Một đời lặng lẽ cứu người

.

Nhiều thế hệ sinh viên y khoa không còn xa lạ gì với hình ảnh một người thầy mặc bộ blouse, hiền lành nhưng cũng nghiêm khắc, bài học đầu tiên mà GS.TS.BS Văn Tần dạy cho các trò là bài học về đạo đức, tất cả phải hướng về người bệnh.

Giáo sư  Văn Tần tại hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20 tháng 4-2023. Ảnh: BVCC
Giáo sư Văn Tần tại hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20 tháng 4-2023. Ảnh: BVCC

Là cây đại thụ, biểu tượng của ngành ngoại khoa Việt Nam, GS Văn Tần đã cống hiến và làm việc không ngừng nghỉ cho đến những giây phút cuối của cuộc đời.

Người mổ tách cặp song sinh Việt - Đức

Sáng 7-9, linh cữu GS Văn Tần đã đi ngang qua Bệnh viện Bình Dân (Thành phố Hồ Chí Minh), dòng người xếp hàng dài gồm nhiều y bác sĩ, sinh viên, bệnh nhân cúi đầu, lặng lẽ rơi những giọt nước mắt tiếc nuối để đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

GS Văn Tần (1932-2023) sinh ra tại vùng đất Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1965, ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa và gắn bó với Bệnh viện Bình Dân từ năm 1972. Đến năm 1981, ông giữ chức vụ Phó giám đốc bệnh viện, đây là một trong những chiếc nôi của ngành ngoại khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.

Trong ký ức tất cả y bác sĩ và người bệnh tại Bệnh viện Bình Dân, ai cũng thuộc lòng lịch trình làm việc rất đặc biệt của GS Tần. Bắt đầu từ 5 giờ sáng, ông đã đến bệnh viện thăm khám cho từng bệnh nhân, đặc biệt là đối với ca bệnh phức tạp để giao ban trước 7 giờ lưu ý cho các bác sĩ điều trị. Bởi theo ông, có đi sớm mới kịp thăm khám, đánh giá từng trường hợp bệnh nặng, có thể xem tài liệu, tìm hướng điều trị tốt cho người bệnh. Ông vẫn duy trì thói quen này và luôn có mặt bất cứ lúc nào người bệnh cần, dù là ngày lễ, tết hay đêm khuya.

Để tập trung giúp người bệnh, GS Tần chỉ mổ ở bệnh viện, không mở phòng mạch tư hay tham gia mổ bên ngoài, thậm chí từ chối chức giám đốc bệnh viện để dành thời gian, chuyên môn hướng về người bệnh. Là một bàn tay “vàng” trong ngành ngoại khoa Việt Nam, trong suốt cuộc đời mình, ông đã trực tiếp tham gia hơn 30.000 ca mổ khó, phức tạp. Các thế hệ sinh viên, y bác sĩ  thường được gọi ông với tên thân thuộc như “bố Tần”, “thầy Tần”.

Cách đây 35 năm (4-10-1988), trong số hơn 50 bác sĩ tâm huyết cho ca mổ tách cặp anh em song sinh dính nhau phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức, GS Tần chính là một trong 3 bác sĩ trụ cột của cuộc mổ bên cạnh GS Trần Đông A và GS Trần Thành Trai. Cuộc phẫu thuật lịch sử thành công vang dội đã trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam, không chỉ cứu sống được bệnh nhân mà còn thay đổi cách nhìn của thế giới về y học nước nhà. Năm 1991, ca mổ được ghi danh vào sách kỷ lục Giunness, khẳng định được vị thế của nền y học Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Người thầy mẫu mực

Sinh thời, thầy Tần đã nhiều lần “thỏ thẻ” với học trò rằng ông chưa bao giờ hối tiếc khi đã lựa chọn ngành y, bởi lẽ dù làm việc ở đâu, ở thời đại nào thì những kiến thức y khoa luôn hữu dụng. Bài học đầu tiên mà thầy Tần đứng trên bục giảng để dạy các trò là bài học về đạo đức, “bởi đạo đức rất cần thiết, nếu không có đạo đức, rõ ràng chuyên môn giỏi cũng hỏng”, thầy Tần từng nói. Kiến thức, kinh nghiệm phẫu thuật trong gần 60 năm được ông đúc rút trong từng trang viết, từng bài giảng của nhiều thế hệ sinh viên y khoa, những người tiếp nối ông chữa bệnh, cứu người.

Bác sĩ CKII Trần Công Quyền, Trưởng khoa lồng ngực, bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân, nhớ lại: “Năm 1988, tôi đến làm việc tại khoa ngoại tổng quát 3, thầy Tần khi ấy đang là trưởng khoa. Thầy thật nghiêm khắc trong việc phân công và kiểm tra công việc hàng ngày. Tuy nhiên, trong lúc phẫu thuật, thầy thật là hiền, ít nói, điềm đạm, không nóng giận khi bác sĩ phụ chưa hiểu ý hoặc điều dưỡng chưa đưa đúng dụng cụ. Nhờ đó, mọi người trong ê-kíp luôn bình tĩnh, tự tin dù có những tình huống khó khi phẫu thuật”.
Với bác sĩ Quyền, thầy Tần là một bác sĩ rất giỏi chuyên môn nhờ thực hành tốt và kiến thức sâu rộng. Đó là kết quả của một phong cách làm việc nghiêm túc, học tập liên tục không ngừng, thẳng thắn trong nhìn nhận sai lầm của chính mình, rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp. “Chúng tôi sẽ luôn khắc ghi những điều thầy dạy”, bác sĩ Quyền chia sẻ.

Còn trong ký ức của GS Lê Quang Nghĩa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, thầy Tần là người tận tâm, mổ giỏi, mát tay, không quản ngày đêm đối với những ca cấp cứu khó mà đàn em mời tham vấn. Đó là điều ông cảm phục nhất.

Trong năm 2020, khi Covid-19 bắt đầu lây lan, thầy Tần với chiếc laptop, cùng với trợ giảng đã chủ động biên soạn nhiều tài liệu, bài giảng y khoa và đăng tải trên website của trường y để sinh viên có thể nắm bắt được kiến thức, chủ động học tập tại nhà.

Giáo sư Văn Tần tại phòng làm việc Bệnh viện Bình Dân. Ảnh: TRẦN NHUNG
Giáo sư Văn Tần tại phòng làm việc Bệnh viện Bình Dân. Ảnh: TRẦN NHUNG

Tác giả hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học

Kết thúc một ngày làm việc bằng những ca mổ cũng là lúc thành phố đã lên đèn, GS Văn Tần trở lại bàn làm việc, trong phòng bức ảnh của giáo sư Phạm Biểu Tâm (một chuyên gia về phẫu thuật nổi tiếng) được treo một cách trang trọng thể hiện lòng biết ơn đối với người thầy đã dẫn dắt ông những năm tháng vào nghề. Bàn làm việc cũng chính là nơi ông tập trung cho việc nghiên cứu, viết sách. GS Tần là người yêu khoa học, hết lòng phục vụ cho khoa học, ông tham dự rất nhiều hội nghị khoa học kỹ thuật trong nước và ngoài nước.

Đến nay, GS Tần có hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, 450 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, chủ biên 13 quyển sách chuyên ngành và hướng dẫn khoa học cho nhiều tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 và thạc sĩ. Sinh thời, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau như: Phó Chủ tịch Hội ngoại Tim mạch, Lồng ngực Việt Nam; Chủ tịch Phân hội Nội soi Lồng ngực Việt Nam; thành viên ban chấp hành các hội ngoại khoa, ung thư, khoa học tiêu hóa, gan mật Việt Nam và một số hội quốc tế…

GS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh, nhớ lại hình ảnh một người GS Tần là một đàn anh thân thiết, vừa là người đồng nghiệp thân thương, ông miệt mài làm việc, dù cho tuổi tác đã cao nhưng vẫn cống hiến cho đến giây phút cuối đời.

Ngoài thời gian dành cho chuyên môn, GS Tần còn gắn với hình ảnh đơn sơ, giản dị thường ngày khi vẫn dành thời gian cho gia đình, cuốc đất, trồng cây. Đầu năm 2022, GS Chấn Hùng vẫn nhớ như in khi ông và GS Văn Tần có cơ hội tham dự cùng nhau một hội thảo tại Cần Thơ, GS Tần đứng lên chia sẻ chuyên môn cùng các đồng nghiệp, ông vẫn giữ dáng vẻ giản dị đi dép, áo bỏ thùng.

Khi đến tuổi nghỉ hưu, thay vì dành thời gian còn lại để nghĩ ngơi sau nhiều năm dài cống hiến, nhưng với GS Tần niềm vui là mỗi ngày được khám, điều trị, phẫu thuật cho người bệnh. Chính vì thế, ông vẫn tiếp tục làm cố vấn chuyên môn tại Bệnh viện Bình Dân, truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm ngoại khoa cho nhiều thế hệ sinh viên và học viên tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

GS Văn Tần (sinh năm 1932, mất ngày 4-9-2023)
- Học hàm: Phó giáo sư năm 1992,
giáo sư năm 2008
- Thầy thuốc ưu tú năm 1997
- Thầy thuốc nhân dân năm 2005
- Anh hùng lao động năm 2006

THU HIỀN

;
;
.
.
.
.
.