đàn ông mà nói thách là bị thiên hạ “dìm hàng” ngay.
Trải lòng về chuyện này, anh Long, người cùng vợ có quầy cá đồng mang tên Long Thắm tại chợ Hòa An giọng ấm ức: “Bà vợ tui nói thách họ chẳng nói chi. Tui có hô đúng giá thì họ cũng la làng rằng đàn ông mà nói thách dữ ha! Thôi để cho bả bán, tui chỉ phụ chở hàng, làm cá cho khỏe thân”.
Trong cái thế giới phụ nữ ở chợ, đàn ông buôn bán vẫn phải giữ cho được cái khí chất đàn ông! Đó là bộc bạch của anh Nguyễn Văn Bình bán hến. Nhiều người mua hàng “chẻ chanh” lắm, không chỉ trả giá, còn thêm bớt vô tội vạ, không như ý thì mắng vốn, chê ỏng chê eo… Nhiều lúc tức quá muốn chửi vung lên như mấy bà cô ở chợ, nhưng rồi phải kìm lại kẻo mang tiếng chua ngoa.
Ngày mỗi ngày, anh Nguyễn Hai đưa “chợ di động” của mình lên với bà con ở các thôn xa nhất của xã Hòa Bắc. |
Anh Nguyễn Hai, người ghi danh vào bảng “chợ di động” trên cung đường Nam Mỹ, Tà Lang, Giàn Bí ở Hòa Bắc cho rằng: “Đàn ông chạy chợ có cái khó của đàn ông. Bà con dân tộc Cơ tu không có tiền nhiều nên thỉnh thoảng hay mua nợ. Có người nợ mãi đến 5 - 6 năm mới trả hết. Mà họ biết mình là đàn ông nên cố tình dây dưa. Thôi đành chấp nhận “cháo húp quanh, nợ trả dần” vậy! Buôn bán mà không cho nợ cũng khó”.
Dù vậy, đàn ông ngồi chợ buôn bán vẫn có những cái hay. Về tâm lý, các bà các cô hay thương cảm và tín nhiệm độ chân thực của cánh mày râu nên thường chiếu cố mua hàng. Đàn ông ít nói thách, chân thực và không lắm lời nên bán hàng đắt như tôm tươi.
Anh Nguyễn Hai, dù chạy xe lên xa nhất đến non 10 cây số nhưng anh bán giá vẫn như ở ngay đoạn trụ sở UBND xã với lý do: “15.000 - 20.000 tiền xăng là chạy ớn, tăng giá làm chi, mang tiếng”.
Chị Nguyễn Thị Duy Phương, cán bộ xã Hòa Bắc cũng như bà con quanh vùng nhận xét khá “thơm thảo” về việc chạy chợ của anh: Anh Hai buôn bán lanh lẹ, vui tính. Những nơi xa xôi, bà con muốn đi chợ phải đi về mất gần 20 cây số. Có những người làm nghề “chạy chợ” như anh Hai mà bữa ăn các gia đình trở nên tiện lợi, ngon miệng.
Một ngày chạy chợ của cánh mày râu hóa ra cũng lắm niềm vui lẫn nỗi buồn. Một trong những niềm vui lớn nhất của họ là bán hết hàng, về với gia đình, được ăn bữa cơm nóng do vợ nấu, nhìn con cái lớn lên bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình, lúc đó cực nhọc mấy rồi cũng qua...
Bài và ảnh: Như Hạnh