Nhọc nhằn đời thợ xây

.

Thật khó có thể thống kê chính xác cả nước có bao nhiêu thợ hồ đang hành nghề. Chỉ thấy, nơi đâu có công trình xây dựng mọc lên thì ở đó có thợ xây dựng. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau, mang theo cái chân chất, khỏe khoắn của người nông dân tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thợ, cải thiện đời sống. Gia tài chỉ có chiếc bay lận lưng, họ đã xây nên nhiều công trình mỹ lệ làm đẹp cho đời…

Dù nhọc nhằn, nhiều người vẫn gắn bó với nghề thợ xây.
Dù nhọc nhằn, nhiều người vẫn gắn bó với nghề thợ xây. Ảnh: N.H

1. Đối với dân thợ hồ, nắng nóng chẳng hề xa lạ. Họ vẫn đứng đó, mồ hôi nhễ nhại, trên giàn giáo chênh vênh miệt mài với chiếc bay và gạch vữa để xây cho kịp tiến độ công trình. Khi thời tiết ngày càng nóng, đỉnh điểm có lúc xấp xỉ 40 độ ngoài trời, công việc ấy càng thêm vất vả. Dẫu vậy, trừ lý do bất đắc dĩ, còn lại họ vẫn miệt mài tại các công trình. Bởi, sau lưng họ còn có gia đình, con cái đang chờ đồng lương ướt đẫm mồ hôi mà họ đem về sau mỗi tháng.

Lau vội những giọt mồ hôi đang lăn tròn trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, ông Lê Văn Phước, một trong những người thợ từ thôn Hà Thanh Tây, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) ra Đà Nẵng làm nghề cho biết: “Hầu hết cánh thợ hồ đều xuất thân từ nông dân ở các miền quê, bỏ cái cuốc là cầm cái bay đi làm thợ. Tới mùa gặt hái thì về nhà phụ giúp. Một bộ phận khác là thanh niên, phụ nữ ở các thị xã, thị trấn, không có việc làm cũng “đầu quân” vào nghề này.”

Nhiều người cho biết, đây là nghề nặng nhọc nhưng lại rất phù hợp với người nông dân nghèo. Một trong những lý do chính là không tốn nhiều thời gian, tiền bạc để học nghề. Khởi đầu cứ đi theo người làng đi là thợ phụ “trộn hồ, xách hồ, vác gạch, cắt sắt...” Sau đó, theo năm tháng mà học hỏi theo bạn bè, người đi trước mà “xây tường, tô vách”… Nói là vậy chứ để từ thợ phụ lên thợ chính đòi hỏi sự kiên trì và ham học hỏi. Nếu tay nghề cao lại ham học hỏi, có thể đọc hiểu bản vẽ và thực hiện các yêu cầu mà kỹ sư giao phó thì lúc ấy người theo nghề đã vươn lên cấp “thợ cả”. “Một khi tay nghề cao thì không những đồng lương khấm khá hơn người khác mà  các chủ thầu cũng tin tưởng giao việc nhiều hơn”, ông Phước tự tin nói.

Một ngày làm việc của người thợ hồ kéo dài 8 tiếng thì hầu hết thời gian ấy đều ở ngoài trời. Phải có sức khỏe và sự chịu đựng dẻo dai thì mới có thể hoàn thành công việc. Tiền công cho thợ chính hiện dao động từ 400.000 đồng đến 450.000 đồng/ngày. Do đặc thù của công việc nên nghề thợ xây phù hợp hơn với cánh mày râu. Phụ nữ hầu hết thì chỉ tham gia phụ hồ, nên tiền công ít hơn gần một nửa. Những đồng lương ấy được tính toán chi li, một số trả tiền nhà trọ, tiền ăn uống và xăng xe, số còn lại ghói ghém gửi về gia đình nuôi con cái, chăm lo cha mẹ già. “Bữa ni cái chi cũng lên vùn vụt, tiền phòng trọ, tiền xăng, tiền cơm… Chỉ tiền công của em chẳng thấy tăng chi hết…”, giọng anh Dương Quốc Vương đến từ vùng quê Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) chùng xuống như góp thêm mùi vị nhọc nhằn về cuộc sống của người thợ hồ xa quê.

2. Tuy mang lại thu nhập ổn định, song nghề thợ hồ không chỉ vất vả nặng nhọc mà phải đối mặt với những rủi ro. Khi đi ngang qua những công trình xây ựng, hẳn nhiều người phải “toát mồ hôi hột” khi nhìn cảnh đội thợ hồ đứng chênh vênh trên tấm ván bắc dọc theo giàn giáo giữa trời nắng gắt, trên người không có lấy một phương tiện bảo hộ lao động như thắt dây an toàn hay đội mũ bảo hộ. Chỉ một chút lơ đễnh là tai nạn có thể ập đến với họ bất cứ lúc nào.

Đã từng ra Bắc vào Nam làm nghề, ông Lê Văn Phước lý giải về việc này: “Khi làm việc, người thợ phải liên tục di chuyển, đứng lên ngồi xuống để nhặt gạch, đón hồ. Việc thắt dây an toàn sẽ khiến người bị gò bó không linh hoạt nên họ đã bỏ qua luôn…”. Một thực tế khắc nghiệt nữa cũng cần nói đến: thợ hồ là một trong những ngành, nghề bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe do tiếp xúc thường xuyên với xi-măng, vôi, keo dán gạch nên tay chân thường bị ăn mòn, xương khớp bị thoái hóa do phải mang vác nặng… Hơn nữa, chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, tái tạo sức lao động không bảo đảm khoa học, thời gian làm việc kéo dài, từ sáng sớm đến tối muộn, có khi để kịp tiến độ công trình, người thợ phải làm cả Chủ nhật. Vì vậy so với các ngành nghề lao động khác thì con số thợ xây bị thương tích và bệnh tật tại nơi làm việc luôn chiếm tỷ lệ cao.

Ông Nguyễn Thỏa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ và Kinh doanh tổng hợp Tiến Lập, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), người có gần nửa đời người làm chủ thầu xây dựng nhiều công trình nhà dân dụng, chợ, trường học..., chia sẻ kinh nghiệm: “Mối nguy hiểm lớn nhất với thợ xây thường xuất phát từ giàn giáo và đón tời. Nếu giàn giáo không an toàn, dây tời và dây néo tời không bảo đảm thì rất dễ xảy ra tai nạn sập giàn, rớt giàn, đứt tời sẽ vô cùng nguy hiểm…”. Trong xây dựng đã có không ít trường hợp giàn giáo bị sập hoặc rơi tời từ trên cao xuống gây ra thương vong. Vì vậy nhiều người thợ lúc ra thành phố hy vọng kiếm tiền đổi vận nghèo, lo cho gia đình. Nhưng không phải ai cũng làm được điều mình muốn... 

Ai cũng biết rằng, hầu hết đội quân xây dựng là những lao động tự do, nay đây mai đó. Đôi khi chỉ sau 5 phút thỏa thuận bằng miệng là người thợ có thể vào việc ngay. Cũng bởi không có hợp đồng giấy trắng mực đen nên thợ hồ không có cơ sở đòi hỏi trách nhiệm dân sự mỗi khi tai nạn xảy ra và họ là người phải gánh chịu tất cả những thiệt thòi. Giữa âm thanh ầm ĩ của máy trộn hồ, tiếng anh thợ trẻ tên Vương nói to như phân bua: “Đi làm gần chục năm rồi, có hồi mô thấy cái bản hợp đồng lao động hắn méo tròn ra răng?”.

Trong khi chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý và chế độ, chính sách bắt buộc với thợ xây cũng như nhiều lao động tự do khác, thì cách tốt nhất là chính bản thân người thợ phải cẩn trọng, tăng cường ý thức sử dụng bảo hộ lao động trong công việc xây dựng để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Nhiều khi thợ hồ phải làm ca đêm để bảo đảm tiến độ công trình. Ảnh: N.H
Nhiều khi thợ hồ phải làm ca đêm để bảo đảm tiến độ công trình. Ảnh: N.H

3. So với trước đây vài chục năm, cái thời mà mọi việc từ A đến Z trong xây dựng đều dựa vào sức người thì hiện nay người thợ hồ đỡ tốn sức hơn nhờ được máy móc hỗ trợ. Đứng nép vào bức tường đang xây dở để tránh cái nắng hè chói chang, ông Nguyễn Thỏa cho biết: “Bây giờ, làm thợ hồ sướng hơn trước rất nhiều. Trước đây, khi xây dựng những công trình cao tầng, thợ phải bưng bê hồ, gạch, trèo lên, trèo xuống mệt đứt hơi. Bữa ni lên cao đã có máy tời, trộn hồ, trộn bê-tông đã có máy hỗ trợ nên đỡ vất vả hơn nhiều”. Thêm nữa, thu nhập từ nghề này cũng khá tốt, thợ chính từ 10-12 triệu đồng/tháng, thợ phụ từ 6-7 triệu đồng/tháng, vậy mà các chủ thầu vẫn đứng trước tình trạng thiếu nhân công trầm trọng.

Đang cao điểm mùa xây dựng, nhiều chủ thầu đang chạy đôn, chạy đáo tìm thợ xây ở các miền quê từ Nam ra Bắc do nhận nhiều công trình. Lý giải về điều này, dân trong nghề như ông Phước, ông Thỏa đều ngậm ngùi nói: “Người trẻ ở nông thôn hiện nay không còn mặn mà với cái nghề nặng nhọc mà lắm rủi ro này. Hầu hết đổ vào các khu công nghiệp, dù gò bó và thu nhập thấp hơn nhưng ít ra còn có cái bảo hiểm, và nhiều phúc lợi khác. Mai mốt lớp già như tụi tui về nghỉ thì không biết có lớp trẻ kế nghiệp không?”.

Rời căn nhà đang xây hãy còn ngổn ngang gạch đá khi vừa đúng ngọ. Mặt trời trên cao như nung nóng con đường nhựa đen sì. Câu hỏi cần làm gì để giải quyết tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động trong ngành xây dựng như hiện nay cứ quay tròn như những vòng xe? Có lẽ vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn, cần những thay đổi cách quản lý theo hướng bảo đảm quyền lợi sức khỏe, đời sống lâu dài cho người lao động, hướng đến một môi trường làm việc chuyên nghiệp, để đời thợ được no ấm, an vui hơn…

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.