Sống trọn vẹn cùng sen

.

Để có được giây phút sống trọn vẹn cùng sen, rất nhiều người chọn khoảnh khắc thanh tân bình minh của mùa hạ để ghi lại thời khắc từ lúc hàm tiếu đến độ mãn khai của bạt ngàn hoa và mênh mang hương vị.

Thu hoạch gương sen trong ánh bình minh. Ảnh: NHƯ HẠNH
Thu hoạch gương sen trong ánh bình minh. Ảnh: NHƯ HẠNH

Đang giữa hạ, những cơn gió cõng nắng đi lang thang giữa sắc trời hừng đông, rơi xuống mặt hồ mọc lên những đóa sen hồng thanh nhã. Nhiều thập niên trước, một bộ phận người dân Đà Nẵng mỗi sáng còn ung dung bước ra phố, thưởng sen ngay cạnh bàu Thạc Gián rộng cả chục héc ta trên đường Hàm Nghi (quận Thanh Khê). Và nếu bận bịu quá thì sớm mai trên đường đi làm, có thể dừng chân bên hồ sen nhỏ bên đường Hà Huy Tập (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), hít vào lồng ngực hương sen còn ngậm sương mai tinh khiết để thêm năng lượng cho một ngày làm việc. Có điều, quá trình đô thị hóa và ô nhiễm nguồn nước đã khiến các bàu sen lớn, nhỏ này bị thu hẹp hoặc chỉ còn trong ký ức.

Gần và xa

Hồ sen đường Hà Huy Tập được người dân gọi là đầm sen, nhưng tên chính thức là hồ Xuân Hòa A (phường Hòa Khê). Ông Lê Quang Vũ, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khê cho biết, nước hồ một thời bị ô nhiễm do thẩm thấu chất độc dioxin từ trong Sân bay Đà Nẵng chảy ra, nhưng sau khi Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng hoàn thành vào cuối năm 2018 thì cảnh quan nơi đây đã thay đổi. Tuy diện tích sen bây giờ đã thu hẹp so với trước nhưng tới mùa hoa nở thì nơi đây vẫn là điểm đến để người dân gần xa thư giãn, câu cá…

Không cam tâm để ký ức sen bị vùi lấp bởi thời gian, người thành phố lại lặn lội tìm sen ở những vùng ngoại ô yên ả, mong được sống lại những cảm xúc hương mùa hạ, và no nê trong thanh sắc của hoa. Hành trình đi tìm vẻ đẹp của loài hoa thuần Việt ấy trải dài từ những đầm sen Bàu Nghè (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) bát ngát, đến ruộng sen Khe Voi (thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), hay hồ sen mới nổi ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn)…

Và nếu có một ngày thong dong không vướng bận chuyện áo cơm, những “tín đồ” của sen có thể dậy từ 3 giờ sáng để chạy xe từ Đà Nẵng về Quảng Nam, cụ thể là về cánh đồng sen Trà Lý hoặc hồ sen Đồng Lớn thuộc địa bàn xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên), hay đầm sen thôn 3 Châu Bí (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn,) để có thể “ăn, ngủ” cùng sen từ sớm mai lên cho đến khi hoàng hôn buông xuống.

Check-in cùng sen. Ảnh: NHƯ HẠNH
Check-in cùng sen. Ảnh: NHƯ HẠNH

Nhọc nhằn một đời sen

Không ai biết nghề trồng sen có tự bao giờ, chỉ biết bao đời nay những thửa ruộng ngập úng không trồng được lúa thì ông bà mình trồng sen, thả cá. Đằng sau những cánh đồng hoa thơm ngát, đẹp mê lịm tim người là những giọt mồ hôi rơi vội vã giữa nắng hè cháy rộp da người. Dân trồng sen chủ yếu lấy hạt, nếu chỉ bán hoa thì được mấy đồng. Nghề trồng sen cũng như bao nghề nông tang khác, vất vả, nhọc nhằn, nhất là lúc thu hoạch. Có thể những tháng khác trong năm, người trồng sen ăn chơi dông dài nhưng 3 tháng thu hoạch phải làm cả ngày đêm vẫn chưa hết việc.

Đưa tay bứt một chiếc gương sen già đang vừa độ chắc hạt, ông Hồ Văn Thiên, chủ hồ sen hơn 2 héc ta ở thôn 3 Châu Bí (xã Điện Tiến) chia sẻ: “Đặc thù của sen là ưa sống ở những vùng thấp trũng, bùn lầy nên vào mùa hái gương sen, người dân đầu đội nắng, thân dầm dưới nước sền sệt suốt cả ngày. Đầm sâu ngập nước, thân sen cao, lại có nhiều gai, nếu không mặc đồ bảo hộ thì khó tránh khỏi bị trầy xước, chảy máu”.

Bên cạnh đồ bảo hộ, người hái sen còn đẩy theo một chiếc thuyền nhôm nhỏ để đựng gương sen sau khi cắt. Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới có thể cắt đầy một thuyền sen, ước chừng hơn 40kg. Nếu 2 người cùng cắt thì sẽ nhanh hơn, sau đó lại đẩy thuyền vào bờ… Cứ thế, con thuyền luồn lách, vào ra đều đặn như nhịp võng đưa giữa bát ngát sen hồng, sen trắng. Vậy mà lâu nay, nhìn những bức ảnh các cô thôn nữ chèo thuyền hái sen đầy chất thơ giữa một cánh đồng mênh mông nắng gió mà quên rằng, bên cạnh đó vẫn còn có khuôn hình lấm lem bùn đất của những người trồng sen vào mùa thu hoạch.

Những người nông dân trồng sen ở Bàu Nghè xã Hòa Sơn cho biết: “Hái sen hoàn toàn thủ công nên khá vất vả, ngoài ra phải thật kiên nhẫn vì cắt đài sen tốn rất nhiều thời gian”.

Hết mùa hạ, sen tàn dần để lộ những lá già xơ xác và màu nước buồn thiu. Sau một mùa đông giá lạnh, ra Giêng mặt nước ấm dần, những ruộng sen được tháo nước, cày sục. Những gốc sen lưu từ mùa trước được bón thêm phân tro lại bắt đầu ra lá, trổ bông và chừng 4 tháng sau sẽ cho thu hoạch. Những mùa sen cứ nối tiếp nhau đi qua, không chỉ làm đẹp thêm bức tranh đồng nội mà còn đem lại cho người dân vùng thuần nông lợi ích kinh tế đáng kể.

Theo lời những chủ đầm sen ở ngoại ô thành phố, sản phẩm hạt sen tươi và khô đều là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường nên xưa nay chưa bao giờ sợ ế. Chỉ lo quỹ đất càng ngày càng thu hẹp, đến lúc nào đó không còn chỗ thả sen nữa thì quả là buồn biết mấy!

Cái “bắt tay” giữa du lịch và sen

Mỗi khi hạ về, không gì hạnh phúc hơn là được đắm mình trong không gian ướp đầy hương sen thanh khiết. Mọi ưu tư dường như tan biến trong sắc hồng dịu dàng và sắc lá xanh non. Ngậm trong miệng một hạt sen non mà nghe một thời cùng nhau lội ruộng, lá sen che đầu… mát rượi cả ấu thơ. Nắm bắt được nhu cầu tinh thần này của nhiều người, những người nông dân thức thời đã làm thêm vài cây cầu tre, dăm căn chòi tranh và một số tiểu cảnh dọc theo bờ đầm để những người yêu sen về thưởng lãm. Cái kiểu làm du lịch đồng quê cũng rất chân quê. Khách đến cứ gửi xe nhà dân, rồi tự động xắn quần ra hồ sen ngắm hoa, chụp ảnh. Phí ngắm sen chỉ vài chục nghìn đồng một người, chả bõ công người trồng sen dãi dầm mưa nắng. Muốn mua sen thì ới một tiếng, chủ hồ vui vẻ chèo ghe hái những bông đẹp nhất, kèm theo một gương sen duyên dáng xanh như ngọc...

Để có được giây phút sống trọn vẹn cùng sen, nhiều người chọn khoảnh khắc thanh tân bình minh của mùa hạ để ghi lại thời khắc từ lúc hàm tiếu đến độ mãn khai của bạt ngàn hoa và mênh mang hương vị.

Anh Ngô Hoàng Khả Trí, giảng viên một trường đại học ở Đà Nẵng, người cùng nhóm bạn yêu sen đã dành cả mùa hạ lặn lội khắp các hồ sen trong và ngoài thành phố để chụp ảnh, chia sẻ: “Để ghi được khoảnh khắc đẹp đầy chất thơ ấy, chúng tôi phải đi từ sáng sớm. Đến nơi phải tìm góc chụp ưng ý giữa một hồ sen rộng thênh thang, kiên nhẫn ngồi chờ những tia nắng đầu tiên chiếu xuống từng đóa sen hồng. Lúc đó, những cánh sen từ từ mở ra, hé lộ chiếc gương vàng thơm ngát…”.

Khoảnh khắc diệu kỳ ấy chỉ diễn ra trong một cái chớp mắt của thời gian, nên người yêu hoa không chỉ hữu duyên mà còn phải có lòng mới gặp được.

Mới đây, trong lần gặp Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) Trần Văn Thu tại lễ khai trương Làng du lịch cộng đồng Thái Lai, ông rất vui mà khoe rằng: Ở Khe Voi, thôn Thạch Nham Đông có một hồ sen rộng 2ha, mới hình thành từ tháng 2-2022 nhằm triển khai kế hoạch chuyển đổi cây trồng đối với diện tích đất bị bỏ hoang nhiều năm, chống lãng phí và giúp hơn 20 hộ dân tăng thu nhập.

Mới trồng hơn 3 tháng mà sen đã nở hoa rợp đồng. Vì còn quá mới nên những “tín đồ” gần xa của sen vẫn chưa cập nhật thông tin, số lượng khách tới ngắm hoa còn thưa thớt. Ông Thu cho biết thêm, từ vụ sen sau, xã sẽ cho cải tạo cảnh quan đẹp và thuận lợi cho mô hình du lịch sinh thái này, dự định mở một con đường bê-tông nội đồng chính giữa hồ, làm các cầu tre để khách có thể dễ dàng chạm vào cánh hoa và lắng nghe hơi thở thơm ngát hương sen. Nói theo cách nói của các tay máy chuyên nghiệp là để “bắt” được “độ” sen, “sắc” sen ưng ý nhất cho từng tấm ảnh. Cùng với đó là một số dịch vụ như cho thuê trang phục, các loại nước giải khát, các sản phẩm từ sen… Và người nội thành Đà Nẵng chỉ cần chạy xe mươi cây số là đã có thể check-in cùng sen và trải nhiệm những giây phút thư giãn tuyệt vời giữa không gian thơm ngát hương đồng nội…

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích