Khúc dân ca bên dòng Túy Loan

.

Làng Thái Lai bao đời nay vẫn yên lành như một khúc dân ca bên con sông quê Túy Loan dịu dàng bốn mùa mưa nắng. Những cánh đồng lúa trải dài thơm nức phù sa ôm trọn xóm làng rợp màu xanh cây trái. Con đường làng quanh co rợp tiếng ve ngân. Đâu đó, trong một sớm mai, tiếng chim ríu rít rủ nhau về làm tổ trên những mái nhà cổ, đình làng rêu phong vương hồn thu thảo… làm nên một Thái Lai đẹp thơ mộng, hài hòa, tĩnh lặng.

CLB Bài chòi Sông Yên và những làn điệu dân ca ngọt ngào xứ Quảng trong ngày khai trương Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai cuối tháng 5 vừa qua.
CLB Bài chòi Sông Yên và những làn điệu dân ca ngọt ngào xứ Quảng trong ngày khai trương Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai cuối tháng 5 vừa qua. Ảnh: N.H

1. Bỏ lại sau lưng những náo nhiệt, rộn ràng của lễ khai trương Làng du lịch sinh thái cộng đồng hôm 29-5 vừa qua, làng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) trở lại với sự tĩnh lặng vốn có của một làng quê thuần nông. Đang là mùa xuống đồng, nên từ sáng sớm, thôn dân đã ra ruộng dặm sạ, cuốc bờ. Ở nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ quấn quít bên mấy gốc cau... Những bậc cao niên trong làng kể rằng, làng Thái Lai ra đời cách đây cũng gần 500 năm, lúc đầu có tên là làng Bàu Trai, đến thời Gia Long mới được đổi thành làng Thái Lai cho tới bây giờ…

Nói đến Thái Lai, người ta nghĩ ngay đến câu nói người xưa “Bĩ cực thái lai”, khi nào đến cái chỗ hết sức khổ cực thì bắt đầu tốt đẹp trở lại. Dường như cái tên Thái Lai đã nói lên hết sự yên bình của một làng quê thuần hậu bao đời gắn chặt với ruộng vườn. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn xoay quanh công việc đồng áng, mỗi năm 2 vụ lúa, xen canh một vụ đậu, mè, rau củ… Bến đò bao năm rồi vẫn vậy, chung thủy chờ con đò sáng sớm chở người trồng rau sang bãi bồi Phước Thái rồi trở về trong ánh hoàng hôn. Những ngày nông nhàn, các lão nông tri điền lại loay hoay chiết cam, trồng bưởi, tạo nên một vùng cây trái sum sê đủ chủng loại.

Gần 4 năm trước khi được biết, huyện Hòa Vang có kế hoạch xây dựng Thái Lai thành điểm đến để khơi mở tiềm năng du lịch cộng đồng thì cả làng vui như mở hội. Nhiều gia đình bắt đầu vun vén lại mảnh vườn, trồng thêm cây trái, sửa lại cổng ngõ để góp phần tô điểm không gian làng thêm xanh mát. Con đường vào làng được phát quang, mở rộng và làm mới để ô-tô có thể chạy vô tư đến tận ngõ từng nhà. Các mẹ, các chị tranh thủ ôn lại mấy món bánh trái cổ truyền, mấy món ăn đồng nội để mai mốt trổ tài cùng du khách.

Hơn ai hết, những người nông dân thuần phát ở Thái Lai biết rằng họ cần phải phát huy vai trò chủ thể trong không gian văn hóa làng, không chỉ để bảo tồn, phát huy mà còn kết nối các giá trị tự nhiên, văn hóa của địa phương nhằm hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 của thành phố với chủ đề “Enjoy Danang”. Và đó cũng là nhiệm vụ phục hồi kinh tế sau đại dịch của nông thôn Hòa Vang.

2. Về Thái Lai trong những ngày này, không còn gì tuyệt vời hơn là được đắm mình trong gió đồng nội vướng vất mùi mạ non và quả chín. Tiếng chim sâu lích chích trên cành, cặm cụi nhặt từng hạt nắng vàng ươm từ trời xanh rơi qua kẽ lá đem về lót cho ấm tổ. Ở đây, vườn nối tiếp vườn tạo thành một quần thể vườn cây trái quen thuộc như thanh long, ổi, bưởi, mít, khế, xoài… gợi nhớ những ngày thơ ấu. Nếu muốn trải nghiệm cuộc sống người làm nông nơi đây, xin hãy bước ra cánh đồng làng, lội chân trần trên bờ cỏ dại, cùng người nông dân gieo, cấy, cày, bừa để biết một hạt lúa làm ra phải một nắng hai sương mới ngậm đòng, chắc hạt.

Có người nói, cơn lốc đô thị hóa dường như đã bỏ quên ngôi làng Thái Lai. Cấu trúc, bến nước, sân đình và những ngôi thờ tộc vẫn y hệt hàng trăm năm trước. Đình làng Thái Lai, một di tích lịch sử cấp thành phố, cùng với nhà thờ cổ của phái Nhì tộc Đỗ với lối kiến trúc độc đáo, nơi lưu giữ những vui buồn một thưở của cha ông vẫn an nhiên, tự tại giữa biến thiên cuộc đời.

Ngôi nhà cổ hơn 150 tuổi Tích Thiện Đường mái ngói rêu phong nằm giữa một vườn cây mát rượi được xem như trái tim của làng du lịch Thái Lai. Tuy đã qua nhiều thế hệ sinh sống nhưng ngôi nhà vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ và đồ dùng sinh hoạt xưa. Từ cái nồi nấu cơm, cái thau rửa mặt đều làm bằng đồng cũ kỹ đến bộ tràng kỷ đặt giữa nhà, liễn đối và tủ bàn thờ đều được làm bằng gỗ mít phủ một màu thời gian cổ kính. 

Chủ nhân ngôi nhà còn xây dựng không gian trưng bày nông cụ, một số phương tiện phục vụ đời sống của ông bà ta thời trước như cối xay bôt, cối giã lúa, dụng cụ đánh bắt cá… Việc ý tưởng lưu giữ nông cụ thô sơ của ông chủ nhà cổ Tích Thiện Đường không chỉ lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần của nền văn minh nông nghiệp, tôn vinh vai trò của người nông dân mà còn tái hiện lại một thời kỳ khai cư lập nghiệp của tiền nhân trong quá trình xây dựng và phát triển làng xã.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang nhận định: “Đây cũng được xem như một hoạt động trải nghiệm gần gũi và thiết thực để du khách mang tính giáo dục cao, đặc biệt đối với giới trẻ khi muốn tìm hiểu kỹ thuật sản xuất, lịch sử phát triển của nông nghiệp, và sự thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân qua từng thời kỳ”.

Những món ăn đậm chất Quảng tại làng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Ảnh: N.H
Những món ăn đậm chất Quảng tại làng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Ảnh: N.H

3. Đến với Thái Lai - nơi sự quy tụ không gian cộng đồng đầy đủ nét đặc trưng của làng quê Trung Bộ xưa sẽ đánh thức “con người nhà quê” bấy lâu ngủ quên trong mỗi người.

Chị Nguyễn Thị Xuân Vân, một trong những người giỏi nữ công gia chánh ở Thái Lai cho biết, vì làng quê làm du lịch nên không thể thiếu những món ăn rặt chất Quảng như: mì Quảng, bánh xèo, mít trộn, bánh gói, bánh ít ngọt, bánh tro, bánh đúc, thịt heo cuốn bánh tráng, có cả rượu gạo, cá sông... Du khách đến đây có thể trải nghiệm nếp sống làng quê xưa bằng cách cùng xuống nhà bếp, tham gia tráng những lá mì để làm nên một tô mì Quảng đầy đủ nguyên liệu truyền thống; hoặc có thể tự tay đúc những chiếc bánh xèo nhưn tôm thịt nóng hổi “vừa thổi vừa ăn”… làm nên một bản hòa ca đầy đủ những cung bậc của mỹ vị.

Cái cảm giác như được trở về với quê hương xứ sở nơi mình sinh ra và lớn lên bởi câu hát dân gian một thuở cũng là một trải nghiệm khó quên khi ở Thái Lai. Vẳng vẳng dưới những vườn cây rợp bóng lá, câu hát Bài chòi theo gió đưa lan xa tận cánh đồng. Dàn nhạc cổ và các thành viên trong CLB Bài chòi Sông Yên sẽ đem đến cho du khách những làn điệu dân ca ngọt ngào xứ Quảng. Không chỉ vậy, khách còn có thể tham gia vào hoạt động của không gian diễn xướng hô hát Bài chòi để nghe tiếng quê thấm vào gan ruột.

Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, Thái Lai phát triển thành một cụm du lịch văn hóa - lịch sử - làng quê. Gần đây, với sự chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng hạ tầng nông thôn của Quỹ Saemul Hàn Quốc tại Việt Nam, Thái Lai như khoác thêm áo mới. Những người nông dân thuần hậu đang gom nhặt quá khứ và hiện tại để kể thành những câu chuyện thú vị về đất về người.

Và, theo định hướng của huyện Hòa Vang, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai sẽ tạo sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương Hòa Bắc - Hòa Phú - Hòa Ninh và các địa phương trong thành phố, hướng đến liên kết với các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng trong khu vực miền Trung. Việc ra đời Làng du lịch sinh thái cộng đồng bên sông Túy Loan sẽ góp thêm một tín hiệu khả quan khi mà Đà Nẵng khởi động lại du lịch.

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.