ĐNO - Ở miền đất Quảng Nam-Đà Nẵng, dưới cái nhìn của giới nghiên cứu, nếu Nguyễn Văn Xuân “đậm đặc chất Quảng” trên văn đàn thì GS Hoàng Châu Ký là “cây đa cây đề” của nghệ thuật Tuồng truyền thống dân tộc. Đã 10 năm kể từ khi cây đại thụ Tuồng về cõi vĩnh hằng, nhưng những gì ông để lại cho đời vẫn mãi tươi rói những làn điệu lên bổng xuống trầm khi sân khấu Tuồng đỏ đèn trên cả nước.
GS Hoàng Châu Ký (1921 – 2008) |
Lần đó, một nhóm anh em văn nghệ sĩ thả thuyền xuôi dòng Thu Bồn, khi trao đổi theo kiểu trà dư tửu hậu dọc theo sông nước, có người thuật lại lời GS Hoàng Châu Ký về phát tích của nghệ thuật hát bội xứ Quảng.
Rằng, làng Mỹ Lưu (nay là xã Quế Lưu, thuộc vùng tây nam huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) xưa có gánh hát bội nổi tiếng. Năm nọ, một mùa lụt làm trôi chiếc trống chiến, còn gọi là trống Phó sư.
Tương truyền, nhạc cụ trụ cột trong dàn nhạc sân khấu hát bội này dạt vào nơi nào ở hai bên bờ sông thì nơi đó “phát” nghề hát bội: Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn), Bàu Toa (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc), Bảo An (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn)... cuối cùng qua vùng đất kinh kỳ Hội An và tuôn ra Cửa Đại.
Phải chăng, cậu bé Hoàng Châu Ký năm đó cất tiếng chào đời tại xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, nơi có chiếc trống chiến ngày nào phiêu dạt từ thượng nguồn Thu Bồn xuống, mà về sau xứ Quảng nói riêng, cả nước nói chung, có một vị giáo sư được cho là đại thụ của nghệ thuật hát bội, ngày nay gọi là nghệ thuật Tuồng?
Hát bội làm... tội người ta
GS Hoàng Châu Ký (1921-2008) xuất thân trong một gia đình khá giả tại xã Cẩm Kim, thành phố Hội An.
Theo một bài viết của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc đăng trên Báo Thanh Niên ngay sau khi GS qua đời, ông là con một trong gia đình nên có một thời niên thiếu rất phong lưu: làm thơ, viết kịch, diễn kịch, chơi bóng đá, bóng bàn, tập võ ta, quyền Anh, lên cả võ đài...
Cha ông là một nhà nho yêu nước, thất chí sau khi tham gia khởi nghĩa Trần Cao Vân - Thái Phiên nhưng khởi nghĩa không thành, ông từng bỏ nhà đi theo giảng văn học cho gánh hát bội bởi rất say mê nghệ thuật truyền thống xứ Quảng này.
Thừa hưởng tình yêu hát bội của cha, được trang bị đầy đủ kiến thức phong phú của cuộc sống, ông đã thành một thanh niên đầy lý tưởng khi tham gia cách mạng và trở thành nhà nghiên cứu Tuồng.
16 tuổi, ông tham gia cách mạng. 21 tuổi (năm 1942), ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Hai năm sau, ông bị chính quyền Nhật bắt rồi giam ở Hỏa Lò, sau đó ông vượt ngục về Quảng Nam. Năm 1945, ông làm Trưởng ban Bạo động cướp chính quyền tại khu mỏ Nông Sơn, sau đó làm Bí thư các huyện Quế Sơn, Tiên Phước, đặc khu Hoàng Văn Thụ...
Ông đã tổ chức cấp nông cụ, thuốc sốt rét cho dân, dạy nghề rèn và dạy chữ cho bà con. Người dân vùng thượng du này đã lấy họ Hoàng của ông làm họ của làng mình.
Từ những năm 1950, ông làm Phó trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Nam về văn hóa - giáo dục, Ủy viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ phía Nam và Tổng Biên tập báo Hừng Đông và báo Dân Tộc.
Từ đây hoạt động của ông bắt đầu nghiêng về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1952, ông được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn tuồng Liên khu 5, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài hoa như Đội Tảo (Nguyễn Nho Túy), Phó Sơn, Sáu Lai, Ngô Thị Liễu...
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm Trưởng phòng Văn hóa quần chúng của Bộ Văn hóa, sau đó cùng Thế Lữ phụ trách Ban Nghiên cứu nghệ thuật sân khấu. Năm 1957, ông trở thành Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Năm 1959, ông xây dựng Trường Nghệ thuật sân khấu và là hiệu trưởng đầu tiên của trường. Năm 1975, ông lập Trường Trung cấp Nghiệp vụ văn hóa miền Trung ở Đà Nẵng. Năm 1980, ông trở thành Viện trưởng Viện Sân khấu - Bộ Văn hóa- Thông tin. Năm 1992, ông về hưu và thành lập Hội Bảo trợ nghệ thuật Tuồng Đà Nẵng.
Nghệ nhân Dân gian Văn Phước Phô (nghệ danh Cẩm Phô), nguyên Chủ nhiệm CLB Tuồng Đà Nẵng, hiện ở quận Sơn Trà, kể rằng, trong năm 1992, có một chuyện ông không thể quên là GS Hoàng Châu Ký và ông Phạm Đức Nam – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ĐÀ Nẵng (cũ), một người rất mê tuồng – đứng ra thành lập Hội Bảo trợ nghệ thuật Tuồng Đà Nẵng và có những hoạt động đỡ đầu tích cực cho CLB.
“GS Hoàng Châu Ký có lần dẫn câu dân gian: "Hát bội làm tội người ta/ Bỏ cửa bỏ nhà cũng vì hát bội", rồi giảng rằng vì hát bội hay quá nên người ta bỏ nhà cửa mà đi xem”, ông Phô nhớ lại.
Tích tuồng để lại
Hoàng Châu Ký được phong học hàm Giáo sư năm 1984. Với những đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát triển và truyền bá nghệ thuật tuồng, ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học- nghệ thuật.
Ông còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng. Sau khi rời khỏi ghế Viện trưởng Viện Sân khấu, ông trở về sống ở Đà Nẵng. Nhìn lại quãng thời gian hoạt động sau đó của ông ở Đà Nẵng, GS Hoàng Chương viết trong bài “Giáo sư Hoàng Châu Ký, cây đại thụ Tuồng đã ra đi” đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 2-2-2008:
“Ở đây ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phục hồi và phát triển nghệ thuật Tuồng đất Quảng và ông còn mở rộng diện hoạt động đến những địa phương xa như Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh.
Ở đâu cũng đón chào GS Hoàng Châu Ký với tất cả tấm lòng mến yêu, kính trọng, không chỉ vì ông là một lão thành cách mạng, một giáo sư, mà còn là một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu đầy tâm huyết với nghệ thuật dân tộc”.
Sau khi về hưu, GS Hoàng Châu Ký vẫn tiếp tục có nhiều nghiên cứu về nghệ thuật Tuồng. Ông từ trần ngày 31-1-2008 tại Đà Nẵng, hưởng thọ 87 tuổi.
Ông để lại cho đời hơn 20 kịch bản Tuồng, trong đó nhiều tác phẩm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp các danh nhân dân tộc như: Ông Ích Khiêm, Quang Trung, Vua Duy Tân, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp...
Một số vở có tính chất mở đầu của sáng tác về giai đoạn cận hiện đại, rất gần gũi với người đương thời như: Đường về Vụ Quang, Lại sáng màu cờ (khi công diễn đổi thành Quay súng trở về)...
Đặc biệt, ông viết lại vở Le Cide – một bi hài kịch của nhà soạn kịch nổi tiếng người Pháp Pièrre Corneille-thành kịch bản Tuồng với phong cách truyền thống gắn với hiện đại.
Ông Hồ Xuân Diệu, nguyên diễn viên Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam, về hưu làm nghề phục trang cho các Tuồng cổ, cho biết trong cuộc đời nghệ thuật của mình, ông nhớ nhất vở Le Cide do ông dựng phục trang cùng với một đạo diễn người Pháp vào năm 1987, khi ông này đến Đà Nẵng dựng vở cho Đoàn cải lương Sông Hàn.
Tác phẩm Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng |
Ngoài ra, GS Hoàng Châu Ký còn cải biên, chỉnh lý cho nhiều vở Tuồng cổ như: Nghêu Sò Ốc Hến (chung với Tống Phước Phổ, chuyển thể từ tích truyện cổ, một trong những vở Tuồng đồ nổi tiếng nhất), Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu, Ngoại tổ dâng đầu...
Về sách, ông xuất bản nhiều sách nghiên cứu về tuồng trong đó có: Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng (1973); Tuồng cổ (1978); Nghệ thuật biên kịch tuồng; Nghệ thuật tuồng cung đình; Giá trị của vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến; Tuồng Quảng Nam... Ông là đồng tác giả Từ điển Nghệ thuật hát bội Việt Nam cùng GS Nguyễn Lộc (con rể ông, chồng nhà thơ nữ Ý Nhi).
Cây đại thụ Tuồng với Đà Nẵng
Với Đà Nẵng, GS Hoàng Châu Ký không chỉ nặng lòng với sân khấu, nhất là sân khấu Tuồng, mà còn đau đáu về bản sắc văn hóa của thành phố. Người viết từng phỏng vấn ông ở Đại hội Chi hội Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức trung tuần tháng 9-2004 và được ông chia sẻ:
“Có một khái niệm mà mỗi khi nhớ đến, tôi vừa mừng vừa lo. Đó là khái niệm “Thành phố loại 1” mà Nhà nước đã dành cho Đà Nẵng. Mừng vì thành phố của chúng ta đã phát triển nhanh chóng, đúng hướng, đạt nhiều thành tích vẻ vang và thực chất.
Lo là lo mọi tổ chức, mọi con người ở đây phải làm sao vươn lên loại 1. Thành phố đương tưng bừng tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì mỗi người ở đây phải có cách suy nghĩ, tác phong hành động tương xứng. Đó là việc phải xây dựng một thành phố có văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...”.
Tủ sách của GS Hoàng Châu Ký tặng nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, hiện được đặt tại Văn phòng Đoàn biểu diễn của nhà hát (100 Tô Hiến Thành Đà Nẵng). Ảnh: VTL |
Nhà nghiên cứu Thạch Phương, người đồng chủ biên bộ sách Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, kể rằng, khi tiến hành thực hiện bộ sách dày gần 2.000 trang này, có lần ông gặp GS Hoàng Châu Ký.
Thấy sách lâu ra quá, GS từng vỗ vai ông dặn dò: “Cậu đừng cầu toàn quá, tuổi cũng đã cao rồi, lỡ có mệnh hệ gì...”. Ông thì nghĩ, quyển sách chuyển tải nội dung qua suốt 7 thế kỷ trên một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa đáng nể trong lòng đất nước thì không thể làm xong một sớm một chiều được.
8 năm trước, sau khi sách ra đời, hai vị đồng chủ biên đã mang sách đến đặt trên bàn thờ GS Hoàng Châu Ký và Nhà văn Nguyễn Văn Xuân, thắp nén nhang tưởng nhớ hai thành viên ban biên soạn đã đi vào cõi vĩnh hằng, không chờ đến ngày thấy đóng góp tâm huyết của mình được trải lên trang giấy.
Cũng trong năm phát hành Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã diễn ra hội thảo với chủ đề “GS Hoàng Châu Ký với nghệ thuật Tuồng Việt Nam” – hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Hội diễn sân khấu Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010.
Năm 2011, tưởng nhớ 3 năm ngày mất GS Hoàng Châu Ký, gia đình ông tập hợp các bài viết từ hội thảo, từ các báo và của chính ông để in tác phẩm GS Hoàng Châu Ký với nghệ thuật tuồng Việt Nam. Sách tuy chỉ có 370 trang nhưng đã phác họa được diện mạo và tầm vóc của cây đại thụ Tuồng tỏa bóng trên sân khấu dân gian Việt Nam.
Năm 2013, tại kỳ họp thứ 7 (khóa VIII), diễn ra vào trung tuần tháng 11, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết Đặt, đổi một số tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố đợt 1, năm 2013.
Con đường mang tên GS Hoàng Châu Ký tại quận Cẩm Lệ. Ảnh: VTL |
Theo đó, GS Hoàng Châu Ký đã được đặt tên cho một con đường ở Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ, quận Cẩm Lệ, cùng với nhiều nhà văn, nhà thơ xứ Quảng khác như: Phan Khôi, Thu Bồn, Tế Hanh, Nguyễn Văn Xuân.
Đã 10 năm kể từ khi cây đại thụ Tuồng về cõi vĩnh hằng, nhưng những gì ông để lại cho đời vẫn mãi tươi rói những làn điệu lên bổng xuống trầm khi sân khấu Tuồng đỏ đèn trên cả nước.
VĂN THÀNH LÊ