"Ông Lữ" thời @

.

Chiều chiều ông Lữ đi câu. Cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng… Câu hát ầu ơ ngày nào đã thổi vào tâm hồn của những đứa trẻ nông thôn thời 7X, 8X trở về trước cái sự thi vị của nghề câu cá vốn dĩ rất cơ cực trên những sông suối ao hồ sáng nắng, chiều mưa.

Các “cần thủ” trong một chuyến câu cá của Hội câu cá quán Ven Sông.
Các “cần thủ” trong một chuyến câu cá của Hội câu cá quán Ven Sông.

Xưa ông bà mình đi câu cá để mưu sinh, nhưng từ hơn mười năm trở lại đây, Đà Nẵng lại rộ lên phong trào câu cá để thư giãn. Nghĩa là đi câu không hẳn để kiếm cá tôm mà thú buông câu giữa dòng nước mênh mang là cách hay nhất để con người thời “công nghệ 4.0” rời xa đám máy móc hiện đại mà lắng lòng, trầm tĩnh, nghĩ suy về cuộc sống.

Nghề câu cũng lắm công phu

Chiều chiều ngược sông Hàn lên cầu Cẩm Lệ, cầu Đỏ, ven sông Túy Loan… hoặc cuối tuần tha thẩn quanh một vòng từ Bãi Rạng, Bãi Cát Vàng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), Bãi Đá Đen (Nam Hải Vân) đến các suối, ao, hồ lớn nhỏ trong thành phố, đâu cũng gặp các “ông Lữ” ngồi một mình hoặc một nhóm đôi ba người im lặng buông cần.

Mấy ngày trước ghé quán cà-phê Trung Nguyên ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, tình cờ gặp “cần thủ” Nguyễn Hùng đơn độc “thi triển công phu” câu cá bên con sông Túy Loan dập dềnh nước lớn. Một mình với 5 cần câu máy cắm ở mé sông, một ly cà-phê, một ấm trà để trên chiếc ghế con chông chênh trên nền đất xâm xấp nước mưa ban chiều còn sót lại. Vui chuyện anh tâm sự rằng: “Ai nói nghề câu đơn giản là sai lầm. Nghề câu cũng lắm công phu! Mỗi loại cá có một kiểu câu, một thứ mồi riêng biệt. Câu cá mùa nắng khác mùa mưa bão. Câu cá đồng không giống câu cá hồ, cá sông. Tâm thế của kẻ lênh đênh thuyền câu giữa mênh mông sông nước sẽ không như người đứng trên cầu buông câu chờ đợi… Và tất nhiên, cái thú của kẻ thả câu để kiếm tìm sự an yên trong tâm hồn sẽ khác xa với niềm hạnh phúc của người mưu sinh bằng cái cần câu cá”.

Cần câu bây giờ rất hiện đại, dù là câu tay hay câu máy cũng được bán sẵn ở các cửa hàng chuyên phục vụ ngư cụ khắp trong thành phố, đặc biệt là dãy ki-ốt ở chợ Hàn cuối đường Hùng Vương. Bây giờ không còn ai đốn tre làm cần câu như ngày xưa nữa. Cần câu được thiết kế gọn nhẹ, có thể xếp vào ba lô. Phao, chì cũng được bán kèm chứ không phải tốn công chặt cây bắp moi lấy lõi hay cắt xốp thùng như mấy mươi năm trước. Việc còn lại của “cần thủ” là tìm mua hoặc tự làm mồi câu cho thích hợp rồi cùng bạn bè rong ruổi khắp sông hồ để buông câu đợi cá…

Cũng có nhiều người không có thời gian và lười đi lại nên thích đi câu ở các hồ câu thư giãn. Đà Nẵng có nhiều hồ câu kiểu này nhưng nổi tiếng hơn là hồ Ba Sen Vàng trên đường Trưng Nữ Vương và Khu du lịch sinh thái câu cá Vườn Chuối bên cầu Cẩm Lệ, Cà-phê Dáng Xưa ở 714 đường Tôn Đản nối dài. Khách vào câu ở các hồ này không phải lích kích mang theo cần câu. Nhà hàng có dịch vụ cho thuê cần với giá 50.000 đồng bao luôn mồi câu. Khi câu được cá, khách có quyền nấu ăn tại chỗ hoặc mang về, tùy hứng.

Tất nhiên câu cá hồ, mà lại hồ sinh thái phục vụ cho du lịch thì hầu như cá ở đây đều là cá rô phi, cá trê lai được thả nuôi để phục vụ nhã hứng của các ông Lữ thời @. Mà cá ở đây rất dạn người và tinh ranh lắm. Cứ lượn lờ đớp mồi, có khi lôi đứt cả dây cước. Tất nhiên, không phải ai đến đây cũng câu được cá, có người câu chừng nửa giờ đã được hơn chục con, nhưng cũng lắm kẻ ngồi cả buổi lại tay trắng.

Một góc nhìn khác cho Đà Nẵng

Trời lập đông, mưa và lạnh khiến người ta lười ra đường. Ấy vậy mà trên cầu Cẩm Lệ vẫn thấp thoáng nhiều bóng người đứng cạnh thành cầu buông cần câu giữa dòng nước đỏ lừ chạy về cửa biển. Tôi dựng xe máy sát lối đi bộ trên cầu bắt chuyện với một “cần thủ” còn rất trẻ. Anh là Nguyễn Văn Tính, quê ở Sa Kỳ, Quảng Ngãi ra Đà Nẵng lập nghiệp đã 7 năm. Vốn là dân máy tính chính hiệu nhưng mê câu từ hồi ở quê nên lúc rảnh rỗi hay cuối tuần anh thường ra cầu Cẩm Lệ câu tôm càng xanh… Trước là để thư giãn, tạm rời xa thế giới công nghệ số, sau là vơi nỗi nhớ quê nhà.

“Chiến lợi phẩm” ba sa nặng 8kg của “cần thủ” Nguyễn Thế Bảo Linh của Hội quán Ven Sông (xã Hòa Phong).
“Chiến lợi phẩm” ba sa nặng 8kg của “cần thủ” Nguyễn Thế Bảo Linh của Hội quán Ven Sông (xã Hòa Phong).

Trong khi mắt vẫn theo dõi động tĩnh của sợi dây câu, anh Tính chỉ tay về phía bên kia cầu nói: “Những người đứng câu trên cầu ni đều là dân câu tôm càng và các loại cá nhỏ. Dọc bờ sông là dân câu cá lớn như chép, rô phi, ba sa… Tôm càng xanh là loài thích sống ở hốc đá, trụ cầu và ít di chuyển chỗ ở. Nhiều khi câu được con tôm gần nửa ký, mình bám đầy rong rêu… Ngày nào bận bịu không ra câu thấy nhớ da diết khúc sông quen thuộc. Nhớ cái rung nhè nhẹ của dây câu khi tôm đưa càng vờn dây. Nhớ cái cảm giác nghe đầu cần câu nhíp nhíp, dây câu nằng nặng là lúc tôm đã ăn mồi. Và dù trái tim của người câu có đúc bằng thép đi chăng nữa cũng bắt đầu loạn nhịp…”.

Điểm chung của những “cần thủ” không chuyên là đam mê với nghề câu. Không cần biết lạ hay quen, gặp người cùng sở thích là dân câu có thể thao thao bất tuyệt về cái thú tiêu dao trên sông nước. Khúc sông chảy từ cầu Cẩm Lệ đến cầu Hòa Xuân người dân nuôi cá lồng rất nhiều nên cá sông rất hay tụ tập quanh các lồng để “ăn ké”. Các tay câu chỉ cần thả câu gần lồng và chờ đợi cá đớp mồi. Cá ở quanh các lồng này thường là cá mè, cá chép, cá trắm, chúng ăn khá tạp nên dễ mắc câu. Nhiều bữa có người câu được hơn cả chục ký cá. Nhiều con chép nặng đến ba, bốn ký là chuyện thường gặp trong thế giới “cần thủ”! Lưỡi câu, vì vậy, thường phải có nhiều ngạnh để khỏi vuột. Người cầm cần lúc này phải biết lúc cương lúc nhu, khi thu dây, khi nới cần. Chờ cho con cá mệt nhoài rồi mới dìu chầm chậm vào bờ...

Đà Nẵng có sông Hàn, sông Cu Đê và bờ biển dài đẹp với những rạn đá hữu tình. Vì vậy, có thể nói đây là địa điểm lý tưởng cho những người thích hoạt động câu cá tại Đà Nẵng cũng như du khách trong và ngoài nước. Đây là nơi sinh sống của nhiều chủng loại đa dạng như cá đục, cá căn, cá nóc, cá hanh. Chỉ cần chiếc cần và miếng mồi bằng tôm lột hay dã tràng thì người câu có thể nhấc cần mà không hề suy nghĩ.

Thú vị nhất là cách câu cá đối không dùng cần không lưỡi câu của người địa phương ven cửa biển. Đó là khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Các “ông Lữ” chỉ cần múc một ít bột mì đổ vào trong chai nhựa được buộc chặt theo một sợi dây cước dài; sau đó, lấy đà liệng chai nhựa xuống dưới dòng nước sâu. Ông Nguyễn Văn Tư, một người dân bản đảo Sơn Trà bật mí cho biết: Cá đối thường sống chủ yếu ven bờ biển hoặc các âu thuyền, lạch sông, cửa sông. Do đặc tính của loài cá này không thể bơi lùi nên khi lọt vào chai ăn mồi là không thể quay đầu được. Chính vì thế cá sẽ quẫy liên hồi làm rung chai, người câu chỉ cần kéo đều tay đưa cá lên bờ và trút... vào giỏ!

Chiều chiều ông Lữ đi câu. Cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng… Giờ đây những “ông Lữ” xuất hiện dưới một hình ảnh khác xưa với các loại cần câu máy, họ kiếm tìm một thú vui tao nhã cho mình và “vẽ” ra một góc nhìn khác cho một Đà Nẵng yên bình, đáng sống...

Bài và ảnh: NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.