Xã hội

Nguy hiểm từ thiết bị phá, nhiễu sóng vô tuyến

08:06, 16/11/2023 (GMT+7)

Mặc dù theo quy định, chỉ các cơ quan chuyên trách, chuyên môn của Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mới được phép sử dụng các thiết bị phá sóng, kích sóng..., tuy nhiên trên thị trường, các sản phẩm này được mua bán khá phổ biển, khách hàng có thể tìm thấy ở bất cứ cửa hàng trên nền tảng trực tuyến hoặc liên hệ trực tiếp tại các điểm kinh doanh đồ điện tử.

Các thiết bị gây nhiễu, phá sóng rất nhỏ gọn với giá thành rẻ đang là nỗi lo của chính quyền, người dân. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Các thiết bị gây nhiễu, phá sóng rất nhỏ gọn với giá thành rẻ đang là nỗi lo của chính quyền, người dân. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Theo đó, các mặt hàng, thiết bị phá, nhiễu sóng, khuếch đại sóng được rao bán với giá từ 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm. Qua tìm hiểu, tại một cửa hàng kinh doanh đồ điện tử trên đường Tôn Đức Thắng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), người bán hàng giới thiệu một số sản phẩm có công dụng phá, khuếch đại, làm nhiễu sóng trên thị trường với giá từ 100.000 - 400.000 đồng/thiết bị.

Người bán quảng cáo thiết bị có công dụng khuếch đại, phá sóng những thiết bị sử dụng bước sóng ngắn như dàn karaoke, ti-vi… với thời gian từ vài chục giây tới vài phút, phạm vi hoạt động từ 50-100 mét; đồng thời, cam kết có thể phá gần như các bước sóng đơn giản mà không bị lộ, đổi được cả tên và mật khẩu của thiết bị, dễ sử dụng. Ngoài mua trực tiếp tại cửa hàng, có thể tìm kiếm trên các trang thương mại điện tử trong nước, quốc tế.

Nhiều thiết bị mới có khả năng phá, điều khiển nhiều loại thiết bị tần số vô tuyến như điện thoại, máy tính bảng, chìa khóa xe.... có tên Flipper Zero hay Rubber Ducky được nhiều người biết và đặt mua trên mạng xã hội, trang thương mại trực tuyến với giá từ 4-7 triệu đồng/thiết bị. Những thiết bị này được sử dụng để làm hỏng, chiếm quyền sử dụng điện thoại thông minh, sao chép chìa khóa từ, mở cửa cuốn qua cơ chế xâm nhập vào bluetooth hay tần số vô tuyến để thực hiện điều chỉnh thực hiện các hành vi phạm tội.

Bên cạnh việc gây nhiễu, những thiết bị phá sóng các thiết bị điện tử còn gây ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông, thiết bị điện dân dụng. Anh Nguyễn Viết Nhân (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) bày tỏ, tháng 9 vừa qua, ti-vi thông minh của anh không thể liên kết với điện thoại và bị điều khiển bởi một ai đó. Khi anh mang ra hãng để bảo trì thì được biết nguyên nhân từ việc bị chặn kết nối từ thiết bị khác.

Ngoài ti-vi, anh Nhân còn bị mất kết nối với nhiều thiết bị gia đình khác như điều hòa, quạt hơi nước… Anh rất bức xúc vì liên tục bị quấy rối nên đã phải ngắt hẳn các thiết bị điện tử, đồ gia dụng để tránh bị làm phiền. Anh cũng mong muốn việc quản lý, giám sát, kiểm soát đối với các sản phẩm sử dụng, tác động đến tần số vô tuyến phải chặt chẽ hơn tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ông Võ Quang Sơn, Phó trưởng Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, các thiết bị thu, phát, phá, khuếch đại tín hiệu có thể gây can, nhiễu sóng quanh khu vực, ảnh hưởng tới trạm thu phát sóng của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất công cộng. Việc mua bán các thiết bị không bảo đảm kỹ thuật, không hợp chuẩn, hợp quy dễ dàng tại nhiều cửa hàng điện tử dẫn đến khi đưa vào sử dụng gây can nhiễu đến hệ thống, mạng thông tin vô tuyến điện đã được cấp phép, đặc biệt là ảnh hưởng đến mạng di động hoặc gây hoang mang trong người dân và xã hội. Để tránh bị khai thác các lỗ hổng, người dân nên tắt kết nối bluetooth với các thiết bị công nghệ, kết hợp khóa từ với cách thủ công để không bị xâm nhập, phá sóng.

Còn ông Trương Công Hạnh, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, các thiết bị sử dụng tần số muốn lưu hành phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và khai thác, nếu sản phẩm đạt các yếu tố trên sẽ được cấp chứng nhận hợp quy chuẩn.

Hiện những can, nhiễu sóng khó có thể phát hiện thông qua hệ thống kiểm soát mà phụ thuộc vào phản ánh từ người dân. Vì vậy, trung tâm khuyến nghị người dân và các tổ chức khi mua thiết bị sử dụng tần số thì nên mua sản phẩm có chứng nhận hợp quy trên vỏ hộp hoặc thân máy. Thực tế, không được kinh doanh, sử dụng các thiết bị can, nhiễu sóng bằng bất cứ hình thức nào; nếu vi phạm sẽ bị truy tố theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, trung tâm sẽ giám sát, phối hợp thường xuyên với các lực lượng chuyên trách thực hiện hiệu quả quá trình kiểm tra, xử lý các nhóm đối tượng, cá nhân lợi dụng thiết bị, sản phẩm công nghệ cao để thực hiện mục đích phạm tội, gây rối, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Mặt khác, trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền đến các sở, ban, ngành, quận, huyện… cảnh giác với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, tổ chức, chính quyền.

​​​​​​​Theo thống kê từ Cục Vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phát hiện và xử lý ít nhất 7 vụ vi phạm sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. Những thiết bị kích sóng này gây nhiễu có hại mạng viễn thông di động công cộng, người sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng và tịch thu phương tiện thực hiện.

CHIẾN THẮNG

.