Xã hội
Báo chí đồng hành sự phát triển của xã hội
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024), Báo Đà Nẵng ghi nhận các ý kiến, góp ý, đề xuất của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về vai trò và sự đóng góp của báo chí đối với công tác tuyên truyền, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, góp phần chung vào sự phát triển của thành phố.
Ảnh: K.L |
* Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Dũng:
Đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng đa phương tiện
Các cơ quan báo chí nói chung, Báo Đà Nẵng nói riêng đã phản ánh chân thực những hoạt động sôi nổi trong công tác Đoàn - Hội - Đội và phong trào thanh, thiếu nhi thành phố. Trong đó, điểm nhấn là các hoạt động cao điểm hưởng ứng “Tháng thanh niên”, “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè”, “Đông tình nguyện”, “Xuân yêu thương” và những hoạt động được tổ chức nhân các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của thành phố.
Báo chí còn chung tay, góp sức cùng tổ chức Đoàn trong các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo, hỗ trợ các nhu cầu, nguyện vọng của người dân khó khăn. Qua đó, góp phần khắc họa hình mẫu thanh niên thời đại mới “Tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn”, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, các cơ quan báo chí cần chủ động nắm bắt những vấn đề dư luận quan tâm, lan tỏa hơn nữa những tin tốt, câu chuyện đẹp theo hướng gần gũi, phù hợp với tâm tư, tình cảm của thế hệ trẻ hiện nay.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về cơ chế chính sách gắn với đời sống cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin cho người dân. Đồng thời, cần đổi mới phương thức tuyên truyền đa phương tiện để tạo hiệu quả trong các hoạt động truyền thông, thích ứng với các yêu cầu của tình hình mới.
* Đại tá Bùi Chí Loan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh thành phố:
Báo chí đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch
Các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và Báo Đà Nẵng có nhiều cố gắng trong công tác đổi mới tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Trong đó, nổi bật là công tác tuyên truyền, đấu tranh với các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, tiêu cực trong nội bộ.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền về công tác hội và phong trào cựu chiến binh, góp phần động viên cán bộ, hội viên, cựu quân nhân giữ vững phẩm chất, đạo đức cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
* Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương:
Giữ vững truyền thống của báo chí cách mạng “Bút sắc - Tâm trong - Trí sáng”
Các cơ quan báo chí tích cực đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tích cực đến nhân dân, xây dựng tổ chức hội vững mạnh và khẳng định vị thế tiên phong hành động vì hạnh phúc, bình đẳng, phát triển của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển chung của thành phố.
Trong đó, Báo Đà Nẵng đồng hành Hội LHPN thành phố đưa nhiều tin, bài viết phản ánh phong trào, hoạt động hội và những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, chuyên trang “Phụ nữ Đà Nẵng thời đại mới” phát hành định kỳ mỗi quý trên Báo Đà Nẵng góp phần tuyên truyền, xóa bỏ định kiến về giới, khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trong đời sống xã hội hiện nay.
Nhằm đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác tuyên truyền, Báo Đà Nẵng cần tiếp tục giữ vững truyền thống của báo chí cách mạng, giữ đúng phương châm “Bút sắc - Tâm trong - Trí sáng”.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, hình thức, có chiến lược phát triển các loại hình báo chí đa phương tiện trên đa nền tảng. Bên cạnh đó, nhanh chóng, kịp thời phản ảnh, định hướng thông tin có chiều sâu về những vấn đề “nóng”, “nổi cộm” đang diễn ra và được sự quan tâm của dư luận.
* Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết:
Kênh truyền thông quan trọng để phát triển giai cấp nông dân
Thời gian qua, các cơ quan báo chí là kênh truyền thông quan trọng, góp phần xây dựng, phát triển giai cấp nông dân; kịp thời tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quá trình xây dựng nông thôn mới đến gần với nông dân.
Ngoài ra, báo chí, truyền hình là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nông dân thông qua việc phản ánh những kiến nghị, nguyện vọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần xây dựng, phát triển Hội Nông dân thành phố và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đặc biệt, Hội Nông dân thành phố phối hợp Báo Đà Nẵng tổ chức các chuyên đề nhằm truyền tải kiến thức, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các mô hình sản xuất mới hiệu quả đến nông dân.
Hội Nông dân thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền hình để nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền, kịp thời lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh để nông dân dễ dàng tiếp cận, góp phần xây dựng, phát triển “Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn” trên địa bàn thành phố.
NGỌC QUỐC (thực hiện)