Mặc dù đã có những trợ cấp từ phía Chính phủ, các tổ chức cộng đồng và đặc biệt là những nỗ lực của chính cá nhân họ, song, phần lớn người khiếm thị vẫn phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong học tập, việc làm, hòa nhập cộng đồng và tạo lập một cuộc sống ổn định.
Người khiếm thị tìm được niềm vui trong công việc. |
1. Tuấn ngồi giữa ngổn ngang dây điện, ổ cắm điện, dây micro… Với bàn tay thuần thục, anh mở nắp đậy ổ cắm bằng tuốc-nơ-vít, rồi dùng kìm cắt và tước bỏ đoạn dây bị cháy, vặn lại đầu dây đồng cho các dây đồng nhỏ xoắn lại với nhau. Cuối cùng, vặn các ốc với dây thật chắc tay.
Xong một công đoạn, anh cầm thành phẩm đưa lên sát mắt để nhìn thật kỹ. Tuấn lật tới lật lui cái ổ cắm, mắt nhìn, tay sờ. Đến khi thấy yên tâm mới đặt ổ cắm qua một bên rồi mò mẫm tìm một ổ cắm bị trục trặc khác; tiếp tục công đoạn sờ nắn, vặn vít…
Tuấn (39 tuổi, quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) là một người khiếm thị: Một mắt hỏng hoàn toàn, một mắt thị lực đạt 2/10. Tuấn bắt đầu ra Đà Nẵng cách đây 3 năm, vì nghe bạn bè bảo người mù ngoài Đà Nẵng “sống được” với nghề massage. Xa vợ, xa con nhưng nghe đồng lương hấp dẫn (trung bình 5 triệu đồng/tháng) nhen nhóm trong Tuấn hy vọng cải thiện cuộc sống lâu dài.
Anh quyết đi, mặc những cản ngăn, rủi ro xe cộ nơi phố thị. Tuấn gia nhập câu lạc bộ (CLB) Nhân Ái và được dạy nghề massage. Mỗi ngày, công việc bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc tối muộn khi cơ thể đã mệt mỏi rã rời. Tuấn bảo, ở Đà Nẵng 3 năm nhưng chưa đi đến đâu, chỉ quanh quẩn nơi tiệm massage của CLB.
Ở trong nhà mà nghe tiếng còi, tiếng xe cũng đoán được thành phố đông đúc nhường nào. Mắt không thấy đường, có dám đi tới đâu. Giải trí cuối ngày duy nhất của Tuấn là điện thoại video call về cho vợ và hai đứa con gái. Để nghe chuyện học hành, chuyện lúa, rau ngoài đồng, chuyện con heo, con gà và chủ yếu là vơi nỗi nhớ nhà.
“Hồi mới ra đây buồn lắm. Chỗ làm việc, chỗ ở chật chội, khác với cái thoáng đãng ở quê. Khoảng 1 năm trở lại đây thì tui xin với mấy anh cho tham gia làm trong đội sự kiện của CLB. Đi cùng mấy anh tới trường học, nhà văn hóa… để ráp sân khấu, âm thanh, ánh sáng. Tui chủ yếu phụ bưng bê thôi, đang lõm bõm học chỉnh âm thanh và nối dây điện. Được đi ra ngoài hòa đồng với xã hội thấy vui lắm”, Tuấn bộc bạch.
Trước khi ra Đà Nẵng, dù khiếm khuyết, Tuấn chưa một ngày ở không. Anh mày mò tất cả mọi công việc phù hợp với người khiếm thị để làm, miễn kiếm ra tiền, miễn góp với vợ ít nhiều để nuôi con. Anh thậm chí từng đi làm thợ hồ. Giữa vôi vữa, cát, sạn, nhiều lúc chưa kịp nhìn thấy để phân biệt, chủ thầu đã la ó inh ỏi. Anh vẫn lẳng lặng đẩy xe rùa, trộn xi-măng, cực nhọc nào cũng vượt qua.
Tuấn nói, giai đoạn này anh cảm thấy hạnh phúc với công việc. Anh không biết diễn tả như thế nào nhưng cảm giác được làm những công việc mà trước nay chỉ dành cho người sáng mắt khiến anh thấy mình có giá trị, được xã hội thừa nhận.
2. Bằng tuổi Tuấn, quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nhưng Hải sống ở Đà Nẵng từ nhỏ và có thời gian học giáo dục hòa nhập tại Trường THPT Trần Phú. So với vẻ nhút nhát của Tuấn, Hải dạn dĩ và tự tin hơn. Anh “khoe”:
“Tui phụ trách làm truyền thông cho CLB là nhờ tài ăn nói lưu loát đó. Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Tui không nhìn thấy nhưng bù lại rất sáng dạ và khéo nói. Mấy bên đối tác từng hợp tác với CLB đều thích nói chuyện với tui lắm”. Vào nghề trước Tuấn, Hải đã có thể chỉnh, nối âm thanh một cách nhuần nhuyễn.
Anh cũng là người lên ý tưởng sân khấu cho mỗi sự kiện mà CLB đảm nhiệm. Từ mô hình sân khấu văn nghệ trường học đến sân khấu khai trương, động thổ… anh điều hành công việc gọn lẹ, đâu ra đó. Hải kể, anh biết điểm yếu của mình nên trước mỗi sự kiện được nhận, anh đều cùng anh em tới lui 2 - 3 lần tìm hiểu mặt bằng, xem có vật cản gì trên đó không, mấp mô ở đoạn nào để còn tránh, sợ nhất là vấp vào dây nhợ lằng nhằng, không biết đường nào mà gỡ.
Hải khá đa tài. Không chỉ là thợ massage giỏi, nhân viên kỹ thuật âm thanh-ánh sáng, anh còn là một “cây” đàn bầu lành nghề, thường xuyên nhận đi biểu diễn ở các tụ điểm ca nhạc. Hải cho rằng, lợi thế của người khiếm thị là trí nhớ và độ nhạy với âm thanh và cảm giác, như khi nghe người đối diện nói, anh có thể cảm nhận được khuôn mặt của họ đang hướng về mình và phán đoán được cảm xúc của người ta.
Theo Hải, nếu muốn tiến bộ, mình phải không ngừng học hỏi. Ví dụ như Hải muốn sửa cái dây micro thì Hải mua đồ nghề về rồi mày mò tự học, làm được cái đầu tiên, tiếp tục mò mẫm học cái thứ hai, rồi thứ ba… Mình phải làm được hết để nhỡ sau này trong sự kiện có xảy ra rủi ro gì thì mình cũng tự xử lý được. “Tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng, tui chỉ còn thiếu người vợ và tiếng trẻ con trong nhà nữa thôi”, Hải ngại ngùng nói.
3. Công ty TNHH Kết nối Nhân Ái do Nguyễn Tấn Lợi (sinh năm 1981), cũng là một người khiếm thị thành lập vào năm 2007. Ban đầu, công ty chỉ chuyên về massage khiếm thị, tạo công ăn việc làm cho gần 30 người khiếm thị trên địa bàn. Lợi cùng vợ và một số anh em trong công ty đều xuất thân từ Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, nơi mỗi người đều được phát triển khả năng âm nhạc theo hướng riêng. Người biết đàn organ, người đàn bầu, người thổi sáo…
Lợi bảo, tất cả các khâu trong tổ chức sự kiện anh đều làm được, ngoại trừ… lái xe. |
Ngoài massage là công việc chính, thỉnh thoảng, nhóm nhận đi diễn văn nghệ cho các tiệc liên hoan, sinh nhật, đám tiệc… Nhận thấy nhu cầu xã hội trong dịch vụ sân khấu, âm thanh, ánh sáng, Lợi mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua sắm trang thiết bị và mở rộng hoạt động của công ty trong lĩnh vực tổ chức sự kiện. Hiện tại, đội ngũ làm sự kiện của Lợi gồm 5 người, 3 người khiếm thị và 2 người mắt sáng (trong đó có 1 lái xe).
Lợi tự tin về đội ngũ của mình lắm. Vì các thành viên khiếm thị biết điểm yếu của mình nên luôn nỗ lực gấp 3, gấp 4 người bình thường. Hỏi Lợi giả dụ như các sân khấu lớn thì làm sao 3 người khiếm thị bưng vác cho nổi, Lợi cười xòa, “sao không nổi, chúng tôi chịu cực khổ quen rồi, chỉ là đi chậm hơn người bình thường thôi”.
Nói rồi Lợi kể, bữa đó là đêm bán kết chương trình văn nghệ của Trường THPT Ngô Quyền, tổ chức tại hội trường Trường tiểu học Ngô Gia Tự, sân khấu lớn lắm, hội trường chứa đến 800 người. Đội của Lợi qua 5 người. 1 người mắt sáng phụ trách nối nguồn điện lớn với làm những việc liên quan đến điện.
Còn lại 3 người kia bưng bê, ráp sân khấu, leo trèo treo phông màn. Mọi thứ ăn rơ với nhau đến nỗi người ngoài nhìn vào còn không biết các thành viên CLB là người khiếm thị. Giữa cuộc nói chuyện, Lợi xin lỗi luôn vì có khách hàng gọi đến. Với thị lực chỉ đạt 2/10, Lợi khá khó khăn trong việc nhận tin nhắn của khách hàng chứ gọi điện thì Lợi thao tác rất nhanh. Nhận được “sô” nào là Lợi nhanh chóng ghi chép cẩn thận rồi xếp lịch, dàn xếp con người, tranh thủ làm đêm làm ngày cho người ta.
“CLB Kết nối Nhân Ái của Lợi may mắn nhận được sự đồng hành của Sở GD-ĐT thành phố. Các chương trình do sở hay các trường học tổ chức, họ đều ưu ái gọi bên Lợi. Đó là ân tình mình khắc ghi trong lòng. Lợi chỉ biết cùng anh em làm thật tốt, đặt chất lượng lên hàng đầu, không vì được ưu tiên mà làm qua loa. Với cả, Lợi cũng muốn họ gọi mình vì mình là đơn vị làm tốt chứ không phải vì mình là người khuyết tật”, Lợi bày tỏ.
Thực tế, mặc dù đã có những trợ cấp từ phía Chính phủ, các tổ chức cộng đồng và đặc biệt là những nỗ lực của chính cá nhân họ, song, phần lớn người khiếm thị vẫn phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong học tập, việc làm, hòa nhập cộng đồng và tạo lập một cuộc sống ổn định.
Qua câu chuyện của Tuấn, Hải, Lợi, thiết nghĩ, vấn đề có lẽ ở chỗ là do nhiều người khiếm thị chưa tìm được một công việc giúp họ sống đúng với đam mê. Như với Lợi, Tuấn, Hải, chính âm thanh, ánh sáng, sự kiện đã mở ra cho họ một cơ hội mới. Cơ hội được làm công việc của người mắt sáng. Từ công việc đó, họ hòa nhập cộng đồng và “tỏa sáng” theo cách riêng.
Bài và ảnh: QUỲNH TRANG