Huỳnh Thị Bảo Hòa - "người cách mệnh" của nữ giới

.

ĐNO - Báo Ngày Nay năm 1939 khi đề cập chuyện bỏ búi tóc củ hành cố cựu ở nam giới đã đưa ra nhận định: “Cuộc cách mệnh có một lý tưởng lớn lao”. Thế mà, một phụ nữ ở Đà Nẵng đương thời đã làm một “cuộc cách mệnh” có lẽ lớn lao hơn khi công nhiên cắt tóc ngắn, đi xe đạp và “ngầu” hơn nữa là làm báo và viết văn với bút danh Huỳnh Thị Bảo Hòa!

Huỳnh Thị Bảo Hòa là tác giả nữ Việt Nam đầu tiên có tiểu thuyết bằng quốc ngữ được xuất bản. (Ảnh tư liệu)
Huỳnh Thị Bảo Hòa là tác giả nữ Việt Nam đầu tiên có tiểu thuyết bằng quốc ngữ được xuất bản. (Ảnh tư liệu)

Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896 - 1982) tên thật là Huỳnh Thị Thái, người làng Đa Phước, xã Hòa Mỹ (sau đổi thành Hòa Minh), huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Theo các vị cao niên làng Đa Phước, ngày đó trong làng có ông Huỳnh Phúc Lợi (có tài liệu ghi là Huỳnh Thúc Lợi) làm quan Triều Nguyễn đến chức Quang lộc Tự khanh thuộc hàm Tam phẩm, nên thường được gọi là ông Quang Lợi. Về sau, ông tham gia Hội Cần vương Quảng Nam. Mỗi lần về làng ông đều đi bằng xe kéo, cả làng đổ ra xem.

Ông Quang Lợi có hai người con nổi tiếng. Một người là Huỳnh Phúc Quý, thường gọi là Nghè Quý hay Giáo Quý, vì ông này đỗ tiến sĩ và làm giáo viên trường làng. Người kia là Huỳnh Thị Thái (1896 - 1982), về sau làm báo, viết văn với bút danh Huỳnh Thị Bảo Hòa. Ông Quang Lợi dạy bà học chữ Hán từ nhỏ, về sau bà học Quốc ngữ và chữ Pháp.

Người phụ nữ tiên phong trong phong trào Duy Tân

Đến tuổi trưởng thành, bà Huỳnh Thị Thái kết duyên với ông Vương Khả Lãm. Theo Nguyễn Q. Thắng trong bài “Huỳnh Thị Bảo Hòa với Tây Phương mỹ nhơn” in trong Hương gió phương Nam (NXB Văn học, 2011, tr. 148), ông Lãm là một viên chức ngành Thương chánh (Douanes – nay gọi là Hải quan) ở Đà Nẵng. Theo Đặng Thị Hảo, tác giả mục từ “Huỳnh Thị Bảo Hòa” trong Từ điển Văn học, Bộ mới (NXB Thế Giới, 2004, tr. 672), ông Lãm là Hàn lâm viện Đại học sĩ.

Bà rời làng quê theo chồng về nơi phố thị. Từ một phụ nữ nông thôn phút chốc trở thành Vương phu nhân quyền quý, nếu là một phụ nữ khác thì rất khó thích nghi với những đổi thay đột ngột trong cuộc sống, nhưng với bà, vốn là người có học, lại thuộc tầng lớp “cậu ấm cô chiêu”, mọi việc diễn ra khá dễ dàng.

Sinh thời, nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ (qua đời tại Đà Nẵng năm 2014 ở tuổi 98, từng làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng) thỉnh thoảng vẫn còn kể cho lớp hậu bối nghe về bà - người phụ nữ Đà thành đầu tiên cắt tóc ngắn, sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại trong thành phố. Đó là hình ảnh rất lạ đối với phụ nữ đương thời, nhưng với bà, được học Tây học, lại có chồng là một viên chức Tây học nên bà có điều kiện tiếp cận với những sinh hoạt văn minh, hiện đại.

Nhà nhiếp ảnh Phụng Ký (qua đời tại Đà Nẵng năm 2009 ở tuổi 94) từng mô tả về dung mạo của bà Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Nước da trắng mịn, sống mũi thẳng, đôi mắt to sáng luôn nhìn như xuyên thấu vào người đối diện, đó là một khuôn mặt toát lên sự thông minh, lanh lẹ và bản lĩnh cao cường”.

Người phụ nữ thông minh ấy đã sớm tiếp thu tinh thần Duy Tân và tích cực tham gia các hoạt động của phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Bà thường đăng đàn diễn thuyết tại hai nơi: Công quán Tourane (nay là nhà hát Trưng Vương) và Hội Lạc Thiện trên đường Marc Pourpe (nay là đường Phan Châu Trinh).

Thẻ Thực nghiệp Dân báo ghi tên thật của bà, Huỳnh Thị Thái. Ảnh tư liệu của soạn giả Trương Duy Hy.
Thẻ Thực nghiệp Dân báo ghi tên thật của bà, Huỳnh Thị Thái. Ảnh tư liệu của soạn giả Trương Duy Hy.

Trong những buổi nói chuyện này, bà thường đề cập những tiến bộ xã hội, nhất là đối với nữ giới đương thời, khuyên chị em tham gia công tác xã hội, phong trào phụ nữ văn minh: hô hào chị em học Quốc ngữ, đọc sách báo; phụ nữ phải biết tiết kiệm cho gia đình như dùng bồ hòn thay xà phòng giặt giũ quần áo, dùng bời lời chế ra mực viết...

Trong sách đã dẫn, tác giả Đặng Thị Hảo kể chuyện về bà: “Năm 1926, nghe tin Phan Châu Trinh mất ở Sài Gòn, bà đã cùng giới trí thức Đà Nẵng đứng ra tổ chức lễ truy điệu, kêu gọi mọi người đóng góp ngân quỹ xây dựng nhà thờ Phan tiên sinh (tọa lạc trên đường Marc Pourpe, nay là đường Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng – NV).

Khi Đạm Phương đứng ra thành lập Nữ công học hội, phụ nữ ba miền hào hứng hưởng ứng, Huỳnh Thị Bảo Hòa được cử làm Hội trưởng Hội Nữ công Đà Nẵng. Bà hoạt động trong hội này đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Thời gian toàn quốc kháng chiến, bà cùng gia quyến chạy tản cư, sau quay trở về cư ngụ tại Đà Nẵng cho đến khi tạ thế”.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), bà tham gia hoạt động Hội Phụ nữ cứu quốc Đà Nẵng. Suốt thời gian chiến tranh (1946 - 1975), bà sống ở Đà Nẵng, và rồi mất tại đây vào ngày 8 tháng 5 năm 1982, thọ 86 tuổi.

Tác giả nữ đầu tiên có tiểu thuyết bằng quốc ngữ được xuất bản

Bà không chỉ viết khảo cứu, viết văn mà còn tham gia viết báo. Bà từng là thông tín viên cho tờ Thực Nghiệp dân báo (Hà Nội), đồng thời cộng tác cho nhiều tờ khác như Nam Phong (Hà Nội), Tiếng Dân (Huế), Đông Pháp thời báo, Phụ nữ Tân văn (Sài Gòn)...

Một phụ nữ từ nông thôn đã “lột xác” hoàn toàn khi theo chồng bước ra thành thị. Không chỉ cắt tóc ngắn, đi xe đạp, diễn thuyết kêu gọi phụ nữ tiến bộ mà còn viết văn, làm báo, Huỳnh Thị Bảo Hòa quả là một phụ nữ “anh hùng” mà tác giả Nguyễn An Định trong một bài viết đăng trên trang Văn nghệ Công an Online đã phải dùng câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương để ví von “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.

Năm 1927, tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của bà ra đời (76 trang, Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn), kể lại câu chuyện có thật xảy ra tại Tam Kỳ (Quảng Nam) nói về mối tình chung thủy của cô gái Pháp lấy chồng Việt.

Năm 2001, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, sau khi bất ngờ phát hiện bộ tiểu thuyết này ở Thư viện Quốc gia Hà Nội, đã viết bài trên Tạp chí Văn học khẳng định nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ.

Cũng năm 1927, bà viết kịch bản Huyền Trân công chúa, tác phẩm được hình thành sau thời gian bà làm bầu gánh hát bội tại nhà hát Hòa Bình, thành phố Đà Nẵng.

Theo Thy Hảo Trương Duy Hy trong cuốn “Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên” (NXB Văn Học, 2003) và Nguyễn Sinh Duy trong “Quảng Nam và những vấn đề sử học” (NXB Văn hóa – Thông tin, 2006), bà còn là người phụ nữ đầu tiên viết nghiên cứu, khảo luận. Đó là cuốn Chiêm Thành lược khảo xuất bản năm 1936 với lời đề Tựa của chủ bút Tạp chí Nam Phong Phạm Quỳnh. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên bằng quốc ngữ viết về dân tộc và đất nước Chăm-pa.

Phát hiện của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, sau đó là biên khảo của soạn giả Trương Duy Hy đã từng bước đưa tên tuổi Huỳnh Thị Bảo Hòa từ chỗ hầu như bị quên lãng trong sách báo nghiên cứu văn học suốt 50 năm cuối thế kỷ XX, thì sang đầu thế kỷ XXI đã có mặt trong một số sách chỉ dẫn.

Ông Lại Nguyên Ân, trong một chú thích của bài báo “Một cuốn truyện bị quên lãng suốt 70 năm qua” viết về tiểu thuyết Tây phương mỹ nhân đã đưa ví dụ cụ thể như sau:

“Bộ Từ điển Văn học (hai tập, t.1: Hà Nội,1983, t.2: Hà Nội, 1984) không có gì về tác gia này; nhưng Từ điển Văn học, bộ mới (NXB Thế giới, Hà Nội-TP.HCM, 2004) đã có mục từ về tác gia Huỳnh Thị Bảo Hòa. Từ điển Tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) (in lần thứ nhất, NXB Văn học, Hà Nội, 2001) không nói gì về tác phẩm của tác gia này, nhưng ở lần in thứ hai với nội dung có nhiều bổ sung (2 tập, tập 1: từ cuối thế kỷ XIX đến 1945; tập 2: từ 1945 đến 1975; NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006) đã có mục từ riêng về tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn”.

Về trước tác của Huỳnh Thị Bảo Hòa, một số học giả xưa (Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà…) khẳng định bà là người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ. Đây cũng là căn cứ để năm 2003 soạn giả Trương Duy Hy đặt làm tên sách, coi Huỳnh Thị Bảo Hòa là nữ tiểu thuyết gia người Việt đầu tiên.

Tuy nhiên, ông Lại Nguyên Ân chỉ ra rằng, một nhà nghiên cứu là Lê Thanh Hiền, trong một số bài báo có ý muốn minh xác lại sự kiện mang tính “kỷ lục” này. Theo ông Hiền, cuốn Kim Tú Cầu (đăng Trung Bắc Tân văn, Hà Nội, từ 25-5-1923 đến 21-7-1923; in thành sách riêng tại nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928) của bà Đạm Phương (1881 - 1947) mới là “tiểu thuyết đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ của nữ tác giả Việt Nam”.

Tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn được in sách năm 1927. Như vậy, Huỳnh Thị Bảo Hòa là tác giả nữ Việt Nam đầu tiên có tiểu thuyết bằng quốc ngữ được xuất bản.

Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa đã được đặt tên cho một con đường ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: VTL.
Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa đã được đặt tên cho một con đường ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: VTL.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.