Tiếng Saranai trong lòng thung lũng

.

Sắp tròn 10 năm, kể từ ngày nghệ nhân dân gian Trượng Tốn - bậc thầy thổi Saranai về với cát bụi, tiếng kèn đặc trưng của người Chăm vẫn còn đó, thánh thót cất lên.

Đường về Mỹ Sơn nay đã gần hơn, từ dạo Quảng Nam khánh thành cầu Giao Thủy nối đôi bờ Thu Bồn năm 2017. Người Đại Lộc qua Duy Xuyên nay hết cảnh à ơi gọi đò. Từ Đà Nẵng, theo đường Trường Sơn đi thẳng, băng qua thị trấn Ái Nghĩa một chặp đã tới cầu, cứ thế đi liền mạch tới Mỹ Sơn.

Thánh địa Mỹ Sơn.
Thánh địa Mỹ Sơn.

Hết 2km đi xe điện và 500m cuốc bộ dưới những tán cây mát rượi, khách đã nghe tiếng Saranai cất lên từ nhà biểu diễn trước lối vào trung tâm Thánh địa. Tiếng kèn lúc réo rắt, lúc thánh thót, lúc trầm mặc hòa nhịp cùng với những nhạc cụ truyền thống khác như trống Paranưng, trống Ghi-năng, đàn Ca-nhi, nhị Mu rùa… tạo nên bản hòa ca lôi cuốn, dưới chân những đền tháp xưa cũ.

Nhạc công Thiên Thành Vũ (28 tuổi), Trưởng phòng Văn hóa nghệ thuật dân gian (VHNTDG) Chăm tại di tích Mỹ Sơn cho biết, theo quan niệm của người Chăm, bộ 3 trống Paranưng, kèn Saranai và trống Ghi-năng tượng trưng cho một con người. Ở đó, Saranai đại diện cho cái môi. Paranưng đại diện cho cái bụng. Còn trống Ghi-năng là 2 đầu gối. Bộ 3 này được chơi trong những ngày lễ hội của người Chăm như lễ năm mới Rija Nagar, tết đoàn tụ Kate… Ngoài ra, kèn Saranai còn được thổi trong những đám tang.

Saranai có ba phần chính, gồm phần chuôi làm bằng đồng, bên trong có gắn lưỡi gà dùng để thổi, phần thân bằng gỗ và loa kèn. Saranai có 7 lỗ tượng trưng cho cái đầu, hai mắt, hai mũi, hai lỗ tai và một cái miệng của con người. Anh Vũ nói, các nghệ nhân thường ví kèn Saranai là phần đầu của bộ ba nhạc cụ nói trên, bởi Saranai thường được thổi để mở đầu cho mỗi điệu thức hay chuyển từ điệu này sang điệu khác. “Cả 3 nhạc cụ như một thể thống nhất, không thể tách rời, phải luôn đi cùng nhau. Nếu thiếu một trong ba nhạc cụ này sẽ không tạo được bản nhạc Chăm đặc sắc. Ngày xưa, Saranai được làm từ xương ngà voi, bây giờ thường làm bằng gỗ me. Âm phát từ gỗ me hay lắm!”, anh Vũ cho biết.

Theo anh Vũ, những nhạc công thấm nhuần âm nhạc Chăm phải thuộc nằm lòng 72 điệu cổ nhạc, được chia thành 4 nhóm là lễ tôn kính, lễ cầu khấn, lễ đầu năm và trong giao lưu văn nghệ. Những hơi kèn, tay trống của anh hôm nay được truyền thụ cha mình là nghệ nhân Thiên Sanh Thềm - một trong số rất ít người vừa có tài chế tác, sử dụng và biểu diễn thành thạo bộ 3 nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận và nghệ nhân Trượng Tốn - nghệ sĩ người Chăm đầu tiên được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian Việt Nam năm 2002.

Năm 2010, nghệ nhân Trượng Tốn trút hơi thở cuối cùng ở quê nhà Ninh Thuận, sau hành trình gần 10 năm thổi Saranai ở Mỹ Sơn và nhiều nước Đông Nam Á. Theo tư liệu từ Ban Quản lý Di tích và Du lịch (BQL) Mỹ Sơn, những âm sắc của bộ 3 nhạc cụ truyền thống của người Chăm đã được ông ký âm cẩn thận, sau cả quãng đời sưu tầm, nghiên cứu… Trước ngày mất, ông vẫn chuyên tâm dạy hết những tinh túy của âm nhạc dân gian Chăm cho những nhạc công trẻ, và Thiên Thành Vũ chính là người kế thừa xứng đáng những di sản của ông để lại. Để đến hôm nay, tiếng Saranai còn vang vọng…

Giữ lại cho đời sau

Ông Phan Hộ, Trưởng BQL Mỹ Sơn cho hay, phòng VHNTDG Chăm hiện có 28 người, trong đó có 4 nhạc công đều là người Chăm đến từ Ninh Thuận. Lực lượng này đảm nhận công tác biểu diễn phục vụ du khách đến với Mỹ Sơn mỗi ngày. Những năm qua, BQL đã xây dựng chương trình múa Chăm thường xuyên, biểu diễn hằng ngày với 4 suất diễn trong nhà biểu diễn và 2 suất tại chân tháp.

Nghệ nhân trẻ Phú Bình Huyện biểu diễn tiếng kèn Saranai truyền thống.
Nghệ nhân trẻ Phú Bình Huyện biểu diễn tiếng kèn Saranai truyền thống.

Việc Thiên Thành Vũ cùng những nghệ nhân Chăm ở Mỹ Sơn chấp thuận rời Ninh Thuận về với xứ Quảng bắt nguồn từ tâm huyết của chính quyền Quảng Nam trong việc phát huy giá trị di sản. “Khi được giao nhiệm vụ quản lý và gìn giữ Mỹ Sơn, chúng tôi đã nhìn thấy, ngoài những di sản vật thể còn hiện hữu thông qua các kiến trúc đền tháp thì một phần rất quan trọng là di sản phi vật thể cần được bảo tồn - phát huy, trong đó có sinh hoạt nghệ thuật và nghi lễ của người Chăm. Và muốn làm được điều này buộc phải có nghệ nhân người Chăm. BQL đã tìm vào Ninh Thuận để gặp gỡ và mời các nghệ nhân về làm việc tại Mỹ Sơn”, ông Phan Hộ kể lại.

Theo ông Hộ, nhiều năm trước còn nhiều thiếu thốn, song BQL Mỹ Sơn đã dành sự ưu tiên cho các nghệ nhân ở Mỹ Sơn về vật chất và tinh thần để họ yên tâm làm việc. Bên cạnh việc trả lương và phụ cấp ưu đãi, chính quyền tạo điều kiện, bố trí công việc cho gia đình, hỗ trợ về đất đai và kinh phí xây dựng nhà ở để họ ổn định cuộc sống và ở lại với Mỹ Sơn.

Bị thuyết phục trước tâm huyết của nhà quản lý, cùng lòng yêu nghề, những nghệ nhân người Chăm đã đến và gắn bó với Mỹ Sơn. “Năm 2010, tôi đến với Thánh địa. Lúc ấy chưa đầy 18 tuổi. Ban đầu chỉ đến với suy nghĩ “đi thử cho biết”, nhưng rồi gắn bó với vùng đất này lúc nào không hay”, anh Vũ kể.

Ra Mỹ Sơn năm 2014, đến nay tiếng kèn của nhạc công Phú Bình Huyện (22 tuổi) đã ngân xa không chỉ trong lòng Thánh địa mà tạo nên những ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách. Anh nói, thổi Saranai không dễ, khó nhất là lấy hơi. “Chúng tôi mất 2 năm học lấy hơi và mất 5 năm để thổi được Saranai thuần thục. Một hồi kèn có thể ngân tới vài phút. Làm sao đẩy một luồng hơi ra ngoài và hút vào một luồng hơi khác trong khi thổi, điều đó rất khó. Người thổi Saranai phải thuần thục cách lấy hơi đều và cách luyến láy”, anh Huyện nói.

Huyện làm quen với Saranai từ năm 9 tuổi từ sự chỉ dạy của gia đình, còn Vũ gắn bó với cây kèn năm 17 tuổi. Vũ kể, những năm tháng ở quê nhà Phước Hữu (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), anh đã học được cách chơi trống Ghi-năng thuần thục, nhưng Saranai vẫn là quá khó để anh học theo. Thế rồi, nhờ sự quyết tâm và chỉ dạy từ tiền bối, Vũ dần vượt qua và trở thành người thổi Saranai “cứng cựa” ở Mỹ Sơn.

Anh Vũ kể, có một quan niệm cũ của người Chăm, đó là trước ngày làm lễ, nhạc công không được thổi Saranai cũng như dùng những nhạc cụ khác ngay trong làng mà phải mang ra đồng, ra rừng, ra rẫy cách xa làng để thổi. Như thế để âm khỏi vang to, để tránh ma quỷ về làng. Bây giờ, quan niệm ấy dần thoáng hơn, nhiều người trẻ đã bắt đầu tập Saranai ngay trong làng mà không sợ quở trách nữa. “Thổi Saranai khó nên trẻ con, thanh niên Chăm hiếm ai học theo, nhưng giờ tôi cũng cố gắng chỉ dạy con cháu ở nhà, để Saranai và nhiều nhạc cụ khác không bị quên lãng”, Huyện nói.

Ông Fishcher-Jean Paul, một du khách người Pháp chia sẻ: “Ở Pháp, tôi có tiếp xúc với nhiều nhạc cụ tương đồng như kèn trumpet, kèn clarinet, sáo flute… nhưng với Saranai, thực sự là lần đầu tiên tôi thấy một nghệ sĩ có thể thổi một hơi kèn dài cả mấy phút mà không hề ngắt quãng, đã vậy còn vừa thổi vừa múa nữa. Họ thật phi thường!”.

Trước mặt Fishcher-Jean Paul, anh Phú Bình Huyện đang cất lên hồi Saranai trong tràng vỗ tay của khán giả. Tâm nguyện về người kế thừa của nghệ nhân Trượng Tốn năm nào đã thành hiện thực. Chiều đông, tiếng Saranai vẫn thánh thót dưới chân những cổ tháp nhuốm màu thời gian, mênh mang qua đôi bờ Thu Bồn, qua thung lũng Mỹ Sơn - tiếng khèn của sự đồng vọng văn hóa nhiều thế hệ, trên đất thánh.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.