Đà Nẵng cuối tuần
Trái tim người lính
Người lính già ngồi dưới mái hiên, bên chiếc ba lô cũ sờn rách đựng đầy những tấm ảnh, tài liệu, sơ đồ… về những chuyến lội suối trèo đèo tìm đồng đội. Trong nắng chiều hoang hoải, khuôn mặt khắc khổ của ông sẫm lại như bức tượng tạc bằng những nỗi niềm. Đã gần 50 năm từ ngày phục viên, không có ngày nào ông thôi day dứt về đồng đội đã nằm xuống đâu đó ở những cánh rừng, triền suối...
Thương binh Ngô Văn Phùng đánh 3 tiếng chuông ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Ảnh: NHƯ HẠNH |
1. Chỉ cần một cuộc gọi từ những người thân của liệt sĩ, ông lại xách ba lô lên đường. Hành trình đi tìm đồng đội của người thương binh 2/3 dường như vẫn chưa có điểm kết thúc. Ông là Ngô Văn Phùng (70 tuổi), ở làng Trường Định, dưới chân núi Trà Ngâm, thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Lấy ra tấm ảnh đã úa màu, ông Phùng kể, năm 1979, biết ông là bộ đội từng chiến đấu ở lực lượng trinh sát của Mặt trận Quảng Đà, nhiều lần cùng đơn vị chôn cất, đánh dấu những ngôi mộ đồng đội hy sinh nên ông Bùi Ngọc ở xã Hòa Liên đến gặp nhờ tìm hài cốt của người chú là liệt sĩ Bùi Hạnh, tài vụ Trạm xá 78, hy sinh ở khu hậu cứ Hòn Quắp, Khe Mun (nay thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Nhận lời hôm trước, hôm sau ông Phùng vác ba lô tìm đến nhà bà Mua ở dốc Hòa Cầm, người cùng đơn vị với liệt sĩ Bùi Hạnh để nghe bà kể từng chi tiết, sau đó phác họa lại sơ đồ nơi đồng đội đã chôn cất liệt sĩ Bùi Hạnh. Chừng ấy thông tin vẫn chưa đủ căn cứ chuẩn xác để tiến hành một chuyến tìm kiếm, ông cùng một số cựu chiến binh từng hoạt động và chiến đấu ở mặt trận Tây Bắc Hòa Vang đến xin thông tin đã được mã hóa ở Huyện đội Hòa Vang và Thành đội Đà Nẵng để đối chiếu và xác lập thêm chứng cứ khả tín…
Tuy Hòn Quắp cách làng Trường Định khoảng 5km theo đường chim bay, nhưng để đến nơi thì phải mất trọn một buổi băng rừng, lội suối. Vào những lúc mưa giông đầu nguồn đổ xuống, những con suối lớn nhỏ nơi này nước dâng đỏ ngầu. Đoàn tìm kiếm của ông Phùng nhiều lần bị lũ rừng bao vây suốt mấy ngày, hết gạo, muối, đành phải ăn rau rừng trừ bữa...
Gần 3 năm sau, tức đến năm 1982 mới phát hiện ngôi mộ chôn cất liệt sĩ Bùi Hạnh. Khi những nhát cuốc đào lên, phát lộ chiếc tăng võng gói thi hài đã bị rễ cây chò ăn thủng. Bên trong xương cốt đã hóa thành cát bụi trắng xóa. Chỉ còn lại những di vật như tên tuổi, đơn vị của liệt sĩ được khắc vào mảnh bom bằng nhôm lạnh ngắt. Đặc biệt là chiếc lách cưới (vòng tay) bằng vàng được vợ trao cho liệt sĩ phòng thân vẫn còn nguyên như một lời hứa thủy chung son sắt. Nhìn di vật của chồng, giọt nước mắt nóng hổi của người vợ lăn dài trên đôi gò má, lặng lẽ rơi xuống đất rừng quê hương.
Thượng tá Nguyễn Kết, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Vang thực hiện nghi thức tâm linh bên mộ liệt sĩ. Ảnh: NHƯ HẠNH |
2. Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Liên nằm trên đồi cao quanh năm lộng gió. Ông Phùng chầm chậm leo lên những bậc cấp bằng xi-măng đầy bóng nắng. Nơi đây, trước năm 1975 là đồn bót của lính nghĩa quân chế độ cũ. Cũng chính nơi này, đơn vị ông đã có trận công đồn đáng nhớ, nhiều đồng đội đã ngã xuống trên đất mẹ Hòa Liên. Trời hôm ấy trong xanh đầy nắng, đôi tay của người lính già run run bật diêm, thắp từng nén nhang trên những ngôi mộ, mùi trầm hương thoang thoảng quấn quýt trên bia đá như một lời tri ân. Thắp hương xong, ông đến bên nhà chuông, trầm ngâm trước dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng Liệt sĩ” khắc trên chiếc chuông đồng vừa được đúc bằng tiền quyên góp của các mạnh thường quân và thân nhân các liệt sĩ.
Ông Phùng lặng lẽ đánh ba tiếng chuông. Thanh âm thanh thoát vọng vào không gian như gọi hồn tử sĩ về an hưởng. Giọng ông Phùng rì rầm như lời tự sự: “Hòa bình gần 50 năm, bản thân tôi còn sống trở về trong yên ấm, nhưng vẫn còn rất nhiều đồng chí, người thân của tôi nằm lạnh lẽo nơi rừng sâu núi thẳm. Nếu bây giờ không tích cực đi tìm thì mai sau, vật đổi sao dời, những người chiến đấu cùng thời sẽ già đi rồi chết, lúc đó việc kiếm tìm, quy tập sẽ khó khăn hơn rất nhiều…”.
Hơn 40 năm qua, người lính trinh sát hào hùng năm ấy đã tham gia cùng lực lượng Thành đội Đà Nẵng, các cựu chiến binh tìm và di dời 150 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Khu 1, căn cứ cách mạng ở cánh Bắc Hòa Vang về an táng tại những nghĩa trang liệt sĩ ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Nhiều hài cốt liệt sĩ được thân nhân đưa về quê quán ở Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An...
Trong chiếc ba lô cũ, kỷ niệm một thời chiến tranh trong ông Phùng dường như trĩu nặng. Mỗi bức ảnh là một chuyến đi gắn liền với địa danh như Hòn Quắp, Hang Dơi, Hang Rau Nhớt, Dốc Mây… Dường như mỗi nắm đất quê hương đều có một phần xương thịt của các anh hùng liệt sĩ. Ông vẫn nhớ như in, ngày bốc mộ liệt sĩ Vũ Văn Cầu (quê ở Hải Phòng) tại Dốc Đác, Khe Mun (xã Hòa Bắc), trời đang nắng bỗng một cơn mưa đám mây ập tới. Mọi người thu mình trong chiếc áo mưa đầy lo ngại. Nhưng cũng nhờ cơn mưa bất chợt ấy khiến đất núi dễ đào hơn. Thân nhân không cầm được nước mắt khi di vật được tìm thấy có cả ảnh và thư từ của bạn gái liệt sĩ thời đi học.
Hôm chúng tôi ghé nhà ông Phùng ở thôn Trường Định đúng dịp nhà ông có giỗ. Thấy ông lôi mớ ảnh cũ từ chiếc ba lô sờn rách ra cho chúng tôi xem, người em vợ của ông nói vui: “Hồi ổng về làm rể nhà ni chỉ có mang theo cái ba lô nớ làm sính lễ. Sau này, cái ba lô trở thành nơi cất giữ hình ảnh, tư liệu quy tập mộ liệt sĩ. Ổng quý nó còn hơn vàng bạc châu báu, dễ chi ổng cho ai coi”. Mỗi lần xách ba lô về chiến trường cũ, ông Phùng lại tự nhủ: Biết đâu, trong lúc ông lội núi băng rừng tìm hài cốt đồng đội thì đâu đó trên mảnh đất này cũng có người tìm được mộ phần của người cha, người cậu liệt sĩ của mình.
3. Thượng tá Nguyễn Kết, Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Vang, nói về chuyến đi khảo sát 4 mộ liệt sĩ ở dốc Cổng Trời, đồi Dây Cáp thuộc hành lang căn cứ Huyện ủy ngày trước (nay thuộc xã Hòa Phú) và cho biết chỉ cần người dân báo tin nghi vấn có mộ liệt sĩ tại địa phương thì Huyện đội sẽ lên kế hoạch, xác minh, tổ chức những chuyến đi khảo sát trong ngày hoặc dài ngày. Từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nghĩa cử tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ đã thành một chủ trương phổ biến toàn dân. Mới đây, ông Đặng Hoa (thôn An Châu, xã Hòa Phú) trong lúc đi rừng lấy mật ong đã phát hiện 4 ngôi mộ liền kề nằm dưới gốc chò, theo cách mô tả hình dạng và địa điểm chôn thì nghi có thể là mộ liệt sĩ.
Theo hồi ức của những cán bộ lão thành từng hoạt động ở căn cứ Huyện ủy tại cánh Tây Hòa Vang, ngày ấy, bộ đội thường dựa vào các hang đá nằm dọc triền núi ở các con suối cạn để xây dựng căn cứ. Nhiều lúc các điểm cao chiến lược đều bị Mỹ đổ quân chiếm đóng, hành lang đi lại của ta ở phía tây Hòa Vang gần như bị đánh phá liên tục nên số người hy sinh khá nhiều và hầu hết được chôn ở các rừng chò nằm trên hành lang của căn cứ. Lúc đó, chiến tranh bom đạn nên việc chôn cất khá đơn giản, chỉ cần một tấm tăng võng, mảnh vải dù thay vải liệm, một ít di vật như giấy tờ, thư từ, ảnh cũng được chôn theo để sau này tiện việc xác minh nhân thân. Đặc điểm chung là các ngôi mộ bao giờ cũng được xếp những hòn đá núi chung quanh thành vòng tròn, hòn to nhất đặt ở vị trí đầu ngôi mộ. Nhờ đó, người dân ở các vùng núi khi đi rừng thường rất dễ nhận dạng ra và có cơ sở để báo chính quyền sở tại.
Cái khó là giữa rừng thông tin dân cung cấp thì tin nào là khả tín? Những người lính như Thượng tá Kết phải biết chắt lọc, đối sánh với nguồn thông tin lưu trữ, kể cả tìm gặp các cán bộ cách mạng từng hoạt động trên địa bàn để củng cố thêm thông tin chính xác về những ngôi mộ nghi vấn là mộ liệt sĩ. Thường những ngôi mộ được phát hiện nằm sâu trong rừng, nên đa phần phải lội bộ. Có chuyến đi từ lúc 4 giờ sáng, mãi đến trưa mới tới nơi thì tìm không thấy mộ ở đâu. Những người dẫn đường là dân đi rừng chuyên nghiệp vẫn bị lạc như thường. Nhìn những thân cây chò có dấu móng vuốt heo rừng và gấu cào cấu mà nghe lạnh cả sống lưng. “Khó khăn là vậy nhưng vì những liệt sĩ đã nằm xuống, anh em trong đoàn khảo sát vẫn kiên trì tìm kiếm cho đến khi có kết quả mới thôi”, giọng người chính trị viên nén lại như mệnh lệnh từ trái tim người lính.
NHƯ HẠNH