Hạnh phúc từ mỗi ngày được sống...

.

Với các chị trong Câu lạc bộ Nơ hồng Đà Nẵng - những người đang mang trong mình căn bệnh ung thư vú, hạnh phúc là mỗi ngày được sống. Và họ luôn mong muốn mang lại hạnh phúc cho người khác bằng những việc làm ý nghĩa, có ích cho cộng đồng...

Nhờ sự lạc quan, các chị em trong Câu lạc bộ Nơ hồng Đà Nẵng vượt qua nỗi đau bệnh tật và vui sống.  Trong ảnh: Thành viên trong Câu lạc bộ Nơ hồng Đà Nẵng nấu bánh canh phục vụ miễn phí cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Nhờ sự lạc quan, các chị em trong Câu lạc bộ Nơ hồng Đà Nẵng vượt qua nỗi đau bệnh tật và vui sống. Trong ảnh: Thành viên trong Câu lạc bộ Nơ hồng Đà Nẵng nấu bánh canh phục vụ miễn phí cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (42 tuổi), đang công tác tại phường Nam Dương (quận Hải Châu) là một trong những người khởi xướng và thành lập Câu lạc bộ Nơ hồng Đà Nẵng. Cách đây 6 năm, sau khi sinh xong đứa con thứ hai, chị Hà phát hiện mình có khối u ở ngực nhưng chị chưa đi khám. Chỉ đến khi thấy đau và đến bệnh viện, được bác sĩ thông báo, chị Hà mới tin mình bị ung thư vú.

Chị như chết lặng, không khóc nhưng nước mắt cứ chực trào ra. Về nhà, khi chồng biết tin chị bị ung thư, anh lặng thinh, quay đi cố nén nỗi đau. Những ngày sau đó, anh vẫn đon đả ân cần, nấu cơm giúp vợ, động viên vợ ăn để còn chăm con nhỏ.

Chị cũng cố nuốt, cũng cố cười. Thế nhưng, đến sáng hôm sau, cả bốn con mắt đỏ hoe, sưng húp... Sau đó, hai vợ chồng bàn tính việc chữa trị bệnh cho chị. Rồi chồng chị bảo bán nhà đưa chị đi Singapore chữa bệnh, chị gạt đi ngay.

“Gia tài chỉ có mỗi mái nhà che nắng che mưa, bán rồi cả nhà ở đâu? Em chữa bệnh ở Đà Nẵng thôi cho đỡ chi phí”, chị nói dứt khoát. Sau đó là những chuỗi ngày dài với những ca mổ cắt bỏ khối u ở ngực, cắt bỏ phần cơ thể đẹp đẽ nhất của người phụ nữ. 6 lần hóa trị, rồi phải cắt bỏ buồng trứng và qua 10 mũi xạ trị, cùng vô số những cơn đau và những nỗi lo về tương lai của các con lỡ khi chị có mệnh hệ gì.

Thế nhưng, người ta ít thấy chị buồn rầu hay ủ dột, trái lại trên môi chị luôn thường trực nụ cười. Chị bảo, có lẽ vì lạc quan mà bệnh “sợ” chị nên dù phát hiện ung thư khi đã bước sang giai đoạn cuối (di căn xương) nhưng chị vẫn duy trì sự sống đến tận hôm nay.

Trong những tháng ngày điều trị ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, chị còn mang tiếng hát của mình đến với những người cùng cảnh ngộ để động viên nhau, tiếp thêm nghị lực sống. Và Câu lạc bộ Nơ hồng Đà Nẵng ra đời với sự tâm huyết của chị, của chị Hoàng Thị Sơn và bác sĩ Nguyễn Thị Minh Chí, với mục đích là để kết nối những người bệnh cùng nhau vượt qua nỗi đau số phận, cùng làm những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.

Đến nay, đã hơn 3 năm, từ chỗ chỉ có 28 thành viên, câu lạc bộ đã kết nối gần 100 thành viên, tất cả đều là bệnh nhân ung thư vú.

“Tụi mình coi nhau như những người thân đang đi cùng một chuyến tàu. Và khi tàu cứ dừng ở một ga thì lại có một người bước xuống và mãi không gặp được nữa. Bởi vậy, phải luôn động viên nhau phải biết quý từng phút giây được sống”, chị Dương Thị Thi (48 tuổi), thành viên Ban chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ.

Chị Thi cũng bị ung thư vú khoảng 4 năm nay. Chia tay chồng, một mình chị bươn chải nuôi 3 con ăn học thành người. Đã có lúc, cơ thể chị không còn đáp ứng khi truyền hóa chất và chỉ còn da bọc xương. Đã có khi, chị tưởng như mình sẽ buông xuôi khi phải chống chọi với bệnh tật. “Tham gia vào câu lạc bộ và cùng các chị mang niềm vui đến cho mọi người, tôi như được tiếp thêm nghị lực sống, cảm thấy mình phải sống và sống tốt”, chị Thi bộc bạch.

Những ngày đầu sinh hoạt, mỗi chị em góp 100.000 đồng để làm quỹ họp và dành cho các hoạt động thiện nguyện. Sau này, những hoạt động của các chị được biết đến và nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, các cá nhân, bạn bè. Qua 3 năm hoạt động, câu lạc bộ đã huy động được hơn 134 triệu đồng từ các thành viên và các nhà hảo tâm để hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.

Cứ khoảng từ 2-3 tháng, các chị lại tất bật chuẩn bị thực phẩm để nấu những món ăn ngon cho bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Những tô bún, tô bánh canh nóng hổi chan chứa tình yêu thương, sự sẻ chia được đưa đến tận tay người bệnh. Để lại tiếng cười. Để lại niềm vui. Để tiếp thêm cho nhau nghị lực sống.

“Tham gia hoạt động này, mình cảm thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa khi mang lại niềm vui cho mọi người. Mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người bệnh khác khi vẫn còn có một mái nhà để về, có người yêu thương và chăm sóc, có điều kiện để chữa bệnh...”, chị Trần Thị Ngân (44 tuổi), giáo viên Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập thành phố, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Nơ hồng Đà Nẵng chia sẻ.

Không chỉ vậy, chị Hà cùng các chị em trong câu lạc bộ còn kêu gọi các mạnh thường quân để giúp đỡ cho các chị em bệnh nhân khác. Đơn cử như trường hợp chị A. (quê ở Quảng Nam) đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, được câu lạc bộ kết nối kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 11 triệu đồng để tiếp tục chữa ung thư vòm họng.

Trước đó, chị A định từ bỏ điều trị vì nhà quá nghèo, không còn tiền để trang trải chi phí chữa bệnh. Câu lạc bộ Nơ hồng Đà Nẵng còn duy trì được “thư viện” tóc giả để cho các chị em đang trong quá trình hóa trị mượn. “Cứ mỗi lần hóa trị thì tóc của các chị cứ rụng dần và khoảng gần 1 năm sau mới mọc lại như bình thường. Vì vậy, bên cạnh nỗi đau thể xác do bệnh tật, chị em còn cảm thấy mặc cảm tự ti, buồn chán.

Được Mạng lưới ung thư vú Việt Nam tặng 50 bộ tóc, đó là những mái tóc được làm từ tóc thật có giá vài triệu đồng/bộ, chúng tôi đã lập ra “thư viện” để cho chị em mượn và giúp bệnh nhân cảm thấy tự tin hơn trong quá trình điều trị”, chị Hoàng Thị Sơn, thành viên Ban chủ nhiệm, phụ trách “thư viện” tóc của Câu lạc bộ cho biết.

Bên cạnh hoạt động từ thiện, các chị còn kết nối được với các giáo viên dạy yoga, dạy múa, dạy đàn piano, khiêu vũ miễn phí cho các thành viên câu lạc bộ và khuyến khích chị em tham gia nhiều hoạt động thể dục, thể thao để duy trì và nâng cao sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, chính nhờ “liều thuốc” tinh thần là sự lạc quan, yêu cuộc sống đó mà rất nhiều chị trong câu lạc bộ đã vượt qua những lúc thập tử nhất sinh để có thể vui sống đến ngày hôm nay.
Một mùa xuân nữa đang đến thật gần. Và các chị, bằng chính nghị lực sống, đang tự tạo nên mùa xuân cho riêng mình và mang mùa xuân đến với những mảnh đời bất hạnh.

Bài và ảnh: Phương Trà

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.