Phóng sự - ký sự

Ngày Xuân kể chuyện làm nông nghiệp 4.0

15:27, 28/01/2023 (GMT+7)

Tết đến, Xuân về cũng là lúc người nông dân gác lại bao chuyện đồng áng, tạm quên những âu lo, khó khăn trong năm cũ để cùng nhau ngồi bên chén trà, dĩa mứt kể cho nhau nghe những ước vọng về nền nông nghiệp thông minh, hiện đại... với năm mới đủ đầy, sung túc.

Máy bay không người lái được trình diễn tại cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ ứng dụng mạ khay, máy cấy tại thôn Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.
Máy bay không người lái được trình diễn tại cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ ứng dụng mạ khay, máy cấy tại thôn Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.

Từ chuyện máy bay không người lái...

Giữa tháng 8-2022, hai chiếc máy bay không người lái được kỹ sư của Công ty CP Nicotex Đà Nẵng vận hành, trình diễn thử nghiệm trên cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ ứng dụng mạ khay, máy cấy tại thôn Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Dù đã quen thuộc và nhiều lần được nghe cụm từ “máy bay không người lái” nhưng lần đầu tiên, nhiều nông dân nơi đây được nhìn thiết bị hoạt động thực tế trên cánh đồng địa phương.

Háo hức, tò mò và ấn tượng là tâm trạng chung của những nông dân có mặt tại buổi trình diễn. Không phải lội bùn, không cần men theo từng mép ruộng như phương pháp thủ công, những chiếc máy bay hoạt động trên bản đồ của cánh đồng được lập trình trong hệ thống, cứ thế mang theo dung dịch dinh dưỡng rải đều từ bầu trời xuống các tán lá lúa. Thiết bị bay đến đâu, “cơn mưa dinh dưỡng” hình thành đến đó.

Nhớ lại màn trình diễn ấn tượng, ông Phùng Văn Mai, Trưởng thôn Tây An, xã Hòa Châu bày tỏ, đây là thiết bị tiên tiến mà nông dân tại huyện Hòa Vang nói riêng và Đà Nẵng nói chung chưa được tiếp cận và sử dụng rộng rãi. Từ trước đến nay, nông dân chỉ phun thuốc, bón phân hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, sử dụng sức lao động của người là chính.

Về lâu dài, việc tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nông dân. Chính vì vậy, sử dụng thiết bị bay không người lái có nhiều lợi ích trong sản xuất, đặc biệt là bảo đảm sức khỏe cho nông dân. Mặt khác, nếu cánh đồng xuất hiện sâu bệnh hại, nông dân sẽ kịp thời xử lý, không mất nhiều thời gian, bảo đảm năng suất mùa vụ.

Trong chuyến công tác vào cuối tháng 8-2022 tại tỉnh Tiền Giang, ông Phạm Công Tuân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 2 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) được giới thiệu, tiếp cận với các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp và máy bay không người lái là một trong những phương tiện quen thuộc được nhiều nông dân nơi đây sử dụng.

Được biết, trong vụ đông xuân 2022-2023, HTX dự định sẽ thuê đơn vị cung cấp thiết bị thực hiện dịch vụ bay để phun thuốc và phân bón lá trong giai đoạn đầu (sau 45 ngày cấy) và giai đoạn lúa bắt đầu trổ đòng. Lần đầu tiên sử dụng công nghệ mới, ông cùng nhiều nông dân kỳ vọng tạo ra sự đột phá trong sản xuất, nâng cao năng suất vụ mùa.

... đến ứng dụng nông nghiệp thông minh, hiện đại

Nhìn lại nền nông nghiệp của thành phố, có thể thấy, ngày càng nhiều nông dân ứng dụng các công nghệ hiện đại để phục vụ cho sản xuất. Sự đầu tư nghiêm túc cùng với niềm đam mê, nhiệt huyết, ham học hỏi và khả năng ứng dụng những tiến bộ công nghệ của nhiều “lão nông tri điền” đã tạo ra sản phẩm chất lượng trên vùng đất quê hương.

Một trong số đó là trang trại “Afarm - Farm on Smartphone” và dịch vụ trồng rau hộ trên ứng dụng di động đầu tiên tại Việt Nam của anh Nguyễn Tấn Phương (thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang). Thông qua ứng dụng, khách hàng sẽ theo dõi được tình trạng loại cây trồng, ngày tuổi, tình hình nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ dinh dưỡng... Mọi thao tác của khách hàng trên ứng dụng sẽ được gửi về hệ thống để kỹ thuật có thể gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch rau theo lộ trình và đúng ngày tuổi.

Hệ thống tưới tiêu và kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cũng hoàn toàn tự động với công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, anh Phương còn sử dụng hệ thống quản lý ERP để quản trị tổng thể doanh nghiệp, chú trọng đến quản lý nguyên liệu đầu vào và quản lý sản xuất, từ đó, áp dụng vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sản xuất tại trang trại thông minh Afarm - Farm on Smartphone. Ảnh: VĂN HOÀNG
Sản xuất tại trang trại thông minh Afarm - Farm on Smartphone. Ảnh: VĂN HOÀNG

Anh Phương cho biết, Afarm đang nghiên cứu và phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ thuận tự nhiên, sử dụng hệ vi sinh vật ổn định nhằm cân bằng dinh dưỡng, tận dụng tối đa các phế phụ phẩm để biến đổi thành chất dinh dưỡng, phân bón và áp dụng công nghệ để kiểm soát các hoạt động. Mô hình này sẽ giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, công chăm sóc nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nếu thành công, mô hình mới sẽ mang lại những sản phẩm rau, củ, quả chất lượng với chi phí sản xuất tương đối thấp, giảm sức lao động của công nhân.

Còn tại vùng hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu, anh Trần Quốc Dũng đã sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động trong nhà kính để trồng hoa treo dạ yến thảo. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mà mô hình của anh Dũng tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất và nhân công, góp phần hạn chế sâu bệnh trên hoa, nâng cao chất lượng và mang lại hiệu quả cao về kinh tế.

Một nông dân trẻ khác trong vùng hoa là anh Lê Thành Trung (trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) với mô hình trồng hoa lan công nghệ cao. Theo đó, mọi khâu chăm sóc hoa trong vườn như: đo độ ẩm, tưới tiêu, bón phân... đều được thực hiện tự động nhờ áp dụng công nghệ. Với hệ thống phần mềm thông minh được tích hợp trên điện thoại di động, anh Trung có thể chăm sóc hoa mà không cần có mặt trực tiếp tại vườn. Đây là một trong những mô hình mang lại giá trị kinh tế cao trong vùng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho nhân công địa phương.

Có thể nói rằng, việc ứng dụng các tiến bộ mới về khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực và ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Thiết bị bay không người lái, ứng dụng Afarm - Farm on Smartphone hay hệ thống chăm sóc, tưới tiêu tự động… là những công nghệ mang tính đột phá, thay thế nông dân trong một số khâu sản xuất. Việc ứng dụng các công nghệ này không chỉ góp phần nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm mà còn hướng tới ngành nông nghiệp hiện đại, thông minh, công nghệ cao; tạo sự bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

VĂN HOÀNG

.