Báo Xuân 2024
Ba lần vào Đà Nẵng
Đang học tú tài Trường Quốc học Huế, năm thứ ba, ông Hồ Nghinh bị Tây bắt bỏ tù vì tham gia bãi khóa đòi ân xá Phan Bội Châu, tham gia truy điệu Phan Châu Trinh... Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Ông bị giam tù 2 năm. Con nhà Nho, học Tây, ông tham gia đánh Mỹ.
Ảnh: THANH QUỲNH |
Thi hành Hiệp định Genève, tháng 7-1954, tổ chức phân công ông ở lại miền Nam hoạt động công khai, dưới vỏ bọc Bí thư Đảng bộ Đảng xã hội Quảng Nam. Sau khi anh em thuê được căn phòng, treo bảng Cơ quan Đảng xã hội Quảng Nam, ông xuống Tam Kỳ. Vừa đến Tam Thái thì xảy ra vụ Nguyễn Viết Liệu. Trưởng ban Tài mậu Nguyễn Viết Liệu đã vào Quy Nhơn chờ đi tập kết thì Khu ủy 5 điều về, ra công khai. Đang cùng ông Hồ Nghinh xuống Tam Kỳ, bị bọn ngóc đầu dậy đón lại hỏi giấy tờ. Ông Hồ Nghinh đi sau, biết chuyện không lành, ông liền lách vào xóm, thoát.
Chúng buộc Nguyễn Viết Liệu nói xấu Đảng. Thà chết không chịu nhục, nhưng chưa nghĩ ra, làm sao chết, khi bị trói cắp ké giữa chợ Cẩm Khê. Hoãn binh chi kế. Ông nói tao đói, ăn no mới chửi Cộng sản được. Chúng đem đến một tô mì Quảng, cởi trói. Bưng tô mì, ông nói, mì chi không có ớt. Tên đưa mì nói có ớt đó. Ông nói, ớt chi không cay. Ớt thiệt cay ăn mì mới ngon. Miệng nói, mắt nhìn quầy bán thịt heo, bất ngờ, ông chồm tới, chụp con dao phay của bà bán thịt, mổ bụng, moi ruột ra, hô lớn Hồ Chủ tịch muôn năm. Đảng Cộng sản muôn năm! Cả chợ Cẩm Khê như ong vỡ tổ. Một cụ già nhà gần chợ, nói: Đúng là Cộng sản, thật là anh hùng!
Ông Hồ Nghinh rời Tam Kỳ, theo đường kiệt, băng đồng, lội bộ ra đến Điện Tiến thì gặp đám thanh niên tự vệ bắt trói… May quá, gặp Tưởng Cơ - cán bộ xây dựng căn cứ của Tỉnh ủy giải vây, đưa ông tìm gặp ông Võ Văn Đặng là thành viên Ủy ban Liên hiệp Giám sát đình chiến, dàn xếp đưa ông qua bên kia sông Bến Hải… Năm 1956, theo yêu cầu của Pháp, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa cử hai sĩ quan tham gia tìm mộ lính Pháp. Ông Hồ Nghinh được cử vào đoàn, bay vào Đà Nẵng.
Khi có Hiệp định Genève, ông Phạm Đức Nam là Trưởng kho thóc Quảng Nam. Rời cảng Quy Nhơn đi chuyến tàu gần cuối cùng đến Hà Nội vào ngày 10-4-1955, chưa được thấy Bác Hồ, thì ngày 10-5-1955, ông nhận lệnh tham gia trong Ủy ban Liên hiệp Giám sát đình chiến. Sáng 15-7-1955, máy bay chở đại úy Phạm Đức Nam hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Ông Hồ Nghinh đeo lon đại tá, đang ngồi nói chuyện với trung úy Combre, người Pháp, thấy ông Phạm Đức Nam đi vào, liền đứng dậy vẫy tay, hai người bên nhau cùng trung úy Combre về khách sạn Moran.
Sau mấy tháng Chính phủ Pháp thấy Ủy ban Quốc tế Giám sát đình chiến không hoạt động được và việc đi tìm mộ lính Pháp tử trận trong cuộc xâm lược không có kết quả, tay sai của Thủ tướng Ngô Đình Diệm - con bài của Mỹ, làm khó dễ, không cho đoàn đi dạo thành phố, sống như bị giam lỏng, chúng luôn cho côn đồ kéo đến trước khách sạn nói tục, hô đả đảo Cộng sản…
Thấy Diệm bất hợp tác, Chính phủ Pháp đơn phương dẹp cái vụ đi tìm mộ. Lẽ nào làm thinh chịu đựng? Để ông Phạm Đức Nam trụ lại với trung úy Combre, ông Hồ Nghinh bay ra Hà Nội báo cáo tình hình. Ngày 15-10-1955, ông lại bay vào Đà Nẵng, gặp thời điểm Ngô Đình Diệm tổ chức “Trưng cầu ý dân”, truất phế Bảo Đại để giữ ghế tổng thống.
Tay sai Diệm lại cho tay chân đến trước khách sạn, hô đả đảo Cộng sản, ba chặp ném đất đá vào phòng của đoàn trong khách sạn. Chúng gây áp lực nhằm buộc đoàn vào ở trong sân bay Đà Nẵng, dù bị phản đối. Vào phi trường Đà Nẵng, chúng bố trí ở trong một căn phòng chật chội, lại phản đối, đòi có chỗ ở rộng, sạch sẽ, thế là chúng đưa đoàn qua ở trong một phòng nhỏ trong khu kho An Đồn, ở đây không còn lính Liên hiệp Pháp, toàn lính của Diệm. Sau gần hai năm, Ủy ban Liên hiệp Giám sát đình chiến không làm được gì. Tháng 1-1956, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đưa ông Hồ Nghinh, ông Phạm Đức Nam ở Đà Nẵng, cùng ông Phạm Hùng và đoàn Ủy ban quốc tế ở Sài Gòn về lại Hà Nội…
Tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, ban hành Nghị quyết 15. Ngày 6-5-1959, Ngô Đình Diệm ban hành luật số 10/59, đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém truy bắt, chém đầu Cộng sản nằm vùng. Tháng 7-1959, nhận lệnh về Nam, ông Hồ Nghinh nối liên lạc và vận động được 36 cán bộ người Quảng Nam - Đà Nẵng tập kết ra miền Bắc, cùng về Nam.
Chấp hành Nghị quyết của Khu ủy 5, hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tháng 11-1962, tại Nà Cau, xã Tiên Lãnh, quyết định chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà. Tại Nà Cau, đại biểu Cánh Nam - tỉnh Quảng Nam, tiến hành đại hội, bầu ông Phạm Tứ (Mười Khôi) làm Bí thư, ông Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương) làm Phó Bí thư.
Ông Hồ Nghinh dẫn đoàn Quảng Đà, rời Nà Cau, leo núi, lội suối, đội mưa, bốn ngày trời, ra đến làng Bền, thuộc xã Sông Côn, huyện Bến Hiên. Đại hội bầu ông Hồ Nghinh làm Bí thư; ông Trần Thận, Phó Bí thư trực Đảng; ông Phạm Đức Nam, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Đà.
Ảnh: THANH QUỲNH |
Mở chiến dịch lịch sử Xuân Mậu Thân 1968, phải trực, không phân công theo các mũi tiến công. Vậy mà, trưa 30 Tết, ông Hồ Nghinh quyết định một chuyến đột kích có thể gọi là táo bạo và hấp dẫn. Từ văn phòng tiền phương ở nhà chị Hai Á, Duy Trinh, ăn vội cơm trưa, không nghỉ, ông choàng thêm chiếc áo trắng ngoài cái áo màu xanh nâu, đội cái nón lá cũ, đi quá xế chiều, đến La Huân, Điện Thọ, ghé thăm bà Bác Sâm, bà Đội Cầu, xuống Quang Hiện, ghé thăm bà Cửu Trấu - là những bà mẹ nòng cốt của Đội quân tóc dài. Ghé thăm bà Hiếu - cán bộ đấu tranh chính trị thì gặp cúng rước ông bà.
Sau cơm chiều Ba mươi Tết, có cá rô chiên, thịt gà xé và canh môn nấu với xương heo. Một bữa ăn thân tình quân dân và ngon miệng. Ăn xong, ông chào bà con trong gia đình, bắt tay bà Hiếu, nheo mắt: Hẹn gặp nhau! Dừng hai giây, hé cười, nói tiếp: Trong thành phố, không phải trên núi nhé! Đóng vai nhà giáo, bỏ trong túi áo cái căn cước mang tên Hồ Hữu Phước, ông leo lên chiếc Go-ben, ôm lưng giao liên Hồ Miên, rời Quang Hiện, Điện Hòa, xuống chợ Thanh Quýt, theo quốc lộ 1…
Ba giờ chiều mồng Một Tết, Tư lệnh vùng Một chiến thuật, Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, ban bố lệnh thiết quân luật 24/24 toàn thành phố. Cô Mười Hoa kẹp tay đưa ông Hồ Nghinh rời nhà bà Thanh Hồng trên đường Độc Lập (nay là Trần Phú), qua nhà ông Lê Viết Dật, cách 400 mét. Ông bàn công việc với Hà Kỳ Ngộ. Gia đình vừa cúng ông bà, dọn bánh mứt, trà, thuốc mời hai vị khách đặc biệt.
Sau cuộc vui với gia đình, ông Hồ Nghinh và Hà Kỳ Ngộ đến nhà ông Nguyễn Văn Tâm, là khuôn Hội trưởng Phật giáo phường Thạc Gián, nhà ở đường Pasteur, đối diện sân vận động Chi Lăng. Ông Hồ Nghinh nhận được tin từ cơ sở: Thị trưởng Đà Nẵng ra lệnh truy nã thiếu tướng, Chính ủy Hồ Nghinh.
Sáng mồng Hai Tết, tại nhà ông Tâm, ông Hồ Nghinh chủ trì cuộc họp đột xuất, có mặt: Trần Thận, Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng. Năm Dừa đang cầm dùi rền vang tiếng trống Nam Ô, Mai Đăng Chơn và Đinh Châu đang bị trực thăng Mỹ vây, nện rốc két, bên kia sông Cẩm Lệ, Hồng Quang đang lội cát Nước Mặn qua Đa Phúc, mặc áo lương, đội khăn đóng, xách làn mây, có quà Tết như các cụ thăm sui gia, đi sau chị Ba Thi dắt con trâu, lội qua cánh đồng ven sông Cổ Cò…
Sau khi Sáu Hưng đặt lên giữa chiếc chiếu một bộ bài các-tê, ông Hồ Nghinh nhìn chào mọi người, giọng trầm: Hãy bảo toàn lực lượng! Ai có điều kiện, phương tiện rút ra khỏi thành phố thì tùy nghi! Chào chia tay. Giao liên thay nhau đưa ông Hồ Nghinh chuyển qua nhiều nhà cơ sở vẫn không thấy ổn. Chúng tung mật vụ lùng sục. Đến sáng sớm ngày thứ 17, ông Nguyễn Cầu sai con trai là Nguyễn Hồng Kỳ, lấy chiếc Mobilet, đưa ông đến nhà thầy giáo Trương Văn Thông. Thầy Thông lấy Vespa Italy đèo ông chạy vòng vèo, tránh các chốt gác mới mọc, thoát lên quốc lộ 1 thì gặp đoàn xe Mỹ chạy vào. Thầy lượn, lách, chạy lọt giữa đoàn xe, đến chợ Mới Ba xã. Du kích Điện Ngọc ra đón, ông Nghinh bắt tay thầy Thông, cười: xe Mỹ hộ tống giáo sư chở Chính ủy Việt cộng! Ông vẫy tay: Về an toàn nghe.
Vừa đến làng Ngân Câu, Điện Ngọc, gặp lính Mỹ đi càn, ông phải rúc hầm bí mật. Ba đêm sau, cô Sáu Rổ mới liên lạc được về trên. Thường trực Tỉnh ủy cử một trung đội bảo vệ xuống, chia làm 3 tổ, phục dọc đường số 1, đón ông Hồ Nghinh. Khoảng 12 giờ đêm, du kích Điện Ngọc đưa ông lên đến bụi tre mép đường số một, đoạn qua chợ Thanh Quýt, thì gặp tổ bảo vệ của Nguyễn Đình Phùng đón.
Nguyễn Đình Phùng áp theo bên ông đêm ấy kể lại: Mỗi khi nghe tiếng đại bác đề pa thì lắng tai nghe, có tiếng rít gần thì kéo ông nằm bẹp xuống đất, ba bảo vệ nằm đè lên người ông… Hết pháo, kéo ổng dậy, chạy. Lúc chạy, ổng vừa thở dốc, nói: Pháo đâu không trúng chứ bay đè tau tức cái ngực quá!
Bảy năm sau, vào lúc 5 giờ sáng ngày 28-3-1975, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận rời Đá Béo - Hòn Tàu ra Điện Bàn. Cùng lúc, Phó Bí thư Phạm Đức Nam đi đón đoàn của Khu ủy 5, xuống núi Hòn Tàu, lội ra ngã Xuyên Trà… 17 giờ, ngày 29-3-1975, một buổi chiều đẹp trời, giữa mùa Xuân lịch sử, Trần Thận cùng Trần Hưng Thừa, Nguyễn Duy Hưng… lên hai ô-tô chạy ra ngã ba quốc lộ 1 - Tứ Câu - một ngã ba nối các xã Điện Hòa - Hòa Phước - Điện Ngọc, hai đoàn gặp nhau, bắt tay mừng, đón Bí thư Khu ủy 5, Võ Chí Công và Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy - Trưởng ban Dân vận - Mặt trận thành phố Hồ Nghinh vào Đà Nẵng!
HỒ DUY LỆ