Nằm bên quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, chợ heo Bà Rén có tuổi đời tròm trèm nửa thế kỷ và mang nét riêng “không lẫn vào đâu” khi chỉ bán một mặt hàng duy nhất là con cháu của “lão Trư”. Người kẻ chợ nơi đây đã sáng tạo ra một nghề không hề có trong tự điển: nghề “bồng heo”.
Chợ heo nhộn nhịp người mua từ sáng sớm bên sông Bà Rén. Ảnh: N.H |
1. Năm tháng đi qua, đã có cây cầu mới song song cây cầu cũ kỹ bắc qua sông Bà Rén nhưng chợ heo mang tên con sông vẫn xôn xao những thanh âm quen thuộc vào mỗi sớm mai trên quốc lộ Bắc - Nam. Ở đây, mấy chục con người gần như đã sống đời với chợ heo độc đáo này. Ở thời hoàng kim, đây là nơi mua bán heo giống, heo nuôi lấy thịt không chỉ trong địa phận tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) mà còn vang tiếng khắp cả miền Trung, có lúc nhập sang Lào. Chợ họp từ lúc tờ mờ sáng, khi người còn chưa nhìn tỏ mặt nhau đến tầm mặt trời lên là vãn. Vì vậy, để mua được con heo “đẹp” theo chuẩn: mình dài, lưng thẳng, bụng thon, mông vai nở…, nhiều người ở xa phải khăn gói đi từ khuya hay tận chiều hôm trước may ra mới chọn được.
5 giờ sáng, mặt trời nhô lên từ phía chân trời, hắt lên dòng sông khúc phản quang lấp lánh ánh hồng. Chợ heo Bà Rén đã tấp nập người mua kẻ bán với cả trăm con heo đủ chủng loại, kích cỡ đang ngoác miệng gào “eng éc” rộn ràng. Ở chợ hơn nửa đời người, ông Phạm Cư, Ban quản lý chợ cho biết: “Chợ heo Bà Rén có từ trước năm 1975. Hồi đó nó chỉ là hàng heo nằm trong chợ Bà Rén cách đó mấy trăm mét. Vài năm sau, do nhu cầu mua heo của dân tăng cao, hàng heo phình ra lấn chiếm cả lối vào nhà dân gây mất vệ sinh nên địa phương cho tách hàng heo ra khỏi chợ và xây riêng ngôi chợ heo này. Một thời gian dài, chợ heo lại xuống cấp, mỗi khi trời mưa gió, người ướt, heo lạnh, vất vả khỏi phải bàn. Chừng 7-8 năm trước chợ lại được sửa sang lại, cao ráo, sạch sẽ hơn...”.
Bây giờ, vẻ nhộn nhịp ở chợ heo Bà Rén đã giảm đi nhiều, co lại chỉ chừng hơn chục thương lái, vì nhiều lý do như đô thị hóa, lãi ít, dịch bệnh... Chỉ thỉnh thoảng có khách du lịch nghe tiếng chợ heo Bà Rén “có một không hai” nên tìm đến trải nghiệm.
Nhớ lại mấy chục năm về trước, khi mà con heo được xem là phương thức góp phần tích cóp và cải thiện kinh tế gia đình của toàn dân thì bất cứ ngôi chợ nào cũng tồn tại một hàng heo không lớn thì nhỏ. Đã có nhiều ngôi chợ quê lẫn phố nức tiếng một thời với mặt hàng “heo con, heo lứa”. Bây giờ, những hàng heo tấp nập một thời chỉ còn là cái tên gợi nhớ. Ở Đà Nẵng, không chỉ người từ nơi khác đến mà ngay cả cư dân địa phương những thế hệ 8X, 9X cũng băn khoăn tự hỏi rằng: Hàng heo nằm sát bên chợ Cồn trên đường Ông Ích Khiêm sao lại không bán heo mà giờ bán cây lá thuốc Nam, nông sản địa phương?
Trong khi đó, chợ heo nổi tiếng một thời bên chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) đến cái tên cũng chẳng còn để mà nhớ. Bà Nguyễn Thị Xuân, người đã gắn bó với ngôi chợ quê bên quốc lộ 1A này từ hồi con gái, bồi hồi nhớ lại: “Hồi trước ở đây nổi tiếng với mặt hàng heo con, lúc đầu bán trong đình chợ Miếu Bông, sau đông quá phải dời ra ngã ba phía trước chợ. Gần đó có bến xe Lam chạy tuyến Chợ Cồn - Hòa Khánh - Nam Ô... nên người xa gần kéo tới mua heo đông đen. Chừ Đà Nẵng 25 năm trực thuộc Trung ương rồi, mô còn người nuôi heo. Chợ heo “chết” luôn từ đó!”.
2. Chìm giữa âm thanh hỗn độn của tiếng heo kêu inh ỏi, tiếng người giằng co trả treo không dứt là thân hình nhỏ bé gần như quắt lại của bà Trần Thị Thảo, người có gần 35 năm làm nghề “bồng heo” tại chợ heo Bà Rén. Chỉ cần một chủ heo gọi một tiếng, bà Thảo chạy ù đến, thò tay vào lồng tóm gọn một chú heo, ôm chặt vào người và bồng sang thả vào giỏ người mua. Chỉ trong nháy mắt, đàn heo 10 con, mỗi con nặng hơn 5kg đã được bà chuyển lồng gọn gàng không một chút sơ sẩy.
Nếu cuộc bán mua chưa ngã ngũ, bà Thảo còn phải bồng heo đưa lên cao “trình diễn” để người mua ngắm nghía, kiểm tra. Nếu 2 đàng đã đồng ý, bà Thảo tiếp tục nhiệm vụ bồng “lão Trư” đứng lên cân để tính trọng lượng. Chỉ cần trừ số cân nặng của con người ra thì có ngay số trọng lượng con heo. Thấy chúng tôi mắt tròn, mắt dẹt về cách cân heo kỳ lạ này, chị Nguyễn Thị Hoa, một thương lái giải thích: “Cách này mới nhìn thấy hơi kỳ cục nhưng lại nhanh gọn hơn. Vì muốn cân heo thì phải bỏ vào rọ, rồi buộc dây lích kích lắm. Đó là chưa kể heo quậy quọ lung tung, bàn cân nhảy liên tục khó chính xác”.
Mỗi buổi chợ heo chỉ kéo dài tầm 4 tiếng đồng hồ vào lúc sáng sớm. Những người bồng heo như bà Thảo chạy lui chạy tới như con thoi mới mong có thu nhập. Ngày trước, khi heo còn được xuất đi các tỉnh miền trong thì người “bồng heo” lên đến cả chục người, có cả nam lẫn nữ. Giờ chợ heo không còn thời hoàng kim nên chỉ còn 4 người làm nghề “bồng heo”. Cái khó của nghề này là phải thao tác nhanh, dứt khoát. “Một tay xốc 2 chân trước, bợ đầu, tay còn lại kẹp bụng heo sát vào hông người mình. Rứa là heo im khô…”, bà Thảo vừa thị phạm vừa diễn giải cho chúng tôi xem trong tiếng cười sảng khoái của các thương lái.
Bồng mỗi con heo trên dưới 10kg được nhận từ 1.000 - 2.000 đồng. Dạo này vắng khách, mỗi phiên chợ bà Thảo chỉ bồng được trên dưới 10 con heo lớn nhỏ. Để có thêm thu nhập, những người “bồng heo” còn kiêm thêm “nghề” cho thuê ghế ngồi và giỏ thả heo với số tiền cao nhất cũng chỉ vài ngàn bạc lẻ. Những người đã dành cả thanh xuân cho nghề ví von: “Bồng heo thì bèo hông? Làm bở hơi tai nhưng thu nhập bèo bọt lắm!”.
Đó là chưa tính đến việc thường xuyên bồng heo nên cái mùi heo nó lậm vào người. Có chà rửa cách chi cũng không gột sạch hết được. Và dẫu cái nghề “bồng heo” vất vả vô chừng, đổ mồ hôi mới được kiếm từng đồng lẻ, nhưng bà Thảo biết ơn cái nghề mọn đã cho bà kế sinh nhai, nuôi con khôn lớn thành người.
“Bồng heo” là một nghề độc đáo chỉ có ở chợ heo Bà Rén. Ảnh: N.H |
3. Nắng tháng 5 nồng nàn hơn bởi những cơn mưa giông bất chợt. Tiếng rao “Ai mua heo con…” dọc theo đường quê gợi nhớ về tập tục chăn nuôi lâu đời. Tình cờ gặp anh Trần Văn Bé, người rao bán heo con đang nghỉ chân ở ngã ba đường liên thôn Phong Nam - Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Vừa cột lại 2 chiếc giỏ đầy nhóc heo con treo 2 bên sườn xe, anh tâm sự: “Heo ni tui lấy ở chợ heo Bà Rén chở đi bán dạo. Mọi khi có người gọi điện thoại đặt mới chở heo ra. Chừ chợ ế quá, phải đem heo tới tận tay người nuôi mới may ra bán được hàng”.
Không riêng gì anh Bé, chợ heo Bà Rén có nhiều người mua đi bán lại. Một số thương lái đi về các huyện trong tỉnh Quảng Nam như: Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn… lùng mua heo con trong dân, đem về bán ở chợ. Tại đây, một số người khác mua heo rồi cho xe chở đến tận nhà theo “đơn đặt hàng”, hoặc chạy xe bán dạo ở những miền quê xa, có khi ra tận các xã miền núi của huyện Hòa Vang. Chính cái vòng luân phiên này không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người mà còn góp phần giải quyết “đầu ra” cho người nuôi heo giống ở địa phương.
Khi nghe chúng tôi có ý e ngại rằng, một ngày nào đó, chợ heo Bà Rén cũng đi vào vết xe cũ của nhiều chợ heo khác trong vùng thì ông Phạm Cư nói vui: “Khi mô bà con mình hết nuôi heo thì chợ ni mới không còn!”.
Nhiều người vẫn cho rằng, chính xu hướng đô thị hóa nông thôn khiến cho nông dân thờ ơ với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nếu như trước đây ở vùng nông thôn và miền núi 10 nhà thì có cả 10 đều chăn nuôi lục súc theo dạng nhỏ lẻ. Giờ có thể nhiều hộ nông dân không còn nuôi heo vì diện tích đất thu hẹp, nhưng nhiều hộ đã chuyển sang mô hình chăn nuôi dạng vừa hoặc quy mô trang trại với tốc độ phát triển mạnh trong những năm gần đây. Đó cũng chính là lý do mà chợ heo Bà Rén đến hôm nay vẫn tấp nập người mua kẻ bán, tạo nên một nét độc đáo riêng cho những phiên chợ xứ Quảng.
NHƯ HẠNH