Làm nông dân ở Thụy Sĩ

.

Hơn 20 ngày lang thang ở Thụy Sĩ, nếu nói một trong những điều mê hoặc tôi, thì tôi không ngần ngại chia sẻ, đó chính là những chuyến thăm các khu trang trại của nông dân. Đến những nơi này mới thấy, làm nông dân ở Thụy Sĩ không chỉ được thụ hưởng môi trường canh tác tốt, khí hậu ưu ái cho nông nghiệp, mà còn được chính phủ hỗ trợ nhiều mặt về kinh tế. 

Một trang trại táo, cherry, mận của nông dân Sursee, Thụy Sĩ. 			   Ảnh: BÁ NGUYÊN
Một trang trại táo, cherry, mận của nông dân Sursee, Thụy Sĩ. Ảnh: BÁ NGUYÊN

Môi trường trong lành, sản phẩm làm ra được bao tiêu

Lang thang hơn nửa ngày trong trang trại táo, lê rộng lớn của anh nông dân Frizt sống tại vùng Luzern (Thụy Sĩ), tôi thực sự ngạc nhiên bởi hàng ngàn cây táo chỉ cao chừng 2m, nhưng cho trái lúc lỉu muốn gãy cả cành; còn những cây mận tím nhỏ xíu nhưng trái thì không làm sao đếm xuể… Hỏi “đội quân” phụ anh canh tác đâu, Frizt cười chỉ tay vào anh: “Chỉ có tôi và khi cần thì người nhà phụ giúp thêm thôi, cứ bật hệ thống tự động. Ở đây cây ít bị sâu bệnh, chỉ giữ cho vừa nắng, đủ nước là tươi tốt.

Chỉ khi vào phân và thu hoạch thì mới thuê nhân công làm”. Thực sự choáng ngợp bởi trang trại táo, mận, cherry… được phân thành từng khu vực, trồng thẳng tắp và bài bản, rộng vài hecta mà chỉ mình anh quán xuyến, cùng 1-2 người thân phụ giúp. Thời tiết, môi trường thực sự ủng hộ cho người làm nông nghiệp ở Thụy Sĩ.  

Thụy Sĩ có 60.000 trang trại trải rộng khắp đất nước. Quốc gia châu Âu này vốn sử dụng nhiều ngôn ngữ (Đức, Pháp, Ý…), nhưng tất cả nông dân nói chung một loại ngôn ngữ: làm nông nghiệp bền vững.

Tất cả những sản phẩm họ làm ra đều là những lương thực, thực phẩm tươi, chất lượng cao. Anh Nguyễn Văn Thanh, người Việt sống ở Thụy Sĩ hơn 20 năm cho hay, ở đất nước này, nông dân đều sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo đúng quy định nghiêm ngặt về mặt chất lượng, bởi toàn bộ sản phẩm đều được chính quyền thu mua, bao tiêu, không có nỗi lo về việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Những trang trại người nông dân được chính quyền hướng dẫn hỗ trợ mọi mặt về giống cây trồng, quy trình sản xuất… để cho ra đời những sản phẩm “chuẩn Thụy Sĩ”.

Không chỉ cây nông nghiệp, Thụy Sĩ cũng là đất nước nổi tiếng về nông nghiệp chăn nuôi bò. Có đến 1/3 diện tích của Thụy Sĩ, bao gồm các đồng cỏ thuộc dãy Alps là nguồn thực phẩm để phát triển nền nông nghiệp chăn nuôi bò. Những cánh đồng cỏ bao la, mướt xanh ngút ngàn có thể thấy ở bất kỳ nơi nào của Thụy Sĩ thực sự là mơ ước của bao người nông dân khắp nơi trên thế giới. Ở các trang trại có sự đa dạng các loại vật nuôi, như gà, cừu, dê, lợn và ngựa. Vật nuôi chính là bò. Gia súc lấy sữa chiếm gần một nửa sản lượng nông nghiệp của Thụy Sĩ. Sữa từ những chú bò ở thung lũng được chế biến thành các sản phẩm bơ sữa đa dạng bởi các nhà máy quy mô lớn. 22.000 trong số 60.000 trang trại tại Thụy Sĩ là các trang trại bò sữa, với quy mô trung bình 18,6ha và là nhà của 587.000 con bò sữa sản xuất 3,5 tỷ kg sữa mỗi năm.

Được chính phủ trả tiền để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên

Gắn bó với nông nghiệp nghĩa là nông dân Thụy Sĩ mặc nhiên được trợ cấp. Silvia, một nông dân Thụy Sĩ ở Sursee cho hay, số tiền chính phủ hỗ trợ thường gấp đôi doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, nông dân tập trung sản xuất những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao. “Nếu không có chi phí hỗ trợ, hẳn nông dân chúng tôi sẽ rất khó khăn để sản xuất, vì chi phí để làm nên sản phẩm nông nghiệp là rất cao”, Silvia cho biết thêm.

Một trang trại táo, cherry, mận của nông dân Sursee, Thụy Sĩ.
Một trang trại táo, cherry, mận của nông dân Sursee, Thụy Sĩ. Ảnh: BÁ NGUYÊN

Một điều mà bất cứ ai đến Thụy Sĩ rồi đều mặc nhiên thừa nhận, là tại đất nước này, vùng nào, con đường nào…, bạn cũng đều có thể chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt mỹ, giống như những cảnh đẹp trong giấc mơ của mỗi người. Đó là những cánh đồng cỏ bao la xanh ngút ngàn; là những hàng cây tạo những điểm nhấn vô cùng riêng biệt; là những “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” nằm nép bên những triền dốc thơ mộng, những con đường sạch như lau; là bầu không khí trong lành khiến ai cũng muốn hít thở căng tràn; là những dòng sông chảy lửng lờ không một chút rác thải nào xuất hiện trên mặt sông, nước xanh trong vắt…

Và để giữ được khung cảnh “thần tiên” ấy, chính phủ Thụy Sĩ phải bỏ ra số tiền rất lớn để trả cho nông dân, bởi chính họ trực tiếp chăm sóc cảnh quan thiên nhiên, môi trường của đất nước này. Anh nông dân Frizt vui vẻ tiết lộ, nếu anh cùng những nông dân ở Thụy Sĩ giữ gìn cảnh quan, thậm chí trồng chen thêm những cây hiếm có ở Thụy Sĩ, tạo nên cảnh quan tươi đẹp, thì có thể yêu cầu một khoản lương. “Nhiều trang trại do không có người làm nông nghiệp thuần túy, họ chỉ trồng cây đủ để cung cấp cho người trong gia đình sử dụng, nhưng vẫn có thể yêu cầu chính phủ trợ cấp bảo vệ cảnh quan, bởi khách du lịch rất yêu thích cảnh quan thiên nhiên của đất nước chúng tôi. Đó là điều chúng tôi muốn gìn giữ và thật may vì chúng tôi cũng được đền đáp xứng đáng bằng sự hỗ trợ chính đáng của chính phủ”, Frizt chia sẻ.

Những năm gần đây, lượt lưu trú của du khách đến Thụy Sĩ mỗi năm lên đến con số hơn 38 triệu đêm, để thấy rằng việc bảo vệ cảnh quan của nông dân Thụy Sĩ cũng đã “làm lợi” cho nền công nghiệp du lịch của đất nước này như thế nào. Và những người nông dân Thụy Sĩ tự hào vì điều đó.

Có đến 1/3 diện tích của Thụy Sĩ, bao gồm các đồng cỏ thuộc dãy Alps là nguồn thực phẩm để phát triển nền nông nghiệp chăn nuôi bò. Những cánh đồng cỏ bao la, mướt xanh ngút ngàn có thể thấy ở bất kỳ nơi nào của Thụy Sĩ thực sự là mơ ước của bao người nông dân khắp nơi trên thế giới. Ở các trang trại có sự đa dạng các loại vật nuôi, như gà, cừu, dê, lợn và ngựa. Vật nuôi chính là bò. Gia súc lấy sữa chiếm gần một nửa sản lượng nông nghiệp của Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ có 60.000 trang trại trải rộng khắp đất nước. Quốc gia châu Âu này vốn có nhiều ngôn ngữ (Đức, Pháp, Ý…), nhưng tất cả nông dân đều nói chung một loại ngôn ngữ: làm nông nghiệp bền vững.

BÁ NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.