Xã hội
Nhật Bản hỗ trợ xây dựng thành phố môi trường
Chính quyền Yokohama, thành phố môi trường tiêu biểu của Nhật Bản cùng Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật giúp Đà Nẵng xây dựng thành phố môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng.
Các địa phương của thành phố Đà Nẵng áp dụng mô hình học tập về quản lý chất thải rắn của thành phố Yokohama (Nhật Bản). Ảnh: PV |
Thí điểm và nhân rộng mô hình
Thực hiện kế hoạch của UBND quận Hải Châu về việc triển khai thực hiện cuộc vận động 3 hơn “Sạch đẹp hơn; an toàn hơn; văn minh, lịch sự hơn” trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương đã thực hiện, hưởng ứng thu gom rác thải tại nguồn; đồng thời xây dựng, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các nhân đối với công tác bảo vệ môi trường.
Từ ngày 26-2-2021, phường Hòa Thuận Tây bắt đầu triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện mô hình thu đổi dầu ăn đã qua sử dụng tại các hội, đoàn thể, khu dân cư. Theo đó, phương thức tổ chức phân loại, xử lý dầu ăn đã qua sử dụng trải qua 4 bước là: tự phân loại, thu gom, thu đổi, tái chế. Gần đây, với sự hỗ trợ của thành phố Yokohama, IGES và JICA, phường đã đẩy mạnh hoạt động thu mua, tái chế dầu ăn đã qua sử dụng.
Ông Võ Lê Anh, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây cho biết, tỷ lệ người dân tham gia thu đổi dầu đã qua sử dụng đạt hơn 60% tại 4 cụm khu dân cư từ tổ 1 đến 11; tổ 12 đến 22; tổ 23 đến 35; tổ 36 đến 52. Qua vận động, đã có hơn 50% bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống tham gia vào mô hình thu gom này. Lượng dầu ăn đã qua sử dụng được thải ra ngoài môi trường gây bít tắc hệ thống cống thoát nước đã được giải quyết. Sắp tới, phường sẽ mở rộng phạm vi đối tượng đối với các quán ăn đường phố, nhà hàng, bếp ăn tập thể khi đây là nhóm đối tượng sử dụng lượng dầu ăn lớn để chế biến thực phẩm và khó quản lý.
Với sự hỗ trợ của thành phố Yokohama và IGES, JICA, cuối năm 2022, phường Nam Dương (quận Hải Châu) bắt đầu tìm hiểu, chuẩn bị cho việc thực hiện mô hình thí điểm phân loại, thu gom thực phẩm thừa. Vào tháng 6-2023, sau khi hoàn tất sự chuẩn bị, phường Nam Dương bắt đầu áp dụng mô hình thu gom thực phẩm dư thừa áp dụng trên dọc tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng theo khung giờ từ 9 giờ 30 đến 12 giờ hằng ngày.
Ông Nguyễn Phúc Bảo Nam, Chủ tịch UBND phường Nam Dương cho hay, phường đã phối hợp với đơn vị tài trợ dự án trao 200 thùng chứa thực phẩm cho người dân và đơn vị tham gia. Tính đến cuối tháng 10-2023, số hộ tham gia chuyển giao rác thải thực phẩm thường xuyên khoảng 8-10 hộ/ngày (khoảng 50 kg/ngày). Cùng với đó là sự tham gia của các cơ sở trường học như Trường mầm non Hoa Ngọc Lan, Trường tiểu học Hùng Vương, với tổng khối lượng thu gom từ 7 thùng/ ngày (khoảng 140 kg/ngày). Các sản phẩm sau khi được thu gom sẽ được vận chuyển đến trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam).
Áp dụng kinh nghiệm cho địa phương
Cách đây 5 năm, dự án Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế tại Đà Nẵng (giai đoạn 1) đã được thực hiện thành công với sự hợp tác hiệu quả giữa hai thành phố, sự hỗ trợ kỹ thuật của thành phố Yokohama, IGES và JICA với nhiều mô hình lan tỏa trong cộng đồng ở 2 quận Hải Châu, Thanh Khê và làm cơ sở để UBND thành phố Đà Nẵng quyết định triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến năm 2025. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 của dự án, thành phố Yokohama tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn để sớm đáp ứng các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, giai đoạn 2 của dự án là “Hợp tác với kinh nghiệm quản lý chất thải rắn thành phố Yokohama (D-3RYM) giai đoạn 2022-2025” đã và đang được triển khai tại Đà Nẵng nhằm tăng cường hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị từ phân loại rác tại nguồn đến xử lý và tuần hoàn tài nguyên bền vững. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đặng Quang Vinh cho rằng, chính quyền thành phố Yokohama, IGES, JICA tại Việt Nam cùng các đối tác đã hỗ trợ Đà Nẵng trong triển khai nghiên cứu các dự án quan trọng, nhất là về lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thời gian qua, góp phần thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2008-2020 và 2021-2030.
“Hợp tác kỹ thuật về phát triển bền vững giữa Yokohama và Đà Nẵng là một trong những chương trình hợp tác song phương thành công của thành phố. Thời gian qua, Đà Nẵng đã có những hoạt động thiết thực để triển khai nội dung hợp tác và đạt nhiều kết quả rất khả quan; quan hệ hợp tác giữa hai thành phố phát triển rất phong phú về nội dung, có tác động hiệu quả và lâu dài”, ông Vinh nhấn mạnh.
Tháng 9-2023 vừa qua, tại thành phố Yokohama đã diễn ra chương trình khai mạc khóa tập huấn về quản lý chất thải rắn cho đại diện các đơn vị, địa phương thực hiện dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Đà Nẵng đã học tập kinh nghiệm, tập huấn về công tác quản lý chất thải rắn tại Yokohama; đoàn cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị, địa phương của Đà Nẵng trao đổi về tiến độ thực hiện giai đoạn 2 của dự án nói trên và tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng thị trấn sinh thái Kawasaki; tái chế dầu ăn thừa để sản xuất xà phòng; kỹ thuật ủ phân theo phương pháp Takakura; phương pháp trộn đất và ủ phân tại quận Seya; tái chế dầu ở thành phố Saga; tái chế rác thải thực phẩm dành cho doanh nghiệp tại J Bio Food Recycle… Những kinh nghiệm học tập sẽ được áp dụng hợp lý vào thực tế địa phương nhằm đem lại hiệu quả nhất định trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển thành phố theo hướng bền vững.
D.NHƯ - C.THẮNG