Dường như mỗi bến sông đều giấu trong lòng những chuyện kể về một thời quá vãng.
Ông Đỗ Hữu Minh cho dựng các lều trại bên bến Thái Lai để giữ chân khách đến với nhà cổ Tích Thiện Đường. Ảnh: NHƯ HẠNH |
Chỉ còn là nỗi nhớ
Người đàn ông dễ chừng không trẻ nữa, mái tóc điểm màu thời gian rũ trên đôi kính cận càng tăng làm lên vẻ ngơ ngác giữa phố xá. Ông cứ loanh quanh một hồi trên con đường Thăng Long kiều diễm soi bóng xuống dòng sông Cẩm Lệ, rồi thẫn thờ tựa vào thanh lan can sắt bắc dọc lề đường. Khu Đảo Nổi phồn thịnh với những ngôi biệt thự sang trọng che khuất tầm mắt già nua đầy bất lực. Gặp những người dân đi tập thể dục buổi sáng, ông hỏi thăm về Bến Cát, nơi mà mấy chục năm trước, gia đình ông đã sống những ngày êm đềm trong xóm lao động nhỏ ven sông. Rồi lại khăng khăng rằng, cái bến xưa cung cấp các loại cát cho xây dựng ấy nằm ở khoảng giữa cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Cẩm Lệ hiện nay. Không một ai có thể giúp ông, bởi bến xưa chỉ còn trong nỗi nhớ. Ngay cái tên cũng khuất lấp rất lâu rồi.
Từ Bến Cát xuôi về phía hạ lưu sông Cẩm Lệ, người Đà Nẵng vẫn còn nhớ một bến đò ngang mà dấu xưa chỉ còn đọng lại mỗi cái tên vô cùng dân dã: bến Đò Xu. Những mùa đông xưa mưa triền miên bất tận đã để lại trong lòng người làm nghề sông nước nơi đây những câu thơ dân dã: Mưa chi gió lắm, ông ôi!/ Thời gian trời động nổi trôi cái nghề/ Rớ Vũng Chùa nương dựa tại Thanh Khê/ Mưa to gió lớn, trở về Đò Xu. Hơn 10 năm trước, những chuyến đò chênh vênh vượt sông ngày nào đã hóa thân thành cây cầu Hòa Xuân nối đôi bờ Hòa Cường Nam - Hòa Xuân in bóng xuống dòng nước lặng lờ trôi.
Đà Nẵng xưa cũng từng có một bến đò dọc là Bến Mía với những chiếc ghe máy ngày ngày chở khách ngược về phía bến đò An Trạch trên sông Yên. Người Đà Nẵng cũng không bao giờ quên được ngày 29-3-2000, nhịp cầu Sông Hàn chính thức bắc qua dòng sông cùng tên đã vĩnh viễn đưa hình ảnh bến đò Hà Thân vào quá khứ, nhưng những giai thoại chung quanh bến đò này vẫn còn được không ít người đời nay nhắc đến như hoài niệm một thời vang bóng.
Từ khi con đường ĐT 601 nối từ quốc lộ 1A đến tận đèo Mũi Trâu mở ra cùng lúc với những nhịp cầu nối liền đôi bờ sông Cu Đê như cầu dây văng Phò Nam duyên dáng (gần UBND xã Hòa Bắc), cầu Khe Răm, cầu Trường Định… thì bến đò Bà Tân nơi phía nam cầu Nam Ô trở nên đìu hiu vắng khách bởi đa phần người dân chuyển sang đường bộ. Con sông Cu Đê từ thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc) xuôi dòng về cửa biển Nam Ô đã để lại những bến sông mang tên làng tên xã như: Phò Nam, Khe Răm, Trường Định, Thủy Tú... Từ bến đò Nam Yên ngược lên thượng nguồn có các bến Chợ Nguồn, Ông Tu, Bà Hương Sáu, Bà Bá, Vũng Mưng, Bến Sạn… Thỉnh thoảng chỉ còn một vài thuyền câu đi thả lưới trên sông, ghé bến trong hoàng hôn. Bến sông ngẩn ngơ nhớ thuyền vùi mình trong lau lách…
Mòn mỏi bến đợi thuyền
Đã mấy lần ghé thăm nhà cổ Tích Thiện Đường ở thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn huyện Hòa Vang) nhưng các cô giáo Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) về hưu vẫn chưa được một lần xuống thuyền thưởng lãm thú ngao du sông nước. Lần nào ông chủ Đỗ Hữu Minh cũng hẹn: “Bến ni ngày xưa có tên là Bến Chè. Chừ được thành phố xây dựng lại để phục vụ du lịch sông nước. Bến thì xây mấy năm rồi nhưng tuyến du lịch đường sông vẫn chưa hoạt động được. Thôi hẹn lần sau, bến sẽ gặp đò cho thỏa lòng mong nhớ…”.
Theo đó, tuyến du lịch thủy nội địa xuất phát từ cảng sông Hàn sẽ đi qua các điểm: Cẩm Lệ (ghé làng rau La Hường tả ngạn sông Cẩm Lệ), sông Yên (thăm làng chiếu Cẩm Nê), Túy Loan (thăm đình Túy Loan), Thái Lai (thăm nhà cổ Tích Thiện Đường, làng du lịch văn hóa - sinh thái Thái Lai). Thành phố đã xây hai cầu cảng, một ở bến sông trước đình Túy Loan, một ở bến sông trước nhà cổ Tích Thiện Đường. Còn tính đến cả việc tổ chức loại hình hát dân ca bài chòi phục vụ khách du lịch trên tuyến đường sông này.
Rơi vào tình cảnh tương tự, cầu tàu Túy Loan đã gần 5 năm nay thi gan cùng tuế nguyệt nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng con tàu du lịch nào đổ bến. Cầu tàu chỉ được sử dụng mỗi năm một lần để neo đậu thuyền đua trong Lễ hội Đình làng Túy Loan vào dịp mồng 9 tháng Giêng âm lịch. Vào mùa lũ, do chưa hoạt động nên cầu tàu bị chắn ngang bởi lan can bảo vệ đường bộ, khiến rác rưởi không trôi mà đọng lại kín đầu cầu khiến nhiều người dân chung quanh khu vực không khỏi buông lời cảm thán.
Xưa nay người ta vẫn ví phận đàn bà như bến nước, đàn ông như con thuyền viễn xứ không biết lúc nào trở về bến cũ. Đó là chuyện của ngày xưa, nhưng lẽ nào những bến sông mới mẻ, hiện đại vừa mới xây xong như các bến thủy nội địa Túy Loan, Thái Lai (Hòa Vang), K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) lại chịu cảnh mòn mỏi đợi chờ?…
Đua thuyền bên bến Túy Loan trong Lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: NHƯ HẠNH |
Đưa thuyền về với bến sông
Đêm trăng tịch yên trên bến Thái Lai, nước chảy dưới cầu tàu cơ hồ chở theo ánh trăng về xuôi. Tiếng ông chủ nhà cổ Tích Thiện Đường Đỗ Hữu Minh tan thành những con sóng nhỏ, va đập vào không trung những thanh âm đầy nuối tiếc: “Tiếc thật, hồi xây cầu tàu không tính kỹ các hạng mục cũ đã xây dựng trên sông. Các tàu du lịch từ sông Hàn muốn đến các cầu tàu sẽ bị vướng bởi đập tạm ngăn xâm nhập mặn trên sông Cẩm Lệ, cầu Giăng bắc qua sông Túy Loan. Bây giờ không thể dỡ bỏ tất cả để phục vụ riêng cho du lịch đường sông… Hơn nữa, khúc sông từ cầu tàu Túy Loan đến Thái Lai chỉ hơn 1 cây số mà cũng chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn ở đôi bờ”.
Ông còn cho biết cần đầu tư thêm một số bến mềm dọc bờ sông đoạn qua miếu thờ Ông Ích Đường, vùng rau Bồ Bản... để tạo tuyến du lịch thêm hấp dẫn, khai thác hiệu quả các cầu tàu đã đầu tư, nhất là tuyến du lịch xuất phát từ bến Thái Lai.
Ở lại Nam Yên (Hòa Bắc) một đêm gặp người bạn cũ. Chúng tôi ngồi trên ghế đá đặt dọc bờ sông. Dòng Cu Đê mùa này đi qua các bờ bãi mía ngút ngàn nên khá dịu dàng, nền nã. Nhưng chỉ cần mưa nguồn tràn về là những bến sông hiền lành sẽ hóa thành cửa nước dâng lên nuốt trọn vườn tược, nhà cửa hai bên bờ. Bây giờ người ta không còn đi đường sông nữa nên dòng Cu Đê lắng mình trở về vẻ đẹp ban sơ. Chiều chiều, người già tìm ra bến sông hóng mát. Thanh niên ngồi tám chuyện trên trời dưới bể, trẻ con đạp xe đạp chạy vòng vòng trên con đường ven sông được đổ bê-tông sạch sẽ. Hàng tre trên bờ lặng lẽ soi mình chải tóc trên bến nước…
Dường như mỗi bến sông đều giấu trong lòng những chuyện kể về một thời quá vãng. Sông Cổ Cò, con sông từng nổi tiếng trong lịch sử ngoại thương của xứ Đàng Trong ngày trước, nối liền tiền cảng Đà Nẵng với thương cảng Hội An đã từng có một Bến Ngự. Nghe đâu ngày trước là nơi vua Minh Mạng ghé thuyền trong những lần ngự du Ngũ Hành Sơn. Hay như bến đò Bà Tân gắn với câu chuyện một nữ tú tên Tân, người đẹp cố xứ được tuyển vào cung làm phi thời vua Khải Định. Khi vua băng hà, bà được cho hồi hương và sống trong phương đình cất cạnh cửa sông Cu Đê. Sau khi bà mất, người dân gọi bến đò bên cửa sông này là bến Bà Tân.
Và thật quý biết bao khi được nghe một người trẻ ở Nam Yên, chị Đỗ Thị Huyền Trâm, cũng là con gái người bạn cũ thổ lộ về cách đưa những con thuyền về với bến sông mà không cần khôi phục giao thông đường thủy: “Sông Cu Đê vốn mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, trầm lắng. Sợ rằng những chuyến đò máy dọc ngang sông nước sẽ phá nát sự yên bình vốn của dòng sông. Nếu được chọn thì hãy để những chiếc thuyền Kayak mảnh mai, không gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi khói, lãng du cùng khách trên sông. Du khách có thể lắng mình nghe dòng Cu Đê kể chuyện trong ánh hoàng hôn hay nồng nàn đắm say mỗi sáng mai hồng. Du lịch chỉ là công cụ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa của những bến sông quê…”.
NHƯ HẠNH