Đà Nẵng cuối tuần

Tái tạo "ngôi nhà" của biển

14:02, 15/01/2023 (GMT+7)

“Chúng tôi đem tất cả những gì mình có, từ vốn liếng đến con tim, khối óc để cống hiến cho biển và sống trọn với lựa chọn của mình”, anh Lê Chiến chia sẻ đầy tâm huyết khi đang tất bật với những dự án tái tạo rạn san hô dưới đáy biển Sơn Trà và khôi phục loài hoa muống biển trên vùng cát duyên hải miền Trung. 

Vườn ươm con giống san hô ở bãi Bụt, Sơn Trà do Sasa thực hiện. Ảnh: Đ.H.L
Vườn ươm con giống san hô ở bãi Bụt, Sơn Trà do Sasa thực hiện. Ảnh: Đ.H.L

Hệ sinh thái rạn san hô được ví như “ngôi nhà” của biển. Chỉ chiếm khoảng 1% mặt nước biển nhưng chúng là nơi trú ngụ của 25 - 40% loài sinh vật của biển. Hiện diện tích san hô ở Sơn Trà chỉ còn 1/100 so với thập niên 80, 90 do đó, việc tái tạo rạn san hô ở đây càng trở nên cấp bách đối với Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa (gọi tắt là Sasa) do anh Lê Chiến sáng lập. 

Phục hồi các rạn san hô đã chết

Năm 2009, khi được cộng tác với các chuyên gia hàng đầu về rạn san hô và phục hồi môi trường sống ở biển, anh Lê Chiến (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) đến từ Hà Nội quyết định chọn Đà Nẵng để bắt đầu hành trình dấn thân bảo tồn biển. Hơn 20 năm nghiên cứu khoa học đại dương, anh có điều kiện nắm rõ tình trạng rạn san hô bị tàn phá nghiêm trọng xung quanh bán đảo Sơn Trà để lên kế hoạch tái tạo và nhân rộng. Đây là cách bền vững nhất để bảo vệ sự kỳ diệu của biển vì san hô không chỉ là nơi cư trú của sinh vật biển, mà còn là kho dược liệu và hệ sinh thái có năng suất cao nhất quyết định nghề cá của ngư dân.

“Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực vì cộng đồng của các thành viên nhóm Sasa. Đây là những hoạt động thiết thực nhằm góp phần cùng thành phố trong công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hướng đến mục tiêu “thành phố môi trường”. Sở thường xuyên theo dõi để có sự hỗ trợ phù hợp cũng như tạo điều kiện trong khả năng có thể với mong muốn những hoạt động ý nghĩa của Sasa được tiếp tục lan tỏa, nhận được sự chung tay bảo vệ môi trường của mỗi người dân và du khách đến Đà Nẵng”.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng.

Với tâm huyết của mình, anh Chiến được nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước ủng hộ, trong đó phải kể đến 6 thành viên của Sasa. Anh Cao Đăng Huy kể: “Lúc mới vào Sasa, tôi chưa biết bơi nên chỉ làm những công việc trên bờ như làm bàn dưỡng, làm giá thể và phụ giúp anh em trong nhóm trông coi dụng cụ. Sau khi xem thành quả của mọi người thì càng thôi thúc tôi xuống nước.

Đến năm 2021, tôi chính thức lặn biển tham gia cùng nhóm tái tạo san hô”. Còn anh Nguyễn Chí Dũng, thành viên của Sasa khẳng định: “Làm việc dưới biển rất hấp dẫn tôi. Lúc đầu, tôi có ý định chỉ dành một mùa hè cho công việc này nhưng khi bắt tay vào làm thì thấy được sự quan trọng của công việc mình làm và tôi gắn bó đến bây giờ”.

Trung bình, mỗi ngày các thành viên làm việc 6-8 giờ dưới nước ở độ sâu 8-10m để làm sạch rạn san hô và tái tạo những rạn bị tổn hại. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ để tìm nhặt các mảnh san hô khỏe mạnh bị vỡ dưới đáy biển sâu và nuôi dưỡng trong các vườn ươm rồi trồng lên các rạn san hô đã chết. Để cấy một cành san hô mất 250.000 đồng/cành và tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để phủ kín 100m2, nhưng chỉ một du khách lặn biển giẫm đạp hay bị vướng một tấm lưới ma là đi tong nỗ lực cả tháng trời.

Những mầm cây hoa muống biển vươn chồi sau khi được gieo trồng thử nghiệm. Ảnh: Đ.H.L
Những mầm cây hoa muống biển vươn chồi sau khi được gieo trồng thử nghiệm. Ảnh: Đ.H.L

Qua khảo sát của Sasa, tất cả rạn san hô sừng hươu (staghorn coral) tại bãi Bụt đã biến mất trên diện tích rộng khoảng 45.000m2. Toàn bộ nền đáy được phủ bằng xương san hô gãy vụn. Đây là tác động của con người do xây dựng, khai thác du lịch và bão. Để phục hồi, trước mắt, Sasa triển khai tái tạo vườn ươm con giống san hô ở dưới đáy biển Sơn Trà. Từ vườn ươm này có thể tái tạo rạn tự nhiên và triển khai rạn nhân tạo, qua đó khai thác du lịch và thực hiện các chương trình giáo dục hay xa hơn là thực địa nghiên cứu cho những người làm chuyên môn.

Sau vài tháng kêu gọi cho đợt 2, Sasa nhận được hơn 105 triệu đồng đóng góp từ cộng đồng để triển khai 18 bàn dưỡng. Sasa cũng góp thêm 40 triệu đồng để nâng tổng số bàn dưỡng của vườn ươm trong đợt hai lên 26 bàn. Anh Lê Chiến cho biết: “Công việc của chúng tôi là lấy các mẫu xương, định danh phân loài, sau đó đối chiếu với các số liệu lịch sử cũng như các báo cáo khoa học đã được công bố về bãi Bụt, từ đó lên kế hoạch tái tạo. Việc phân tích mẫu rất quan trọng, các số liệu sẽ cho chúng ta thấy bản đồ sự sống để tái tạo, tất nhiên việc này rất khó và phức tạp. Có ngày, Sasa đã thực hiện thử thách trồng 1.000 cành san hô vào rạn chỉ trong 2 giờ. Tốc độ này ít nơi nào trên thế giới thực hiện được”.

Để ghìm chặt hệ thống bàn dưỡng xuống đáy vững chắc, Sasa đã thiết kế hệ thống weight kit bằng tạ nặng hơn 1 tấn. Các bàn dưỡng được kết nối với nhau bằng phương pháp kết nối cứng lẫn kết nối mềm nhằm triệt tiêu tần số rung lắc khi bão. Trong dự án này, Sasa đã nhận được sự hướng dẫn của tiến sĩ John Charlie Veron, người khám phá, định danh hơn 20% san hô ở đại dương và nghiên cứu đặc điểm, hình thái, sinh thái của 831 loài san hô tạo rạn trên thế giới.

Đến nay, Sasa đã hoàn thành xong vườn ươm con giống san hô với 62 bàn sau hai đợt kêu gọi, trong đó có 32 loài san hô tạo rạn vô cùng quan trọng như Acropora, Montipora, Favia, Favites, Poritest, Goniopora, Alveopora, Pocilliopora, Padabacia, Turbinaria, Pavona. “Đây là vườn ươm duy nhất trên thế giới được gây dựng bởi cộng đồng. San hô đang phát triển rất tốt và bắt đầu trổ nhánh. Từ đây, các rạn san hô ở Sơn Trà không chỉ là lá chắn sóng bảo vệ đất liền mà còn trở thành di sản dành cho thế hệ sau để học tập, nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen quý hiếm”, anh Lê Chiến vui mừng cho biết.

Team Sasa trở về sau một ngày làm việc vất vả dưới đáy biển Sơn Trà.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Team Sasa trở về sau một ngày làm việc vất vả dưới đáy biển Sơn Trà. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Phủ xanh 800km bờ biển miền Trung

Sau khi chứng kiến bãi cát dọc bờ biển bị xói lở qua những trận mưa bão, Sasa nghiên cứu tìm cách gìn giữ bãi biển thuận theo tự nhiên và nhận thấy những thảm muống biển chính là yếu tố quan trọng để bảo vệ bờ kè. Anh Chiến cho biết: "Qua khảo sát, chúng tôi thấy mật độ che phủ của muống biển trên bãi biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam chỉ còn chưa đến 1%. Tái tạo thảm muống biển là phương pháp rẻ nhất để chống xói lở trên bờ và giúp ổn định thềm lục địa dưới nước. Thảm muống biển cũng hấp thụ CO2, cho O2 và lưu trữ carbon hữu cơ. Đây là nền tảng của sự sống. Việc hấp thụ ánh sáng mặt trời và chuyển hóa thành O2 của thảm muống biển cũng giúp bãi cát trở nên mát mẻ hơn”.

"Trước tình trạng tài nguyên san hô bị suy giảm ở một số tỉnh, thành, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tăng cường hỗ trợ thêm nhiều công việc để công tác bảo tồn san hô tại bán đảo Sơn Trà được tốt hơn. Trong đó, Sasa Team là tổ chức đồng hành cùng ban quản lý qua các hoạt động như “Clean up Sơn Trà” - làm sạch san hô, tổ chức các buổi workshop về chủ đề “Tái sinh san hô” và gần nhất là thành lập Biệt đội giải cứu san hô dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 4-2023. Với dự án trồng rau muống biển, Ban quản lý rất ủng hộ Sasa bởi nhờ đó sẽ góp phần tạo không gian xanh cho bãi biển và phòng chống hiện tượng cát bay ảnh hưởng đến môi trường đô thị ven biển.”

Ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng

Với tên gọi “Ban mai rực rỡ” (Morning Glory - tên tiếng Anh của hoa muống biển), Sasa sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch này sau Tết và kéo dài trong 4 tháng để phủ xanh 800km bờ biển từ tỉnh Quảng Bình đến Ninh Thuận. Chia sẻ về chiến dịch “Ban mai rực rỡ”, anh Lê Chiến cho biết: “Đây là chiến dịch tái tạo môi sinh lớn chưa từng có của chúng tôi và rất cần sự chung tay, góp sức của các tình nguyện viên. Thảm muống biển giữ độ ẩm cho cát cùng với lớp rễ đan xen chằng chịt, ăn sâu đến tận 2m sẽ giúp hàng tỷ những hạt cát nhỏ liên kết thành một khối làm ổn định bãi cát. Khi cát trên bờ ổn định thì cát dưới mặt nước cũng ổn định. Từ đó, những bãi tắm an toàn được hình thành, nước cũng trong hơn, thuận lợi làm du lịch hơn”.

Để triển khai hiệu quả chiến dịch này, Sasa thực hiện gieo thử nghiệm 3.000 hạt giống và sau gần một tháng những chồi muống biển non đã lên mầm. Kết quả cũng cho thấy, với phương pháp gieo hạt tự nhiên, hạt giống nảy mầm sau 4 ngày đến 1 tuần. Tỷ lệ nảy mầm của hạt không chọn lọc chỉ đạt 20-30% và tốc độ sinh trưởng của cành là 20-30cm sau 30 ngày. Còn phương pháp tách nhánh thì không khả thi do điều kiện thời tiết không thuận lợi như mưa lớn, nước biển dâng cao cuốn cây giống đi. Tuy nhiên, với phương pháp ép hạt nảy mầm nhân tạo và có loại bỏ hạt lép thì tỷ lệ nảy mầm đạt 90% sau 4 ngày. Khi những thảm muống biển hình thành, sự sống bắt đầu được tái tạo bởi một hệ sinh thái nhỏ với nhiều hang còng, sâu bọ, côn trùng, bò sát, chuột, chim... Chiến dịch “Ban mai rực rỡ” còn góp phần tái tạo hàng rào sinh học bao gồm hệ bò là muống biển; hệ bụi là dứa dại, phong ba, cây tra và hệ thân gỗ là dương.

“Chúng tôi chỉ tái tạo lại những khu vực nào đã từng có và giờ không còn, hoặc là khôi phục lại diện tích che phủ. Việc gieo trồng phải dựa trên các báo cáo khoa học, đối chiếu với số liệu lịch sử cũng như phân tích thổ nhưỡng. Nếu cách đây vài năm, bạn đến An Bàng, Hội An sẽ thấy việc giữ lại thảm muống biển hiệu quả và ấn tượng đến mức nào cả về du lịch lẫn vai trò sinh thái. Màu xanh của lá muống biển cùng với hàng triệu bông hoa tím sẽ đem lại vẻ đẹp rạng rỡ trong ánh ban mai”, anh Lê Chiến khẳng định.

Trong năm 2023, Sasa sẽ tái tạo rạn san hô ở Hòn Sụp với diện tích khoảng 60.000m2, ước tiêu tốn khoảng 30-40 tỷ đồng. Khu vườn ươm này sẽ là nơi dành cho việc khai thác du lịch, nhằm hướng du khách tập trung về đây để bảo vệ các rạn san hô tự nhiên khác. Qua đó, Sasa cũng kêu gọi khoảng 10.000 tình nguyện viên là các thợ lặn giỏi trên thế giới cùng chung tay hỗ trợ làm vườn ươm san hô. Những người này sẽ là nguồn khách tiềm năng cho thành phố khi họ quay trở lại hằng năm tham quan thành quả của mình.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.