Hồi ức phố cửa ngõ

.

Tiếng còi tàu hằng đêm ở ngã ba Huế vẫn vang vọng qua những mái nhà, qua những ánh đèn màu lung linh của cây cầu vượt bắt ngang cửa ngõ phố thị. Sau công cuộc giải tỏa đền bù của thành phố, ngã ba Huế xưa, giờ đã khoác áo mới. Người ở phố, có một bộ phận ở lại, một bộ phận rời đi, song, có lẽ ít nhiều trong mỗi người đều có một mảnh ký ức về góc phố cửa ngõ thuở nào.

Cầu vượt ngã ba Huế. Ảnh: HẠ VĨ
Cầu vượt ngã ba Huế. Ảnh: HẠ VĨ

Phố không bao giờ ngủ

Khi năm tháng cơ hàn dần nhường chỗ cho sự an cư lạc nghiệp ở nơi chốn mới, trong những lúc “trà dư tửu hậu”, người ta bắt đầu nhắc lại những hồi ức vui-buồn nơi cũ. Hồi ức ở ngã ba Huế được “truyền miệng”, đặc biệt qua lời những người từng mưu sinh ở phố này. Tên đầy đủ của họ không được xóm giềng, người quen nhớ rõ, chỉ có cách gắn với quán hàng hay tên thường gọi như “bác Hoa bán bún”, “cô Phúc bánh mì”, “chị Hiền bán cháo”, “bà Toàn bán nhậu”, “photo Quỳnh”, “ông Bốn Trí”…

Chúng tôi lang thang qua con xóm nhỏ dưới chân cầu vượt ngã ba Huế, hỏi han chuyện kẻ ở, người đi. Sau công cuộc giải phóng mặt bằng để phục vụ nâng cấp nút giao ngã ba Huế từ nhiều năm trước, gia đình “bác Hoa bán bún” đã chuyển về một con hẻm nhỏ trên đường Trường Chinh (thuộc phường An Khê, quận Thanh Khê), vợ chồng “bà Toàn bán nhậu” mua được căn nhà mới ở khu vực gần Bến xe trung tâm, gia đình “ông Bốn Trí” về an cư ở khu vực Yên Thế - Bắc Sơn (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ)… Cuộc sống mọi người dần ổn định, yên vui.

Họ dời đi, mang theo những câu chuyện, có vui, có buồn. Con dâu thứ hai của “bà Toàn bán nhậu” là bà Lê Thị Thủy (SN 1967, tổ 47, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) có gần 30 năm làm dâu ở đất ngã ba Huế. Bà bảo cuộc đời mình đã thường xuyên “đi-về” giữa hai ngã ba, một phía là quê nhà của bà ở “thành phố ngã ba sông” Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), phía còn lại là ngã ba Huế.

Bà kể, vùng đất giáp ranh giữa 3 quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Cẩm Lệ bây giờ, trong những năm cuối của thế kỷ XX cho tới đầu thế kỷ XXI chưa bao giờ thôi nhộn nhịp. Đây là nơi giao cắt giữa quốc lộ 1A với đường Điện Biên Phủ và đường sắt Bắc-Nam, mật độ xe cộ nhiều nên thường ùn ứ trong giờ cao điểm và lúc tàu lửa đi qua. “Hồi nớ, xe khách Bắc-Nam chạy nườm nượp đêm ngày, rồi xe lam từ nội thị lên Hòa Khánh, Kim Liên. Chưa lúc nào ngã ba Huế thưa vắng tiếng còi xe…”, bà Thủy nhớ lại.

Quán nước vỉa hè của bà Thủy, nằm trước số nhà 11A đường Tôn Đức Thắng đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của phố cửa ngõ. Tiền thân của các tuyến buýt nội thị như bây giờ là những chuyến xe lam hai chiều với giá vé tròm trèm 500 - 1.000 đồng/chuyến. Xe dừng ở ngã ba Huế, chở theo các chị, các mẹ đèo hàng. Ở đó, thường có tủ đông sương mát lạnh của các chị ở Thanh Khê gánh ngược lên hay gánh tôm tít, cua ghẹ tươi ngon từ Nam Ô đưa xuống.

Anh Trần Viết Huy (SN 1983, trú phường An Khê, quận Thanh Khê), từng sống 10 năm ở ngã ba Huế kể: “Sau này ra Bắc, vào Nam, vẫn cứ nhớ quay quắt không khí của phố cửa ngõ. Có dịp đi trên cầu vượt ngã ba Huế nhìn xuống, tôi vẫn khẽ liếc nhìn những ô đất đã từng là nơi mình lớn lên”. “Theo “định vị” bằng mắt, bếp than nướng bánh tráng của mẹ tôi năm nào nằm cách ngã ba Trụ Vôi (đầu đường Tôn Đản bây giờ) chừng 600 mét. Trong những hồi ức ngày bé, hồi ức đẹp nhất có lẽ là những buổi rạng sáng, ngồi bên bếp than phụ mẹ nướng bánh tráng, bán những gói trà, gói kẹo cho những người khách trên xe khách Bắc - Nam”.

Cũng như anh Huy, chị Đỗ Hạ Linh, người cũng từng gắn với phố cửa ngõ ngã ba này hồi tưởng: “Ngã ba Huế nhộn nhịp 24/24 giờ, vì đêm khuya hay sáng sớm vẫn có người qua kẻ lại, có mấy chú xe ôm ngồi đợi khách, có những chuyến xe đêm bắt khách giữa đường… Phố chẳng bao giờ ngủ, bất kể ngày hay đêm…”.

Góc nhỏ xóm đường tàu

Công cuộc chỉnh trang đô thị của thành phố, đặc biệt là phương án di dời giải tỏa 350 hộ dân tại 4 phường gồm Hòa An (quận Cẩm Lệ), An Khê và Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) và Hòa Minh (quận Liên Chiểu) vào năm 2012 để xây dựng nên công trình cầu vượt ngã ba Huế, đã thay đổi bộ mặt khu vực này. Từ sự đồng thuận của nhân dân, phố đã mới, nhà cửa cũng mới, cầu mới sừng sững, đường sá thênh thang, thoáng rộng. Dân ngã ba Huế còn có thêm công viên với bãi cỏ xanh rì ngay dưới chân cầu để thư giãn, vui chơi, và đặc biệt không thể không nhắc sự đổi thay của tuyến đường gom nằm song song với tuyến đường sắt Bắc-Nam. Nhiều người dân vẫn gọi nó với cái tên mộc mạc: “xóm đường tàu”.

Hình ảnh dừng xe chờ tàu hỏa ở ngã ba Huế ngày
Hình ảnh dừng xe chờ tàu hỏa ở ngã ba Huế ngày trước, khi chưa có cầu vượt. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Năm 2018, dự án đường gom dân sinh ngã ba Huế - ngã tư Hòa Cầm hoàn thành sau 2 năm thực hiện, biến cảnh quan khu đường tàu lửa Trường Chinh khang trang, sạch đẹp. Dân xóm đường tàu năm nào giờ đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Ông Đào Xuân Anh (trú tổ 25, phường Hòa An) cười tươi chia sẻ: “Đã hết rồi cái thời mưa gió lầy lội, đi qua chợ mà phải mang ủng”.

Chợ mà ông Anh nhắc đến ở trên là chợ Hòa Phát (cũ), còn hay gọi là chợ ngã ba Huế. Chợ Hòa Phát ngày ấy là nơi mua bán, giao dịch hàng hóa, nhu yếu phẩm của dân ngã ba Huế và các vùng lân cận. Ông Anh nói, cổng chợ nằm ngay bên tuyến đường sắt Bắc - Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân, lối vào chợ lầy lội mùa mưa, bốc mùi khó chịu vào mùa nắng. Cho tới khi chợ Hòa An (đường Yên Thế, phường Hòa An) được khánh thành khang trang, người dân ngã ba mới hết cảnh lội sình đi chợ năm nào.

Những đứa trẻ ở xóm đường tàu ngày đó như chị Đỗ Hạ Linh vẫn nhớ như in cảm giác tàu chạy ngang trước nhà. Chị Linh nói: “Tiếng xập xình của tàu và tiếng còi tàu như một phần không thể thiếu trong cuộc sống người dân trong xóm, tới mức, nó thành một điều thân thuộc. Gia đình tôi ngày ấy nhiều lần tàu đi qua trong ngày đến rung nhà cũng không ai còn bận tâm”.

Trong ký ức của những người con xóm đường tàu nói riêng, ngã ba Huế nói chung như chị Trinh, anh Huy, ông Anh, bà Thủy, bà Toàn, điều đáng quý là dù trong cơ hàn, thiếu thốn hay đủ đầy, người dân ở đây vẫn cố gắng sống chan hòa, gìn giữ tình làng nghĩa xóm. Bà Thủy nói, tình nghĩa ấy đơn giản chỉ là lon gạo vay vội cho bữa cơm, tiện thể mời nhau tô bún hay ly cà-phê buổi sáng. Rồi cũng có những người hàng xóm, dù đã rời ngã ba Huế từ lâu vẫn cố gắng hội ngộ nhau vào những dịp lễ, Tết, để cùng ôn lại kỷ niệm bên góc phố một thời.

Trong “Thư tình gửi một người”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Nỗi nhớ đã đi qua hết quãng đời dài hơn hai mươi năm. Đi từ Huế lên Đà Lạt về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng nước ngầm không quên lãng”. Câu nói này được một người anh (xin giấu tên) của tôi ghi lại trong sổ tay. Những dòng chữ đó được Trịnh Công Sơn gửi cho người tình Dao Ánh, riêng tôi lại muốn dành nó cho Đà Nẵng nói chung và ngã ba Huế nói riêng…

XUÂN SƠN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.