Khu dân cư Phước Trường 2, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) từng là vùng nông thôn nhưng quá trình đô thị hóa đã đưa người dân nơi đây “lên” phố thị, sống trên những khu đất “vàng”. Dẫu vậy, những người lớn tuổi ở nơi này vẫn luôn là những nông dân cần mẫn, hết trồng rau rồi trồng hoa để kiếm thêm thu nhập.
Người dân Phước Trường vẫn cần mẫn làm nông ở những mảnh đất chưa được xây dựng. Trong ảnh: Bà Lê Thị Sau làm rau trước đình làng Phước Trường. |
1. Về Phước Trường bây giờ không thể nhận ra nơi đây từng là làng rau, làng hoa khá nổi tiếng không chỉ ở quận Sơn Trà mà cả thành phố Đà Nẵng. 99% người dân từng trồng hoa, làm nông nghiệp, đi núi và làm nghề biển.
Giờ đây, Phước Trường có những con đường rộng mở, những biệt thự to lớn, nhưng đằng sau những công trình xa hoa và những lô đất tiền tỷ ấy, người dân Phước Trường vẫn trở lại cuộc sống cần mẫn với ruộng vườn.
“Khu vực Phước Trường 2 có 5 tổ dân phố, từ tổ 7 đến 11 với khoảng 180 hộ. Trong đó, các tổ 7, 8 trên 90% là dân bản địa. Các tổ còn lại hầu hết là người từ nơi khác đến mua đất xây nhà, khách sạn, còn lại hơn 10-20% dân gốc, cuộc sống của họ sau cơn sốt đất vẫn là nông nghiệp.Nhiều nhà có tiền từ đất, nhưng sau đó bế tắc bởi không thể hoạch định được cuộc sống mới. Có trường hợp mở tạp hóa để làm ăn nhưng cũng dần cạn vốn. Nghề biển thì đã xa sau chính sách xả bản tàu công suất dưới 20CV. Chúng tôi đã hiến kế, vạch hướng làm ăn cho bà con, nhưng nhiều người không dám làm”, bà Đinh Thị Mỹ Hạnh, Trưởng ban công tác Mặt trận Phước Trường 2 cho biết.
2.. Bà Lê Thị Sau (70 tuổi), làm dâu của làng Phước Trường, suốt đời chỉ biết quanh quẩn bên ruộng đồng. Nhổ từng cây cỏ dại trên luống rau trước sân đình làng Phước Trường, bà kể về cuộc sống nhiều thăng trầm của gia đình mình và có lẽ cũng tương tự nhiều người dân Phước Trường một thời.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, con trai bà lên tàu cùng nhiều người làng Phước Trường lênh đênh đi tìm miền đất hứa. Số phận thật bi đát khi chẳng ai còn sống để trở về. Vốn là người chăm chỉ, tằn tiện với những gánh rau mỗi sáng nên vợ chồng bà tích lũy được chút ít tiền.
Thế rồi, một người con trai khác của bà nằng nặc đòi mua chiếc xe máy “Tàu” để “hơn thiên hạ”. Chiếc xe mua chưa được 3 tháng, nợ chưa trả xong thì anh con trai gặp tai nạn giao thông trên cầu Sông Hàn dẫn đến nằm bất động gần 1 tháng. Gia đình bà Sau hết tiền, gánh rau thêm phần nặng…
Sau quy hoạch vùng Phước Trường, gia đình bà Sau được bố trí tái định cư 4 lô đất. Bà xin thêm được 1 lô phụ để chia cho các con. Dư một lô ở mặt tiền đường 15m, bà bán trả nợ đất, còn lại làm căn nhà ở đường Phước Trường 9 bây giờ đang ở. Các con khác lập gia đình, bà lại cặm cụi làm rau nuôi bản thân và đứa con tật nguyền.
3. Ông Phan Phú Quang (68 tuổi) là người gốc Phước Trường. Sau giải tỏa, ông nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống phố thị, tận dụng giá trị của đất tái định cư để mở nhà nghỉ kinh doanh. Kinh tế gia đình ông Quang khá ổn. Sau đó, vợ chồng ông nhường việc kinh doanh cho con trai, còn bản thân lại quay về tranh thủ tận dụng những khu đất trống chưa được xây dựng để trồng rau, trồng hoa kiếm thêm thu nhập.
“Ngày trước, cả vùng Phước Trường mênh mông cát trắng. Mỗi nhà đất rộng mấy trăm mét vuông. Nhà cửa thưa thớt, hàng rào là những dãy cây lưỡi long. Phước Trường có lẽ là làng rau đầu tiên cung cấp rau cho thành phố. Ngày trước, người dân nơi đây cũng trồng lúa trì, mỗi năm một vụ, nhưng chỉ bảo đảm phần nhỏ nhu cầu lương thực nên chủ yếu vẫn trông chờ vào từng vụ rau. Sáng sớm, đôi vai tôi gánh nước từ 4 giờ đến 10 giờ để tưới rau. Đất cát nên cứ tưới xong quay lại là khô. 400 lần quảy gánh thế là trời trưa. Vợ con dậy từ 3 giờ sáng, cắt rau và gánh qua chợ Hàn bán. Năm 1990, chúng tôi lại xẻ đất trồng hoa. Đây cũng là làng hoa đầu tiên cung cấp cho thành phố. Công sức dồn vào để có luống rau tốt, bó hoa đẹp nhưng lời lãi chẳng là bao”, ông Quang tâm sự.
Có lẽ cái nghèo, cái khổ cứ quấn riết vì đất đai của làng phần lớn là đất hoang nhàn bạch sa cằn cỗi. Bà Đinh Thị Mỹ Hạnh chia sẻ, sau quy hoạch, mặc dù người dân có quỹ đất tái định cư, nhưng ban đầu không thể tận dụng hết giá trị của đất. Sau này, khi đất lên giá thì hầu hết đã sang tay người khác. Chỉ người trẻ có thể tìm việc khác, từ phụ hồ, công nhân hay phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm ở vùng này.
“Bài toán mưu sinh cho phần lớn người dân địa phương ở đây cũng là nỗi trăn trở của những người quản lý chính quyền các cấp”, bà Hạnh chia sẻ thêm.
Những lô đất trống được tận dụng để trồng rau và hoa bên cạnh những tòa nhà cao tầng. |
Ông Quang cũng cho hay, sau khi giải tỏa, nhiều người Phước Trường bán đất. Họ chưa bao giờ cầm tiền triệu, nói gì đến trăm triệu đồng nên khi số tiền có trong tay một lúc quá lớn, họ choáng ngợp và sử dụng không hiệu quả. Sau “cơn sốt” đất, người Phước Trường lại tiếp tục làm rau trong khi đất trống ngày càng vơi dần.
Bà Sau bây giờ có 3 luống rau, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng, đủ nuôi hai mẹ con. Trước đây, bà có 5 luống rau, sau đó chủ đất lấy lại để xây khách sạn. Mới đây, lại có người báo với bà việc phải trả đất để họ cất nhà. Mỗi lần như thế, bà “kỳ nèo” mãi thì được “hỗ trợ” ít tiền công “cải tạo đất”.
Tôi rời Phước Trường khi trời ngả bóng sau rặng cây me già mấy trăm tuổi. Ánh sáng xuyên qua những dãy nhà cao tầng dọi vào từng luống rau nằm lọt sâu giữa những dãy tường cao và lấp ló bóng người già trong cái nhá nhem tối…
Ông Phan Thanh Mai (gần 80 tuổi), người am hiểu về làng Phước Trường chia sẻ về lịch sử làng: làng tuổi đời khoảng 400 năm. Dân cư làng trước đây đều nghèo khổ. Cũng bởi nghèo nên ở làng mấy khi tổ chức hát bội cho người dân xem. Bởi thế, từng có câu ca truyền tụng rằng: “Trông cho con cóc (con ếch) mang giày/Phước Trường hát bội mấy ngày cũng coi”. Tuy đời sống nhân dân khổ cực nhưng làng vẫn luôn ngưỡng vọng đối với các bậc tiền hiền, tiền bối đã có công khai khẩn, lập làng. Sau đó, làng thành lập đình làng Phước Trường làm nơi thờ cúng bổn xứ Thành Hoàng và các bậc tiền hiền làng gồm các họ: Phan, Nguyễn, Huỳnh. Hằng năm, theo lệ, làng Phước Trường tảo mộ tiền hiền vào mồng 1-8 âm lịch, kỵ giỗ tiền hiền vào mồng 9-10 âm lịch. Mồng 10-6 âm lịch tổ chức lễ cầu an. Đình làng được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp thành phố từ năm 1997. |
Bài và ảnh: TRỌNG HUY