Xã hội
Bài cuối: Khắc phục bất cập, có giải pháp thoát nước nhanh
Qua các trận ngập lụt đô thị trên diện rộng xảy ra vào năm 2022 và 2023 đã bộc lộ những bất cập của hệ thống thoát nước. Bên cạnh tập trung thi công, vận hành sớm các công trình chống ngập úng và đang chuẩn bị đầu tư dự án khắc phục các điểm ngập úng khác, các đơn vị, địa phương còn rà soát, đề xuất thành phố giải quyết bài toán ngập lụt đô thị.
Khu vực đường Trần Cao Vân bị ngập sâu vào ngày 14-10-2023 do trạm bơm chống ngập ở đường Yên Khê 2 hoạt động kém hiệu quả. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Giảm ngập, rút nhanh, nhưng còn bất cập
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng, nhờ tập trung nạo vét, khơi thông thoát nước trong thời gian qua nên trong các đợt mưa lớn xảy ra từ ngày 12-10 đến nay, có thể thấy, nhiều điểm ngập có chiều sâu giảm, nước rút nhanh, tốc độ ngập giảm so với trước đây. Nhưng cũng bộc lộ một số bất cập trong thoát nước cần tập trung xử lý trong thời gian đến. Chẳng hạn, tại ngã tư đường Hàm Nghi - Nguyễn Văn Linh - Lê Đình Lý, nước mưa chậm thoát xuống các cửa thu trên mặt đường Nguyễn Văn Linh (do nước đầy hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung), mà thoát mạnh xuống cửa thu ở đường Hàm Nghi và trào ngược lên lại ở một số cửa thu nước mưa trên đường Nguyễn Văn Linh.
Các cửa thu nước mưa ở dọc đường Lê Duẩn được nạo vét, khơi thông nên nước thoát nhanh xuống cống, riêng phía đường Ông Ích Khiêm chưa được nạo vét nên có hiện tượng nước trào ngược lên bên hông số nhà 207 Ông Ích Khiêm. Cống thoát nước đường Hoàng Diệu không đấu nối với đường Nguyễn Văn Linh nên nước dâng lên gây ngập đường, chảy về phía đường Chu Văn An và các đoạn đường lân cận. Đường Phan Đăng Lưu, Lê Thanh Nghị, Trường THPT Nguyễn Hiền và Trường tiểu học Phan Đăng Lưu bị ngập vì nước trong tuyến cống tây nam Hòa Cường khó thoát ra sông Hàn.
Trạm bơm chống ngập khu vực đường Trương Chí Cương phải “chờ” ngập đường Nguyễn Xuân Nhĩ thì mới có nhiều nước chảy băng qua đường Thăng Long và tràn vào bể hút để bơm. Các cửa xả của trạm bơm chống ngập ở đường Yên Khê 2 dễ bị ngập khi nước sông Phú Lộc dâng lên nên vận hành kém hiệu quả gây ngập sâu đường Trần Cao Vân, Kỳ Đồng... Các cửa thu nước mưa trên mặt đường Quang Trung dễ dàng bị đất, cát... bồi lấp nên nước mưa chậm thoát xuống cống. Nhiều cửa thu, mương thu, cống thoát nước có đường ống cấp nước, cáp quang băng ngang gây cản trở thoát nước...
Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho biết: “Việc nạo vét, khơi thông thoát nước được tập trung triển khai trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Nhiều điểm ngập không sâu như ngày 14-10-2022, chủ yếu là ở các nút giao thông có cao trình bị gãy, trũng. Nhưng hệ thống thoát nước trên các tuyến đường cũ như: Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu... đã xuống cấp và hạn chế khả năng thu nước mưa trên mặt đường xuống cống”.
Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Hồ Thuyên nhìn nhận, khu vực kiệt 251 Thái Thị Bôi bị ngập sâu 1,2m do tuyến cống liên phường thi công chưa hoàn thành nên thoát nước rất chậm. Tương tự, kiệt 96 Điện Biên Phủ cũng bị ngập sâu. Quận phối hợp Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng huy động một máy bơm lưu động để hút nước, giảm ngập ở 2 kiệt này. “Do mực nước sông Phú Lộc dâng cao nên việc vận hành trạm bơm chống ngập ở đường Yên Khê 2 chưa hiệu quả. Khi mưa ngớt, mực nước sông Phú Lộc hạ xuống thì vận hành ngay trạm bơm này để thoát nước nhanh cho đường Trần Cao Vân, Kỳ Đồng...”, ông Hồ Thuyên nói.
Theo Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy, quận có nhiều khu dân cư đang chỉnh trang, giải tỏa chậm, chưa giải tỏa và nhiều khu vực chưa được đầu tư công trình thoát nước. Trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam gần như là bị ngập lụt trên diện rộng, một số khu vực vừa bị ngập sâu, vừa ngập lâu, có khu vực ngập sâu gần 2m. Đặc biệt là khu vực đường Mẹ Suốt, Đà Sơn, Khánh Sơn. Nước lớn gây chia cắt đường Hoàng Văn Thái; đường Tôn Đức Thắng đoạn qua khu vực đường Yên Thế và Bắc Sơn, cầu Đa Cô; đường Nam Trân nối với Bến xe trung tâm Đà Nẵng; đường Nguyễn Lương Bằng đoạn trước cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh...
Đường số 4 của Khu công nghiệp Hòa Khánh trở thành dòng nước chảy. “Qua khảo sát, hệ thống thoát nước trên địa bàn quận gần như quá tải. Nhiều hệ thống thoát nước đã được đầu tư từ rất lâu, hiện nay không đáp ứng được, đặc biệt là kênh thoát nước từ khu vực bãi rác Khánh Sơn bị hạn chế chảy ra sông Phú Lộc để ra biển, đường Hoàng Văn Thái bị ngập sâu cũng vì nước từ tuyến kênh này không thoát kịp. Bên cạnh đó, hệ thống kênh thoát nước qua cầu Đa Cô không bảo đảm, gây ngập sâu cầu đến 1m. Một số khu vực của phường Hòa Khánh Bắc chưa có hệ thống thoát nước, khi mưa xuống thì hệ thống thoát nước trên đường số 4 của Khu công nghiệp Hòa Khánh chưa bảo đảm...”, ông Nguyễn Đăng Huy nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ nêu thực tế: “Do nước từ phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) chảy về phía quận Cẩm Lệ nên có hiện tượng nước trào ngược từ dưới cống dọc đường Yên Thế và Bắc Sơn lên trên mặt đường. Nước trong tuyến cống này không thoát được nên trong thời gian đến, cần phải có giải pháp xử lý thoát nước ở trong tuyến cống này”.
Khắc phục ngập úng trước mắt và lâu dài
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc triển khai xử lý ngập úng ở khu vực Khe Cạn, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) đang gặp vướng mắc vì nhiều hộ đã xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa thống nhất giải tỏa, do không được bố trí tái định cư bằng đất (theo quy định của Luật Đất đai, chỉ đất ở mới được bố trí đất tái định cư). Việc chậm thực hiện di dời ga Đà Nẵng cùng hệ thống đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố cũng khiến Đà Nẵng gặp khó khăn trong triển khai đầu tư hoàn thiện, khớp nối cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư, khớp nối các tuyến cống thoát nước ở quận Thanh Khê và Liên Chiểu.
Ông Nguyễn Đăng Huy cho biết, quận Liên Chiểu đang rà soát các khu vực ngập sâu để báo cáo, đề xuất UBND thành phố xử lý ngập úng. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp các sở, ban, ngành khảo sát, đánh giá lại hệ thống thoát nước trên địa bàn quận và có hướng quy hoạch hợp lý hệ thống thoát nước. Còn ông Lê Tự Gia Thạnh đề nghị: “Về lâu dài, Sở Xây dựng cần báo cáo, đề xuất thành phố triển khai cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước các tuyến nội thị như: Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm... và có giải pháp xử lý thoát nước từ khu vực sân bay Đà Nẵng nói chung, hồ Ba Sen Vàng nói riêng”.
Đối với các khu vực ngập sâu dọc theo các hướng thoát nước chính từ sân bay Đà Nẵng đổ ra, gồm: khu vực dọc kênh Phần Lăng, đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê); bàu Gia Hạ, kênh Phong Bắc, đường Nguyễn Nhàn (quận Cẩm Lệ); dọc tuyến cống tây nam Hòa Cường và từ hồ Ba Sen Vàng ra đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu)..., Sở Xây dựng đang phối hợp sở, ban, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chống ngập khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng (cải tạo các hồ trong sân bay, bổ sung các tuyến cống thoát nước), xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn tại vị trí qua kênh Phong Bắc (quận Cẩm Lệ).
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để giải dần bài toán ngập lụt đô thị diện rộng, thành phố cần tập trung mở rộng các nút “thắt cổ chai” của các hướng thoát nước như: cầu Đa Cô, cống trên đường Tôn Đức Thắng của tuyến cống dọc đường Yên Thế - Bắc Sơn; cống Lò Vôi trên đường Cách mạng Tháng Tám; cống qua đường Điện Biên Phủ của kênh Phần Lăng; cầu qua đường Trường Chinh ở gần cầu vượt Hòa Cầm...; nghiên cứu, mở rộng một số cống, cầu trên tuyến đường sắt đoạn qua quận Thanh Khê và Liên Chiểu.
Cùng với đó, thành phố cần khắc phục việc dẫn nước thoát quá xa, quá dài, mà phải mở các cửa xả gần nhất cho nước nhanh thoát ra các sông, kênh, cống và lắp đặt thêm các cửa phai, trạm bơm để bơm cưỡng bức cũng như hạn chế tác động của triều cường, khắc phục hiện tượng nước trào ngược. Ngoài ra, để giảm ngập lụt đô thị Đà Nẵng, việc vận hành hạ thấp các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia cần được tính toán, thực hiện sớm hơn, ít nhất là hoàn thành trước 20-24 giờ so với thời điểm hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn hoặc xuất hiện đỉnh triều cường để phối hợp vận hành hiệu quả hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm chống ngập...
Ngày 17-10, kiểm tra tình trạng ngập do mưa lớn tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị: “Thành phố phải có chiến lược để thoát nước nhanh, chấp nhận bơm cưỡng bức ở một số chỗ. Nguyên tắc của chống ngập lụt đô thị là không để nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp rồi bơm cưỡng bức, mà trũng ở đâu thì phải thoát ngay ở đó. Tức là phải có hệ thống bơm phân tán. Chúng tôi sẵn sàng có mặt để cùng các đơn vị liên quan trao đổi, bàn một số giải pháp cụ thể về chống ngập lụt đô thị cho thành phố từ góc nhìn thủy lợi”.
HOÀNG HIỆP