Cánh cửa thép bị mở toang

.

Cứ điểm Thượng Đức án ngữ trên đồi cao 500 mét. Là cứ điểm tiền tiêu, vững chắc án ngữ vòng ngoài, phía tây Đà Nẵng, khống chế giữa vùng căn cứ của quân giải phóng, nên một số các tướng lĩnh Sài Gòn và cố vấn Mỹ không ít lần thị sát Thượng Đức. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ví Thượng Đức là “Mắt ngọc của đầu rồng”, còn Tỉnh trưởng Quảng Nam thì gọi Thượng Đức là “Cánh cửa thép” của Tây-Nam Đà Nẵng.

Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức.  (Ảnh tư liệu)
Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức. (Ảnh tư liệu)

Khi chiến sự nổ ra, cùng thời điểm căn cứ Nông Sơn -Trung Phước bị đánh bại rơi vào tay quân Giải phóng, Tư lệnh Vùng Một chiến thuật Ngô Quang Trưởng lo lắng hỏi, thì Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng trả lời chắc nịch: Bao giờ nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Thượng Đức.

 Chuẩn bị cho trận đánh, bộ đội ta bí mật mở 45km đường từ Trao xuống bến Hiên. Nhiều đoạn chỉ được cưa 2 phần 3 thân cây, giữ màu xanh cho rừng là giữ bí mật đến cùng. Ban Giao vận Quảng Đà tham gia cùng bộ đội mở “Đường Thắng Lợi” nối Đông Trường Sơn từ Trao xuống Bồ Lô Bền. Một nhánh vượt dốc Ngật, xuống bến Hiên ra An Điềm - đây là đoạn đường đưa vũ khí và lương thực ép sát cứ điểm Thượng Đức.

Cứ điểm Thượng Đức nằm trong một khu chiến do quân Giải phóng lên sơ đồ từ Nông Sơn - Trung Phước đến Thượng Đức. Trận đánh khai hỏa từ 5 giờ sáng ngày 29-7-1974, không dứt điểm nhanh như dự kiến mà kéo dài đến 8 giờ 30 sáng ngày 7-8-1974.

Theo Tướng Nguyễn Chánh, Phó Tư lệnh Quân khu 5, ngày đầu, đánh không dứt điểm, ta bị thương vong nhiều. Đánh trận 2, cũng không dứt điểm. Lúc này, tại sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh đánh Nông Sơn nhận được điện của Ngô Quang Trưởng lệnh cho tiểu đoàn 79 biệt động quân ở Thượng Đức phải tử thủ. Lại đánh trận thứ 3, cũng không dứt điểm. Quân khu nhận được báo cáo của khu chiến xin cho đánh trận thứ tư.

Biết Thượng Đức gặp khó khăn, Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân chỉ thị Phó Tư lệnh Nguyễn Chánh ra ngay Thượng Đức nắm tình hình và bàn với Bộ Chỉ huy ở khu chiến chuẩn bị tốt trước khi đánh trận thứ tư.

Ông Phạm Đức Nam, lúc bấy giờ là Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Quảng Đà, làm Trưởng đoàn đưa 100 cán bộ các đoàn thể tham gia chiến dịch, bí mật đưa quân tập kết ở núi Chấn Sơn (đông bắc Hà Tân), đào hầm cạnh Bộ Chỉ huy của Sư 304 để tiện bàn việc hợp đồng chiến đấu.

 Tướng Nguyễn Chánh nhận lệnh chiều ngày 4-8-1974, tại chỉ huy sở khu chiến Nông Sơn. Ông hành quân ngay trong đêm, đến Thạnh Mỹ lúc 12 giờ khuya. Vừa gặp Lê Khả phụ trách tiền phương của Quảng Đà đón, liền lên thuyền đi ngay trong đêm.

Thuyền chạy theo sông Thạnh Mỹ, dưới ánh trăng, gần sáng thì tấp vào bờ, leo lên đồi, vừa đi vừa chạy lên núi. Từ điểm cao 700, đi trong nắng cháy xuống điểm cao 600, 500, 400, đến bộ phận chỉ huy tiền phương ở điểm cao 300 thì đã 12 giờ trưa. Gặp Chính ủy Sư 304 Trần Bình, sau đó, gặp ban chỉ huy khu chiến Thượng Đức, gồm các tướng Hoàng Đan, Tư lệnh phó Quân đoàn 2; Lê Công Phê, Sư trưởng 304; Phan Hàm, đặc phái viên của Bộ Tổng Tham mưu...

Vì đánh liên tục, địch phản kích ác liệt, thương vong nhiều, trời nắng nóng, thức khuya, căng thẳng, hậu cần khó khăn nên bộ đội, cán bộ đều rất mệt, lại rất ức và không vui vì chưa dứt điểm được cứ điểm Thượng Đức. Công tác tư tưởng tốt nhất lúc bấy giờ là đánh thắng. Sau khi bàn bạc, nhất trí phải đưa pháo chống tăng loại 76 ly 2 và cao xạ 37 ly lên đồi cao, bắn thẳng vào lỗ châu mai. Ông Phạm Đức Nam và ông Phan Thanh Thủ - Bí thư huyện Đại Lộc, nhận nhiệm vụ huy động 300 dân tiếp sức với bộ đội, bí mật đưa pháo lên điểm cao 500 mét.

 Dân có sáng kiến khai thác mây song to như ngón chân cái ở rừng núi Lộc Vĩnh làm dây chằng, làm kít, làm ròng rọc, đốn cây làm đòn khiêng… Sau một ngày làm việc cật lực, đến 5 giờ chiều, không còn tàu rà thì bắt đầu kéo pháo lên đồi. Nửa đêm ngày 5-8-1974, các khẩu pháo đã nằm vào vị trí như kế hoạch.

Trăng thượng tuần tháng sáu âm lịch càng về khuya càng sáng. Được phép ngủ để lấy sức. Pháo nằm trên đồi rồi, ai cũng vui, rạo rực, không ai chợp mắt. Mọi người trông chờ tiếng pháo của quân Giải phóng bắn thẳng vào đồn thù. Gần sáng, sương núi xuống phủ mù cả thung lũng và núi đồi Thượng Đức.
 5 giờ sáng ngày 7-8-1974, các trận địa pháo sẵn sàng! Khi sương tan, đưa ống nhòm quan sát nhìn thấy lính lố nhố và những lỗ châu mai. Chỉ huy lệnh cho các nòng pháo trên đồi hạ tầm, đồng loạt bắn thẳng vào mục tiêu.

Nóng chịu không nổi, Quận trưởng Thượng Đức Nguyễn Quốc Hùng bị thương nặng, tự sát. Binh lính la ré, kêu cứu, bứt chạy xuống sông, nơi tiểu đoàn 10 của Quảng Đà và quân dân Đại Lộc đã đón lõng… Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng 79 biệt động quân Hà Văn Lầu và Quận phó Vũ Trung Tín bị bắt sống…

Nhận tin Thượng Đức bị thất thủ, Nguyễn Văn Thiệu từ Sài Gòn bay ra để thị sát vì biết Đà Nẵng bị uy hiếp nghiêm trọng. Ngày 10-8-1974, Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Sư đoàn dù điều 2 lữ đoàn từ Sài Gòn ra Đà Nẵng “Tái chiếm Thượng Đức”. Dư Quốc Đống huyênh hoang: Nếu không lên đến Thượng Đức xin giải tán binh chủng dù!

 Ngày 19-8-1974, quân dù triển khai đội hình quyết chiếm các điểm cao 1062, 283, 126. Bộ đội Quân khu 5 và tỉnh Quảng Đà đánh tiêu diệt các đồn Gò Đình, Lộc Quang, Hà Nha, Lâm Phụng, Bàn Tân, động Hà Sống, tạo thế liên hoàn bảo vệ Thượng Đức từ xa.

 Khi quân của Sư 304 chống lấn chiếm không cho 2 lữ đoàn dù chiếm được điểm cao 1062 - nơi quân thù hy vọng chiếm được sẽ tái chiếm Thượng Đức thì, Tướng Nguyễn Chánh nhận lệnh của Khu ủy 5, ra Hà Nội báo cáo tình hình, xin ý kiến của Trung ương.

Sau khi gặp Tướng Giáp, Tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ, Tướng Nguyễn Chánh được Bí thư thứ nhất Lê Duẩn mời cơm trưa.

Vừa ăn, Tướng Nguyễn Chánh trả lời những câu hỏi của Bí thư thứ nhất về tình hình chiến trường.

Sau cùng, Bí thư Lê Duẩn nói với Tướng Nguyễn Chánh:

- Giải phóng miền Nam! Anh lo về ngay. Mời anh Năm Công ra họp…

Khi quân giải phóng cắm lá cờ chiến thắng do Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà tặng cho Sư đoàn 304 phất phới tung bay trên bầu trời cứ điểm Thượng Đức, đưa trên 13.000 dân thoát khỏi các khu dồn ra vùng giải phóng thì cuộc giao chiến chống quân lấn chiếm trở nên khốc liệt, kéo thêm gần bốn tháng trời, trong mùa mưa gió, đến ngày 20-12-1974, Sư đoàn dù Sài Gòn mang đầy thương tích đã phải rút quân, không những không lấy lại được Thượng Đức, mà đành bỏ ngỏ “cánh cửa thép” án ngữ phía tây Đà Nẵng, còn bị quân của Sư đoàn 304 bám sát gót truy kích…

Thời gian là lực lượng!

Sau chiến thắng Ban Mê Thuột ngày 10-3-1975, Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công nói với các Bí thư Tỉnh ủy thuộc Khu 5: Lúc này, một ngày bằng 20 năm!

Ngày 22-3-1975, Trần Thận, Bí thư Quảng Đà, nhận chỉ thị của Bí thư Võ Chí Công chuẩn bị giải phóng Đà Nẵng. Vào lúc 10 giờ 30 ngày 24-3-1975, quân Giải phóng có mặt tại dinh Tỉnh trưởng Quảng Tín. Cũng trong ngày này, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà họp bàn và phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Ban Thường vụ, chuẩn bị huy động nhân dân nổi dậy giải phóng Đà Nẵng…

5 giờ sáng ngày 28-3-1975, tại cơ quan của Đặc khu ủy Quảng Đà ở Đá Béo - Mặt Rạng - Hòn Tàu, Trần Thận dẫn đầu một đoàn anh em rời hang đá, hướng về Đà Nẵng… Một bộ phận của Đặc khu, do ông Phạm Đức Nam và các ông Trần Văn Đán,  Hoàng Văn Lai, đưa ông Năm Công, ông Hồ Nghinh, ông Hai Mạnh xuống núi, tiến về Đà Nẵng…

Vào lúc 17 giờ, ngày 29-3, Trần Thận cùng Trần Hưng Thừa, Nguyễn Duy Hưng, lên ô-tô chạy ra Thanh Quýt đón Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công và Hồ Nghinh vào Đà Nẵng!

Ký của Hồ Duy Lệ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.