Xã hội

Nâng đỡ những mầm xanh

09:41, 22/08/2023 (GMT+7)

Từ năm 2003 đến nay, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 4 cháu là nạn nhân chất độc da cam ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). 20 năm là một quãng thời gian dài để ghi nhận, khẳng định tình cảm sâu nặng, tấm lòng nhân ái, yêu thương vô bờ của những người lính dành cho các em, những đứa trẻ vô tội ngay từ lúc sinh ra đã phải chịu thiệt thòi bởi không thể trở thành một con người bình thường như bao người khác.

Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình anh Mai Tính, có hai con bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: A.Đ
Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình anh Mai Tính, có hai con bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: A.Đ

Căn nhà của gia đình anh Mai Tính và chị Lê Thị Phụng nằm lặng lẽ trên một con đường nhỏ ở phường Hòa Hải. Cả một ngày chị quần quật với hàng trăm công việc không tên để chăm lo cho hai đứa con bị nhiễm chất độc da cam nằm liệt một chỗ. Hai chị em Mai Thị Mân và Mai Thanh Tú hiện hơn 30 tuổi nhưng vẫn cứ như những đứa trẻ mới sinh, suốt ngày lê lết, co quắp trên tấm phản giữa nhà, chờ mẹ đút ăn ngày 3 bữa và phục vụ tất cả mọi việc từ vệ sinh đến tắm rửa. Căn nhà cấp 4 nhỏ bé của gia đình anh chị do nhiều ban, ngành, địa phương giúp đỡ xây dựng không có gì đáng giá ngoài 1 chiếc ti-vi cũ kỹ. Anh Mai Tính bị nhiễm chất độc da cam từ những ngày trong quân ngũ vẫn đi làm thợ hồ, vừa lo lắng, quán xuyến mọi việc của gia đình.

Đại úy Tô Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cho biết, nhận đỡ đầu 2 đứa con của anh chị, cán bộ, hội viên hội phụ nữ thấu hiểu nỗi đau tận cùng của một người vợ, người mẹ như chị Phụng, không chỉ là sự thiếu thốn, khó khăn về vật chất mà lớn hơn là nỗi đau về tinh thần trĩu nặng trên vai, vì vậy đơn vị luôn sát cánh, đồng hành cùng gia đình trong suốt 20 năm qua để góp phần làm vơi bớt nhọc nhằn, gian khó.

Chị Trần Thị Hoa ở tổ 10 phường Hòa Hải cũng có hai con trai La Thành Toàn và La Thành Nghĩa bị liệt hai chân. Vợ chồng chị có 6 người con, trước đây đi kinh tế mới ở Tây Nguyên, sau này do hoàn cảnh khó khăn nên dắt nhau trở về Đà Nẵng sinh sống. Không hộ khẩu, không nhà cửa, hai vợ chồng đi bán trái cây dạo nuôi con. Chồng chị sau một tai nạn xe máy cũng không còn sức lao động. Một mình chị bươn chải gánh vác cả gia đình bằng việc nuôi heo nái, bán sữa đậu nành, thu mua phế liệu, bán ve chai và nhiều việc khác. Cảm thông trước hoàn cảnh của gia đình chị, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố nhận đỡ đầu nuôi dưỡng hai cháu Toàn, Nghĩa với số tiền trước đây là 1,5 triệu đồng và bây giờ là 3 triệu đồng/quý. Dù số tiền không nhiều nhưng sự chia sẻ quý báu của những người lính đã trở thành nguồn động lực lớn giúp chị vươn lên vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo, nuôi dưỡng hai con chu đáo và chăm lo cho các cháu học hành ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật quận Ngũ Hành Sơn. Với sự quan tâm động viên của xã hội, của chính quyền địa phương và nhất là của những cô, chú mặc áo lính, hai con của chị đã phấn đấu nỗ lực khắc phục khó khăn, chăm ngoan, học giỏi. Cách đây vài năm, một trong hai đứa mất do bệnh tật.

Chị Hoa tâm sự: “Nhiều năm qua nếu không được Hội Phụ nữ của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố giúp đỡ tận tình, thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ tiền nuôi dưỡng thì gia đình tôi không dễ gì vượt qua được khó khăn về cả vật chất và tinh thần. Vì vậy cả gia đình tôi luôn động viên nhau và động viên các con cố gắng sống tốt để không phụ sự giúp đỡ quý báu này”.

Hơn 20 năm qua, căn nhà của hai gia đình anh Mai Tính và chị Trần Thị Hoa đã trở thành nơi đi về ấm áp của những nữ quân nhân. Hằng tháng, các cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đến nhà thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết, Quốc tế Thiếu nhi...

Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố cho biết, từ tấm lòng, tình cảm, sự quan tâm chu đáo của Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, những năm qua 2 gia đình có con là nạn chất độc da cam ở phường Hòa Hải đã phần nào ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn hòa nhập với xã hội. Nhân ngày chất độc da cam 10-8 và Tết Nguyên đán hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thường xuyên thăm hỏi và tặng quà cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam với số tiền hàng chục triệu đồng từ sự đóng góp, ủng hộ của lực lượng vũ trang.

Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tâm nguyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố. Và suốt hành trình 20 năm qua, nhờ sự hỗ trợ này, những nạn nhân chất độc da cam đã phấn đấu, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

ANH ĐỨC

.