Xã hội

Mua đồ chơi trẻ em trên mạng: Khó kiểm soát chất lượng

10:12, 21/09/2023 (GMT+7)

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều phụ huynh có xu hướng mua sắm những sản phẩm đồ chơi cho trẻ qua các kênh trực tuyến hay mạng xã hội. Tuy nhiên vấn đề quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ vẫn là bài toán khó với cơ quan chức năng.

Hiện nay, trên các trang thương mại trực tuyến, mạng xã hội, website giới thiệu nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em với mẫu mã phong phú, đa dạng về chủng loại, thành phần và giá thành. Trong số đó, nhiều món đồ chơi kém chất lượng, thậm chí độc hại và không có tính giáo dục.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) chia sẻ, chị vừa mua một bộ sản phẩm được quảng cáo với nội dung mang tính giáo dục, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo cho con trên nền tảng TikTok. Khi nhận được hàng, chị phát hiện đó là loại đồ chơi chất lượng kém, không có đủ nhãn mác theo quy định và có thể gây hại cho bé. Chị đã nhắn tin phản hồi, đánh giá và yêu cầu trả lại sản phẩm ngay sau đó. “Việc quản lý cửa hàng, sản phẩm trên nền tảng trực tuyến còn khá lỏng lẻo khi đồ chơi dành cho đối tượng trẻ em đáng lẽ cần được các cơ quan chức năng, đơn vị trung gian về cung cấp dịch vụ quan tâm, quản lý thì lại bị ngó lơ”, chị Quỳnh bày tỏ.

Theo tìm hiểu, các sản phẩm đồ chơi được bày bán trên các trang mạng, có không ít loại bạo lực, độc hại như kiếm, súng chủ yếu được người kinh doanh nhập từ nước ngoài với giá rẻ, không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ cũng như giấy tờ chứng minh được kiểm duyệt chất lượng, nội dung sản phẩm. Chị Phạm Thị Kim Khánh, chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên đường Trần Tống (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cho hay, các sản phẩm đồ chơi trẻ em bị cấm, không có đủ giấy tờ, pháp lý thường đem lại lợi nhuận rất cao từ 30-50% so với giá nhập hàng. Do đó, nhiều cửa hàng bán qua các kênh trực tuyến nhằm tránh sự kiểm tra, giám sát, xử lý từ cơ quan chức năng. Điều này khiến người tiêu dùng mất niềm tin với những cửa hàng, sản phẩm được bày bán trên hình thức trực tuyến.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho hay, sở đã ban hành Công văn số 1177/SCT-QLTM ngày 24-5-2023 về triển khai nhiệm vụ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Theo đó, Thanh tra sở sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả. Trong dịp Tết Trung thu sắp đến, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, đồ chơi trẻ em và xử lý dứt điểm sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, độc hại tác động xấu tới trẻ em được bán trên các trang trực tuyến trên địa bàn.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Vũ Như Trường Thọ thông tin, đơn vị sẽ tiếp tục nhận phản ánh từ người dân về những hành vi kinh doanh, buôn bán, lưu trữ các mặt hàng, sản phẩm đồ chơi trẻ em không có trong danh mục được cho phép; đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, điểm tập kết tại kho hàng... chứa các mặt hàng phục vụ trẻ em. Ngoài ra, cục đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh cam kết không buôn bán, tàng trữ các loại đồ chơi bạo lực, nhất là sự phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, về phía các bậc phụ huynh cần phải nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm từ đồ chơi bị cấm để lựa chọn định hướng con em sử dụng đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn.

CHIẾN THẮNG

.