Hồi sinh những cuộc đời

.

Có biết bao nhiêu cuộc đời được hồi sinh sau những ca phẫu thuật kéo dài hàng giờ đồng hồ. Các y, bác sĩ đã “tái sinh” người bệnh bằng kỹ thuật cấy ghép nội tạng đỉnh cao và chính xác tuyệt đối.

Câu chuyện này không chỉ mở ra một hướng đi mới đối với ngành y tế mà còn chứa đựng những thông điệp nhân văn, khi nhiều người không ngần ngại bớt đi một phần cơ thể để mang lại sự sống cho người bất hạnh hơn.

Ghép tạng là kỹ thuật y tế đỉnh cao, trở thành ngành mũi nhọn mà Bệnh viện Đà Nẵng hướng tới. Trong ảnh: Cấy ghép tủy cho bệnh nhân chấn thương cột sống tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Ghép tạng là kỹ thuật y tế đỉnh cao, trở thành ngành mũi nhọn mà Bệnh viện Đà Nẵng hướng tới. Trong ảnh: Cấy ghép tủy cho bệnh nhân chấn thương cột sống tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Nhường... một phần cơ thể

Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi gặp lại T.T.S. (39 tuổi, trú Hội An, Quảng Nam) - người được ghép thận thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng hồi tháng 6-2019. Tháng 8-2018, trong một lần đi khám, chị S. phát hiện mình bị suy thận mạn, giai đoạn cuối.

Chị nhập viện điều trị và chạy thận nhân tạo tại Khoa Nội thận-Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng trong tâm trạng trĩu nặng âu lo. “Không còn khả năng lao động, ngày ngày đối mặt với mấy bức tường bệnh viện, tiếp xúc với kim tiêm, hóa chất, lọc máu khiến tinh thần tôi như sụp đổ. Cảm giác bản thân không còn được sống bao lâu nữa, trong khi các con lại còn quá nhỏ thật là đáng sợ!”, chị S. nhớ lại.

Nhìn thấy tương lai chị gái dường như khép lại, chị T.T.X., 31 tuổi, em gái chị S. đã quyết định hiến thận cho chị. “Máu chảy ruột mềm, chị ấy còn tương lai phía trước, còn gia đình và con nhỏ. Đó là lý do tôi muốn chia sẻ một phần cơ thể để giúp chị cải thiện và duy trì cuộc sống”, X. nói ngắn gọn.

Sau khi trải qua hàng trăm xét nghiệm cho kết quả thận tương thích, chị S. được hội chẩn viện quyết định thực hiện cấy ghép thận với xác suất thành công cao. Ê-kíp thực hiện ca cấy ghép thận lên đến hơn 30 người và làm việc liên tục trong hơn 10 giờ đồng hồ gồm y, bác sĩ các liên chuyên khoa nội thận, thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, ngoại tiết niệu, huyết học, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ các bước phẫu thuật lấy thận, rửa thận, ghép thận.

Sau gần 3 tuần phẫu thuật, sức khỏe của chị S. tiến triển tốt, chức năng thận ure, creatinin máu và các chỉ số xét nghiệm máu khác đã trở về bình thường. Sức khỏe em gái chị cũng đã ổn định và đã được ra viện trước đó. “Mình như được hồi sinh với cuộc sống mới, cuộc sống mà sự gắn bó giữa bản thân với những người thân yêu xung quanh dường như bền chặt hơn rất nhiều”, chị S. chia sẻ.

Tương tự, sau khi được ghép thận, sức khỏe của P.T.T.D. (25 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn) đã có dấu hiệu hồi phục. Mới 24 tuổi nhưng D. bị suy thận mạn sau 3 năm điều trị viêm cầu thận mạn. Năm 2018, D. phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần.

Trước tình hình sức khỏe của con, bà N.T.K. (45 tuổi), mẹ D. đã đồng ý hiến một quả thận của mình để ghép cho con. Gia đình bà K. thuộc diện khó khăn, bản thân bà không có việc làm, chồng làm công nhân nên cuộc sống chỉ đủ ăn qua ngày.

Ê-kíp gần 30 người của Bệnh viện Đà Nẵng được huy động tham gia ca phẫu thuật ghép thận cho D. trong vòng 6 giờ đồng hồ. Sau hơn 1 năm ghép thận, K. đã rũ bỏ hoàn toàn những cơn đau, trở thành một cô gái vui tươi, khỏe mạnh. “Nhìn con khỏe mạnh trở lại, tui mừng lắm. Nó còn trẻ, còn cả tương lai”, bà K. cho biết.

Từ năm 2015, chương trình ghép thận được tái khởi động tại Bệnh viện Đà Nẵng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Bác sĩ Đặng Anh Đào, Trưởng khoa Nội thận-Nội tiết cho biết, ghép thận được xem là phương pháp điều trị thay thế thận có hiệu quả cao hơn so với thận nhân tạo, nhưng đây là kỹ thuật khó, phức tạp và có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa cùng lúc.

Mỗi ca ghép thận phải thực hiện hơn 100 xét nghiệm các loại. Được biết, đề án ghép thận lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng từ năm 2006, nhưng vì nhiều lý do nên gián đoạn đến năm 2015 mới bắt đầu trở lại. Theo bác sĩ Đào, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã thực hiện được 28 ca ghép thận từ người cho sống với sự hỗ trợ ban đầu của Bệnh viện Trung Ương Huế và sau đó các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Những tín hiệu vui

Hiện Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận, điều trị hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh về thận, trong đó có khoảng 400 người bị suy thận mạn có nhu cầu ghép thận. So với các cơ sở y tế trong cả nước, chi phí một ca ghép thận tại Bệnh viện Đà Nẵng thấp hơn rất nhiều, khoảng 150-300 triệu đồng/ca ghép (so với 400-500 triệu đồng/ca tại các cơ sở khác) nhưng vẫn bảo đảm các chỉ số hồi phục.

“Bệnh nhân bị suy thận mạn không chỉ đối mặt với vấn đề trầm cảm và nguy cơ tử vong rất cao, mà còn chật vật trong cuộc sống. Phải điều trị thời gian dài khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, vay mượn khắp nơi. Chính vì thế, ngoài việc triển khai các kỹ thuật cấy ghép thận, chúng tôi cũng huy động, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí giúp giảm bớt gánh nặng cho người bệnh”, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.

Một bệnh nhân ghép thận thành công, được chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Một bệnh nhân ghép thận thành công, được chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo bác sĩ Nhân, cấy ghép tạng là một trong những lĩnh vực phát triển mũi nhọn mà lãnh đạo bệnh viện hướng tới. Trong lĩnh vực khoa học về con người, khi một bộ phận cơ thể con người bị hư hỏng, không thể chữa khỏi thì ghép tạng là biện pháp duy nhất, là hy vọng sống cuối cùng của người bệnh. Đây là kỹ thuật y tế đỉnh cao, được xem là một trong 10 thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 20.

Chính vì thế, không chỉ ghép thận, Bệnh viện Đà Nẵng đang hướng tới mục tiêu cấy ghép các bộ phận khác như ghép tủy, ghép gan, ghép tim… Trong những năm qua, nhiều ê-kíp bác sĩ đã được đưa đi đào tạo ở một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Đức… Năm 2018, Bệnh viện Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ cấy ghép nội tạng với Đội Medical Round’s thuộc Hiệp hội Thầy thuốc Nhật Bản. Theo đó, các nhóm bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng sẽ sang Nhật Bản học tập dưới sự chỉ dạy trực tiếp của GS. Masatoshi Makuuchi - huyền thoại sống về ghép tạng của thế giới. Đây được coi là cơ hội để đội ngũ bác sĩ Đà Nẵng đặt nền móng cho việc làm chủ các kỹ thuật cấy ghép tạng trong tương lai.

Cũng theo bác sĩ Nhân, nhiều chính sách hỗ trợ người hiến tạng cũng đang được triển khai. Tháng 8-2019, chương trình khám sức khỏe định kỳ cho người từng tham gia hiến tạng bắt đầu được triển khai tại Bệnh viện Đà Nẵng. Mục đích của chương trình này là bảo đảm quyền lợi được chăm sóc sức khỏe định kỳ của người sau khi đã hiến một phần cơ thể của mình, duy trì sự sống cho người khác.

Đây là hoạt động hoàn toàn miễn phí, góp phần tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý thường gặp ở người tham gia hiến tạng như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, suy giảm chức năng gan, thận… Người được khám sức khỏe định kỳ sẽ được thực hiện khám tổng quát; xét nghiệm cận lâm sàng như công thức máu, nước tiểu toàn phần, đường máu, ure, creatinin, SGOT, SGPT, X-quang phổi.

Nhu cầu ghép tạng tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận ngày càng cao. Để giúp người bệnh tránh phải di chuyển đi xa, Ban Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng đã có đề án đẩy mạnh chương trình ghép tạng. Tháng 5-2019 UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Công trình gồm 11 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật và 2 tầng hầm với diện tích sử dụng đất 2.629m2.

Dự kiến cuối năm 2019, công trình sẽ được khởi công. “Có thể nói đây là bước đột phá trong việc hiện thực hóa các kỹ thuật cấy ghép tạng ở Bệnh viện Đà Nẵng. Trung tâm sẽ được trang bị các kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu, các phòng chuyên môn như chăm sóc trước khi ghép, phòng mổ, phục hồi chức năng sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua các chương trình đào tạo, chuyển giao quốc tế, đội ngũ nhân lực của Bệnh viện Đà Nẵng đã và đang dần làm chủ những kỹ thuật hàng đầu trong lĩnh vực này”, bác sĩ Lê Đức Nhân cho biết thêm.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.