ĐNO - Các nhà nho xưa ngoài tên húy (tên chính thức trong giấy tờ hành chính) còn có tên tự, tên hiệu, biệt hiệu với hàm ý tốt đẹp, ẩn chứa ở đó hoài bão mà mình phấn đấu đạt được đến suốt đời.
Trường hợp hãn hữu có người lấy bối cảnh làng quê mình mà đặt tên hiệu như Phạm Phú Thứ (1829 – 1883), một đại thần Nhà Nguyễn, lấy hiệu là Trúc Đường (Nhà Tre), biệt hiệu là Giá Viên (Vườn Mía).
Với Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947) – nhà văn, nhà báo và là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng của Quảng Nam – cũng dựa vào thực tế những vườn chè nơi chôn nhau cắt rốn của mình mà lấy hiệu là Mính Viên.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (phải) và cụ Ngô Đức Kế sau khi ra khỏi nhà tù Côn Đảo đã cùng nhau lập nên báo Tiếng Dân. Ảnh tư liệu chụp lại từ Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước. |
Người con của một vùng đất học Quảng Nam
Huỳnh Thúc Kháng nguyên tên là Hoàng Thúc Kháng, do kiêng húy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng nên phải đổi họ Hoàng thành Huỳnh. Ông sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876, người làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Cha ông là Huỳnh Văn Phương, tự Tấn Hữu, xuất thân nhà nông hào nhưng cũng học qua Nho học, nhiều phen thi cử nhưng không đỗ. Mẹ ông là Nguyễn Thị Tình, em ruột Phó bảng Nguyễn Đình Tựu – một văn thần đời Hàm Nghi triều Nhà Nguyễn, cũng người Tiên Phước.
Huỳnh Thúc Kháng từ nhỏ nổi tiếng học giỏi, đỗ đầu cả hai khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) và thi Hội năm Giáp Thìn (1904). Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông không ra làm quan mà ở nhà cùng các đồng chí Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp… khởi xướng phong trào Duy Tân ở Quảng Nam.
Năm 1908, phong trào kháng thuế nổ ra ở Đại Lộc, sau lan rộng khắp tỉnh Quảng Nam rồi lan sang nhiều tỉnh của miền Trung, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình sau đổi thành khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Năm 1921, sau 13 năm bị tù, ông được thả về đất liền. 5 năm sau, ông được bầu làm Viện trưởng viện Dân biểu Trung Kỳ.
Nhưng cũng chỉ sau 2 năm, ông từ chức vì nhận thấy sự thiếu thành thực của người Pháp. Ngày 10-8-1927, ông sáng lập ra Nhà in và Báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo độc lập đầu tiên và lâu năm nhất tại Trung Kỳ này. Năm 1943 báo bị đình bản.
Năm 1946, sau Cách mạng tháng Tám, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến với chức Bộ trưởng Nội vụ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp, ông được cử giữ chức Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời gian này ông còn là chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân. Cuối năm 1946, ông là đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo mô tả của Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Quảng Ngãi (quangngai.gov.vn), Nghĩa Hành lúc bấy giờ là an toàn khu, là thủ phủ của vùng tự do Liên khu 5. Nhiều cơ quan chính quyền các cấp, nhiều đơn vị bộ đội vệ quốc đoàn đóng tại nhà dân. Quân với dân như “cá với nước”. Ngoài trong thống nhất, trên dưới một lòng quyết tâm đánh thắng giặc pháp xâm lược.
Tháng 3-1947, ông Huỳnh Thúc Kháng lâm bịnh nặng và qua đời đúng vào ngày 21-4-1947 tại gia đình bà Võ Thị Tuyết thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Làm theo di nguyện của ông, nhân dân đã đưa ông lên an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn, nơi có hình tượng như chiếc ấn trời đóng xuống dòng sông Trà Khúc – “Thiên ấn niêm hà”, đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi. Mộ ông đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử quốc gia.
Trong thư gửi vĩnh biệt cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết.
Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu...”.
Cũng theo trang quangngai.gov.vn, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Ngãi bấy giờ có bài điếu văn “Thương tiếc cụ Huỳnh Thúc Kháng” kết thúc bằng hai vế đối thật súc tích, đầy ý nghĩa: “Làm nghệ sĩ không vinh, tù Côn Lôn không nhục, khí tiết cội Tùng trơ một gốc/ Lãnh Bộ trưởng trọn tài, quyền Chủ tịch trọn đức, tinh anh sao Vĩ chiếu ngàn thu”.
Nơi quê nhà của ông, Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, một ngôi nhà nhỏ dựng theo kiến trúc phổ biến ở địa phương vùng trung du, được thân sinh của ông dựng từ năm 1869, trước khi ông ra đời 7 năm, đã trở thành Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng. Qua nhiều lần tu sửa, ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẹn hình chữ nhất, ba gian hai chái, mái ngói tường vôi, khung bằng gỗ mít, nằm trong khu vườn trồng chè, cây ăn trái nằm bên đường Tiên Phước đi Trà My.
Có lẽ cái tên hiệu Mính Viên 茗園 (có nghĩa là Vườn Chè, một số tài liệu ghi sai thành Minh Viên) của ông có gốc gác liên quan đến đặc điểm miệt vườn của đất trung du này, như đoạn trích từ bài viết “Tìm về câu hát ngõ nguồn” đăng trên Cổng thông tin điện tử UBND huyện Tiên Phước (tienphuoc.quangnam.gov.vn):
“Tiên Phước cũng là vùng đất vốn có truyền thống hiếu học, nơi sinh thành và nuôi dưỡng nhiều nhân tài của Xứ Quảng. Đây là quê hương của những nhà khoa bảng danh tiếng bậc nhất: Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, một trong “Tứ hổ” Quảng Nam; Phó bảng Phan Châu Trinh, một trong “Tứ kiệt” Quảng Nam; Giải nguyên Phó bảng Lê Vĩnh Khanh, Phó bảng Thị giảng học sĩ - Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Đình Đình Tựu… các danh nhân chí sĩ điều xuất thân từ gia đình nghề nông, trồng chè, làm nương rẫy như Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã lấy hiệu “Mính Viên - Vườn Chè” để nói về nguồn gốc gia đình của cụ. Tiên Phước tuy còn nghèo khó, nhưng nơi đây từ xưa vốn nổi tiếng là một trong những vùng đất học của Quảng Nam”.
Vị thuốc chữa bệnh tinh thần cho con người
Con người nghệ sĩ – bộ trưởng ấy yên nghỉ trên đỉnh Thiên Ấn đã 70 năm rồi và để lại cho đời sau, qua hành trạng và tác phẩm của mình, tư tưởng của một người yêu nước trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Tác giả Lê Chí Dũng, người viết mục từ “Huỳnh Thúc Kháng” cuốn Từ điển Văn học (Bộ mới, NXB Thế Giới, 2004), nhận định về ông ở trang 674: “Những bài báo và thơ của Huỳnh Thúc Kháng viết trên Tiếng Dân cho thấy ông là một người yêu nước nhiệt thành, là bạn thắm thiết của dân nghèo – đặc biệt là của nông dân – sống cực nhục dưới chế độ thực dân nửa phong kiến; ông là người đối địch – trong thế hợp pháp – với chính sách thuộc địa độc ác và xảo quyệt của thực dân pháp”.
Báo Tiếng Dân đưa ra tuyên ngôn: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc (Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), trong bài viết “Huỳnh Thúc Kháng – sử gia của phong trào Duy Tân và tấm văn bia Thai Xuyên Trần Quý Cáp” nhận xét về sự khéo léo của nhà báo Huỳnh Thúc Kháng:
“Với ngòi bút tự sự trầm nghị mà hàm súc, ngắn gọn mà phong phú thông tin, ông đã khéo léo chuyển tải đến chúng ta những gì ông muốn viết, muốn ghi lại một cách chân thực để làm “món tài liệu chân xác cho nhà làm sử” mà chính quyền thực dân không thể dựa vào những gì ông viết để kết án”.
Một trang Báo Tiếng Dân số 1613 ra ngày thứ Tư, 17-9-1941, hiện trưng bày tại Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng ở Tiên Phước. (Ảnh: VTL) |
Ông tự nhận “Tôi là một nhà cách mạng công khai" (Je suis un revolutionnaire ouvert), bởi ông có được thế hợp pháp khi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo đình đám nhất Trung Kỳ.
Qua tác phẩm của mình, ông công khai phê phán cái cổ hủ lạc hậu của phong kiến và sự bóc lột hà khắc của thực dân. Ông không chỉ đả phá lệ khoa cử lỗi thời, cổ động phong trào tân học mà còn cổ vũ con đường thực nghiệp – những công cuộc cần thiết cho sự sống của con người như công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp.
Văn chương nghệ thuật, với ông, còn là vị thuốc chữa bệnh tinh thần cho con người, như nhận xét của tác giả Nguyễn Q. Thắng trong cuốn "Huỳnh Thúc Kháng - con người và thơ văn" (Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 231): “Cho nên, chức năng của nhà làm văn nghệ gần như là giáo dục. Nó phải là những giấc mơ, khắc khoải hoặc những nỗi căm hờn, lời oán than để người đọc đi từ khởi điểm tìm một con đường sống cho mình nói riêng, hầu bước tới con đường dân tộc. (…)
Xét cho cùng, thì văn chương nghệ thuật vẫn là một điều kiện cần thiết cho cuộc sống. Từ thực tại đó, ông đã dùng văn chương làm một món quà tinh thần nuôi dưỡng mình cũng như những người đồng hội, đồng thuyền còn được tính người, và lắm khi giá người ngày càng cao trong tình huống đó”.
Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước.Ảnh: VTL |
Báo Tiếng Dân gần 16 năm hoạt động, Huỳnh Thúc Kháng là cây bút chính luận sắc sảo qua suốt 1.766 số báo bằng quốc ngữ, công khai đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam trong sự kiểm soát ngặt nghèo của thực dân đế quốc.
Từ điển Văn học (sđd, trang 674), viết: “Trong 16 năm “thét Tiếng dân giữa kinh thành Huế” (Trường Chinh), ngòi bút của Huỳnh Thúc Kháng đã đề cập đến nhiều vấn đề xã hội và tư tưởng, đã đấu tranh chống văn hóa nô dịch của kẻ thù”.
“Sử gia của Phong trào Duy Tân”
Trong số di sản văn chương ông để lại, Thi tù tùng thoại có thể nói là tác phẩm có “số phận” đặc biệt – được “hồi sinh” sau khi bị “bức tử”. Ngay khi ông được trả tự do, cuốn sách được cho là một tư liệu văn học và lịch sử hiếm có nói về những sự khổ sai cùng cực của những người tù chính trị đầu tiên ở Côn Đảo này bị tịch thu và đốt.
Về đến Huế, bằng trí nhớ phi thường của mình, ông chép lại toàn bộ nguyên văn chữ Hán những bài thơ làm trong tù hay liên quan đến thế giới tù và dịch ra quốc ngữ, ghi lại ở đó tình cảm, nhận xét của mình.
Trong bài Lời nói đầu của Thi tù tùng thoại, ông viết: “Bản này là ký giả chép góp thi và chuyện của một ít chính trị phạm đồng tội trong thời gian 13 năm bị đày ở Côn Đảo mà ký giả là một người trong đồng bọn ấy, tai nghe mắt thấy toàn là chuyện thật, khởi đầu năm 1908 đến 1921”.
Thật vậy, Thi tù tùng thoại đã chép lại chuyện thật trong tù của gần 40 nhân vật lịch sử đương thời. Bàng bạc trong suốt 200 bài thơ (nguyên văn chữ Hán và bản dịch ra quốc ngữ), 40 câu đối, chuyện kể về nhân vật và sự kiện lịch sử là bức tranh mô tả hoàn cảnh xã hội, diễn tiến các phong trào yêu nước, cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX; qua đó ta thấy được tư tưởng, tình cảm của các nhà yêu nước, cách mạng Việt Nam.
Trong cuốn Phong trào Duy Tân (1969), nhà văn Nguyễn Văn Xuân gọi Huỳnh Thúc Kháng là “sử gia của Phong trào Duy Tân”. Và có lẽ tác phẩm tiêu biểu nhất của “sử gia bước ra từ Vườn Chè” là Thi tù tùng thoại, cuốn sách mà Trần Viết Ngạc trong bài đã dẫn cho rằng “chẳng những là một hợp tuyển thơ văn cách mạng mà còn là một cuốn lịch sử Côn Đảo, một cuốn lịch sử cách mạng...”.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc viết: “Dưới ngòi bút của ông, các sự kiện lịch sử, khung cảnh lịch sử... được ghi chép cẩn thận và đầy đủ. Ông tái hiện chân dung những nhân vật cùng thời một cách sống động và chân thực với đầy đủ hành trạng, cá tính, nhân cách, tư tưởng và cả thơ văn!”.
Huỳnh Thúc Kháng đã mở đường ngôn luận đầu tiên ở miền Trung và tờ Tiếng Dân trở thành cơ quan ngôn luận làm cho thực dân vừa lo, vừa sợ bởi phong cách viết văn, viết báo “làm đối phương rất khó chịu” của ông.
Một trong những thế mạnh ngòi bút của ông là viết tạp bút, một loại “vũ khí nhẹ” theo cách gọi của nhà thơ Thanh Thảo trong bài “Viết tạp bút như cụ Huỳnh” đăng trên Báo Bình Định ngày 20-4-2007 nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất nhà yêu nước, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng (21-4-1947 – 21-4-2007) như sau:
“Không phải ngẫu nhiên mà cụ Huỳnh chọn thể tạp bút trong khi viết báo, một thể loại sau đó ít năm cụ Ngô Tất Tố đã chọn, và trước đó, bên Trung Quốc, Lỗ Tấn đã chọn. Trong tờ báo, nếu xã luận, bình luận là “đại bác, thần công”, phóng sự là “xe tăng” thì tạp bút có thể coi là vũ khí nhẹ.
Vì nhẹ, nên linh hoạt, bất ngờ, dễ gây thú vị, thậm chí kích động đối với người đọc, và làm đối phương rất khó chịu, một khi nó mang tính tranh luận, “tranh biện” như chữ hay dùng của cụ Huỳnh. Và trong việc sử dụng tạp bút như một vũ khí này, có thể coi cụ Huỳnh là một chiến tướng, cũng như mấy năm sau là cụ Ngô Tất Tố”.
Nhà văn, nhà báo, chí sĩ yêu nước xứ Quảng ấy đã yên nghỉ nơi “Thiên ấn niêm hà”. Ở quê nhà Tiên Cảnh, ngôi nhà cổ của đình ông trở thành nhà lưu niệm mang tên ông. Những ai có lòng với người con của một trong những vùng đất học Quảng Nam, có thể từ thành phố Tam Kỳ ngược lên quốc lộ 40B (còn gọi là đường Nam Quảng Nam cũ, nguyên là đường tỉnh ĐT 616) khoảng 25km đến thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước; rồi từ đây đi thêm 6km nữa cũng theo quốc lộ 40B sẽ đến Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng.
Mộ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: VTL |
Ông Phạm Văn Đốc, Chủ tịch HĐND huyện Tiên Phước, cho biết trong phiên họp diễn ra sáng ngày 30-8-2017 vừa qua, HĐND huyện đã thông qua kế hoạch trùng tu, nâng cấp Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng với kinh phí 50 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Theo đó, công trình được xây mới trên khu đất diện tích 2 hec-ta đối diện với Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng hiện nay qua quốc lộ 40B, gồm 3 hạng mục chính: Nhà đón tiếp, Bảo tàng và Thư viện. Ngoài ra, HĐND huyện Tiên Phước đề nghị tỉnh Quảng Nam cho phép Tiên Phước làm một vườn tượng bên thư viện; trong đó, ngoài tượng Huỳnh Thúc Kháng còn có tượng các đồng chí trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của ông.
Theo ông Đốc, công trình sẽ được khởi công sớm, sau khi đề án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Khi hoàn thành, công trình không chỉ đáp ứng nguyện vọng của người dân Tiên Phước - Quảng Nam, mà còn là một điểm đến du lịch lịch sử – văn hóa ngay trên quê hương những nhà ái quốc nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Trần Huỳnh, Lê Vĩnh Huy, Lê Vĩnh Khanh…
Rồi đây khách đến thăm sẽ “gặp” những nhân vật lịch sử một thời này trong khu vườn tượng với câu nói nổi tiếng của nhà văn – nhà báo Huỳnh Thúc Kháng được khắc trên tảng đá lớn đặt ngay phía lối vào: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”.
Một sinh viên Trường Đại học Duy Tân viếng hương cụ Huỳnh ở Nhà tưởng niệm Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: VTL |
Đến thị trấn Tiên Kỳ, khách đi qua các địa danh dân gian Suối Đá, Dốc Rơm. Rồi từ đó ngược sông Tiên để có thể thấy rừng quế, đồi tiêu, vườn chè Thạnh Bình nơi sản sinh ra con người “Vườn Chè” năm nào.
Đặc biệt, Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng mới sẽ là một “điểm nhấn” bên quốc lộ 40B, tuyến đường dài 209km nối liền tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đi qua các huyện, thành phố Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Đắk Tô (Kon Tum).
Con đường liên tỉnh này cũng sẽ được nâng cấp, mở rộng để thích ứng với lượng xe cộ các loại qua lại ngày một nhiều, nhất là khi công trình mới nhất và lớn nhất của Tiên Phước hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tỉnh Quảng Nam đã có một giải báo chí mang tên nhà báo – nhà văn Huỳnh Thúc Kháng, nay sắp có thêm một công trình lưu niệm mang tên ông. Ông yên nghỉ nơi “Thiên ấn niêm hà” và dấu tích những gì ông để lại cho đời sẽ tiếp tục được trân trọng lưu giữ nơi quê nhà Tiên Phước – Quảng Nam của ông bằng tấm lòng tri ân, cảm phục.
Dưới nhiều bút danh khác như: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khi Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thức Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan... Huỳnh Thúc Kháng viết về nhiều lĩnh vực văn chương, báo chí, sử học, dịch thuật, trước tác. Nhiều thơ chữ quốc ngữ, chữ Hán có giá trị của ông vẫn chưa sưu tầm được. Tác phẩm chủ yếu còn giữ hiện nay như sau: -Thi tù tùng thoại (1939). -Thi tù thảo (bản thảo). -Thơ văn với thời đại, (1939). -Đê hải thi tập (bản thảo). -Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam (ký Phi Bằng) (1937). -Mính Viên cận tác (di cảo). -Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử (1957). -Xã túc tập (bản thảo). -Huỳnh Thúc Kháng niên phổ (1962). -Gia đình giáo dục (bản dịch - 1937). -Bức thư gởi Cường Để (1957). -Cuộc khởi nghĩa Duy Tân (bản thảo)... |
VĂN THÀNH LÊ
Bài ca lưu biệt
(Bài thơ được ông viết năm 1908, trước khi ông bị đày ra Côn Đảo, từng được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân miền Trung thời kỳ Pháp thuộc):
Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết,
Người ở đời đâu khỏi tiết gian nan.
Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an,
Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn.
Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn,
Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia,
Bấy nhiêu năm cũng vẫn chưa già.
Nọ núi Ấn, này sông Đà,
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt.
Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt,
Ngựa Tái ông họa phúc biết về đâu!
Một mai kia con tạo khéo cơ cầu,
Thảy bốn biển cũng trong vòng trời đất cả.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Dẫu đến lúc núi sụp, biển lồi, trời nghiêng, đất ngả,
Tấm lòng vàng, tạc đá vẫn chưa mòn.
Trăng kia khuyết đó lại tròn!
Tù trung huống
(Bài thơ này được viết tại ngục Côn Lôn nhân dịp tiễn một bạn đồng ngục mãn hạn tù ra về. Lúc ấy tác giả và một số đồng chí khác còn bị kêu án chung thân, sau này mới được giảm còn 13 năm):
Trường dạ man man trệ thự huy,
Yêu vân thành trận mãn không phi.
Kỷ hồi a bích ngâm "Ai Dĩnh",
Hựu thử trung nê phú "Thức vi".
Mã xỉ thôi nhân tần cố ảnh,
Thiền thanh đáo chẩm nhất triêm y.
Đăng sơn lâm thuỷ vô cùng ý,
Khách dữ hàn thu nhất độ quy.
Dịch nghĩa:
Đêm dài dằng dặc làm ngưng trệ ánh sáng ngày
Những vầng mây yêu nghiệt kết thành đoàn bay đầy trời.
Bao lần nạt vách mà ngâm bài "Ai Dĩnh",
Lại trong cảnh vương lầy này mà vịnh bài "Thức vi".
Răng ngựa giục người thường đoái bóng,
Mỗi lần nghe tiếng ve bên gối là mỗi lần nước mắt đầm đìa ướt cả áo.
Cảnh lên non xuống nước khiến cho ý nghĩ vô cùng,
Lại vừa lúc khách về cùng mùa thu lạnh một lần.
Dịch thơ (bản dịch của chính tác giả):
Cảnh trong tù
Đêm dài dằng dặc sáng còn lâu,
Mấy trận mây đen kéo mịt mù.
Ai sính ngâm bài kêu vách hỏi,
Thức vi phú khúc bùn sâu.
Giục người ngựa nọ càng thêm tuổi,
Khuấy giác ve kia cố gọi sầu.
Lội nước trèo non lòng bát ngát,
Khách về một độ bạn trời thu.
HUỲNH THÚC KHÁNG