Xã hội

Đề xuất nhiều giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị

15:14, 11/05/2024 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 11-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam và Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hồng Tiến đồng chủ trì hội thảo khoa học đánh giá hiện trạng và đề xuất điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt thành phố Đà Nẵng.

, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam (trái) và Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hồng Tiến đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam (bên trái) và Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hồng Tiến đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Hội thảo được UBND thành phố tổ chức nhằm đánh giá hiện trạng cao độ nền; khả năng thoát nước đô thị thành phố Đà Nẵng; xác định nguyên nhân, tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố... Từ đó, đề xuất các giải pháp quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hiến kế của các nhà khoa học, các nhà quản lý về định hướng giải pháp quy hoạch cao độ nền nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng; tổng hợp, đề xuất các giải pháp để hoàn thành xây dựng đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị bảo đảm tiến độ, làm cơ sở triển khai kịp thời các dự án trọng điểm, ưu tiên khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam nhấn mạnh, là thành phố ven biển của miền Trung, Đà Nẵng đang đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, những năm gần đây, những trận mưa cực đoan xuất hiện ngày càng tăng. Đà Nẵng đã bị ngập nước trên diện rộng qua 2 đợt mưa lớn xảy ra vào tháng 10-2022 và tháng 10-2023, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tài sản của nhân dân.

Qua những đợt ngập nước, thành phố cũng đã thấy rõ được bất cập về cao trình nền và hệ thống thoát nước của thành phố.

Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.

Một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt mang tính ổn định lâu dài là hoàn thành xây dựng, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các quy hoạch liên quan (Quy hoạch chung, quy hoạch thoát nước thành phố...).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đối với nội dung dự thảo quy hoạch cao độ nền, thoát nước nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn thiện nội dung, giải trình cụ thể, làm cơ sở để hội đồng thẩm định của thành phố nghiệm thu đồ án quy hoạch này.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho rằng, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Đồ án thoát nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 31-1-2018, một số dự án đã và đang được triển khai thực hiện nhằm đáp ứng giải quyết thoát nước và tình trạng ngập úng của thành phố.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, một số nội dung trong quy hoạch vẫn chưa bắt kịp với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng của thành phố và hệ thống thoát nước mặt chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.

Trong giai đoạn gần đây (đặc biệt là trong năm 2022, 2023) tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan có cường độ lớn ngày càng nhiều, hầu như vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Các trận mưa lớn thường xảy ra tại thời điểm điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cao nên đã xảy ra tình trạng ngập úng trên diện rộng trên địa bàn thành phố.

Từ các cơ sở trên, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng tổ chức lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồ án quy hoạch được điều chỉnh sẽ xác định các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý và xác định cao trình xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể, các đường phố chính cấp đô thị có xét đến tác động biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng theo quy hoạch chung được duyệt.

Cùng với đó, xác định chỉ tiêu, thông số cơ bản, các lưu vực thoát nước; mạng lưới thoát nước cấp 1, cấp 2, kênh, hồ điều hòa và các nguồn tiếp nhận khác; vị trí, quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát chính; các giải pháp phòng chống thiên tai có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

Đồ án cũng xác định hành lang thoát lũ cho các sông trên địa bàn thành phố ứng với tần suất thiết kế 1%, 2%; xác định cao độ mức nước lũ của các sông ứng với tần suất lũ  1%, 2%, 5%, 10% với bề rộng sông phù hợp; xác định sơ bộ khối lượng đào, đắp của các khu vực.

Ngoài ra, đồ án cũng xác định các chương trình và dự án đầu tư ưu tiên; xác định tổng mức đầu tư và phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn quy hoạch; xác định quy mô, nguồn vốn đầu tư và các giải pháp huy động nguồn lực cộng đồng...

Các đại biểu tham dự hội theo nghe đại diện đơn vị tư vấn đề xuất các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đại biểu tham dự hội theo nghe đại diện đơn vị tư vấn đề xuất các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

TS. Tô Thúy Nga, giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm chế độ tự chảy của trạm bơm chống ngập cuối đường Ông Ích Khiêm, Thuận Phước và Trương Chí Cương; xây dựng quy trình vận hành của các hồ điều hòa, đầu tư các trạm đo mực nước tại cửa van…  và tự động hóa trong vận hành; xây dựng thêm các tuyến cống để tăng khả năng thoát nước từ các khu vực ngập; xây dựng bản đồ ngập lụt hoặc ngập úng đô thị kèm theo các phương án ứng phó.

Đối với phương án đầu tư cống thoát nước mưa từ lưu vực 2 cửa xả ven biển Mỹ Khê, Mỹ An và sông Hàn, qua tính toán liên quan đến lan truyền vật chất, nước mưa chảy ra sông Hàn sẽ không gây ô nhiễm môi trường; nhưng khi mưa quá lớn, 2 cửa xả này vẫn phải mở để nước mưa thoát ra bãi biển nhằm tránh gây ngập úng cho khu vực dân cư và khu du lịch...

PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP
PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP

PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, theo nội dung đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021, các khu vực cũ, khu vực cải tạo cần đề xuất giải pháp xử lý, không nhất thiết phải bảo đảm (đắp thêm) để có cao độ nền tương ứng với tần suất thiết kế 1%.

Vì thế, trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần làm rõ các khu vực được giữ nguyên cao độ nền, khu vực có sự thay đổi. Đối với khu vực không đáp ứng được tần suất tính toán 1% thì cần bổ sung giải pháp “sống chung” với ngập nước khi mưa quá lớn.

Những khu vực bố trí công viên, vườn hoa, mảng cây xanh, mặt nước... cần được tận dụng làm nơi chứa nước mưa tạm thời, làm giảm ngập úng, thoát nước bền vững cho đô thị.

Các phương án thoát nước có gắn kết với lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố cần được làm rõ hơn.

Số lượng dự án thoát nước và chống ngập nước trong khu vực đô thị khá lớn với gần 180 dự án (chưa kể khu vực huyện Hòa Vang), số lượng dự án ưu tiên được đề xuất đầu tư rất nhiều, cần phải được làm rõ thêm thời gian thực hiện, khả năng huy động, cân đối nguồn vốn... để bảo đảm tính khả thi, sớm được triển khai, góp phần chống ngập nước cho thành phố.

HOÀNG HIỆP

.