Phóng sự - ký sự

Vết thương chữa lành, nỗi đau xoa dịu

12:57, 18/06/2022 (GMT+7)

Từ Hội quán Đông y của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng nhìn ra, nắng sớm trong veo đậu trên các ô cửa kính phòng khám, lóng lánh như những đóa hoa thủy tinh. Những bước chân khẽ khàng của y, bác sĩ ngang qua hành lang bệnh viện. Một vài bệnh nhân đi dạo quanh vườn hoa, vừa trò chuyện vừa ngắm cỏ cây hoa lá thong dong, tự tại. Ngọn gió lang thang đưa hương vị các loại thuốc Nam từ khoa Dược, phả vào không gian mùi thiền yên ả…

Hội quán Đông y, nơi gặp gỡ, tâm tình giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các y, bác sĩ.  Ảnh: N.H
Hội quán Đông y, nơi gặp gỡ, tâm tình giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các y, bác sĩ. Ảnh: N.H

Chữa bệnh từ “Tâm”

Ngoài những người trong nghề thì ít ai biết bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng lại xuất thân từ Tây y. Sau những tháng ngày lăn lộn từ các Trung tâm Ung bướu Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), ông đến với YHCT như duyên phận. Hàn huyên về chuyện đời, chuyện nghề, người luôn coi Đông y và Tây y như tay trái và tay phải của thầy thuốc cho biết: “Cho dù y học hiện đại có phát triển đến đâu đi nữa thì những vị thuốc đơn giản, gần gũi trong cuộc sống như: lá bưởi, củ sả, lá ngải cứu, lá hẹ... cũng có những công dụng hữu hiệu để bồi bổ, chữa bệnh”.

Hầu hết những người tìm đến bệnh viện YHCT là những người tuổi cao có những bệnh mãn tính như huyết áp, xương khớp, tai biến mạch máu não hay di chứng của một số bệnh sau khi điều trị Tây y. Cá biệt cũng có nhiều người tuổi trẻ, trẻ em tìm đến đây sau khi đã “vái tứ phương” nhưng vẫn chưa hết bệnh.

Chính những bài cổ phương từ cây lá, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu… đã giúp người bệnh cân bằng, hồi phục thể lực và dần lành bệnh. Nếu đặc thù của Tây y là chữa cấp chứng thì một liệu trình chữa bệnh của Đông y thường theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, một đợt điều trị chừng 21 ngày. Người đến Bệnh viện YHCT chữa bệnh phải kiên trì uống thuốc và tuân thủ những tư vấn, dặn dò của thầy thuốc…

Bác sĩ Khánh cho biết thêm, bên cạnh việc bắt mạch, khám bệnh, cắt thuốc thì việc đưa bệnh nhân ra các vườn hoa trong khuôn viên bệnh viện để hít thở không khí trong lành, nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực hay lắng lòng, gạt bỏ ưu phiền là một trong những liệu pháp phối hợp để chữa bệnh. Bởi người xưa có nói: “Giận hại gan, suy nghĩ hại tụy, lo nghĩ hại phổi, sợ hãi hại thận”. Tâm phải an nhiên tự tại thì mới mau lành bệnh. Nói cách khác, YHCT luôn tìm đến nguồn cơn của cơn đau, tìm cách xoa dịu rồi triệt tiêu đau đớn, bệnh tật từ gốc.

Tấm lòng lương y

Nhiều bệnh nhân khi đến khám và chữa bệnh tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đều cảm nhận được sự an yên. Cảm xúc ấy không chỉ đến từ không gian bệnh viện thênh thang gió và cây xanh mà còn ở sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ. Những nụ cười tươi tắn, cái dắt tay ân cần và có khi tự tay bấm lấy số khám bệnh giúp các cụ già lóng ngóng vì tuổi tác, bệnh tật… của các cô y tá, nhân viên ở bộ phận làm thủ tục nhập viện cũng giúp bệnh nhân an tâm hợp tác cùng thầy thuốc trong hành trình điều trị.

Sự an yên tâm, thân của người bệnh chính là động lực mỗi ngày của các y, bác sĩ nơi đây. Chuyện trôi qua đã mấy năm, bác sĩ Trần Thị Hương Lài, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp của bệnh viện vẫn nhớ mãi niềm hạnh phúc của các y, bác sĩ khi bệnh viện chữa lành bệnh cho cháu bé Vũ Thị Phương, trú xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Bị hôn mê nhiều tháng liền vì viêm não Nhật Bản, sau gần 3 tháng nằm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, bệnh tình của cháu không giảm mà trở nên trầm trọng. Phương không nói, không nuốt, không phản xạ với ánh sáng, không thể cử động, toàn thân ngày càng co cứng và vùng xương cụt bị lở loét.

Thật may mắn, Phương được chuyển đến Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đúng lúc Thầy thuốc Nhân dân, GS.TSKH, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam Nguyễn Tài Thu từ Hà Nội vào cầm tay chỉ việc cho đội ngũ thầy thuốc, lương y Đà Nẵng. Dù được tiên đoán nhanh nhất cũng phải 6 tháng sau, các cơ của Phương mới bắt đầu mềm ra để vận động được nhưng kỳ tích đã xuất hiện. Chỉ hơn 2 tháng sau, Phương đã chập chững đi lại; và tháng tiếp theo, đôi chân nhỏ bé của cháu đã bắt đầu chạy nhảy linh hoạt như chú sơn dương ở núi rừng.

Bên cạnh những vất vả, cực nhọc của nghề y, đôi khi, những thầy thuốc YHCT còn phải đối diện với thử thách của “cơm áo gạo tiền”. Gặp bác sĩ Trần Thị Ngọc Lanh, Trưởng đơn vị Phục hồi chức năng đang cùng các kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh tập tại phòng Vật lý trị liệu, vẫn nụ cười rạng rỡ thanh xuân, cô cho biết: “Đúng là thầy thuốc Đông y khó mở phòng mạch riêng nên cuộc sống sẽ khó khăn hơn nhưng vẫn sống được. Một khi đã chọn nghề chữa bệnh cứu người thì thêm chút gian khổ cho riêng mình cũng không sao”.

Đối với nhiều người, y học cổ truyền vất vả và có thể không hợp thời nhưng không vì thế mà đội ngũ lương y đã chọn nghề quên đi lời dạy của Y tổ. Trong lời khải bạch ở lễ di dời tôn tượng Y Tổ Hải Thượng Lãn Ông từ cơ sở cũ trên đường Trần Thủ Độ, phường Khuê Trung sang an vị tại cơ sở mới trên đường Đinh Gia Trinh phường Hòa Xuân, bác sĩ Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Bệnh viện YHCT Đà Nẵng tâm huyết bày tỏ: “…giữa bộn bề cuộc sống với bao lo toan, áp lực công việc, chắc chắn chúng con không tránh khỏi những giây phút ngã lòng, những suy tư lệch lạc, những bước chân ngập ngừng.

Những khi ấy, may mắn biết bao cho chúng con khi bắt gặp tôn tượng trầm mặc, uy nghi, thanh thoát và vững chãi của Y Tổ trong khuôn viên Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, chỉ cần kính cẩn nghiêng mình trong vài ba hơi thở có ý thức, chắc chắn chúng con sẽ nhận được nguồn năng lượng tươi mát dào dạt tình thương và hiểu biết của Người để an tâm vững bước đi tiếp trên con đường mà chúng con đã chọn…”.

Hướng đến bệnh viện đa khoa y học cổ truyền

Lâu nay nói đến YHCT, nhiều người vẫn hình dung cách thăm khám bệnh bằng bắt mạch, kê toa, bốc thuốc… như các thầy thuốc trong phim ảnh cổ trang. Hình ảnh các quan ngự y bắt mạch cho các nữ nhân hậu cung bằng sợi chỉ hồng thông qua tấm rèm mỏng đã tạo nên một tấm màn thần bí vây quanh tài năng của các thầy thuốc Đông y.

Chính vì suy nghĩ như vậy nên khi chị Lê Thị Thanh Thúy, người bị mất ngủ kinh niên từ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam ra khám, chữa bệnh tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đã rất ngạc nhiên khi bác sĩ cho chỉ định siêu âm, xét nghiệm máu… Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Khánh cười hóm hỉnh: “Đó là chuyện của cái thời xa lơ xa lắc. Bây giờ YHCT đã kết hợp với Tây y để tăng hiệu quả chữa bệnh. Thầy thuốc không chỉ bắt mạch, kê toa mà còn dựa vào các kết quả phân tích máu, chụp phim, siêu âm… để chẩn đoán và chữa trị”.

Đại dịch Covid-19 đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có hội chứng “hậu Covid”. Bệnh viện đã kịp thời tiếp nhận và triển khai bài thuốc điều trị “hậu Covid” cho bệnh nhân và đạt được kết quả khả quan. Bệnh viện cũng là địa chỉ tin cậy để bệnh nhân nghiện ma túy tự nguyện đến điều trị cai nghiện. Đề tài nghiên cứu “Điều trị hỗ trợ cắt cai nghiện ma túy bằng thuốc Nam điện châm” của tập thể y, bác sĩ nơi đây đã được ngành đánh giá và được triển khai thực hiện. Bệnh viện còn chuyển giao kỹ thuật điều trị cai nghiện để tăng cường kỹ năng cho các y, bác sĩ ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng, thành phố Đà Nẵng.

Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đang hướng đến mô hình bệnh viện đa khoa YHCT. Nói như bác sĩ Khánh, thực ra bản thân bệnh viện đã mang tính đa khoa rồi nhưng vẫn còn ở phạm vi hẹp. Ví như trong quá trình điều trị, nếu có bệnh nhân phát sinh viêm ruột thừa cấp cần mổ gấp thì bệnh viện hiện không có phòng mổ và bác sĩ chuyên môn. Vì vậy, cần phải có hướng đầu tư phòng mổ, đào tạo các thầy thuốc có khả năng kết hợp thành thục cả Đông y và Tây y. Nếu xây dựng được bệnh viện đa khoa YHCT thì nơi đây sẽ là một điểm sáng thể hiện cái “bắt tay” thành công giữa Đông y và Tây y trong khám, chữa bệnh.

NHƯ HẠNH

.