Phóng sự - ký sự
Nghĩa tình quân dân
Sau trận mưa lớn, lũ quét và sạt lở ngày 14-10, hàng trăm ngôi mộ ở nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) bị đất đá vùi lấp, xáo trộn. Để khắc phục thiệt hại, các chiến sĩ bộ đội đã nâng vác từng phiến đá, lau từng vệt bùn nơi phần mộ của người đã khuất làm lan tỏa nghĩa cử cao đẹp, thắm đẫm tình người và ngời sáng tình quân dân.
Các lực lượng vũ trang tham gia khắc phục sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
“Một phần máu thịt của đồng bào, của thân nhân mình”
Sau cơn mưa lớn chưa từng có trên địa bàn thành phố vào ngày 14-10, người dân chưa hết bàng hoàng với những thiệt hại do mưa lũ đi qua ở nhiều khu phố, thôn xóm. Nhưng cùng đó, tin dữ lại đến khi nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) bị nước lũ làm tan hoang. Hàng chục ngàn m3 đá từ dãy núi lân cận vùi lấp các phần mộ. Khẩn trương khắc phục thiệt hại là nhiệm vụ được giao cho những người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Qua thống kê thiệt hại sau mưa lũ, nghĩa trang Hòa Sơn có 6 điểm sạt lở với diện tích hơn 2,2ha. Riêng khu vực có mộ, mưa lũ làm khoảng 6.100m3 đất, đá vùi lấp, gây hư hỏng hơn 610 ngôi mộ, khối lượng đất đá sạt lở xuống đường giao thông 9.634m3. Ở khu phần mộ tộc Trần của ông Trần Quang Hường, 80 tuổi (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) sau mưa lũ đã không còn ngôi mộ nào nguyên vẹn. Ông Hường kể, linh tính mách bảo, ngay sáng 15-10, dù trong nhà bị ngập sâu gần 2m nhưng để con cái lo dọn dẹp, ông chạy xe lên nghĩa trang gia tộc để kiểm tra tình hình. Nhìn cả ngàn khối đất đá sạt lở tại khu nghĩa trang rộng lớn, trong đó có cả phần mộ gia tộc mình, ông Hường không tin vào mắt mình.
“Ngay từ dưới đường số 3 nhìn ngước lên là cả một bãi dài đá sỏi, bùn đất phủ vùi. Nếu không có cây lộc vừng được trồng ngay đầu góc khu nghĩa trang gia tộc nhà tôi còn trụ vững, sẽ chẳng thể nào xác định được các mộ người thân mình nằm chỗ nào”, ánh mắt thất thần và khuôn mặt còn vẻ lo âu của ông Hường khi nhớ lại.
Cạnh khu nghĩa trang tộc Trần của gia đình ông Hường là nghĩa trang tộc Lê của gia đình ông Lê Đức Chính (phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Cả hai khu nghĩa trang gia tộc này đều nằm ngay dưới suối phía núi đổ xuống. Dẫu vậy, do mộ phần được xây dựng khá kiên cố, nên khi lộ xuất, vẫn còn nguyên phần cốt nền. “Dù may là chưa bị trôi đi hết nhưng nhìn khu mộ mà thương quá, không đêm nào ngủ yên được”, ông Chính bồi hồi. Cũng như ông Hường và ông Chính, còn biết bao nhiêu gia đình, tộc họ là thân nhân của hơn 600 ngôi mộ bị vùi lấp ấy, ngày đêm mong ngóng, lo âu và ngậm ngùi cho đến ngày được tìm lại…
Với trách nhiệm của những người đứng đầu thành phố, ngay sau khi nắm thông tin về tình hình thiệt hại do mưa lũ ở nghĩa trang Hòa Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã đến thực tế kiểm tra tình hình sạt lở, chỉ đạo các biện pháp khắc phục thiệt hại tại đây.
Nhiều phần mộ bị vùi lấp ở nghĩa trang Hòa Sơn đang được cán bộ, chiến sĩ phát lộ. ẢNH: HOÀNG HIỆP |
Lãnh đạo thành phố quyết định huy động lực lượng quân đội vào cuộc để khắc phục hậu quả. Ngày 19-10, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo Sư đoàn 315 cơ động khẩn trương hành quân lên nghĩa trang Hòa Sơn hỗ trợ khắc phục sạt lở. Thượng tá Phạm Hải Minh, Phó Chính ủy Sư đoàn 315, chia sẻ, đơn vị đã quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ khi được điều động, phân công nhiệm vụ phải nhanh chóng khắc phục hậu quả sạt lở, trả lại an yên cho từng phần mộ. Theo đó, các đơn vị bộ đội thuộc Sư đoàn 315 đã vào cuộc với tinh thần, quyết tâm rất cao, xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng của đơn vị. Hơn 600 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 315 phân ra theo 5 điểm sạt lở vào cuộc với tinh thần quyết thắng. Sau cơn mưa lớn ngày 14-10 rồi những ngày sau đó nối tiếp những ngày mưa của bão số 6… Những ngày mưa, các mũi thi công phải cử lực lượng thường xuyên cảnh giới tại các điểm có nguy cơ sạt lở để theo dõi, nếu có biến động địa chất sẽ cảnh báo đến lực lượng tham gia đào bới dưới núi di dời ngay.
“Anh em chiến sĩ rất quyết tâm, tất cả đều nhận thức và thấu hiểu bên dưới những phần mộ kia cũng là một phần máu thịt của đồng bào, của thân nhân mình”, Thượng tá Minh nói.
Thấm đẫm tình quân dân
Cùng với Sư đoàn 315, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 971 (Quân khu 5), các đại đội, tiểu đoàn trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng và dân quân, tự vệ của các phường, xã cũng đã được huy động đến công trường khắc phục sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn. Thời tiết cuối tháng 10 có những ngày trời nắng to nhưng cũng có những ngày trời mưa dầm dề và nặng hạt. Các cán bộ, chiến sĩ vẫn ngày 2 buổi đến công trường đào, xúc đất, nậy và bốc, khuân đá ra khỏi khu vực có mộ, mang đến điểm tập kết để phương tiện cơ giới giải phóng hoặc chờ thi công tường đá chắn sạt lở.
Thượng úy Phan Quốc Cường, Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 143 tâm sự: “Nhờ có kinh nghiệm trong khắc phục hậu quả sạt lở các vùng miền núi tại Quảng Nam nên chúng tôi hướng dẫn bộ đội các thao tác đào bới vừa nhanh, vừa bảo đảm an toàn. Số lượng ngôi mộ xuất hiện càng nhiều, niềm vui của chúng tôi càng nhân đôi”...
Hơn 20 ngày trôi qua, hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ dãi nắng, dầm mưa bưng bê từng tảng đá để mỗi ngày phát lộ thêm những phần mộ tại nghĩa trang. Binh nhất La Lan Thuận thuộc Sư đoàn 315 nói: “Những phần mộ ấy cũng như phần mộ người thân mình vậy. Thương cảm vô cùng. Chúng em quyết tâm rất cao. Không chỉ là nhiệm vụ của người lính, mà còn là tình cảm đối với những người dù đã ngủ yên ở thế giới bên kia”.
Cảm phục, ấn tượng với tinh thần vì nhân dân phục vụ của bộ đội, mỗi ngày, dù nắng hay mưa, cũng đều có những đoàn đến từ các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và địa phương trên địa bàn thành phố lên nghĩa trang Hòa Sơn động viên các cán bộ, chiến sĩ và tiếp sức bằng những suất ăn, nước uống nửa buổi.
Liên tiếp những ngày qua, lãnh đạo thành phố đã đến thăm, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ, ghi nhận, đánh giá cao sự hỗ trợ lực lượng quân đội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết nói: “Chúng tôi nhận thấy trên từng gương mặt của các cán bộ, chiến sĩ tinh thần trách nhiệm rất cao, thể hiện truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Xe nhà bếp tự hành được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 huy động lên hỗ trợ bữa ăn cho bộ đội khắc phục sạt lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Sau những giờ lao động mệt nhọc, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 tản về trong các gia đình tại thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn để nghỉ ngơi. Họ được người dân ở đây chăm lo nơi ăn, chỗ ở trong thời gian thi công khắc phục sạt lở. Các tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện và các gia đình có mộ người thân bị vùi lấp thường xuyên có mặt tại hiện trường để động viên, phụ giúp và mang những bữa ăn giữa buổi, bữa xế cho chiến sĩ, khi thì tô mỳ Quảng, khi thì bát bún nóng, ổ bánh mỳ kẹp thịt… Tình quân dân càng thêm thắm thiết.
Bà Phan Thị Sáu, một người dân ở thôn Hòa Khê cho hay: “Bà con đang hỗ trợ tối đa các điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi cho bộ đội để bảo đảm sức khỏe, nhằm giúp đỡ người dân thành phố nhanh chóng khắc phục sạt lở ở nghĩa trang Hòa Sơn. Sau những buổi lao động vất vả, bộ đội còn giúp người dân trong thôn vệ sinh đường làng, vườn tược...”.
Trở lại nghĩa trang Hòa Sơn gặp lại Thượng tá Phạm Hải Minh, anh nhớ lại: “Những ngày đầu, nhìn hiện trường sạt lở rộng mênh mông cũng khiến mình không biết phải nên bắt đầu từ đâu. Rồi từng ngày trôi qua, những khu mộ dần hiện hữu, những khoảng đất dần được dọn dẹp, lộ hình hài, khuôn viên khu nghĩa trang làm anh em chiến sĩ phấn chấn và tự tin sẽ hoàn thanh vượt tiến độ đề ra”.
Mới đó, hôm nay và mai sau rồi sẽ có người đến thăm viếng nghĩa trang, hương khói cho người đã khuất. Để có được sự hồi sinh an yên ấy, chị Lê Thị Hồng (ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vỡ òa, nói trong nước mắt: “Thật đau xót, có quá nhiều ngôi mộ bị vùi lấp. Phần mộ con gái tôi bị đất, đá vùi lấp sâu hơn 2m. May nhờ các anh bộ đội trong hơn nửa tháng qua không quản nắng nôi, mệt nhọc tìm kiếm, công ơn này gia đình tôi mãi khắc ghi!”. Ông Đặng Văn Đức (72 tuổi, ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) bày tỏ: “Nhìn cảnh tượng đổ nát ở nghĩa trang trước đây làm tôi sững sờ, cầm thẻ hương lên giữa đống đổ nát không biết thắp vào đâu. May nhờ có các chiến sĩ bộ đội giúp sức mà phần mộ người thân của gia đình tôi mới tìm thấy”.
Ánh nắng tiết trời cuối thu soi rọi hình ảnh các ngôi mộ đã lộ thiên tại nghĩa trang Hòa Sơn. Những hàng mộ nối dài đang phảng phất khói hương tỏa ra trong chiều muộn, lan ra cả đất trời thành phố. Dưới chân núi, tấm băng rôn màu đỏ, chữ vàng nổi bật phía chiều tà ánh lên hàng chữ “Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 143, Sư đoàn 315 tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ khắc phục lụt bão”...
TRỌNG HUY - HOÀNG HIỆP