Phóng sự - ký sự

Vọng mãi tiếng trống Lâm Yên

10:37, 07/01/2023 (GMT+7)

Dân gian xứ Quảng có câu “nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều” để nói về tên tuổi của làng trống nổi tiếng bật nhất miền Trung: làng trống Lâm Yên (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Trải qua hàng trăm năm, tiếng trống Lâm Yên vẫn vọng vang, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân xứ Quảng.

Ông Nguyễn Xuân An cầm trên tay một chiếc trống vừa được hoàn thành.
Ông Nguyễn Xuân An cầm trên tay một chiếc trống vừa được hoàn thành.

Làng trống gần 200 năm tuổi

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, tiếng trống xuất hiện khá sớm, luôn song hành, gần gũi với đời sống người dân, gắn liền với các sự kiện văn hóa, tín ngưỡng lâu đời. Thời chưa có loa, đài, tiếng trống là âm vang hiệu triệu, động viên, đốc thúc, tăng sĩ khí cho binh lính chiến đấu chống ngoại xâm. Trong đời sống sinh hoạt ở các làng, xã, tiếng trống là công cụ thông báo, cổ động, báo động gắn bó với đời sống nông nghiệp. Tiếng trống cũng rộn rã khi có dịp Tết đến, Xuân về, dịp Trung thu.

Hiện nay, tiếng trống vẫn đều đặn vang lên trong và sau mỗi tiết học ở các trường, là âm thanh đặc trưng trong những dịp lễ hội, quen thuộc với thiếu nhi với tiếng trống lân. Đối với người dân xứ Quảng, tiếng trống giữ vị trí đặc biệt trong tâm trí người dân, thường xuyên xuất hiện trong mỗi dịp lễ hội, âm thanh quen thuộc song cùng với tiếng hát Bài chòi. Hàng trăm năm qua, làng nghề làm trống Lâm Yên được biết đến là nơi làm nên những chiếc trống với âm thanh vang giòn, đặc trưng nổi tiếng bật nhất của vùng đất xứ Quảng.

Những ngày cuối năm, cơ sở làm trống của ông Nguyễn Xuân An (54 tuổi, trú thôn Lâm Yên, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) tất bật bởi tiếng máy bào, cưa xen lẫn tiếng thử trống “tùng tùng”. Từ những ngày chập chững học nghề từ người cậu Phan Văn Mười (nguyên chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề trống Lâm Yên) lúc 22 tuổi, đến nay, ông An là một trong những người dày dạn kinh nghiệm nhất trong nghề làm trống tại thôn Lâm Yên.

Ông An cho biết, dòng họ có truyền thống lâu đời và khai sinh ra nghề trống ở thôn Lâm Yên là tộc họ Phan. Cách đây gần 200 năm, ông tổ Phan Công Tiên cùng gia đình di cư từ vùng đất Hải Dương vào miền Trung và chọn mảnh đất Đại Lộc làm nơi đứng chân. Mang theo vốn kiến thức làm trống từ quê hương, ông bắt đầu xây dựng cơ nghiệp và truyền cho thế hệ con cháu nối nghề. Đến nay đã qua 8 đời, các thế hệ con cháu họ Phan vẫn duy trì, tiếp nối nhau giữ nghề, cùng lan tỏa tiếng trống Lâm Yên đến nhiều vùng miền trên cả nước. Tiếp nối truyền thống, ông An lớn lên trong âm thanh quen thuộc của tiếng trống Lâm Yên. Từ thuở chập chững quan sát, học cưa, đục, làm da, đóng đinh, ông An dần dà học được nghề làm trống và sống cùng nghề truyền thống hơn 30 năm qua.

Theo ông An, những người có kinh nghiệm làm trống Lâm Yên lâu năm đều thành thục cách làm các loại trống: trống chùa, trống tộc, trống lệnh, trống công phu và trống lân. Tùy vào mỗi loại trống sẽ có kích thước khác nhau, tuy nhiên, quy trình làm đều giống nhau theo từng công đoạn. Thân trống thường được người thợ chọn từ gỗ mít. Gỗ mít phơi khô sẽ được xẻ thành từ tang dày khoảng 1cm và được ghép thành thân trống. Mặt trống được làm bằng da trâu. Da trâu sau khi phơi khô sẽ được bào theo tỷ lệ vừa phải để bịt vào 2 mặt trống và cố định độ căng bằng các sợi dây thừng dài ở xung quanh thân. Khi độ căng mặt trống vừa đủ, những chiếc đinh bằng tre sẽ được đóng chặt vào xung quanh điểm tiếp xúc giữa da trâu và thân trống. Đây là công đoạn cuối cùng để hoàn thiện chiếc trống với âm thanh vang giòn của người dân thôn Lâm Yên.

Hiện nay, ông Phan Văn Hiệp được ghi nhận là người làm chiếc trống lớn nhất từ trước đến nay tại thôn Lâm Yên với đường kính mặt trống 2,3 mét, cao 6 mét.  Ảnh: NGỌC QUỐC
Hiện nay, ông Phan Văn Hiệp được ghi nhận là người làm chiếc trống lớn nhất từ trước đến nay tại thôn Lâm Yên với đường kính mặt trống 2,3 mét, cao 6 mét. Ảnh: NGỌC QUỐC

Gian nan giữ nghề

Trải qua gần hai thế kỷ tồn tại, làng nghề trống Lâm Yên trải qua nhiều thăng trầm. Ông Phan Văn Hai (trú thôn Lâm Yên, huyện Đại Lộc) năm nay 73 tuổi vẫn gắn bó với nghề làng trống truyền thống của dòng họ Phan. Ông Hai nhớ như in cách đây gần 50 năm trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, người dân thôn Lâm Yên phải tản cư khắp nơi do bom đạn của quân thù cày xé khắp làng.

Gia đình ông Hai tạm lánh ra khu vực Nam Ô (Đà Nẵng) để sinh sống. Những năm tháng khó khăn, ông Hải vẫn mang theo nghề trống làm trống để mưu sinh và bán cho người dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Khi đất nước thống nhất, ông Hai và gia đình về lại quê hương sinh sống. Tuy nhiên, giai đoạn này người dân còn nhiều khó khăn, lễ hội thưa thớt nên nhu cầu mua trống không nhiều. Khoảng năm 1995 trở đi, đời sống của người dân khá hơn, nghề làm trống dần ổn định trở lại. Những chiếc trống Lâm Yên được làm từ gỗ mít với âm thanh vang giòn được bán đến nhiều vùng miền, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa độc đáo của làng nghề truyền thống xứ Quảng.

Trước đây khi chưa có sự hỗ trợ của máy móc, việc làm trống rất khó khăn và trải qua thời gian khá lâu. Hiện nay, khi những thiết bị hiện đại hỗ trợ, người thợ dễ dàng làm ra những chiếc trống cao và rộng từ những loại gỗ nguyên khối.

Trong đó, ông Phan Văn Hiệp (47 tuổi, Chủ nhiệm hợp tác xã làng nghề trống Lâm Yên) được ghi nhận là người làm nên chiếc trống lớn nhất từ trước đến nay với đường kính mặt trống 2,3 mét, cao 6 mét từ gỗ nguyên khối. Ông Hiệp là con của ông Phan Văn Hai và được cha truyền nghề từ nhỏ. Trước đây, thân trống được ông Hiệp ghép từ các tang gỗ mít. Sau này, được sự hỗ trợ của máy móc, ông Hiệp đã mạnh dạn mua những khối gỗ có đường kính lớn và đục rỗng để tạo thành thân trống nguyên khối, giữ được độ bền lâu.

Theo ông Hiệp, thương hiệu trống Lâm Yên không chỉ ở khu vực miền Trung mà còn được tỏa đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên hiện nay, nghề trống Lâm Yên đang đối diện với không ít thách thức. Từng có thời điểm thôn Lâm Yên có khoảng 20 hộ làm trống, nhưng hiện tại chỉ còn 8 hộ còn duy trì với nghề. Thợ làm trống đều là người lớn tuổi, có kinh nghiệm lâu năm, song người trẻ hiện nay không còn mặn mà với nghề. Thị trường trống ngày càng thu hẹp, trong khi nghề làm trống khá vất vả khiến nhiều thanh niên thay vì gắn bó với nghề trống lại chọn làm công nhân hoặc đi xa lập nghiệp. Đặc biệt, trên thị trường có rất nhiều loại trống tương tự nhưng có giá thành rẻ hơn so với trống Lâm Yên. Nếu như trước đây, người làm trống có thể bán được cả trăm trống mỗi năm thì hiện nay chỉ bán được vài chục trống do không thể cạnh tranh về giá. Từ đó, đầu ra của trống Lâm Yên dần bị thu hẹp, khá nhiều người thợ phải bỏ nghề.

Trên hành trình phát triển của đất nước, những giá trị truyền thống, văn hóa cần được phục hồi, duy trì để đáp ứng nhu cầu về giải trí, tinh thần của người dân. Trong giai đoạn hiện nay, nguy cơ mai một, thất truyền nghề trống Lâm Yên từng vang bóng một thời hoàn toàn hiện hữu khi người dân chưa thể sống được với nghề. Vì vậy, cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì, níu giữ làng nghề để các thế hệ sau tiếp bước và phát huy. Trong đó, cần chú trọng hỗ trợ, tìm thị trường đầu ra cho các cơ sở làm trống; có giải pháp khuyến khích người trẻ học và duy trì nghề trống Lâm Yên. Như vậy mới có thể góp phần giúp làng nghề trống tiếp tục tồn tại, giữ lại nét văn hóa truyền thống lâu đời của thương hiệu trống nổi tiếng bậc nhất xứ Quảng.

NGỌC QUỐC

.