Xã hội
Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục gia cố đập tạm trên sông Quảng Huế
ĐNO - Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa ban hành Công văn số 759/TNN-NTB ngày 28-3-2024 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam về hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc (về thủ tục) liên quan đến gia cố đập tạm trên sông Quảng Huế nhằm ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở vùng hạ du sông Vu Gia.
Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng công trình đập tạm trên sông Quảng Huế không thuộc trường hợp phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước thấy rằng, mục đích của công trình đập tạm trên sông Quảng Huế là điều chỉnh lượng nước về hạ du sông Vu Gia, không có hạng mục công trình khai thác, sử dụng nước.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 2 của Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 1-2-2023 của Chính phủ, công trình nêu trên không thuộc trường hợp phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư.
Việc gia cố đắp đập tạm trên sông Quảng Huế trước mắt để điều tiết tạm thời nhằm giảm nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn vùng hạ du sông Vu Gia là cần thiết và cần sớm được triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, các địa phương phải giám sát chặt chẽ quá trình thi công và vận hành, bảo đảm không gây sạt lở lòng, bờ và khả năng tiêu, thoát lũ của sông Quảng Huế.
Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đề nghị 2 địa phương rà soát, nâng cấp và sửa đổi quy trình vận hành công trình đập An Trạch. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam sớm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng công trình đập Quảng Huế để bảo đảm điều tiết nước linh hoạt cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn theo từng thời kỳ và nhu cầu sử dụng nước của từng địa phương.
Đồng thời, rà soát nâng cấp và sửa đổi quy trình vận hành công trình đập An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít và Hà Thanh cho phù hợp, tối ưu việc khai thác, sử dụng nước.
Cục Quản lý tài nguyên nước cũng cho rằng, vấn đề về điều tiết, tối ưu nguồn nước các sông Vu Gia, Thu Bồn, Quảng Huế,… để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước của 2 địa phương sẽ được cục tiếp tục xem xét trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Do độ mặn tăng cao tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng vận hành đóng các cửa phai thu nước trực tiếp tại sông Cẩm Lệ (hoạt động bằng cơ cấu trục vít). Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Được biết, trong những ngày qua, độ mặn sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ tăng cao, nhất là vào ngày 1-4 với 2 lần vượt ngưỡng 10.000mg/l (cao nhất là 10.346mg/l, gần sát ngưỡng lịch sử vào tháng 7-2015 do các hồ thủy điện bị kiệt nước).
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn gia tăng là lượng nước sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn nhiều do cửa điều tiết nước tại sông Quảng Huế bị lũ làm xói lở, hư hỏng, nhưng chậm được sửa chữa và gia cố, đắp cao thêm bằng bao cát.
Trước đó, vào ngày 29-2-2024, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn số 1051/UBND-SNN đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện khi điều kiện thực tế cho phép nhằm tăng lưu lượng nước về hạ du sông Vu Gia.
Từ ngày 29-2-2024, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai đắp đập tạm trên sông Quảng Huế. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
HOÀNG HIỆP