Phóng sự - ký sự
Dấu ấn "Mùa hè xanh"
Những ngày tháng 7-2022, mặc cho nắng hè chói chang, hơn 1.000 đoàn viên, sinh viên thuộc các trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nô nức lên đường, tỏa đi khắp nơi thực hiện chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh”. Trong màu áo xanh, đoàn viên, sinh viên hăng hái mang sức trẻ, trí tuệ, nhiệt huyết góp sức xây dựng, đổi thay những vùng quê nghèo khó.
Đoàn Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng bàn giao công trình thanh niên sửa chữa nhà cho gia đình neo đơn tại xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). |
Mùa hè không vô nghĩa
Trò chuyện với chúng tôi sau khi kết thúc chiến dịch “Mùa hè xanh” kéo dài nửa tháng tại xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), niềm vui sướng, hạnh phúc và cả làn da rám nắng vẫn còn in rõ trên gương mặt hàng chục sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN). Trong câu chuyện kể về những ngày tham gia chiến dịch, chị Trần Thị Thanh Thảo, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kinh tế không giấu được niềm tự hào về những thành quả mà sinh viên nhà trường đã tạo ra trong 15 ngày tình nguyện.
Ngày 11-7, ngay sau lễ phát động Chiến dịch sinh viên tình nguyện hè của Đoàn ĐHĐN, hơn 80 tình nguyện viên gồm cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kinh tế hồ hởi lên xe, mang theo cả bầu nhiệt huyết và tinh thần hăng hái của tuổi trẻ tiến về xã miền núi Tiên Hà. Ngay khi đặt chân đến vùng đất mới, cả đoàn nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở và bắt tay triển khai những hoạt động dân vận hè.
Với khẩu hiệu “Vận động vì dân - Không ngại mỏi chân”, đoàn chia làm nhiều đội nhỏ như: chủ lực, dân vận, hậu cần,… phụ trách những phần việc khác nhau. Những ngày sau đó, tình nguyện viên bắt tay vào nhiệm vụ đầu tiên là thay mái ngói giúp bà Nguyễn Thị Hường (thôn Phú Vinh). Từ sáng sớm, năm sinh viên thoăn thoắt leo lên mái, tháo dỡ phần ngói cũ hư hỏng, chuyền tay nhau đưa xuống dưới. Đoàn Trường Đại học Kinh tế hỗ trợ 10 triệu đồng mua tôn mới lợp nhà cho bà Nguyễn Thị Hường.
Tiếp đó, tình nguyện viên tổ chức san lấp mặt bằng, bê-tông hóa hàng trăm mét đường dân sinh tại thôn Phú Vinh, giúp người dân đi lại thuận lợi, không phải chịu cảnh sình lầy, bùn đất vào mùa mưa. Sinh viên còn tái chế lốp xe cũ, bánh xe hỏng thành những chiếc bập bênh, những con thú ngộ nghĩnh, xinh xắn để hình thành khu vui chơi trẻ em tại nhà văn hóa thôn Trung An,…
Trong khi đó, đội dân vận lặn lội gõ cửa từng nhà, vận động phụ huynh cho con em đến các lớp học tiếng Anh do sinh viên nhà trường tổ chức. Tình nguyện viên hướng dẫn học sinh thực hành nói, viết tiếng Anh; nghe nhạc, xem phim tiếng Anh; phổ biến kiến thức về an toàn giao thông; hướng dẫn phân loại rác, bảo vệ môi trường…
“Mùa hè xanh chỉ diễn ra trong 15 ngày nhưng với tinh thần đoàn kết, xung kích vì cộng đồng, tuổi trẻ Trường Đại học Kinh tế đã hoàn thành nhiều công trình, phần việc an sinh ý nghĩa, được chính quyền địa phương đánh giá cao. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất rằng chúng tôi đã có những ngày hè không hề vô nghĩa”, chị Trần Thị Thanh Thảo nhấn mạnh.
Chọn triển khai chiến dịch “Mùa hè xanh” năm 2022 tại đảo tiền tiêu của Tổ quốc - huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Đoàn Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng không chỉ hướng đến những hoạt động dân vận hè ý nghĩa mà thông qua đó còn giáo dục lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương cho đông đảo sinh viên.
Bí thư Đoàn Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng Ngô Tuấn Anh kể, trong 1 tuần đóng quân tại huyện đảo Lý Sơn, sinh viên nhà trường đã thực hiện tuyến đường bích họa dài 150 mét dọc bờ kè đảo Lý Sơn, trồng cây xanh dọc một số tuyến đường trên đảo, cải tạo sân chơi và khu vệ sinh của trường mầm non nơi đóng chân, tổ chức chương trình định hướng khởi nghiệp cho thanh niên trên đảo.
Cũng theo Tuấn Anh, trước đó, Đoàn trường đã hoàn thành hành trình “Mùa hè xanh” tại xã Ating, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) với nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, như: cải tạo khu vui chơi trẻ em, trồng 30 cây xanh tại các điểm trường, khu sinh hoạt cộng đồng, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời; tặng 10 xe đạp cho học sinh nghèo và 50 suất quà khuyến học cho học sinh vượt khó; trao 5 phần quà cho các hộ gia đình chính sách tại xã Ating.
Tình nguyện viên nhóm Hand In Hand (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) vận chuyển vật liệu, xây dựng khu vui chơi trẻ em. Ảnh: L.P |
Trưởng thành từ “Mùa hè xanh”
Vừa hoàn thành chương trình “Mùa hè xanh” tại khu dân cư Long Túc, thôn 4 (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), Đặng Ngọc Sơn, Trưởng nhóm Hand in Hand (tạm dịch: Tay trong tay) của Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN) nói với chất giọng đầy tự hào: “Khép lại hành trình 10 ngày “Mùa hè xanh”, đoàn chúng tôi đã “biến” khu dân cư Long Túc trở nên “xanh” thực sự. Đó là màu xanh của niềm vui, của ánh sáng văn hóa và của những hy vọng về tương lai tốt đẹp”.
Sơn kể, trong 10 ngày qua, hơn 30 thành viên của nhóm Hand In Hand đã chung tay hoàn thành san phẳng mặt bằng 450m2 đồi dốc để bê-tông hóa thành khu vui chơi có xích đu, bập bênh, ghế đá phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em miền núi. Nhóm còn tổ chức chiếu phim thiếu nhi, dạy kỹ năng, dạy học cho thiếu nhi; tặng sách vở cho học sinh tại các điểm trường; tặng quần áo, dụng cụ sinh hoạt, nhu yếu phẩm cho các hộ khó khăn…
Theo lời Sơn, sau 10 ngày tham gia “Mùa hè xanh”, hầu hết thành viên của nhóm ngày càng chững chạc, trưởng thành. Từ những sinh viên chưa từng đụng tay vào việc bếp núc, cuốc xẻng nay trở nên thành thạo, thuần thục trong việc nhóm lửa, cuốc đất, trồng cây, khuân đá, trộn bê-tông,… Những ngày cùng ăn, cùng ở với người dân, các thành viên hiểu rõ thêm về điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân miền núi, thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của người dân và trẻ em nơi đây, để từ đó nguyện tiếp tục mang sức trẻ, nhiệt huyết thanh niên đi cống hiến, xây dựng, cải thiện những vùng đất còn nhiều gian khó.
Với sinh viên Trần Quốc Tuấn (Trường Đại học Kinh tế), nhờ có “Mùa hè xanh”, lần đầu tiên Tuấn biết đến việc đào hố, trồng cây, đẩy xe rùa, trộn bê-tông làm đường. “Nếu không có “Mùa hè xanh”, những ngày hè của em có lẽ trôi đi trong quên lãng với những trận đánh game cùng bạn bè hoặc xoay quanh điện thoại, ti-vi. Nhưng em đã chọn cách xông pha, cống hiến, làm việc có ích, nguyện đem sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước”, Tuấn chia sẻ.
Trở về sau chiến dịch “Mùa hè xanh”, Võ Thị Ngọc Trâm (sinh viên Khoa Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm) tâm sự: “Mùa hè xanh đã kết thúc gần 10 ngày nhưng đến giờ da em vẫn chưa nhả hết nắng, cục chai sần ở hai bàn tay vẫn còn nguyên. Thế nhưng nếu bây giờ cho em đi “Mùa hè xanh” tiếp, em vẫn sẵn sàng xách balo lên đường. “Mùa hè xanh” giúp em trau dồi nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, trưởng thành và có những trải nghiệm quý giá mà không dễ gì có được”.
Đúng như lời PGS.TS. Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐHĐN, Trưởng ban chỉ đạo Chiến dịch sinh viên tình nguyện hè phát biểu trong lễ ra quân, ý nghĩa của chiến dịch “Mùa hè xanh” không đơn thuần là những chuyến đi, chuyến trải nghiệm để rèn luyện kỹ năng mà còn mang ý nghĩa xã hội lớn lao và tinh thần nhân văn sâu sắc. Theo ông Lê Thành Bắc, để thực sự trưởng thành, lực lượng thanh niên, sinh viên cần xây dựng cho mình ước mơ, lý tưởng sống cao đẹp, giàu lòng nhân ái; biết sống đẹp, sống có ích, có trách nhiệm với cộng đồng.
Sinh viên tình nguyện vì cộng đồng Chương trình chung sức cộng đồng diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8-2022 tại những vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn thuộc các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kom Tum… “Mục đích của chiến dịch nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện của tuổi trẻ ĐHĐN; tạo môi trường rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp, kỹ năng mềm và năng lực hoạt động xã hội cho sinh viên. Qua đó góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho tuổi trẻ; củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, Đội; lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về sinh viên ĐHĐN trong cộng đồng”, anh Nguyễn Thành Đạt nhấn mạnh. |
LAM PHƯƠNG