Xã hội
Tết an vui, lành mạnh
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Đà Nẵng đón hơn 402.000 lượt du khách đến đón giao thừa, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Thành phố đã chăm lo Tết chu đáo; nhân dân thành phố đón năm mới Giáp Thìn trong không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh.
Người dân Đà Nẵng và du khách đón năm mới Giáp Thìn trong không khí vui tươi, phấn khởi, lành mạnh. Ảnh: THU DUYÊN |
Hơn 402.000 lượt khách tham quan, du lịch Đà Nẵng
Với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Đà Nẵng vẫn là điểm đến được du khách trong nước và quốc tế yêu thích lựa chọn. Theo thông tin từ Sở Du lịch, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn ước đạt khoảng 402.000 lượt khách, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 177.000 lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng.
Cập nhật thông tin từ Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng và các hãng hàng không, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 29 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng), có 777 chuyến bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng (bình quân mỗi ngày có 58 chuyến bay nội địa và 53 chuyến bay quốc tế). Bên cạnh đó, có 3 chuyến tàu du lịch biển cập cảng Tiên Sa mang 3.400 khách đến tham quan thành phố.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương nhìn nhận, việc đón các chuyến bay, tàu du lịch biển với nhiều du khách xông đất Đà Nẵng cũng như đến ăn Tết, du xuân ở Đà Nẵng là tín hiệu tích cực mang đến kỳ vọng du lịch Đà Nẵng sẽ có nhiều khởi sắc và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, lượng khách đi du lịch theo tour trong dịp Tết Nguyên đán tăng hơn dịp Tết Dương lịch do thời gian nghỉ dài ngày. Khách quốc tế chủ yếu là từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Mỹ, Úc... Một số khu điểm du lịch đón lượng khách lớn trong dịp này như Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đón hơn 82.000 lượt khách (tăng 8%); Công viên châu Á đón gần 35.000 lượt khách (tăng 16%); Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đón gần 40.000 lượt khách (tăng 31%); bán đảo Sơn Trà đón hơn 70.000 lượt khách (tăng 57%); Công viên nước Mikazuki đón gần 11.000 lượt khách (tăng hơn 50%); Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón gần 8.000 lượt khách (tăng 44%)…
Lượng khách mua sắm ổn định
Trước tình hình du khách đến Đà Nẵng đông, nhiều tiểu thương chợ Hàn mở hàng phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách quốc tế từ mồng 1 Tết. Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Quản lý chợ Hàn cho hay, chợ Hàn chuyên phục vụ du lịch nên lưu lượng du khách đến chợ luôn ổn định. Những ngày giáp Tết, mỗi ngày, chợ đón khoảng 3.000 lượt người/ngày ra, vào chợ. Giá cả các mặt hàng ổn định, không tăng đột biến.
Từ mồng 2 Tết, một số trung tâm thương mại, siêu thị đã mở cửa hoạt động trở lại. Quyền Giám đốc Siêu thị Go! Đà Nẵng Cao Thị Chín, cho biết, trong những ngày Tết, mỗi ngày siêu thị đón khoảng 3.500-4.000 lượt khách đến mua sắm, vui chơi, giải trí. Để bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu của khách hàng, các mặt hàng rau, củ, quả, thịt tươi sống luôn được siêu thị nhập hằng ngày.
Tại các chợ truyền thống, các tiểu thương cũng bắt đầu kinh doanh trở lại trong sáng mồng 2 Tết, chủ yếu là các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả... Nhìn chung, sức mua của người dân không cao do đã có sự chuẩn bị từ trước Tết. Một số mặt hàng như thịt tươi sống, trái cây, trầu, cau, hoa… tăng giá nhẹ do nhu cầu lễ lạt đầu năm của người dân tăng cao.
Trong khi đó, tại cảng cá Thọ Quang, số lượng tàu, thuyền cập bến trong những ngày Tết rất ít, sản lượng hải sản tại chợ không nhiều và đa dạng như thời điểm trước Tết. Anh Võ Chí Công (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu), một tiểu thương thu mua hải sản tại chợ cho hay, mồng 4 Tết được xem là ngày tốt nên anh đã đến cảng để thu mua mực câu tay, cá khô.
Tại đây, đa phần ngư dân tập trung kiểm tra máy móc, ngư cụ như lưới, đá lạnh, xăng dầu… và nhu yếu phẩm để sẵn sàng cho chuyến vươn khơi bám biển đầu xuân. Anh Nguyễn Văn Hải (trú tỉnh Quảng Bình), chủ tàu cá QB 92993TS cho biết, để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt đầu năm, tàu của anh đã chuẩn bị khoảng 3 tấn dầu, 2 tấn đá và nhu yếu phẩm cho 6 người để có thể ra biển trong tầm 7 ngày. “Mong chuyến biển đầu tiên của năm Giáp Thìn sẽ thuận lợi, mở màn một năm bội thu từ lộc biển”, anh Hải chia sẻ.
Du khách nước ngoài tham gia chương trình “Hái lộc đầu xuân” trong ngày mồng 1 Tết. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Bảo đảm môi trường, hạ tầng đô thị
Trong những ngày Tết, dù mực nước sông Yên và Vu Gia hạ thấp làm độ mặn của sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ gia tăng gần 1.200mg/l, cao gấp 4 lần quy chuẩn cho phép, song Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã vận hành hệ thống trạm bơm phòng mặn tại An Trạch, bảo đảm cấp nước sinh hoạt an toàn cho thành phố. Cùng với đó, Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng đã vận hành Nhà máy nước Hòa Liên cấp nước sạch an toàn, ổn định vào mạng lưới cấp nước sạch của thành phố.
Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng Trần Văn Dũng cho biết, đơn vị đã phân lịch trực, hoạt động liên tục 3 ca trong những Tết, bảo đảm chất lượng và sản lượng nước cấp cho thành phố. Đơn vị cũng đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho toàn thể viên chức phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát công tác duy trì, chăm sóc cây xanh và giám sát duy trì vận hành hệ thống điện chiếu sáng công cộng phục vụ Tết và theo dõi, giám sát đấu nối tạm nguồn điện của hệ thống trang trí hoa, điện chiếu sáng phục vụ Tết.
Theo Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, trong hai ngày mồng 2 và 3 Tết Giáp Thìn, các xí nghiệp trực thuộc công ty vẫn tổ chức trực, duy trì vệ sinh đường phố và thu gom rác trên một số tuyến đường chính, khu vực công cộng, bãi biển với khối lượng rác thu gom được 248 tấn. Từ sáng mồng 4 tháng Giêng, công ty đã huy động toàn bộ công nhân cùng 90 phương tiện cơ giới ra quân vệ sinh đường phố, bãi biển và thu gom rác sinh hoạt trở lại với khối lượng 1.400 tấn rác. Công ty phấn đấu đưa hoạt động thu gom rác thải và vệ sinh đô thị trở lại bình thường từ ngày 15-2 (mồng 6 tháng Giêng).
Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng về tình hình trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn (từ ngày 8-2 đến 13-2-2024), nhìn chung, công tác chuẩn bị, phục vụ, chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn thành phố được thực hiện chu đáo. Nhân dân thành phố đón mừng năm mới Giáp Thìn 2024 trong không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm. Lượng hàng hóa dự trữ đầy đủ, phong phú.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân và các gia đình chính sách được quan tâm. Các hoạt động, sự kiện, lễ hội được tổ chức tốt, đáp ứng yêu cầu của người dân và du khách. Công tác ứng trực, duy trì vệ sinh và bảo đảm cảnh quan môi trường được tăng cường. Thành phố đã thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và an toàn thực phẩm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được giữ vững trong thời gian trước, trong và sau Tết.
THÀNH LÂN - THU HÀ - VĂN HOÀNG - HOÀNG HIỆP
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, công việc ngay từ đầu năm Cùng với đó, có kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện bảo đảm phục vụ tốt các nhu cầu của nhân dân, không để xảy ra sự cố mất điện, mất nước sinh hoạt, gián đoạn thông tin liên lạc; bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị đón Tết; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết , bảo đảm an toàn, thông suốt... Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng thành phố tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trong dịp Tết. Tình hình thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, không có biến động lớn. Công tác chăm sóc gia đình chính sách, các đối tượng xã hội trong dịp Tết được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt. Thành phố thăm và tặng quà cho hơn 156.000 lượt người thuộc các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, có hoàn cảnh khó khăn... với tổng trị giá 116,92 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 7,67 tỷ đồng, ngân sách thành phố 93,26 tỷ đồng...). Lãnh đạo thành phố đi thăm, chúc Tết các đơn vị trực Tết gồm: các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thành phố, môi trường, giao thông, điện lực, cấp nước, thông tin và truyền thông, chiếu sáng... Đồng thời, thăm các cơ quan, đơn vị trực và làm việc trong đêm giao thừa, nhất là thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động làm việc trực tiếp tại hiện trường. Toàn thành phố bố trí 15 vị trí trang trí hoa Tết và 6 vị trí trang trí điện chiếu sáng với kinh phí hơn 19 tỷ đồng được thiết kế công phu, mang tính mỹ thuật cao, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại... Công tác xã hội hóa trang trí hoa và điện chiếu sáng được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 500 triệu đồng. Công tác trang trí, tuyên truyền phục vụ Tết tại các quận, huyện có trọng tâm, trọng điểm, nhất là quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà và có một số hình thức mới như: điểm check-in; đoạn đường hoa; trang trí đèn, hoa tại khu dân cư, kiệt, hẻm..., tạo mỹ quan đẹp và không khí vui tươi trong những ngày Tết. Sau kỳ nghỉ Tết, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ; các nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố ; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước và chủ đề năm 2024 “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, công việc theo chương trình công tác đã đề ra từ đầu năm, bảo đảm tiến độ, thời gian và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố... HOÀNG HIỆP |