Xã hội

Nâng cao chất lượng hoạt động tổ dân phố, thôn

07:59, 08/05/2024 (GMT+7)

Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 30-10-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động tổ dân phố, thôn, xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm: quản lý cư trú chặt chẽ, giữ vững an ninh trật tự; phòng, chống tội phạm; giúp nhau giảm nghèo và bảo đảm tốt vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư. Qua 10 năm thực hiện, nhiều kết quả tích cực đã làm nổi bật vai trò của tổ dân phố, thôn.

Công an phường Hòa Hải tiến hành tuần tra, kiểm tra đêm về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: NVCC
Công an phường Hòa Hải tiến hành tuần tra, kiểm tra đêm về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: NVCC

Bài 1: Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Chưa bao giờ vai trò của tổ trưởng, thôn trưởng quan trọng như hiện nay, nhất là trong và sau giai đoạn dịch bệnh. Nhờ đó mối quan hệ giữa người dân trong khu dân cư xích lại gần nhau hơn. Mối quan tâm của người dân về môi trường sống, các hoạt động mang ý nghĩa tập thể được triển khai với nhiều cách làm hay, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Phát huy vai trò của tổ trưởng, thôn trưởng

Dù mới nhận chức tổ trưởng vài tháng, song bà Huỳnh Thị Hương Lan, Tổ trưởng tổ 90, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) được “thử sức” điều hành khu dân cư (KDC) ở vị trí tổ phó nhiều năm trước. Đặc biệt giai đoạn chống Covid-19 năm 2021, tổ 90 là một trong những điển hình của phường trong các hoạt động phòng, chống dịch. Bà Lan kể, gần hai tháng ở trong tổ cung ứng thực phẩm, hằng ngày bà chạy xe đến các siêu thị, điểm cung ứng thực phẩm trên địa bàn phường để mua thực phẩm, thuốc men cho người dân tổ dân phố và các KDC lân cận, rồi về sắp xếp, phân chia đến từng hộ. Riêng câu chuyện chống dịch cho thấy sự cống hiến vì tập thể của các tổ trưởng, bí thư chi bộ, các hội đoàn thể ở KDC.

Bà Lan nói  mình may mắn khi được kế thừa những “thành tựu” mà người tiền nhiệm đã làm và thấy ở nơi nào có cách làm hay liền đưa về áp dụng để tổ 90 ngày càng vững mạnh hơn. Là địa bàn khu chung cư, mỗi hộ đóng 80.000 - 100.000 đồng/năm để chi trả cho người dọn vệ sinh, lau chùi hành lang mỗi tuần hai lần; thay bóng đèn bị cháy dọc hành lang, cầu thang bộ hay thăm viếng mỗi khi gia đình nào có người mất hay đau ốm. Toàn chung cư được lắp camera an ninh ở mỗi tầng và các góc ngoài chung cư, bảo đảm an ninh trật tự. Vào những dịp lễ, Tết, 1-6 hay Trung thu, ban điều hành tổ tổ chức trang trí, vui chơi cho thiếu nhi, đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các gia đình. “Tôi nghĩ vì phần lớn dân là cán bộ, công chức như tôi nên họ hiểu việc tôi làm là cho tập thể. Người dân đồng thuận hỗ trợ nhiều cho ban điều hành tổ dân phố nên chúng tôi vận hành công việc một cách suôn sẻ, người dân tham gia nhiệt tình các phong trào, góp ý vào việc điều hành nên công việc của tổ trưởng cũng nhẹ nhàng hơn”, bà Lan chia sẻ.

Ngoài công việc điều hành tổ dân phố, truyền đạt các chủ trương, chính sách từ cấp trên, nhiều tổ dân phố, thôn hiện nay triển khai phong trào bảo vệ môi trường bằng cách phân loại rác thải tại nguồn tạo nguồn thu để duy trì các hoạt động của tổ hay hỗ trợ hộ nghèo trong khu vực, làm khu vui chơi cho trẻ em… Bà Trần Thị Duẩn, Bí thư Chi bộ thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) cho rằng, mô hình trồng ớt của thôn đã tạo dựng được thương hiệu những năm qua. Hiện nay thôn đang tiếp tục cải tạo ruộng hoang thành đất khô để trồng thêm bắp, đậu phộng trên diện tích gần 4ha. Việc làm này có công lớn của trưởng thôn Tán Văn Thạnh, người có hơn  10 năm làm trưởng thôn, đưa thu nhập của bà con trong thôn tăng 35-40 triệu đồng/người/năm lên 56 triệu đồng/người/năm như hiện nay.

Hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cao.  Trong ảnh: Người dân thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang phân loại ớt trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: H.N
Hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cao. TRONG ẢNH: Người dân thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang phân loại ớt trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: H.N

Các mô hình hay ở khu dân cư

Qua triển khai Chỉ thị 21-CT/TU, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, đặc biệt là các phong trào bảo vệ an ninh khu vực. Điển hình như mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” và CLB “Sinh viên 3 tự quản” do Công an phường Hòa Hải phối hợp Đoàn Thanh niên phường thành lập ở Ngũ Hành Sơn. CLB “Sinh viên 3 tự quản” phòng chống tội phạm có 27 thành viên, phối hợp các lực lượng khác như Đoàn thanh niên phường, Công an phường, lãnh đạo Trường Cao đẳng Du lịch, cấp ủy chi bộ cơ sở bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn.

Trong năm 2023 các thành viên CLB tham gia tuần tra trên các tuyến đường vắng người qua lại không có điện đường, nhắc nhở 23 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, giải tán 10 vụ nhóm thanh niên tụ tập ăn nhậu ở các vỉa hè. Bên cạnh đó thường xuyên tuyên truyền vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và vận động các sinh viên tạm trú chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và nhà trường. Hơn 20 năm thành lập, CLB  đón và chia tay nhiều thế hệ sinh viên, song hoạt động vẫn được duy trì, bảo đảm an ninh trật tự địa phương.

Mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” của đội Dân phòng cơ động nữ được thành lập cách đây tròn 10 năm, nhằm giúp đỡ các đối tượng liên quan đến sử dụng trái phép chất ma túy cũng như tội phạm về ma túy, có ý thức về vai trò trong gia đình và xã hội. Các thành viên của đội thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên đối tượng, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và có hướng đề xuất giải quyết nhằm tạo sự gần gũi cho đối tượng sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Trong 10 năm hoạt động, nhiều đối tượng hình sự, ma túy và vi phạm pháp luật được hỗ trợ bởi mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”, nhất là được cảm hóa giáo dục để tránh xa chất cấm, làm lại cuộc đời.

Trung tá Trần Hữu Hùng, Trưởng Công an phường Hòa Hải cho biết, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn phường tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Phường tiếp tục tập trung củng cố lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, duy trì hoạt động của các đội dân phòng cơ động nam và nữ; nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua các hoạt động, nhân dân cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị liên quan đến trật tự an toàn xã hội, giúp lực lượng công an điều tra làm rõ, xây dựng tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội, cơ quan, trường học tự quản, an toàn, đoàn kết, văn hóa.

Phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu là địa phương đầu tiên của thành phố xây dựng mô hình cựu công an tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở KDC. Được triển khai thí điểm vào tháng 4-2022 tại KDC 8 Đà Sơn, mô hình sẽ tiến hành sơ kết và nhân rộng ở các KDC khác. Hiện nay mô hình  đổi tên thành chi hội “Công an hưu trí tham gia xây dựng KDC an toàn về an ninh trật tự”. Với uy tín, trách nhiệm và sự hiểu biết sâu về pháp luật, lực lượng công an hưu ở KDC tiếp cận đối tượng, nắm tình hình liên quan đến an ninh trật tự (ANTT), trao đổi cảnh sát khu vực để kịp thời xử lý, không để hình thành các điểm nóng phức tạp về ANTT.

Đồng thời, phối hợp ban điều hành KDC, tổ dân phố cảm hóa giáo dục các đối tượng; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chi hội trưởng Nguyễn Hữu Hoa cho rằng, tình hình an ninh trật tự nhiều năm qua được giữ vững nhờ chính quyền địa phương phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên các mặt công tác, trong đó có sự đóng góp của những cán bộ công an hưu vào thành tích chung của phường.

Trước đây, những người làm công tác tại KDC được gọi đùa là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” với hàng chục việc không tên khi chính quyền, người dân cần đến. Hiện vai trò của tổ trưởng, trưởng thôn được xem là cánh tay nối dài của chính quyền các cấp, quy tụ những người có tinh thần trách nhiệm, tích cực, nhiệt tình tham gia vào các phong trào của địa phương, nhờ đó các KDC ngày càng vững mạnh, bình yên.

Sáng tạo bằng những mô hình tiêu biểu
Để triển khai hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND các quận, huyện, phường, xã xây dựng nhiều mô hình hay như “4 tự (tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải)”, “3 chủ động” gắn với “tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “3 tăng cường (tăng cường phối hợp giữa các lực lượng; tăng cường tinh thần tố giác tội phạm trong nhân dân và tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong xử lý tin báo và đấu tranh phòng chống tội phạm; tăng cường kinh phí hoạt động)”, “Bữa cơm yêu thương đến người lao động nghèo”, mô hình “Vitamin hạnh phúc”, “Câu lạc bộ Sống xanh” (triển khai trên địa bàn các phường thuộc quận Sơn Trà), “3 biết, 2 hỗ trợ”, “Sinh viên tạm trú 3 tự quản”, “Góp vốn xoay vòng” (triển khai trên địa bàn các phường thuộc quận Ngũ Hành Sơn), “Quản tại chỗ, ngăn từ xa”, “Mái ấm xanh”, “Tiếng trống môi trường - phân loại rác thải” (triển khai trên địa bàn các phường thuộc quận Cẩm Lệ), “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm, Camera tự quản” (triển khai trên địa bàn các xã thuộc huyện Hòa Vang)..., tạo được sự gắn kết, kết nối giữa nhân dân và nhân dân với chính quyền.

HOÀNG NHUNG - TRỌNG HUY

.