Xã hội
Phát huy vai trò của Công đoàn tham gia xây dựng Đảng
Các cấp Công đoàn thành phố luôn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành phố, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (thứ 4, bên phải sang) tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa công nhân lao động với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức vào tháng 5-2024. Ảnh: P.H |
Nhận thức rõ vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, LĐLĐ thành phố đã cụ thể hóa thành nhiều văn bản về công tác Công đoàn tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trên cơ sở Quyết định số 589/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành quy định về việc tổ chức Công đoàn Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, quát triệt trong toàn hệ thống Công đoàn nhằm triển khai thực hiện hiệu quả. Kết quả, các cấp Công đoàn thành phố góp ý 95 lượt ý kiến trong việc xây dựng tổ chức Đảng, liên quan đến việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề về việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động; thuế thu nhập cá nhân, thi đua - khen thưởng; các dự án nhà ở xã hội cho công nhân lao động, hạ tầng xã hội và thiết chế văn hóa cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và người thu nhập thấp ở đô thị; giá dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý, các gói hỗ trợ phòng, chống Covid-19...
Bên cạnh đó, Công đoàn tham gia xây dựng Đảng thông qua giới thiệu đoàn viên ưu tú cho cấp ủy đảng theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ phát triển đảng viên khi đủ điều kiện. Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, các cấp Công đoàn thành phố giới thiệu 10.988 đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, có 4.992 người được kết nạp vào Đảng. Đối với việc góp ý cho đảng viên, các cấp Công đoàn tập trung các vấn đề liên quan đến phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; việc đảng viên giữ mối quan hệ với nhân dân. Hình thức thực hiện công tác này khá phong phú, như: góp ý cuối năm khi kiểm điểm, góp ý thường xuyên qua sinh hoạt, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú đối với đảng viên hằng năm; góp ý đảng viên tại các cuộc họp chi bộ hằng tháng…
Việc góp ý xây dựng chính quyền được thực hiện bằng văn bản và thông qua các hội nghị định kỳ, thường xuyên, đột xuất. Các nội dung góp ý chủ yếu liên quan đến đời sống, việc làm của người lao động như công tác quy hoạch, kế hoạch và sử dụng quỹ đất đai để thực hiện dự án xây nhà ở xã hội, tiền lương, thu nhập; hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động; chính sách bảo hiểm, chính sách hỗ trợ ảnh hưởng do Covid-19; sửa đổi, bổ sung và thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Công đoàn, Luật Việc làm và các luật khác có liên quan đến người lao động. Ngoài ra, Công đoàn tham gia cùng các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách đối với người lao động khi sắp xếp, cổ phần hóa, giải thể, phá sản đơn vị... Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW đã có 525 lượt ý kiến các cấp Công đoàn thành phố gửi đến tổ chức, cơ quan, chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế trong việc Công đoàn thực hiện công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Theo ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, việc thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của các cấp Công đoàn đôi lúc, đôi nơi chưa được toàn diện, còn lúng túng, chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tổ chức góp ý, cách thức tập hợp, phản ánh ý kiến góp ý… khiến việc thực hiện quy định có lúc, có nơi còn khó khăn, vướng mắc.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian đến, các cấp Công đoàn thành phố tích cực phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt quy định góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để thống nhất về nhận thức trong các cấp, các ngành. Công đoàn các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động từng năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị trên cơ sở trao đổi, thống nhất với chính quyền, báo cáo cấp ủy cùng cấp để triển khai thực hiện với nội dung và hình thức phù hợp; xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, người lao động để nắm tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời những vấn đề còn vướng mắc, bức xúc trong công nhân, viên chức, lao động; củng cố, nâng cao hơn nữa niềm tin của người lao động đối với Đảng, chính quyền và vai trò, vị trí của Công đoàn các cấp.
“Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, LĐLĐ thành phố đã có nhiều kiến nghị gửi đến Tổng LĐLĐ Việt Nam để từ đó khắc phục những vướng mắc từ thực tế và có quy trình cụ thể để nâng cao hiệu quả trong việc công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các cấp Công đoàn”, ông Lê Văn Đại cho biết.
P.H