ĐNO - Thái Nghĩa cười thật tươi khi “cô bé lọ lem” dứt tiếng hát. Nụ cười thuần phác của một người cảm nhận được hạnh phúc đang gõ cửa trái tim mình. Anh chở điệu lý quê hương vào trong khúc hát thiếu nhi, còn cô bé lớp 7 thì mang điệu lý ấy dọc theo chiều dài sự nghiệp của mình.
Chân dung nhạc sĩ Thái Nghĩa được con gái anh vẽ lại bằng bút chì. |
1. Mấy anh em ngồi túm tụm với nhau thành một “xóm nhà lá” qua mấy dãy ghế. Tôi khẽ gọi: “Thái Nghĩa”. Anh quay lại, vừa ngạc nhiên vừa có vẻ thích thú khi nghe tiếng màn trập khe khẽ bật lên.
Đưa anh xem tấm ảnh vừa ghi trong khoảnh khắc bất chợt, anh xuýt xoa: “Trời ơi, thần thái quá. Tấm ảnh chân dung tôi đẹp nhất từ trước tới chừ. Cho tôi xin hỉ?”.
Đó là buổi sáng ngày 29-5-2010, thời điểm diễn ra Đại hội Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng lần thứ VII (nhiệm kỳ 2010 – 2015) tại Hội trường UBND thành phố Đà Nẵng (cũ), nay là hội trường HĐND thành phố, bên đường Bạch Đằng.
Chân dung Thái Nghĩa được ghi vào lúc 8:58 AM, thông tin còn lưu trong file ảnh. Do cự ly quá gần nên không thể lấy hết phần đầu tóc phía trên của anh. Anh bảo, không sao, về nhờ photoshop “nối” thêm là OK thôi.
Khoảng hơn tuần sau, Thái Nghĩa gọi điện nói cái đầu anh giờ đã tóc đã “mọc” lên tới đỉnh rồi và cảm ơn người “chộp” ảnh lần nữa. Tôi hình dung anh đang cầm điện thoại đâu đó, và phía bên kia, ánh mắt hấp háy cùng với nụ cười tinh nghịch thường thấy.
2. Một năm trước đó, vào thượng tuần tháng 5-2009, cùng Thái Nghĩa và nhóm văn nghệ sĩ thuộc Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, tôi theo nhóm CLB Ảnh báo chí thuộc Hội Nhà báo Đà Nẵng, hai đơn vị liên kết làm một chuyến đi thực tế về thăm đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh, bắt đầu từ huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
24 nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà văn... mỗi người, mỗi giới một cách “tác nghiệp” riêng để có tác phẩm tham gia triển lãm tranh, ảnh và giao lưu văn nghệ giới thiệu các bài hát về đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh tổ chức tại trung tâm hành chính huyện Tây Giang nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19-5-1959 – 19-5-2009).
Sau khi chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc T2, nơi đường Hồ Chí Minh đi qua đất Lào và huyện Tây Giang, chúng tôi đi dọc đường Trường Sơn từ A Tép ra đến cầu Xuân Sơn (tỉnh Quảng Bình), đi qua các di tích lịch sử.
Đặc biệt, đoàn đã đặt vòng hoa và thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của một vạn liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc trường chinh giữ nước vĩ đại. Thay mặt anh em văn nghệ sĩ và báo chí, nhạc sĩ Thái Nghĩa và nhà báo Thanh Lộc trang trọng đặt vòng hoa tại tượng đài chính của nghĩa trang.
Chúng tôi đi qua nhiều nơi, nhưng để lại ấn tượng nhất có lẽ là vùng đất Tây Giang. Đêm đó ở lại phố núi, không hẳn lạ nhà mà lạ cảnh, chẳng ai nghĩ đến ngủ nghỉ. Chúng tôi quây thành từng nhóm, thâu đêm chuyện trò trên trời dưới đất. Thái Nghĩa hát bài “Niềm vui phố núi” do anh sáng tác khi khởi động xây dựng đường Hồ Chí Minh mới 9 năm trước đó:
“Hỡi núi biếc, hỡi sông dài là vành nôi đời gắn bó. Phố núi mới như cánh cung đầy đang cùng nhau hướng tầm cao mới...”. Rồi bài “Đường mới vùng cao”, ca từ có đoạn như cất giấu lời hò hẹn với một sơn nữ nào đó: “Tiếng chim mừng bao cây cầu mới nối những cung đường đi về buôn em”.
Thái Nghĩa “vẽ” hình ảnh chập chùng núi đồi, tầng nấc sông suối bằng những nốt nhạc lên bổng xuống trầm, bằng những nét luyến láy hoa mỹ. Sau chuyến đi đó, tôi chạy một bút ký ghi lại cảm xúc về vùng đất và con người Tây Giang, nhưng ngẫm nghĩ mãi không biết rút tít gì thì chính ca khúc của anh đã gợi ý để tôi đặt tên cho “đứa con” của mình: “Cánh cung phố núi”. Đọc xong bài ký trên báo, anh gọi điện nói “răng ông hiểu tui ghê rứa?”.
3. Thái Nghĩa sinh ngày 1-1-1958 nên anh em nói đùa là “tuổi nào đáng tuổi đó”. Rời quê nhà Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, anh ra học chuyên ngành sáng tác Âm nhạc ở Đại học Nghệ thuật Huế.
Trước năm 1975, anh tham gia phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, một phong trào đấu tranh đòi hòa bình dưới hình thức văn nghệ, âm nhạc, thơ ca, được tổ chức bởi Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tại miền Nam Việt Nam.
Thời gian sống ở Nha Trang, anh làm Trưởng ban Văn nghệ phong trào “Vui ca vươn lên” của học sinh, sinh viên thành phố biển này.
Sau năm 1975, Thái Nghĩa quay về quê nhà. Quãng đời này của anh được nhạc sĩ Trương Đình Quang kể lại trong bài viết “Nhạc sĩ Thái Nghĩa: Âm nhạc dành cho tuổi thơ” đăng trên báo Công an Đà Nẵng ngày 4-5-2016 như sau:
“Từ giữa năm 1976, là thanh niên xung kích, anh lên rừng với bà con lập vùng kinh tế mới, xuống biển trồng phi lao chắn gió, rồi đi đào mương dẫn nước về đồng, đắp đập cứu ruộng đồng chua mặn..., đi vào đời sống với những người lao động, tâm hồn anh luôn ngân vang giai điệu, chan chứa niềm ao ước được viết, nhưng còn băn khoăn vì tay bút chưa vững vàng.
Đầu năm 1978, anh về làm việc ở Đài Phát thanh tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, là biên tập viên chương trình phát thanh nông nghiệp. Với những ca khúc thời tranh đấu, Thái Nghĩa lọt vào “mắt xanh” của người phụ trách đài.
Từ đầu năm 1980, anh làm biên tập viên chương trình văn nghệ và dành nhiều thời gian sáng tác ca khúc. Từ năm 2000, anh là Trưởng ban Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Đà Nẵng...”.
Là nhạc sĩ sáng tác, Thái Nghĩa chịu khó “rong chơi” khắp các vùng đất xứ Quảng, nhất là miền núi, để cho ra đời những tác phẩm âm nhạc mang sắc thái, âm hưởng riêng anh như Đường mới vùng cao, Niềm vui phố núi, Miền núi nhắn về...
Anh phổ nhạc một số bài thơ như Dòng sông còn lại (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh), Lời thề mùa đông (thơ Bùi Hoàng Tám), Cảm tác Ngũ Hành Sơn (thơ Lê Thị Thu Sinh)... Và một số tác phẩm nhạc không lời: Giai điệu quê hương (biến tấu cho violon và piano), Nhớ quê (prelude cho piano), Rhapsodie Một miền quê, Tam tấu nhạc cụ dân tộc Nổi chìm hò giả vôi...
Còn nhớ, tháng 5-2007, khi bế mạc lớp tập huấn về nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức, Thái Nghĩa đã làm mọi người ngạc nhiên với bài hát “Sắc bùa” từ đầu chí cuối bằng tiếng Cơ tu.
Người viết, khi mô tả về các nhạc cụ dân tộc Cơ tu ở Đà Nẵng như Joo, Tămbher Alui... phải tham khảo ý kiến của anh. Cái sự “la cà” ở buôn, làng các dân tộc thiểu số trên vùng đất xứ Quảng đã mang lại cho anh những kiến thức về văn hóa – nghệ thuật không phải ai cũng có được.
Gần 40 năm hoạt động âm nhạc, Thái Nghĩa dành phần lớn thời gian để viết cho tuổi thơ, các ca khúc tiêu biểu có thể kể đến: Điệu lý quê em, Mẹ cấy giữa mùa vui, Chim chơ-rao hót, Em yêu mãi bài ca quê em...
Người ta biết đến anh một phần do anh có nhiều ca khúc được chọn đưa vào giáo trình dạy và học hát các lớp 6, 7, 8, 9 (NXB Giáo dục, sách cải cách giáo dục mới, 1993).
4. Một buổi trưa nọ, có một cô bé rụt rè đến trước nhà nhạc sĩ Thái Nghĩa. Cô xưng tên, nói là đang học lớp 7 và tỏ ý mong muốn được nhạc sĩ tập cho một số bài hát. Bấy giờ phong trào ca hát tuổi thơ đang nở rộ ở Đà Nẵng và Quảng Nam, Thái Nghĩa được phân công làm ủy viên phụ trách phong trào để tìm kiếm, phát huy tiếng hát của các em.
Trong mắt anh lúc đó, cô bé đến xin học hát như một cô bé lọ lem. Cảm kích nhiệt tình của cô, anh nhận lời và đưa cho cô 10 bài hát thiếu nhi, trong đó có bài Điệu lý quê em. Cô biết chơi ghi-ta nên dễ dàng nâng cao được giọng hát, sau đó liên tục giành hết giải này đến giải khác.
Tháng 12-2011, trong chương trình Âm nhạc và Những người bạn do VTV3 thực hiện truyền hình trực tiếp tại Đà Nẵng, Thái Nghĩa gặp lại cô học trò lớp 7 năm nào.
Cô bây giờ là ca sĩ Mỹ Tâm, tuy là người của công chúng nhưng vẫn gọi nhạc sĩ là thầy và xưng con. Cô bảo, trong những bài hát của thầy, cô nhớ nhất là bài Điệu lý quê em mà thầy đã tặng khi cô tham gia Liên hoan Búp sen hồng.
Bài này không thể nào quên, bởi giai điệu rất ngộ nghĩnh. Nói rồi, cô cất tiếng hát không nhạc đệm: Mặt trời ngó xuống bờ ao. Có con cò trắng bay vào bay ra. Em còn đi học đường xa. Mang theo điệu lý quê nhà em đi. Ba lý tang tình mà nghe...
Thái Nghĩa cười thật tươi khi “cô bé lọ lem” dứt tiếng hát. Nụ cười thuần phác của một người cảm nhận được hạnh phúc đang gõ cửa trái tim mình. Anh chở điệu lý quê hương vào trong khúc hát thiếu nhi, còn cô bé lớp 7 thì mang điệu lý ấy dọc theo chiều dài sự nghiệp của mình.
Về sau gặp tôi, anh thủ thỉ: “Hôm đó là tui khóc ông ạ, không phải cười mô. Khóc bằng nụ cười hạnh phúc”.
Có lẽ đó là lần cuối cùng Thái Nghĩa xuất hiện một cách an nhiên tự tại trước công chúng. Anh làm Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng suốt 2 nhiệm kỳ, từ 2002 đến 2012. Đến nhiệm kỳ 2013-2018 thì anh xin thôi, bởi sức khỏe không cho phép. Không lâu sau đó, anh lâm bệnh...
Trung tuần tháng 6-2014, tôi gặp anh và một số nhạc sĩ khác ở phòng giám đốc của Nhà hát Trưng Vương để trò chuyện về sáng tác nhạc ở Đà Nẵng. Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh. Chưa đầy một năm sau, ngày 15-5-2015, anh vĩnh viễn ra đi...
5. Đến tiễn anh, thấy anh vẫn ánh mắt hấp háy cùng với nụ cười tinh nghịch trong chân dung tôi chụp 5 năm trước đó. Anh dặn vợ con chọn ảnh này để làm ảnh thờ. 3 tháng sau khi anh đi, vợ anh, chị Ngọc Thông, cũng nghỉ hưu.
Nhạc sĩ Thái Nghĩa (thứ năm, phải qua) cùng anh em đặt vòng hoa tại tượng đài chính ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: VTL |
Một năm sau, con gái anh, Thái Mỹ Phương, vẽ lại bằng bút chì chân dung cha mình dựa vào tấm ảnh thờ và đưa lên Youtube với tựa: My FATHER, a Musician - Tamypu's Pencil Tutorial (Ba tôi, một nhạc sĩ - Hướng dẫn bút chì của Tamypu).
Phía dưới tranh, cô viết: “Tặng Ba Thái Nghĩa, người nhạc sĩ đã nuôi con lớn bằng những nốt nhạc, mẩu bút chì màu, và muối ớt xanh ăn cùng cơm nguội. Con gái Thái Mỹ Phương” (Tamypu là cách viết tắt của Thái Mỹ Phương).
Hôm rồi tôi điện thoại cho Ngọc Thông, chị bảo đang nằm viện bởi chứng máu không lên não. Chồng mất, chị bị sang chấn tâm lý, mấy tháng lại vào viện một lần. Trong mắt chị, anh là một người chồng “Chân phương, chân thật. Tình cảm đối với gia đình, người thân không thích nói nhiều mà biểu hiện bằng cử chỉ”.
Thái Nghĩa đã đi xa được 3 năm, nếu số phận chưa gõ cửa thì năm nay anh chẵn 60, tròn một vòng hoa giáp. Trước đó, nhà báo, nhà thơ Đặng Ngọc Khoa năm 2009 cũng rời xa người thân, bạn bè sau một cơn bạo bệnh.
Cả hai người tuy đều được ghi là “hưởng dương” chứ chưa được “hưởng thọ”, nhưng những gì họ để lại nơi “cõi tạm” này chí ít là cách sống, là những đứa con tinh thần rứt ruột đẻ ra. Kỷ niệm một năm ngày Thái Nghĩa mất, con gái anh ghi dưới chân dung ba mình: “Thường thì tuổi đời một tác phẩm lớn hơn tuổi đời người nghệ sĩ”.
Ca từ Điệu lý quê em, một trong tác phẩm những làm nên “thương hiệu” Thái Nghĩa, có đoạn: Điệu hò ba lý bay qua. Cho con cò trắng ngẩn ngờ ngẩn ngơ. Con cò bay lạc thật xa, mang theo điệu lý quê nhà lên cao. Ba lý tang tình mà nghe...
Anh chừ đã bay xa tít tắp về trời và điệu lý trong khúc hát của anh còn mãi ngân vang đâu đó nơi cõi vĩnh hằng. Những người ở lại mỗi khi nghe giai điệu, ca từ quen thuộc lại nhớ đến anh. Bởi lẽ, tác giả ra đi, tác phẩm mãi còn ở lại...
VĂN THÀNH LÊ