Làm gì để bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động?

.

ĐNO - Theo thống kê, trong năm 2023, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xảy ra 51 vụ tai nạn lao động. Như vậy, để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và ý thức chấp hành của người lao động.

Các doanh nghiệp chú trọng khám sức khỏe định kỳ cho người lao động để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp. TRONG ẢNH: Công ty TNHH PI VINA Đà Nẵng tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Ảnh: L.P
Các doanh nghiệp chú trọng khám sức khỏe định kỳ cho người lao động để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp. Ảnh: L.P

Tai nạn lao động xảy ra tập trung chủ yếu vào các ngành nghề và lĩnh vực lao động giản đơn trong xây dựng, vận hành máy và thiết bị sản xuất; các sự cố dẫn đến tai nạn lao động chủ yếu là do điện giật, ngã cao, do vật rơi và đổ sập... Nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn lao động chủ yếu là do vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động…

Năm 2023, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, đối thoại về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, công tác kiểm định máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…, với gần 800 người lao động, cán bộ nhân sự, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động của 300 doanh nghiệp tham gia…

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, BHXH thành phố, LĐLĐ thành phố tổ chức thanh tra 10 doanh nghiệp sử dụng từ 200 lao động trở lên, làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, dễ xảy ra tai nạn lao động. Qua thanh tra đã chỉ ra những sai phạm của các doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, kịp thời kiến nghị người sử dụng lao động khắc phục những tồn tại hạn chế xảy ra.

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương, các cơ quan thông tin truyền thông đã tích cực đưa nhiều tin, bài, phóng sự và ảnh về các hoạt động hưởng ứng Tháng an toàn, vệ sinh lao động ở lĩnh vực xây dựng, thi công các công trình cầu đường, các công trình giao thông trọng điểm; ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hoá chất có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; cơ sở chiết nạp, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; cơ sở kinh doanh xăng dầu; các đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; các chợ thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn thành phố Đà Nẵng,....

Theo ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Chính sách, việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đơn  vị đã thực hiện xác nhận khai báo của các doanh nghiệp đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; phối hợp Sở Xây dựng trong công tác thẩm định cho phép lắp đặt cần trục tháp thi công các công trình xây dựng trên địa bàn; phối hợp Sở Y tế và các đơn vị tổ chức kiểm tra 44 cơ sở lao động về việc chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động, chỉ đạo Phòng Y tế quận, huyện phối hợp Trung tâm y tế quận, huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở lao động trên địa bàn về công tác vệ sinh lao động.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những hạn chế như: còn nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chưa quan tâm đến hoạt động an toàn, vệ sinh lao động; doanh nghiệp sử dụng máy móc thiết bị cũ, lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động, nguy cơ mất an toàn lao động làm cho điều kiện lao động ít được cải thiện; nhận thức của một bộ phận người lao động còn xem nhẹ công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nên chưa có biện pháp tự bảo vệ tính mạng của bản thân và tài sản của doanh nghiệp.

Việc chăm sóc sức khỏe người lao động, khám sức khỏe định kỳ, đo môi trường lao động mặc dù đã đi vào nề nếp. Nhưng công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động tại một số bộ phận doanh nghiệp chưa thực hiện tốt...       

Theo ông Tiến, để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian đến, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động hoặc có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Các sở, ngành, quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí, điện, điện tử, chế biến gỗ, hóa chất…

Các đơn vị, doanh nghiệp phân công, bố trí người có đầy đủ năng lực chuyên môn để làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đầy đủ cho các đối tượng theo quy định; thực hiện việc kiểm định các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và thực hiện khai báo trước khi đưa vào sử dụng; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

Các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác tự kiểm tra để phát hiện những thiếu sót, mất an toàn và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động để đưa ra các biện pháp phòng ngừa.

Tăng cường tổ chức việc đánh giá và hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định để đề ra các biện pháp cải thiện điều kiện lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị, từ đó chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

THU HƯƠNG 

;
;
.
.
.
.
.
.