Xã hội

Chủ động phòng, ngừa bệnh dại

08:25, 16/03/2024 (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh. Nhằm chủ động phòng ngừa, các địa phương tăng cường quản lý vật nuôi và vận động người dân thực hiện nghiêm việc tiêm phòng dại cho chó, mèo.

Từ đầu năm đến nay, tổ bắt chó thả rông của phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) đã bắt và xử lý 14 con chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm. Ảnh: KHÁNH NGÂN
Từ đầu năm đến nay, tổ bắt chó thả rông của phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) đã bắt và xử lý 14 con chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm. Ảnh: KHÁNH NGÂN

Chó, mèo thả rông ngoài đường

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, do đặc thù vườn bãi rộng, chó thường được hộ dân thả rông để trông vườn nên rất dữ và khó bắt. Năm 2023, xã tổ chức tiêm phòng cho 520 con chó, mèo. “Đối với những trường hợp chủ không quản lý được vật nuôi của mình, chúng tôi yêu cầu người dân đem bán hoặc cho để không ảnh hưởng đến nơi công cộng”.

Tương tự, tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang), hiện có 524 hộ nuôi chó, mèo với 793 con, trong đó, tập trung chủ yếu ở thôn Cồn Mong, Quá Giáng 2 và Trà Kiểm. Năm 2024, xã Hòa Phước phấn đấu tiêm phòng vắc-xin dại đạt 85% tổng đàn chó, mèo nuôi; theo dõi, quản lý được 95% số hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn và thành lập đội bắt chó, mèo thả rông.

Từ đầu năm đến nay, tổ bắt chó thả rông của phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) đã bắt và xử lý 14 con chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm. Hiện nay, phường có 259 hộ nuôi chó, mèo với hơn 430 con.

Ông Đinh Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây cho biết: “Nếu phát hiện các hộ nuôi để chó thả rông, không trông coi, không đeo rọ mõm, chưa tiêm phòng vắcxin, gây thương tích cho người, tổ bắt chó thả rông sẽ bắt về phường tạm giữ và lập biên bản xử phạt hành chính. Sau 48 giờ, chủ vật nuôi không đến nhận thì xem như chó vô chủ và bị xử lý theo đúng quy định”. Trong khi đó, UBND phường Chính Gián (quận Thanh Khê) cho biết, từ đầu năm đến nay, tổ bắt chó thả rông bắt và xử lý 2 trường hợp chó thả rông, không rọ mõm. Tổng số chó, mèo hiện nay trên địa bàn phường hơn 570 con.

Chủ động phòng ngừa

Theo kế hoạch, đầu tháng 4-2024 quận Thanh Khê triển khai việc tiêm phòng bệnh dại cho động vật nuôi. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công cho hay, để phòng ngừa dịch bệnh, quận tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết, biện pháp xử lý, phòng chống bệnh dại ở người và vật nuôi. Qua đó, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn xử lý y tế ban đầu và đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Vận động chủ vật nuôi có trách nhiệm đăng ký, khai báo với UBND phường việc nuôi chó, mèo; tiêm vắc-xin phòng bệnh dại theo quy định. Tương tự, từ ngày 19- 4 đến 19-5, huyện Hòa Vang tiến hành tiêm phòng bệnh dại cho động vật nuôi trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, thống kê đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn; triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh dại năm 2024 đạt tỷ lệ cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Đà Nẵng, để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại trong thời gian tới, Trung tâm đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận, huyện giám sát, hỗ trợ các điểm tiêm chủng vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại cho người dân trên địa bàn.

“Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Khi bị cắn, phải rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đưa người bị chó, mèo nghi dại cắn đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại”, bác sĩ Hóa khuyến cáo.

Số liệu thống kê đến chiều 13-3 của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vắc- xin và phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn.

Hướng dẫn, yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vắc-xin và phòng, chống bệnh dại; không để chó, mèo thả rông, khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh (đặc biệt đối với chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan thú y, y tế kịp thời thực hiện việc giám sát, cảnh báo và áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về các hộ nuôi chó, số chó nuôi, tiêm phòng vắc-xin bệnh Dại tại tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xã và tình hình bệnh dại lên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật (VAHIS).

Chỉ đạo tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật...

BT - theo Chinhphu.vn

KHÁNH NGÂN

.