Lương Khắc Ninh, người uống trà bàn chuyện... đất nước

.

ĐNO - Ngày 1 tháng Tám năm 1901, làng báo Nam Kỳ xuất hiện số đầu tiên của một tờ báo tiếng Việt có cái tên cực kỳ mới lạ: NÔNG-CỔ MÍN-ĐÀM, bên dưới có 4 chữ Hán 農賈茗談, dưới nữa là hàng chữ "Causeries sur l'agriculture et le commerce", tất cả đều có nghĩa tương tự là "uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn".

Chủ nhiệm tờ báo là Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corse, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ; chủ bút đầu tiên là nhà báo (bấy giờ gọi là ký giả) Dũ Thúc Lương Khắc Ninh người gốc Quảng Nam.

Chân dung Lương Khắc Ninh. Nguồn: dienban.gov.vn
Chân dung Lương Khắc Ninh. Nguồn: dienban.gov.vn

Người có hai quê hương

Lương Khắc Ninh sinh năm 1862 tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Cha ông là Lương Khắc Huệ (tục gọi là ông Mười Lớn), một nhà Nho và thầy thuốc đông y ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn (nay là xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), di cư vào Nam lập nghiệp.

Theo truyền thống gia giáo, bài học đầu tiên của ông là chữ Nho do cha truyền thụ. Khi thực dân Pháp chiếm hoàn toàn Nam Kỳ, mãi đến năm 1876 ông mới bắt đầu “vứt bút lông đi giắt bút chì”, chuyển sang học chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp tại trường tỉnh theo chương trình giáo dục cưỡng bức của người Pháp bấy giờ.

Ông tốt nghiệp trung học tại Trường Le Myre De Vilers (nay là THPT Nguyễn Đình Chiểu) ở Mỹ Tho, rồi làm việc tại Sở Thương chánh Bến Tre từ năm 1880 đến năm 1883. Năm 1889, ông làm thông ngôn tại Tòa án Bến Tre, từng làm thành viên Hội đồng Quản hạt Bến Tre. Năm 1900, ông bỏ lên Sài Gòn viết báo. Năm 1901, ông làm chủ bút tờ Nông cổ Mín đàm, ra thứ Năm hằng tuần, được xem là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng Quốc Ngữ tại Việt Nam.

Tờ Nông cổ Mín đàm số 32 ngày 3-4-1902 với mục Thương cổ luận góc trái phía dưới. Nguồn: Internet
Tờ Nông cổ Mín đàm số 32 ngày 3-4-1902 với mục Thương cổ luận góc trái phía dưới. Nguồn: Internet

Năm 1902, ông đắc cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, năm 1906 được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng Tư vấn Đông Dương nên người đương thời gọi ông là Hội đồng Ninh. Tuy vậy, hoạt động chính của ông vẫn là trong ngành văn hóa xã hội hơn là chính trị. Năm 1905, ông thành lập gánh hát bội “Châu Luân ban” ở Sài Gòn.

Tháng 10-1908, ông làm chủ bút tờ Lục tỉnh Tân văn từ số 51, thay cho chủ bút trước là Trần Chánh Chiếu khi ông này bị chính quyền thuộc địa Pháp bắt.

Làm báo ở Nam Kỳ nhưng rất mê nghệ thuật truyền thống từ quê nhà xứ Quảng, năm 1922, ông dẫn đầu một đoàn hát bội sang lưu diễn tại Pháp nhân có hội chợ đấu xảo tại Marseille. Sau khi ở Pháp về, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các báo ở Sài Gòn và thường đi diễn thuyết ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho cổ động cho phong trào duy tân tự cường. Ông mất ngày 22-11-1943, hưởng thọ 81 tuổi.

Tác phẩm của ông phần lớn in trong Nông cổ Mín đàn, chú thích truyện Sãi Vải của Nguyễn Cư Trinh (Nhà in Claude & Cie, 1905), Tuồng Gia Trường (tuồng hát viết chung với Lương Khắc Huề, 1906), In khờ mà khôn (thơ lục bát kể chuyện, 1924)...

Lương Khắc Ninh có đến hai quê hương để mà thương mà nhớ. Nguyên quán vùng Gò Nổi đất Điện Bàn, nơi sản sinh nhiều bậc anh hào lưu danh vạn thế như: Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ… Sinh quán đất Bến Tre xứ Nam Bộ, nơi được phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Cha mẹ ông đã rời quê hương theo chân những lưu dân người Việt vào đây, tất cả đem kinh nghiệm sản xuất nơi quê nhà để tạo nên những cánh đồng bao la, những vườn dừa bạt ngàn, những vườn cây ăn trái tươi tốt trên vùng đất mới cò bay thẳng cánh. Cái khí chất của kẻ sĩ đất Quảng hòa quyện với tính cách hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài của Nam Bộ đã hun đúc nên một Lương Khắc Ninh - cây bút tên tuổi một thời của làng báo Nam Kỳ.

Uống trà bàn chuyện... kinh tế đất nước

Là một trí thức kết tinh từ hai dòng Nho học và Tây học, Lương Khắc Ninh am hiểu sâu sắc cả hai nền văn hóa Đông và Tây. Ngoài tư cách một nhà văn hóa hoạt động trên lĩnh vực văn chương và báo chí, ông còn là một nhà chính trị nhưng xem ra hoạt động chính trị của ông khá mờ nhạt trên chính trường. Trên lĩnh vực báo chí, ông là một cây bút “tầm cỡ” ở Nam Kỳ. Khi làm chủ bút tờ Nông cổ Mín đàm, ông trực tiếp phụ trách mục quan trọng nhất của tờ báo là Thương cổ luận chuyên bàn luận về nghề buôn, đăng ở trang 1 hoặc trang 2.

Thông qua Thương cổ luận, ngay từ số báo đầu tiên ông đã “tuyên chiến” với quan niệm cũ khi khẳng định: Sự đại thương là đệ nhất cách giúp cho dân phú quốc cường. Từ đó, qua hơn 100 số báo, trong suốt những năm phụ trách Thương cổ luận (trừ 7 số tạm dừng do ông đi dự đấu xảo ở Hà Nội) cho đến khi Trần Chánh Chiếu thay ông làm chủ bút năm 1906, ông chủ trương cổ động mạnh mẽ việc phát triển nghề nông và kêu gọi thành lập những công ty thương nghiệp để thoát ra khỏi sự bóc lột trên thương trường của người Hoa kiều. Ông có cái nhìn khá sáng suốt khi “mổ xẻ” về nguyên nhân nghèo khó của người Việt và nước Việt lúc đó. Một số học giả đánh giá lời kêu gọi của ông đến nay vẫn còn giá trị.

TS Trần Viết Nghĩa, Khoa Lịch sử - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong bài “Tư tưởng trọng thương của Lương Khắc Ninh trên tờ Nông cổ Mín đàm” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số tháng 6.2014 đã nhận xét như sau:

“Tên gọi Nông cổ Mín đàm chỉ đơn giản là uống trà nói chuyện nhà nông và buôn bán, nhưng nội dung của nó lại đề cập sâu đến những vấn đề kinh tế của đất nước. Lương Khắc Ninh là linh hồn của tờ báo này. Linh hồn không chỉ thể hiện ở số lượng bài báo mà còn ở bản lĩnh, tư duy và dấu ấn của người làm báo. Ông không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình, cho dù điều đó có thể làm một bộ phận người đọc phật ý. Ông vượt qua tầm nhận thức chật hẹp, khuôn cứng và giáo điều của Nho giáo để đưa tư tưởng trọng thương đến với dân chúng. Những bài luận bàn về nghề buôn của ông đã gợi mở ra một lối tư duy kinh tế mới, tiến bộ và hiện đại ở Việt Nam”.

Nhà thờ tộc Lương ở xã Đại Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nguồn: dienban.gov.vn
Nhà thờ tộc Lương ở xã Đại Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nguồn: dienban.gov.vn

TS Phạm Thị Thu Hương (Viện Văn học), trong chuyên luận “Thương cổ luận” - Một chỉ dấu trên con đường duy tân đầu thế kỷ XX” nhận xét khá xác đáng rằng: “Vận dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, và nói theo phong cách “vừa uống trà vừa bàn chuyện nông thương”, ròng rã trong suốt hơn 100 số báo, Lương Khắc Ninh “luận” về “thương cổ” dưới mọi góc độ, mọi điểm nhìn, phân tích không mệt mỏi chỉ để khắc sâu vào trí não người đọc một điều: trong vận hội mới, một dân tộc nếu không canh tân thì sớm muộn dân tộc ấy cũng đi đến kết cục: trở thành nô lệ hoặc tệ hơn, bị tiêu diệt. Và con đường canh tân nhanh nhất để dân giàu nước mạnh chính là đại thương”.

Gốc Quảng và Quảng gốc

Năm 1922, khi Khải Định sang Pháp dự đấu xảo ở Marseille, chí sĩ Phan Châu Trinh đã khảng khái gửi cho nhà vua một bức thư bằng chữ Hán có tựa là Khải Định Hoàng đế thư (về sau được dịch ra Quốc Ngữ với tên gọi Thư Thất điều) kể 7 trọng tội đáng chém đầu của nhà vua là: Tôn quân quyền, thưởng phạt không nghiêm bằng, chuộng sự quỳ lạy, xa xỉ, phục sức không đúng phép, du hành vô đạo, đi Pháp mờ ám. Chí sĩ họ Phan làng Tây Hồ yêu cầu nhà vua phải thoái vị và nhường quyền lại cho quốc dân.

Cũng năm ấy, khi Lương Khắc Ninh đưa đoàn hát bội sang lưu diễn tại Pháp, ông có dịp tiếp xúc với chí sĩ Phan Châu Trinh. Hai nhà trí thức, một gốc Quảng và một Quảng gốc gặp nhau trên xứ người, cùng bàn luận, trao đổi về quan điểm, đường lối đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến bộ cho đất nước.

Sau khi đọc Khải Định Hoàng đế thư, nhà trí thức gốc Quảng bày tỏ sự ủng hộ và cũng gửi cho Khải Định một bức thư khuyên nhà vua nên tiếp thu ý kiến và thực hành đường lối nâng cao dân trí, đề xướng dân quyền của Phan Châu Trinh để cứu nước.

Với gần 70 câu thơ bày tỏ tấm lòng chân thành “thẳng như ruột ngựa”, không bợ đỡ, không xu phụ kẻ có quyền lực, Lương Khắc Ninh không chỉ nhiều lần ca ngợi tâm trường của chí sĩ đất Quảng, khuyên nhà vua nên dùng họ Phan làm quân sư để cứu nước mà còn cho rằng lời nói của Phan Tây Hồ tuy hơi “xẵng”, “không êm tai” nhưng sẽ được “hậu thế xưng Phan thị chánh ngôn” (người đời sau khen là họ Phan chánh ngôn), bởi xuất phát từ một tấm lòng vì dân, vì nước.

Đáp lại lòng thành cũng như sở nguyện của người đồng hương gốc Quảng, Phan Tây Hồ tặng Lương Khắc Ninh một bài thơ Đường chữ Hán thất ngôn bát cú được dịch sang tiếng Pháp và Quốc Ngữ. Bản dịch Quốc Ngữ có đoạn: Xin cảm tạ người đã nghĩ đến Phan Châu Trinh/ Tôi đau lòng cho đất nước và hổ thẹn cho mình! (…) Những ai có lòng yêu nước thì không thể dửng dưng/ Trước những hiện tình của non sông xứ sở.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên Lương Khắc Ninh cho con đường ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Ảnh chụp màn hình
Thành phố Đà Nẵng đặt tên Lương Khắc Ninh cho con đường ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Ảnh chụp màn hình

TS Trần Viết Nghĩa trong bài đã dẫn nhận xét: “Lương Khắc Ninh táo bạo và sắc sảo khi luận bàn về nghề buôn. Qua những lời bàn luận của ông, người đọc thấy rõ được nỗi băn khoăn, trăn trở và xót xa của ông trước sự nghèo nàn của đất nước và sự hối thúc dân chúng buôn bán để làm giàu”.

Tuy nhiên, Lương Khắc Ninh không chỉ “uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn” mà còn sẵn lòng thực thi những việc to tát hơn, như “can gián” vua từ bỏ 7 trọng tội như Phan Tây Hồ đã vạch ra trong Thư Thất điều để tiếp nhận, thực thi chủ trương cải cách duy tân, đưa đất nước ra khỏi sự nghèo nàn. Trong hai con người ấy, Lương Khắc Ninh và Phan Châu Trinh, cái khí chất của kẻ sĩ đất Quảng lúc nào cũng thúc giục họ đi về phía bình minh của đất nước cho dù phải đương đầu với mọi gian nguy, bất trắc...

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.