Có phai màu Tết?

.

Dù là Tết nay hay Tết xưa, dù trải nghiệm, khám phá ngày đầu xuân tại một vùng đất xa lạ hay quây quần bên mâm cơm gia đình, cùng bạn bè thưởng ngoạn chén trà bên chậu cúc, cành mai, thì chỉ cần được ở cạnh những người thân yêu, ấy mới chính là một cái Tết đúng nghĩa.

Với Tết và hoa xuân, đây chính là sự trở về đúng nghĩa nhất của áo dài.
Với Tết và hoa xuân, đây chính là sự trở về đúng nghĩa nhất của áo dài.

1. Trời bỗng dưng trở lạnh, cái lạnh se se của những ngày đầu tháng Giêng khiến  màu của Tết vẫn nồng nàn trên khóm cúc vàng rực trước ngõ. Mồng 7 tháng Giêng, theo lệ dân gian là thời điểm làm lễ khai hạ đầu năm hay còn gọi là lễ hạ cây nêu, nghi thức báo hiệu đã kết thúc Tết Nguyên đán, một vài cụ thuộc Chi hội Người cao tuổi thôn Quang Châu, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) tập trung ở nhà bà Ngô Thị Cúc để gặp mặt đầu xuân. Chỉ đơn giản là đĩa bánh tét chiên vàng rụm ăn kèm với dưa món cay cay, mằn mặn cùng với ly rượu nếp bách nhật, vậy mà câu chuyện đầu năm càng về sau càng giòn giã như tiếng pháo báo xuân sang...

Nhà bà Cúc trải qua 4 thế hệ lớn lên trên mảnh vườn cha ông để lại nên Tết bao giờ cũng mang nét cổ kính với cội mai vàng rực trước sân. Mà phải là loại Thanh mai xòe năm cánh mới đúng điệu nếp nhà. Năm nào bà cũng gói vài mươi đòn bánh tét, vài chục cái bánh tổ, một ít để chưng bàn thờ, một ít gửi cho con cháu ở xa để mà bớt nhớ quê cha đất tổ.

Tết dường như là một di sản tinh thần được giữ lại với những giá trị cơ bản được truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên không phải Tết nào cũng giống Tết nào. Trong không gian thơm nức hương trầm của một sáng mai xuân trong ngôi vườn mấy thế hệ, những gương mặt bậc cao niên như được chạm khắc bằng những suy tư, chiêm nghiệm thoắt chốc trở nên diệu vợi. Họ kể về những cái Tết đã đi qua trong đời như một cách lưu giữ quá khứ tốt đẹp. Như cái hồi Tết Mậu Thân 1968, cả làng tan tác chạy giặc nhưng nhà nào cũng không quên vác theo một ít bánh tét, bánh tổ. Nhờ vậy mà hơn một ngày đêm tránh đạn ở nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng, xã Hòa Phước, gia đình nào cũng có cái để vừa chống đói vừa không quên cái Tết đang về. “Bởi rứa, đừng có phụ bánh tét, bánh tổ của ông bà mình đó nghe!”, bà Cúc dặn dò con cháu.

Không chỉ “những người muôn năm cũ” mới luôn nhớ Tết xưa, mà những người trẻ thuộc thế hệ 9x, 10x cũng mong được sống lại thời thơ ấu với những món bánh mứt ngoại làm mà bây giờ không ít món đã đi vào “sách đỏ” ẩm thực. Anh Nguyễn Văn Thịnh sinh năm 1992, hiện là giảng viên khoa Du lịch Trường Đại học Đông Á đã không thể nào quên được hương vị món bánh hạt sen mà bà ngoại anh thường làm trong những ngày Tết xưa. Đó là một loại bánh làm bằng đậu xanh, vo thành viên tròn như những hạt sen đem sấy khô. Sau đó gói bằng loại giấy pơ-luya đủ màu được cắt tua rua hai đầu rất đỗi xinh xắn…

2. Đã có rất nhiều người than thở, Tết bây giờ nhạt lắm, không bằng Tết xưa… Cái Tết xưa ấy có thể là cái Tết cách đây vài chục năm mà cũng có khi tròm trèm một thập kỷ trước. Hồi đó đất nước còn nghèo, để có một cái Tết đầy đủ, mỗi gia đình phải chuẩn bị cả năm. Nuôi được con heo, con gà đều để dành cho ngày Tết. Những đám ruộng “nhứt đẳng điền” được dành riêng để cấy loại nếp hương - một loại nếp thơm, để làm bánh tét, bánh tổ, bánh in. Trẻ con cả năm mới được cha mẹ sắm cho bộ đồ mới mặc trong ba ngày xuân. Vì vậy, ai cũng suốt mười hai tháng đều háo hức chờ đợi đến... Tết.

Người ta đổ lỗi cho công nghệ đã len lỏi đến từng chi tiết, hành động của mỗi người trong gia đình khiến cho Tết giờ trở nên thiếu tình mà đâm ra nhạt nhẽo vô vị. Đón giao thừa, hay nấu bánh chưng, bánh tét thì phải lấy điện thoại ra quay rồi đăng lên mạng. Đi lễ chùa thì không quên chụp ảnh “check-in”; đến nửa đêm cúng giao thừa cũng phải chụp lấy cái ảnh để làm kỷ niệm. Người già thường thở dài trách móc: Bây giờ tụi nhỏ về quê ăn Tết là để chụp ảnh đăng lên mạng rồi ngồi đếm từng cái like, thích thú với các dòng bình luận của cộng đồng mạng chớ mấy khi lắng nghe lời chúc Tết của ông bà...
“Tết nhạt đi” theo một số người, đó là nhạt đi so với những hoài niệm của họ. Chứ mỗi thời đều có cách ứng xử với Tết theo cách khác nhau.

Tết cho dù diễn ra ở thời hiện đại mà vẫn không làm đứt gãy mạch văn hóa truyền thống. Như bây giờ, thành phố đất chật người đông, ngoài các làng xã ở huyện Hòa Vang ra thì mấy nhà nào có đủ một khoảng sân rộng để đêm ba mươi tháng Chạp con cháu quây quần ngồi nấu bánh chưng, bánh tét đón giao thừa? Vì vậy, việc người dân thành phố mua bánh chưng để cúng bàn thờ gia tiên ngày Tết vẫn được duy trì như một nét đẹp phong hóa thì sao gọi là nhạt phai.
Những ngày giáp Tết, những chuyến tàu, xe luôn chật kín những đứa con xa quê về thăm gia đình.

Thành phố ngày thường tấp nập người và xe, Tết đến lại vắng tênh. Nếu ai đó vì bận việc hay một lý do nào đó không về quê sum họp cùng gia đình, thì ba ngày xuân cũng liên tục gọi điện về chúc Tết ông bà, cha mẹ đến “cháy máy” mới thôi! Và cho dù cách xa hàng nghìn cây số, thậm chí đến nửa vòng trái đất, ông bà, cha mẹ vẫn có thể nhìn thấy mặt cháu con, vẫn nhận được những lời chúc Tết đầy yêu thương nhất qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Vậy cho nên, hồn vía của Tết xưa vẫn sống trong Tết nay, chỉ là phương thức tiến hành có vẻ hiện đại hơn mà thôi.

3. Phiên chợ quê ngày mồng 8 tháng Giêng năm nay có gì đó khang khác, dù người dân được cảnh báo dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nhưng các bà, các cô vẫn tất tả đi chợ mua sắm lễ vật cho lễ cúng Tiên sư đầu năm vào rạng sáng ngày mồng 9 tháng Giêng. Chỉ khác mọi lần là kẻ mua người bán đều mặc cả qua khẩu trang các loại.

Chợ quê đầu năm nay khác với mọi năm: Kẻ mua người bán đều mặc cả qua khẩu trang các loại. Ảnh: Như Hạnh
Chợ quê đầu năm nay khác với mọi năm: Kẻ mua người bán đều mặc cả qua khẩu trang các loại. Ảnh: Như Hạnh

Vậy đó, dường như các lễ cúng trong dịp Tết như cúng ông Táo, tất niên, cúng rước đưa ông bà, Tết nhà, cúng Tiên sư mồng 9... đều được người dân giữ gìn như một nét đẹp phong hóa của ông cha để lại. Dù rằng, có thể đâu đó, người ta làm gọn, nhẹ hơn nhưng ý nghĩa vẫn không hề suy chuyển.
Một giáo viên người Úc đang dạy tại một trung tâm Anh ngữ ở Đà Nẵng, lần đầu tiên ăn Tết ở Việt Nam đã thốt lên đầy biểu cảm rằng: Tết ở Việt Nam đẹp lắm! Đẹp nhất là các cô gái mặc áo dài đi chơi trên đường hoa Bạch Đằng. Rất đặc biệt và đầy cảm xúc...

Nhiều người nói, năm nay áo dài “lên ngôi”. Những tà áo dài tung bay khắp phố tạo một nét xuân thì cho Tết quê hương. Thật lòng mà nói, đây chính là sự trở về đúng nghĩa nhất của áo dài. Một cô giáo dạy Văn về hưu tâm sự rằng: Một bức tranh xuân không chỉ có nhành mai vàng, bánh chưng xanh, hay dưa hấu đỏ. Mà hơn hết là không thể thiếu một tà áo dài tung bay trong nắng sớm để thấy rằng con người vẫn luôn là chủ thể làm nên một mùa xuân đoàn viên, hạnh phúc.

Cho nên, Tết không chỉ là bắt đầu một năm mà còn là thời gian để chúng ta sum họp, lấy lại năng lượng để bước tiếp chặng đường phía trước đầy hanh thông. Dù là Tết nay hay Tết xưa, dù trải nghiệm, khám phá ngày đầu xuân tại một vùng đất xa lạ hay quây quần bên mâm cơm gia đình, cùng bạn bè thưởng ngoạn chén trà bên chậu cúc, cành mai, thì chỉ cần được ở cạnh gia đình và những người thân yêu, ấy mới là chính là một cái Tết đúng nghĩa.

Trời tháng Giêng se se lạnh trong cái nắng vàng vừa ửng trên ngọn cây cau. Bầy sẻ cũ líu ríu bay đi tìm những sợi cỏ về lót tổ mới. Tất cả dường như vừa đủ cho mỗi người nhớ những ngày Tết yên ấm vừa đi qua và tự trả lời với lòng mình rằng, màu Tết đâu có nhạt phai...

Như Hạnh
 

;
;
.
.
.
.
.